Chánh văn:
Phật nói: Bậc Sa-môn xuất gia phải đứt bặt tham dục, dẹp sạch luyến ái, biết tận nguồn tâm mình, hiểu tột được lý sâu của Phật, ngộ được pháp vô vi, trong không sở đắc, ngoài không mong cầu, tâm không cột nơi đạo, cũng không kết nghiệp, không niệm, không tạo, không tu, không chứng, không trải qua các thứ lớp mà tự cao tột, gọi đó là đạo.
Giảng:
Tu là hành đạo. Hành đạo nghĩa là khi xuất gia, trước phải đoạn ái dục, biết tận nguồn tâm mình, hiểu được lý sâu của Phật và chứng ngộ được pháp vô vi, trong không sở đắc; ngoài không sở cầu. Như kinh Bát-nhã nói, còn sở đắc là còn bản ngã, đó là sanh diệt, chưa phải vô sanh, nên nói trong không sở đắc. Bên ngoài cũng không mong cầu điều gì, vì còn mong cầu là còn vọng tưởng. Trong không thấy có sở đắc tức là không có ngã; ngoài không thấy có pháp để mong cầu, đó mới thật là hết vọng.
Tâm không cột nơi đạo cũng không kết nghiệp. Chỗ này khó hiểu. Vì người tu phải luôn luôn tâm tâm niệm niệm hướng về đạo, mà ở đây nói tâm không cột nơi đạo, cũng không kết nghiệp. Tại sao vậy? Đạo là chỗ không thể dùng danh ngôn hay tư tưởng để nghĩ hay xét, chỉ có thể thể nhập được thôi. Chỗ không thể suy nghĩ mà cứ cột tâm, tức nhiên tự mình ràng buộc lấy mình, không thể đạt được đạo. Muốn đạt đạo, đừng cột tâm vào chỗ nào, cũng đừng tạo thêm nghiệp. Tâm phải thênh thang khoáng đạt, trong nhà thiền gọi là vô tâm, tâm mà vô tâm, tức là không khởi vọng niệm chạy theo đạo, như vậy tự nó đạt đạo. Còn khởi vọng niệm mong được đạo, đó là chưa được, nên nói tâm không ràng buộc nơi đạo. Đạo là chỉ thể chân thật không sanh không diệt. Cũng không kết nghiệp là không tạo nghiệp gì hết.
Không niệm, không tác, không tu, không chứng. Chỗ này rất khó hiểu. Tuy là kinh A-hàm, nhưng những bài này lại giống giáo lý Đại thừa. Vô niệm là tâm không khởi vọng niệm, khi khởi nghĩ là niệm, khởi nghĩ liên tục là niệm niệm tiếp nối, bặt dứt không khởi nghĩ là vô niệm. Tạo tác là những hành động về hình tướng. Tâm khởi nghĩ rồi phát ra những hành động bên ngoài gọi là tạo tác. Khi tâm đã bặt, tạo tác cũng theo đó mà không. Không tu, không chứng mà có tu có chứng hay không? Trong kinh Kim Cang nói Phật không có một pháp để chứng, không được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tức là không chứng được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì Phật không chứng nên đức Phật Nhiên Đăng mới thọ ký ngài thành Phật. Như vậy không chứng mà chứng. Bây giờ chúng ta nói tu, bên ngoài siêng năng gõ mõ tụng kinh, nhưng bên trong vọng khởi lăng xăng. Còn bậc đạt đạo nói không tu, nhưng bên trong không một niệm dấy khởi, nên chư Tổ nói không tu mà tu, không chứng mà chứng là chỗ đó. Người không hiểu, lầm nghĩ không tu, không tạo tác, không chứng thì thành không rồi! Nhưng không phải. Vì tâm không khởi vọng nên nói không tu, không đạt. Chính khi không thấy có ngã đạt được, đó là chỗ chứng đạo, cho nên không chứng mà chứng. Như vậy kinh điển Đại thừa và Tiểu thừa đều phải đi tới chỗ tột cùng đó chứ không thể nào tu lơ mơ được. Tu là phải đi tới chỗ giải thoát, chỗ cao tột. Muốn giải thoát phải không niệm, không tạo, không tu, không chứng, như vậy mới hợp đạo.
Tóm lại, chương hai nói về hạnh người xuất gia. Hạnh người xuất gia là phải tự mình thâm đạt được giáo lý của Phật cho tột cùng, rõ biết nguồn tâm mình. Đối với đạo, tâm phải thênh thang, bặt hết vọng tưởng là hợp với đạo, đó là hạnh của người tu. Hai chương đầu đều nói về bản nguyện hay cội gốc của người xuất gia, phải làm sao cho xứng đáng là bậc Sa-môn.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |