Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 19



Chánh văn:

Phật dạy: “Pháp của Ta: Niệm, không niệm, niệm; Hành, không hành; Nói, không nói, nói; Tu, không tu, tu. Kẻ lãnh hội thì rất gần, người mê thì rất xa. Đường ngôn ngữ dứt, chẳng bị vật gì ràng buộc. Sai đi mảy may ắt mất trong khoảnh khắc.”

Giảng:

Đoạn này cũng là đoạn chỉ thẳng tự tánh. Pháp Phật luôn dạy chúng ta quay trở lại tự tánh, nhận được bản thể, được Phật tri kiến của chính mình. Pháp đó được Phật chỉ dạy cụ thể ở bốn phương diện: Niệm, hành, nói và tu.

Niệm, không niệm, niệm.

Niệm là nhớ không quên, cái nhớ biết này luôn hằng hữu, có thể lý giải đây là tánh nhớ biết của tự tâm. Muốn sống trở lại với tự tánh thanh tịnh thì niệm mà không thấy có người niệm và pháp được niệm, không có năng sở, không có phân biệt, chỉ thuần túy một niệm nhớ biết mà thôi. Có nghĩa là quay lại nhận lấy cái nhớ biết được hiển lộ từ tự tâm.

Ví dụ khi thấy một đóa hoa, lập tức biết rõ đó là gì, không trải qua phân biệt mà tự biết rõ hình dáng, màu sắc, hương vị của nó. Tại sao không phân biệt mà biết? Vì đó là diệu dụng của tự tánh. Không cần khởi tưởng đây là hoa mà vẫn biết đó là hoa, nên nói niệm mà không niệm mới thật sự là niệm.

Đây là nói ví dụ đơn giản cho dễ hiểu, còn trong quá trình tu thì chữ niệm này có chiều sâu hơn nhiều. Nó bao gồm tất cả những tri kiến, những nhận biết khi đối duyên xúc cảnh: Mắt đối sắc, tai đối tiếng v.v… Đối với tất cả những niệm đó, đều không khởi chấp, thấy nghe hiểu biết mà không phân biệt, không dính mắc, đó gọi là “niệm, không niệm, niệm”. Như kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn” (Thấy biết mà không lập thấy biết, chính khi đó là Niết-bàn).

Hành, không hành, hành.

Hành là hành vi tạo tác, là thi vi vận động. Đã là hữu tình thì đều có hành vi tạo tác, nếu không tạo tác thì không gọi là hữu tình mà trở thành vô tình, vô tri như đất nước gió lửa. Hành vi tạo tác chính là diệu dụng của tự tánh hiển lộ qua sáu căn: Qua mắt thấy sắc, qua tai nghe tiếng, qua mũi biết mùi, qua lưỡi nếm vị, qua thân biết xúc, qua ý biết nghĩ. Cái biết ban đầu của tự tánh vốn sáng suốt mà không phân biệt, gọi là “Tự tâm hiện lượng”, ngay đó liền thấy biết mà không cần khởi qua ý phân biệt. Nên Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói “Phân biệt cũng không phải ý”, chữ “phân biệt” này là chỉ sự rõ biết hiện tiền của tự tánh. Thế nên, tuy làm tất cả mà không khởi tâm làm, thấy biết tất cả mà không khởi tâm thấy biết, nên nói “hành, không hành, hành”.

Ví dụ đang khát nước, lấy ly nước uống. Đó là một hành vi, nhưng hành vi đó hoàn toàn do khát mà làm, rất tự nhiên. Và đó chính là dụng của tự tánh. Như người xuất gia, đến giờ công phu, đắp y lên chánh điện tụng kinh, lễ Phật, hành vi tạo tác một cách bình thường như đói ăn, khát uống, chớ không nghĩ tụng kinh, lễ Phật để được phước, để làm gương cho chúng sanh, để người khác thấy mình tu tốt v.v…, hoàn toàn không có những sở nghĩ, sở niệm đó. Làm mà không thấy mình làm, không thấy việc được làm, không một niệm chấp dính, chỉ theo duyên mà khởi dụng, đó mới thật sự là làm. Trong nhà thiền thường gọi là “Vô sự”, làm tất cả việc mà như không làm vì không đắm dính.

Nói, không nói, nói.

Cũng tương tự như hành, khi cần nói thì nói, nói mà không chấp vào lời nói. Đức Phật thường nói: “Suốt 49 năm, Ta không nói một lời”, dù Ngài để lại vô vàn lời dạy, 84.000 pháp môn, mà vẫn là “Không nói một lời”. Vì sao? Vì tất cả những lời Ngài nói đều chỉ là phương tiện độ người, như dùng ngón tay chỉ mặt trăng, người nhận ra mặt trăng rồi thì ngón tay không còn giá trị nữa. Ngôn ngữ văn tự chỉ là pháp đối đãi giả lập, mượn cái giả tạm để chỉ bày cái chân thật. Cái chân thật tồn tại vĩnh hằng, còn cái giả dối chỉ là pháp tạm bợ, mượn dùng chớ không dính vào nó, nên nói mà không dính vào ngôn ngữ, gọi là “Nói, không nói, nói”. Nói như thế mới thật là nói.

Tu, không tu, tu.

Tu là sửa, là buông bỏ tập khí. Sửa tập khí, buông tập khí, chớ không phải sửa tự tánh hay bỏ tự tánh. Bởi tự tánh vốn trọn vẹn, không lỗi lầm nên không có gì để sửa. Cái do nhân duyên hòa hợp, cái chịu sanh diệt thì mới sửa được; còn cái bất sanh diệt, tồn tại vĩnh hằng, làm sao sửa? Cho nên, sửa đây là sửa những điều mê lầm, những thói quen do huân tập thành, như tham, sân, tật đố, ngã mạn v.v… Sửa như vậy gọi là tu. Tu sửa mà không thật sự có cái gọi là tu sửa, bởi tập khí là những thói quen do mình tập lâu ngày mà có, chỉ cần không tiếp tục nữa, nó sẽ tự dứt, không có gì gọi là sửa cả. Như người ghiền thuốc, do tập hút lâu ngày thành ghiền, muốn bỏ cơn ghiền này, chỉ cần không hút nữa, một thời gian sau sẽ không còn ghiền. Cái ghiền này do tập mà sanh, thì cũng do không tập nữa mà diệt. Tánh ghiền vốn không thật nên mới chịu sanh diệt. Tham, sân, si… cũng vậy, do mê lầm mà tập thành thói quen, đeo dính theo mình nhiều đời kiếp, khi thức tỉnh, biết chúng chỉ là pháp tập thành, không thật có, buông bỏ dần, không chìu uống theo những thói quen đó nữa, một thời gian, chúng sẽ tự dứt. Chúng không có thật để mình tu sửa, chỉ cần buông bỏ là xong, còn bản tánh mình luôn hằng còn, trọn vẹn, nên nói “Tu, không tu, tu”. Tu mà không thấy có mình tu, có pháp tu, không chấp không dính, như vậy mới là thật tu.

Như vậy, “Niệm, không niệm, niệm; hành, không hành, hành; nói, không nói, nói; tu, không tu, tu”, là nói tất cả những nhớ nghĩ, hành vi, tạo tác, nói năng, tu sửa của mình đều chỉ là thuận duyên mà làm, làm nhưng không chấp, không dính. Vì tất cả những điều đó chỉ là diệu dụng của tự tánh. Thể của Bản tánh luôn thanh tịnh, diệu dụng lại rất mầu nhiệm, đa dạng, biến hóa. Thế nên, chúng ta tu là khi đối duyên xúc cảnh, xử lý các việc mà không chấp vào bất cứ pháp nào. Như thế mới thật là thể hội tự tánh, thể nhập bản tâm, là pháp thật của Phật. Pháp Phật chỉ đơn giản vậy thôi. Kể cả các pháp phương tiện cũng rất đơn giản.

Khi chưa thể buông niệm được thì Đức Phật phương tiện dạy mình pháp quán tưởng để buông được. Như tham sắc, Phật dạy quán bất tịnh. Quán xong rồi bỏ, chớ không dính cứng vào pháp quán đó. Tất cả pháp quán tưởng đều chỉ là những pháp tạm thời, dùng trong một giai đoạn nào đó để đối trị. Khi buông được rồi, không cần quán nữa, như kinh Kim Cang, Phật dạy: “Đến bờ rồi thì bỏ bè”.

Pháp Phật dạy luôn tùy duyên, không cố định, tùy người, tùy hoàn cảnh mà dạy khác nhau. Vì tự tánh mình vốn không từng lầm lỗi, luôn hoàn thiện, hoàn mỹ, chỉ vì chúng sanh mê lầm tạo lỗi khác nhau, nên Đức Phật dạy các pháp môn đối trị khác nhau. Đã là pháp đối trị thì không cố định. Đức Phật như một Đại lương y, một bác sĩ giỏi, tùy bệnh cho thuốc, không cố định một loại thuốc nào. Ngài có trí tuệ vô thượng, rõ biết nên dạy như thế nào để chúng sanh nhận được tự tánh, thấy được chân lý.

Chương này nhấn mạnh cốt lõi trong lời dạy của Đức Phật là nhớ nghĩ tất cả, làm tất cả, nói tất cả, tu tất cả mà không đắm vào bất cứ đâu, không chấp vào bất cứ thứ gì.

Hiểu rõ tông chỉ này, chúng ta tu tùy duyên, sử dụng bất cứ pháp nào thích hợp với mình, miễn là thể nhập được tự tánh, thấu được bản tâm, nhận được chân lý, thì đó là pháp hay nhất cho chính mình. Cho nên, người tu không ai giống ai, mỗi người có con đường riêng, có cách tu riêng. Tổ sư có nói: “Thường độc hành, thường độc bộ, đạt giả đồng du Niết Bàn lộ”. “Thường độc hành, thường độc bộ” là đi một mình, hành một mình, nghĩa là khi tu, mình hành theo cách nào tốt nhất, phù hợp với mình nhất. Mỗi người có thể sẽ hành theo cách khác nhau, nhưng đích đến đều như nhau, đều cốt nhận được bản tâm, sống lại với tự tánh thanh tịnh sáng suốt của chính mình, nên nói “đạt giả đồng du Niết-bàn lộ”, tức là khi đạt, tức khi đã ngộ thì đồng đi trên đường Niết-bàn, đồng nhận được bản thể thanh tịnh xưa nay. Mà bản thể này, chư Phật và chúng sanh đồng đẳng không khác.

Hiểu như vậy, chúng ta tu sẽ không chấp vào đâu hết. Nếu giữ giới sẽ không chấp mình giữ giới, bực bội khi thấy người khác không giữ giới rồi tự sanh trói buộc. Tu mà thấy mình có tu là còn chấp, phải tu mà thấy như không tu mới phải.

Ngoài ra, có lúc mình chọn tu pháp này, sau một thời gian đổi qua pháp khác, sao cho phù hợp với từng giai đoạn tu tập của mình. Như khi mình sơ cơ, mới tu, còn nhiều sân giận, khi đó chủ yếu tu quán tâm từ, một thời gian, sân giảm thì chuyển qua tu trí, phát triển trí huệ, đặt nặng Tam huệ học: Văn, tư, tu. Tùy theo việc tu học của mình mà thay đổi cho phù hợp, không cố định tu một pháp suốt đời. Chỉ có mục đích là cố định, đó là làm sao để nhận ra và thể nhập tự tánh. Pháp tu nào giúp mình thể nhập được nhanh nhất, tốt nhất thì mình chọn tu.

Kẻ lãnh hội thì rất gần, người mê thì rất xa.

Nếu lãnh hội được sẽ thấy pháp Phật dễ vô cùng, như chư vị Thiền sư thường nói: “Ngay dưới gót chân ông.” Pháp Phật không đòi hỏi mình làm việc gì quá sức. Nếu bắt ngồi thiền ba bốn tiếng một lần, năm bảy thời một ngày, thì những vị bệnh khớp khỏi tu. Hay bắt buộc chỉ được ngủ dưới gốc cây, thì những vị lớn tuổi, người bệnh hoạn, trẻ nhỏ… ắt chẳng thể tu.

Đức Thế Tôn không cố định khi dạy pháp cho người. Xưa Đề-bà-đạt-đa đề nghị Phật chế giới bắt buộc Tăng Ni tu khổ hạnh, đức Phật không chấp nhận. Với Phật, hạnh đầu đà là pháp trợ duyên, ai thích thì hành, không thì thôi, không ảnh hưởng đến việc nhận được chân lý, nên Phật không chế định thành giới.

Pháp Phật phù hợp với tất cả mọi người, từ đứa trẻ 7 tuổi đến cụ già 120 tuổi đều tu được. Nếu cố định một pháp phù hợp với lứa tuổi này, hạng người này, sẽ không phù hợp với lứa tuổi kia, hạng người kia. Lúc 7 tuổi tu khác, 120 tuổi tu khác, đâu thể giống nhau, nên không cố định một pháp, mà có đến 84.000 pháp, phù hợp với mọi người, mọi lứa tuổi nên rất dễ thực hành và lúc nào cũng tu được. Lúc trẻ tu khác, khi già tu khác, lúc mạnh có cách tu của lúc mạnh, lúc đau tu theo thân đau, mọi lúc đều có thể hưởng niềm vui đạo, không bị ảnh hưởng bởi ngoại duyên. Hiểu và làm được như vậy sẽ thấy pháp Phật rất hay, càng tu càng vui.

Nếu tự đặt mình vào khuôn, càng tu càng thấy khổ, vì tự đóng khung nhốt mình, đến lúc hết chịu nổi sẽ cảm thấy chán nản, muốn bỏ tu. Như có vị phát nguyện nhập thất tu lâu dài, tu một thời gian sanh cảm giác chán, chán sợ khi nhìn thấy bồ đoàn, thế là ra thất, rồi ra đời luôn. Vì tự ép mình, bắt buộc mình khi nhập thất phải như thế, như thế, giờ này phải làm việc này, giờ kia phải dụng công thế kia v.v…, buộc mình tu quá sức. Rồi càng tu càng mệt mỏi, càng thấy mê mờ, thấy không kham nổi nên khởi ý thối lui, bỏ đạo ra đời. Dụng công sai lầm như thế vì không hiểu ý Phật, không thấu được cốt lõi trong lời dạy của Ngài, nên nói “Người mê thì rất xa”. Tự trói mình trong thời khóa cố định, rồi làm không được nên chán nản, bực bội, phiền não…, trong khi pháp Phật là pháp không cố định, uyển chuyển theo duyên mà không mất bản tâm. Hiểu được sẽ thấy rất dễ hành, còn không hiểu sẽ thấy khó.

Đường ngôn ngữ dứt, chẳng bị vật gì ràng buộc.

Chỗ tột này không dùng ngôn ngữ diễn bày được. Vì sao? Tự tánh không hình tướng, làm sao nói? Lại cũng không bị vật gì ràng buộc. Giống như hư không hiện hữu đó mà không bị bất cứ thứ nào ràng buộc. Tự tánh cũng vậy, hằng hiển lộ, trùm khắp như hư không mà không bị thứ gì ràng buộc.

Sai đi mảy may ắt mất trong khoảnh khắc.

Chỉ cần mê một chút, chấp một chút là đã sai, đi ngược tự tánh, không thể thể nhập, và lập tức “mất trong khoảnh khắc, nghĩa là liền đó là mất. Như vua Trần Thái Tông nói: “Ngày cách quê hương muôn dặm trình”, quay ngược lại tự tánh thì càng đi càng xa. Nên khi dụng công phải “tử tế”, cẩn thận từng chút một, không để lầm mê, giống như “đi trên băng mỏng”, chệch một chút là lọt hố, lầm một chút liền rơi vào chấp, phải luôn ở trung đạo, không nghiêng bên nào. Chỉ cần khởi một niệm dính chấp liền rời khỏi tự thể, ra khỏi bản tâm. Tuy tâm luôn hiện hữu mà mình không thể nhập được.

Thế nên, chương này đức Thế Tôn chỉ thẳng bản tâm, khi chưa hiểu sẽ thấy khó, hiểu rồi sẽ nhận ra vô cùng đơn giản: Chỉ cần đừng dính, đừng chấp, đừng để thứ gì ràng buộc thì việc nhận ra và thể nhập tự tánh sẽ ở ngay trước mắt. Ngược lại, nếu tâm còn phân biệt dính mắc, sẽ như “Mười tạ dầu mè trên cây vuốt”, leo lên tuột xuống, mãi cũng không đến đích được. Tự tánh ngay đó mà chẳng thể nhận được, càng tu càng xa, càng đi càng cách.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.