Chánh văn:
Phật dạy: “Người thấy Đạo như cầm đuốc vào nhà tối, cái tối liền hết, chỉ còn lại cái sáng. Học đạo mà thấy Đế thì vô minh liền dứt, trí sáng thường còn.”
Giảng:
Đạo nghĩa là chân lý, Đế là sự thật chắc chắn. Thấy Đạo, thấy Đế là thấy được bản thể của vạn pháp, nhận được bản tâm. Khi đó, giống như cầm đuốc vào nhà tối, cái tối liền hết, sáng sanh là tối diệt. Sáng tối tuy là pháp đối đãi nhau, nhưng chỉ có sáng diệt được tối chớ tối không diệt được sáng. Ví dụ khi nhà tối, mình mở đèn liền sáng, đèn sáng đến đâu cũng diệt được tối; còn nhà đang sáng, không thể đem cái tối bên ngoài vào làm cho nhà tối được.
Sáng tượng trưng cho trí tuệ, tối tượng trưng cho vô minh. Khi trí tuệ sanh, những mê mờ lầm lạc, tức vô minh liền dứt, và không khởi lại nữa. Như người đi học, đã biết chữ rồi thì không thể trở lại mù chữ. Trí tuệ phá được vô minh, còn vô minh không diệt được trí tuệ.
Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật khẳng định: Như vàng trong khoáng đã được luyện thành vàng ròng, loại bỏ mọi cặn bả, dù có chôn xuống đất bao lâu cũng không thành khoáng lại, vẫn giữ nguyên là vàng ròng. Trí tuệ cũng vậy, khi đã ngộ rồi, đã sanh trí tuệ rồi thì sẽ thường còn không mất, vĩnh viễn sáng soi.
Tuy nhiên, phải là chỗ ngộ triệt để, sáng đạo thật sự, còn nếu chỉ mới vừa tin nhận được, phát sanh được chút ít trí sáng, cũng giống như ánh sáng của tia chớp, lóe lên rồi mất là chưa phải. Phải nương vào chút ánh sáng đó mà tiến lên, nếu cho là đắc đạo rồi buông lung ắt sẽ rơi vào đường tà, đọa lạc trở lại. Tu đúng là phải không ngừng buông xả, buông đến không còn gì để buông, trí sáng của tự tâm tự hiện, lúc đó mới có thể gọi là thấy Đạo, thấy Đế. Chỉ cần còn một chút dính chấp, dù là chấp chỗ sở chứng, sở ngộ, sở liễu, sở giác thì cũng là còn rơi vào bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng (Kinh Viên Giác). Còn bốn tướng tức chưa thể nhập tự tánh, còn rơi vào hai bên, chưa thật sự viên mãn công phu tu tập.
Ở đây đức Phật chỉ thẳng cho đệ tử đích đến của một Sa-môn, giúp mình có lòng tin tuyệt đối, không sợ hãi. Bởi khi đã nhận được chân lý, thấy được đạo rồi thì không còn sợ lui sụt hay đọa lạc nữa. Như quả Tu-đà-hoàn là quả đầu trong bốn quả Thanh văn, quả vị này đã có được chánh kiến, phá được ba kiết sử là thân kiến, giới cấm thủ và nghi. Quả vị này gọi là Kiến vị, tức đã thấy đạo, thấy chân lý, nhưng chưa dứt hết tập khí nên chưa hoàn toàn giải thoát. Tuy chưa giải thoát nhưng không còn đọa nữa vì đã có chánh kiến, không còn bị mê lầm tạo nghiệp nữa.
Do thói quen huân tập nhiều đời chưa hết, nên vị Tu-đà-hoàn cần phải trải qua 7 lần sanh tử để loại bỏ những tập khí đó, tập khí dứt sạch là đắc quả A-la-hán, giải thoát tự tại. Số 7 ở đây không có nghĩa là vị ấy phải sanh tử đủ 7 lần, mà ý chỉ sự viên mãn, bao giờ công phu vị ấy viên mãn, thói quen cũ dứt sạch, mọi kiết sử đều hết là việc làm đã xong. Có vị trong một đời, thậm chí trong một ngày, từ quả Tu-đà-hoàn tiến thẳng lên quả A-la-hán. Hoặc có vị phải trải qua nhiều đời, tu từ từ lên Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm, cuối cùng rất lâu sau mới chứng quả A-la-hán. Dù tu nhanh trong một đời, một ngày, hay tu chậm kéo dài nhiều đời, thì một vị Tu-đà-hoàn cũng không bị lui sụt, công phu tới khi lậu hoặc sạch hết, khoảng giữa không sa đọa. Có nghĩa là nếu đã thấy Đạo, thấy Đế, thì chắc chắn không còn đọa lạc nữa.