Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 20



Chánh văn:

Phật nói: Phải nghĩ nhớ bốn đại trong thân, mỗi đại tự có tên, trọn không có ngã. Ngã đã không thì ta chỉ như huyễn mà thôi. 

Giảng:

Phật dạy chúng ta phải nghĩ nhớ thân ta do bốn đại, mỗi đại tự có tên, trọn không có ngã, không có cái ta thật. Ngã đã không thì cái ta đó chỉ như huyễn, như hóa không thật.

Chúng ta phải luôn luôn quán thân do bốn phần: đất, nước, lửa, gió hợp thành. Đất là những chất cứng ở trong thân như tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương v.v… Nước là những chất ướt trong thân như nước mắt, nước mũi, nước miếng, đàm dãi, nước tiểu, máu, mồ hôi v.v… Lửa là hơi ấm như nhiệt độ trong người… Gió là những sự chuyển động trong thân như hơi thở ra vào… Nếu chúng ta phân ly chúng – đất để riêng phần đất, nước để riêng phần nước, gió để riêng phần gió, lửa để riêng phần lửa – khi ấy tìm cái ngã thật của mình xem có hay không? Ngã thật không có, chỉ do bốn đại hợp lại, như huyễn như hóa. Duyên hợp tạm có, duyên ly tán thành không. Quán xét kỹ như vậy, tự nhiên trong tâm không còn bị nhiễm trước về ngã. Nếu cứ nghĩ mình thật rồi đi tìm kiếm thu góp về để mình thụ hưởng, do đó mà tạo tội không biết bao nhiêu, lăn lộn trong đường sanh tử mãi mãi. Vì vậy gốc của sanh tử là do chấp ngã mà ra. Khi chúng ta quán chiếu lại thấy thân do bốn đại hợp thành không thật có, là phá được ngã chấp, khi đó dòng sanh tử cũng chấm dứt.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.