Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 19



Chánh văn:

Phật nói: Quán trời đất nghĩ là chẳng phải thường, quán thế giới nghĩ là chẳng phải thường, quán linh giác tức Bồ-đề. Hiểu được như thế ngộ đạo rất mau. 

Giảng:

Phật nói phải quán trời đất nghĩ là chẳng phải thường còn, phải quán thế giới nghĩ là chẳng phải thường còn. Quán linh giác tức Bồ-đề nghĩa là phải quán tánh sáng suốt linh tri của mình là tánh giác Bồ-đề. Người hiểu được như vậy ngộ đạo rất mau.

Quán trời đất chẳng phải thường còn, tức là những gì có hình tướng trong vũ trụ này đều bị luật vô thường chi phối, không có gì có hình tướng mà không bị vô thường. Quán từ trời đất đến toàn thế giới, cái gì có hình thức cũng đều vô thường. Quán được như vậy thì đối với sự vật, đối với ngoại cảnh và đối với tự thân mình đều không tham trước, đắm mến, mê say. Thí dụ thấy thân người sớm còn tối mất, nhà cửa đất đai nay của người này, mai đổi qua người kia, hoặc nay còn nhà, mai mốt cháy tan hoang… mọi sự vật không có gì thường còn mãi mãi, vậy tham đắm để làm gì? Do đó mình không đắm mê ngũ dục, không cố chấp thân này. Được như vậy là mình đã thoát khỏi phiền não rồi.

Quán linh giác tức Bồ-đề nghĩa là xét tánh linh tri của mình, biết đó là Bồ-đề. Bồ-đề không sanh, không diệt nên mình không chạy theo ngoại cảnh, chỉ hướng về nội tâm, biết cái nào chân, cái nào vọng. Sống mãi với chân là gần với đạo. Người hiểu biết như vậy rất mau đắc đạo. Nếu chúng ta thấy sự vật ở ngoài là thật thường còn thì tâm đắm nhiễm thế gian không bao giờ hết. Cho nên muốn mau đạt đạo trước phải thấy tất cả từ người đến vật, từ trời đến đất đều vô thường, không bền lâu, chỉ có tánh linh tri là cái không sanh không diệt, phải hướng về đó mới mau đạt đạo. Nếu chấp ở ngoài có một cái gì thật lâu dài, bền chắc thì không thể nào thấy được đạo.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.