Chánh văn:
Phật nói: Pháp của ta, niệm mà không có người hay niệm và pháp bị niệm; hành mà không có người hay hành và pháp bị hành; nói mà không có người hay nói và pháp bị nói; tu mà không có người hay tu và pháp bị tu. Nếu hội được thì rất gần, còn mê lầm thì rất xa. Lời nói bặt dứt, không vật nào có thể ràng buộc được, nếu sai mảy may thì mất trong chốc lát.
Giảng:
Pháp mà Phật nói đó vượt ra ngoài vòng năng sở đối đãi. Lâu nay chúng ta tu thường mắc kẹt trong năng sở. Thí dụ niệm Phật thì thấy có mình là người hay niệm, danh hiệu Phật là pháp bị niệm. Như vậy có năng có sở, thấy có mình là người thật niệm, Phật là vị Phật thật để mình niệm, cả hai đều thấy thật. Nếu thấy mình thật tức là còn ngã, thấy pháp thật tức là còn ngã sở. Ngã, ngã sở còn là gốc của sanh tử luân hồi.
Hành cũng vậy, thí dụ chúng ta tu hành, sám hối hay ngồi thiền, luôn luôn chấp mình thật là người hay sám hối và các bài kinh đọc lên trong những buổi sám hối đó là pháp để sám hối. Chấp thật như vậy là còn năng sở rõ ràng nên không bao giờ đạt được đạo. Đến nói năng hay tu cũng vậy.
Tại sao có năng sở thì không đạt được đạo? Vì tất cả pháp Phật đều dạy: Muốn đạt đạo phải dẹp hết ngã chấp. Như trước tôi nói khi thấy mình thật, thấy ngoại cảnh thật, thấy mọi pháp đều thật, tức là vô minh. Đem vô minh để hiểu Phật, không bao giờ hiểu nổi. Cho nên Phật nói pháp Phật dạy, niệm không thấy có năng niệm, sở niệm, hành cũng không có năng hành, sở hành, nói cũng không thấy có mình hay nói và pháp bị nói, tu cũng không thấy có mình hay tu và pháp bị tu. Nếu người nào hiểu được như vậy rất gần với đạo, ngược lại thì rất xa.
Đa số người tu đều chú trọng hình thức, như lạy Phật thì lạy tới vạn Phật cho là lạy nhiều. Tu bỏ cơm bỏ nước, ngồi ngày này qua ngày khác gọi là tu nhiều. Nhưng không hiểu rằng nếu tu nhiều, lạy nhiều mà ngã và ngã sở không bỏ được, dù cho tu hành bao nhiêu cũng chưa tới chỗ hiểu đạo. Hiểu đạo là phải nhận, phải đạt được cái lý cao siêu trong lời Phật dạy rồi sau đó mới ứng dụng tu, nghĩa là thấy như không tu mà tu, không hành mà hành, đó mới thật tu. Nếu chỉ cố chấp trên hình thức thì tu có công phu mà không hiểu đạo. Vì vậy Phật nói người hội rất gần, người không hội thì rất xa.
Mọi lời nói đều bặt dứt, vì đến chỗ đó không thể dùng lời nói bàn tán được. Tại sao? Vì lời nói xuất phát từ ý niệm, có khởi nghĩ mới phát ra lời nói. Ý khởi là vọng, nên lời nói cũng là vọng, đã là vọng không thể nào hội được chân. Ở đây pháp của Phật là chỉ cho phép chân như không sanh không diệt. Lấy cái vọng để bàn cái chân thì không khi nào bàn tới được, cho nên Phật nói ngôn ngữ đều bặt dứt. Chỗ đó chỉ có người nhận tới, đạt tới mới thấy, còn dùng lời nói thì không đến được. Và pháp đó không thuộc về hình thức vật chất, không bị vật gì ràng buộc nên không thể nương vào vật để hiểu, phải ngay đó hiểu. Nếu không hiểu hoặc hiểu sai một chút thì đã mất đạo rồi. Cho nên nói “sai chi hào ly”, tức là sai đi mảy may thì “thất chi tu dư”, tức là mất đạo trong chớp mắt.
Tóm lại, người tu cần phải thật hiểu, nghĩa là thấy rõ nguồn gốc của sự tu hành là ở chỗ phá ngã chấp và pháp chấp. Hai chấp đó sạch, tu pháp nào cũng ngộ. Ngược lại, còn hai chấp đó dù tu pháp nào cũng biến thành chấp ngã và ngã sở chứ không đạt được đạo.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |