Chánh văn:
Phật nói: Những người đã từ biệt cha mẹ, bà con thân thuộc xuất gia, phải biết rõ tâm mình, nhận ra tột cùng nguồn gốc các pháp, hiểu rõ pháp vô vi, mới gọi là Sa-môn. Thường thực hành 250 giới, đi đứng tới lui đều thanh tịnh, thực hành bốn chân đạo hạnh, thành A-la-hán. Bậc A-la-hán hay bay đi và biến hóa tự tại, tuổi thọ rộng vô cùng vô tận, bằng với trời đất. Kế là A-na-hàm, A-na-hàm khi tuổi thọ hết, thần thức sẽ sanh lên cõi trời thứ mười chín, mới chứng A-la-hán. Kế là Tư-đà-hàm, Tư-đà-hàm còn một phen sanh lên cõi trời và một phen trở lại nhân gian mới chứng A-la-hán. Kế là Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hoàn còn bảy phen chết và bảy phen sanh mới chứng A-la-hán. Ái dục đoạn dứt như chặt hết tay chân, không dùng nữa.
Giảng:
Người đã từ biệt cha mẹ, bà con thân thuộc xuất gia phải biết rõ tâm mình, nhận ra tột cùng nguồn gốc các pháp và trong khi tu phải hiểu rõ pháp vô vi, như vậy mới xứng đáng gọi là Sa-môn. Sa-môn là chỉ những người tu, bây giờ gọi là tu sĩ. Nếu xuất gia tu hành mà không hiểu được những điều này thì chưa xứng đáng là Sa-môn. Như câu chuyện ngài Hoàng Bá thấy người bạn đồng hành dùng thần thông qua suối, ngài nói: “Nếu tôi biết trước đã chặt bắp đùi huynh”.
Như vậy gốc của sự tu là phải nhận được đâu là thật tâm mình, thấy cho tường tận gốc các pháp và khi tu phải hiểu được pháp vô vi, chứ không phải lấy thần thông làm trọng. Ai lấy thần thông huyền bí làm cốt yếu của sự tu là lầm. Phàm tu phải biết được tâm, biết tâm không phải là biết cái suy nghĩ tính toán, mà là biết cái nào chân, cái nào vọng. Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật dạy biết tâm là phải biết đâu là giặc, đâu là con, đừng nhận giặc làm con. Nhìn lại tâm mình, biết cái nào vọng thì bỏ, cái nào chân thì theo.
Đạt bổn là thấy tường tận gốc các pháp, tức là thấy được tánh các pháp, thấy được như vậy mới không lầm theo hình tướng của nó. Chỉ bốn chữ Thức tâm đạt bổn cũng đủ cho chúng ta tu suốt kiếp.
Giải vô vi pháp là hiểu được pháp vô vi. Gần đây, người ta thường lầm cho tu vô vi là ngồi yên để điện thiêng liêng phù trợ, hoặc nhịn đói v.v… đó là lầm to. Chữ vô vi trong nhà Phật có nghĩa là vô sanh, không sanh không diệt gọi là vô vi. Phàm cái gì có hình tướng đều là vô thường, theo thời gian mà hư hoại, chứ không trường tồn. Và cái gì có động đều có sanh diệt. Như thân chúng ta có hình tướng nên bị vô thường chi phối phải chịu sanh già bệnh chết. Đem thân vô thường này nói tu vô vi là không thể được. Cuộc sống của chúng ta là một dòng chuyển động. Chúng ta sống nhờ mũi hít vào thở ra, tim đập từng nhịp v.v.. Nếu khi tim ngừng đập, mũi ngừng thở, sự sống chúng ta cũng ngừng lại. Chúng ta nhận sự suy nghĩ tính toán làm tâm mình. Tâm suy nghĩ tính toán lăng xăng tiếp nối không dừng, nên cũng là sanh diệt vô thường.
Như vậy thân chúng ta là hình tướng vô thường, cuộc sống là một dòng chuyển động không dừng và tâm sanh sanh diệt diệt. Nếu lấy thân, tâm và sự sống này làm chỗ y cứ tu hành, dù nói tu vô vi cũng không ra ngoài sanh diệt. Thí dụ như có người nói tu vô vi bằng cách làm thinh, nhưng làm thinh trên thân hình tướng này, trong lúc đó vẫn sống trong cái động của thân và tâm. Điện lực bên ngoài phụ vào cũng là sanh diệt, mà gọi tu vô vi là lầm, không phải nghĩa vô vi trong nhà Phật. Trong nhà Phật nói phàm những gì có hình tướng, có động tác đều gọi là hữu vi, dù cho ngồi yên lặng cũng là hình tướng, động tác nên gọi là hữu vi. Vô vi là không hình tướng, không động tác. Thế nên nghĩa vô vi trong nhà Phật rất sâu, rất khó, nhưng như vậy không có nghĩa là phủ nhận thân tâm này. Trong thân tâm này vẫn có cái không sanh diệt, nhưng vì lâu nay chúng ta cứ chấp nhận cái sanh diệt làm mình cho nên chỉ tu hành trong cái sanh diệt. Tóm lại, xuất gia là phải tự biết được tâm, tự thấy được nguồn gốc các pháp và hiểu được pháp vô vi thì tu mới giải thoát và dạy người giải thoát, đó là thật tu, thật độ người. Không phải xuất gia một cách tầm thường, chỉ gõ mõ tụng kinh hai thời là đủ.
Những vị Sa-môn đó phải thường giữ 250 giới, oai nghi đi, đứng, tới, lui đều thanh tịnh và thực hành bốn chân đạo hạnh. Bốn chân đạo hạnh có chỗ nói là bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi nhưng sự thật bốn chân đạo hạnh này là Tứ đế. Vì theo kinh điển A-hàm, Tứ đế là bốn pháp chân thật nhất. Nếu ngộ Tứ đế đến chỗ tột cùng là chứng A-la-hán.
A-la-hán là những vị có khả năng bay đi và biến hóa tự tại, tuổi thọ của các ngài vô cùng vô tận, bằng với trời đất. A-la-hán dịch nghĩa là Vô sanh, chứng được chỗ không còn sanh tử nữa. Phàm có sanh có tử thì có tuổi, không sanh không tử làm sao biết bao nhiêu tuổi đây, cho nên nói là bằng với trời đất, trời đất còn hoài thì các ngài cũng còn hoài. Trong tứ quả Thanh văn bên Tiểu thừa, A-la-hán là quả tột cùng – quả thứ tư.
Kế đến, quả thứ ba là A-na-hàm, những vị này khi tuổi thọ hết, linh thần hay thần thức sanh lên cõi trời thứ 19 trong Sắc giới, gọi là trời A-na-hàm, tu một thời gian nữa mới chứng A-la-hán.
Quả thứ hai là Tư-đà-hàm, những vị này còn một phen sanh lên cõi trời và một phen sanh trở lại nhân gian, mới chứng được A-la-hán.
Quả thứ nhất là Tu-đà-hoàn, những vị này còn bảy phen chết, bảy phen sanh mới chứng quả A-la-hán. Tu-đà-hoàn có chỗ dịch là Nhập lưu, tức là vào dòng Thánh, từ đó luôn luôn tiến lên không còn lui sụt, nhưng phải bảy phen sanh tử mới chứng được A-la-hán.
Như vậy bên Thanh văn, quả thứ nhất Tu-đà hoàn phải bảy phen sanh tử rồi chứng A-la-hán; quả thứ hai Tư-đà-hàm còn một phen sanh lên cõi trời, một phen trở xuống; quả thứ ba A-na-hàm một phen sanh lên cõi trời rồi chứng A-la-hán. Chỉ có quả thứ tư A-la-hán là ngay nơi đời này liền được giải thoát.
A-la-hán là những vị đã đoạn dứt ái dục như chặt hết tay chân không dùng nữa. Chặt hết bốn phần tay chân thì thân như chết. Cũng vậy, đối với ái dục thế gian, các ngài đoạn hết nên không còn tái sanh trở lại. Trong giáo lý A-hàm, sanh tử gốc là từ ái, ái hết tức nhiên dòng sanh tử hết. Ái đây nặng về ái ngã, tức là thương mình, cho thân mình là quan trọng, chứ không phải chỉ là thương người khác. Thương mình nên mất thân này liền tạo thân khác. Trong kinh A-hàm, Phật thí dụ: Có một bọn trẻ con đùa chơi, hoặc cất chòi hoặc lấy đất vun làm núi non. Trong khi mê chơi, nếu có ai đến phá sập đồ chơi, chúng sẽ khóc la và lập tức dựng cái khác, khi còn thích chơi thì không bao giờ chịu bỏ. Khi nào chán, không thích chơi nữa, lúc đó tự nó lấy chân đạp, lấy tay hốt quăng và không làm lại. Cái thích chơi của trẻ con đó Phật thí dụ như cái ái của chúng sanh. Khi còn ái, mất thân này liền tạo thân khác, cứ như vậy hoài nên dòng sanh tử liên tục không dứt. Đến khi nào chúng ta không ái thân này nữa, tự nhiên tu hành mới giải thoát được. Nếu còn ái, dù bị đập chết cũng liền sanh lại chứ không bao giờ dứt hẳn. Như vậy chúng ta thấy rõ, ái chính là gốc của sanh tử luân hồi vậy.