Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 11



Chánh văn:

Phật nói: Cho cơm một trăm người ác ăn không bằng cho cơm một người lành ăn. Cho cơm một ngàn người lành ăn không bằng cho cơm một người giữ năm giới ăn. Cho cơm một muôn người giữ năm giới ăn không bằng cúng dường cơm một vị Tu-đà-hoàn ăn. Cúng dường cơm một trăm muôn vị Tu-đà-hoàn ăn không bằng cúng dường cơm một vị Tư-đà-hàm ăn. Cúng dường cơm một ngàn muôn vị Tư-đà-hàm ăn không bằng cúng dường cơm một vị A-na-hàm ăn. Cúng dường cơm một ức vị A-na-hàm ăn không bằng cúng dường cơm một vị A-la-hán ăn. Cúng dường cơm mười ức vị A-la-hán ăn không bằng cúng dường cơm một vị Bích-chi Phật ăn. Cúng dường cơm một trăm ức vị Bích-chi Phật ăn không bằng cúng dường cơm một vị Phật trong ba đời chư Phật ăn. Cúng dường cơm một ngàn ức vị Phật trong ba đời chư Phật ăn không bằng cúng dường cơm một vị không niệm, không trụ, không tu, không chứng ăn. 

Giảng:

Chương này khó. Đây là nói công đức so sánh tương đối. Cho cơm một trăm người ác ăn không bằng cho cơm một người lành ăn. Vì người lành làm phước đức, làm việc tốt, còn người ác làm việc xấu, nên cho người lành ăn là hơn.

Cho cơm một ngàn người lành ăn không bằng cho cơm một người giữ năm giới ăn. Người biết giữ năm giới hơn một ngàn người lành.

Cho cơm một muôn người giữ năm giới ăn không bằng cúng dường cơm một vị chứng quả Tu-đà-hoàn ăn. Bởi vì người giữ giới chỉ được phước nhân thiên thôi, chưa phải là giải thoát. Người chứng quả Tu-đà-hoàn là đã vào dòng Thánh, đã đi tới chỗ giải thoát nhất định, không còn lui sụt nữa, cho nên cao hơn.

Cúng dường cơm một trăm muôn vị Tu-đà hoàn ăn không bằng cúng dường cơm một vị Tư-đà-hàm ăn. Vì Tu-đà-hoàn phải bảy phen sanh tử, còn Tư-đà-hàm chỉ một phen sanh lên cõi trời, một phen trở lại nhân gian.

Cúng dường cơm một ngàn muôn vị Tư-đà-hàm ăn không bằng cúng dường cơm một vị A-na-hàm ăn. A-na-hàm chỉ một phen sanh lên cõi trời là được vô sanh.

Cúng dường cơm một ức vị A-na-hàm ăn không bằng cúng dường cơm một vị A-la-hán ăn. A-la-hán là đã tới quả vô sanh rồi.

Cúng dường cơm mười ức vị A-la-hán ăn không bằng cúng dường cơm một vị Bích-chi Phật ăn. Bích-chi Phật có nghĩa là Độc giác.

Cúng dường cơm một trăm ức vị Bích-chi Phật ăn không bằng cúng dường cơm một vị Phật trong ba đời chư Phật ăn. Phật là địa vị cao tột. Thế mà:

Cúng dường cơm một ngàn ức vị Phật trong ba đời chư Phật ăn không bằng cúng dường cơm một vị không niệm, không trụ, không tu, không chứng. Vị này là tột hơn hết. Vị đó là vị nào? Trong kinh thường nói Phật là vô thượng, không ai cao hơn nữa, tại sao bây giờ lại có vị này cao hơn Phật? Bài kinh này khó và rắc rối nhất ở chỗ này. Từ đầu đến đây là nói công đức so sánh từ thấp lên cao, như bố thí cho người ác không bằng người hiền, người hiền không bằng người giữ năm giới, người giữ năm giới không bằng người chứng Tu-đà-hoàn, người chứng Tu-đà-hoàn không bằng người chứng Tư-đà-hàm v.v.. cho tới Phật, nhưng tới người cuối không biết giải thích làm sao, không biết người đó là người gì mà lạ quá, ngoài sự so sánh bình thường! Thực ra, đây cũng nằm trong trường hợp so sánh từ thấp lên cao mà người cao tột là người không niệm, không trụ, không tu, không chứng được.

Phật có ba thân: Một là Pháp thân, hai là Báo thân, ba là Hóa thân. Phật Thích-ca sanh ở Ấn Độ là Hóa thân. Mười phương chư Phật hiện thân hóa độ chúng sanh đều gọi là Hóa thân Phật, tùy chúng sanh hóa hiện. Thí dụ Phật muốn độ người Việt Nam thì ngài sanh ra ở Việt Nam và cũng có tuổi thọ như người Việt Nam, có sanh có diệt nên không dài lâu. Còn Báo thân Phật cũng có hình tướng, từ hạnh nguyện tu hành của các ngài mà đầy đủ phước đức như sở nguyện. Thí dụ như đức Phật A-di-đà phát 48 lời nguyện, bây giờ được cõi Cực Lạc, thân tướng tốt đẹp đúng như các lời nguyện, đó là Báo thân Phật. Báo thân có hình tướng, có cõi nước, nên xét về lý cứu cánh, như kinh Kim Cang nói: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nghĩa là phàm có hình tướng đều là hư vọng, không thật. Giả sử có người sống mười tuổi chết sánh với người sống một trăm tuổi chết, dưới cái nhìn của phàm phu thấy tuổi thọ người này quá ngắn, người kia quá dài. Nhưng nếu có người sống một triệu tuổi chết thấy người sống mười tuổi với người sống một trăm tuổi cũng như nhau. Huống nữa có người không từng chết thấy bao nhiêu tuổi cũng không nghĩa lý gì. Như vậy đối với Báo thân thì Hóa thân là cái sanh diệt hết sức tạm bợ. Còn Báo thân tuổi thọ dài hơn, sung sướng hơn, đầy đủ phước đức hơn, nhưng cũng còn sanh diệt, có ngắn, có dài. Chỉ có Pháp thân là không sanh không diệt. Thể nhập được Pháp thân bất sanh bất diệt rồi không còn biết kể bao nhiêu tuổi nữa, không có gì bì được.

Hóa thân của Phật Thích-ca ở Ấn Độ có xuất gia tu chứng thành đạo, nên Hóa thân có tu có chứng. Báo thân Phật A-di-đà là do ngài tu theo 48 lời nguyện rồi sau mới được thọ hưởng thân đó, nên Báo thân cũng có tu có chứng. Pháp thân không hình tướng nên không có chỗ trụ. Không hình tướng nên không do tu hành được. Không hình tướng nên không có chỗ chứng đắc, nếu có chỗ chứng đắc là còn bản ngã. Không hình tướng mà luôn luôn thanh tịnh nên không có vọng niệm dấy khởi, tức là vô niệm. Vì vậy nói không niệm, không trụ, không tu, không chứng là chỉ Pháp thân Phật. Thế nên cúng dường bao nhiêu Phật Hóa thân cũng không bằng cúng dường một Phật Pháp thân. Pháp thân Phật ở đâu? Tìm Hóa thân Phật đã khó, huống là tìm Pháp thân Phật. Nhưng phải tìm cho ra Pháp thân Phật để cúng dường, vì cúng dường như vậy mới gọi là cúng dường cứu cánh viên mãn.

Trong bài sám hối thường tụng có đoạn: Thập phương chư Phật thường tại thế gian, pháp ưng bất tuyệt, là mười phương chư Phật thường ở thế gian, tức là Pháp thân Phật. Pháp thân đầy khắp thế gian, vì mình không thấy, không biết, không gặp rồi tưởng là không Phật, chứ sự thật Pháp thân Phật tràn đầy khắp thế gian ở đâu cũng có. Như người mù không thấy ánh sáng, còn người có mắt thì thấy, người không hiểu không thấy Phật, người hiểu rồi sẽ thấy. Cho nên nói hướng về Pháp thân Phật cúng dường là cứu cánh.

Pháp thân Phật không niệm, không trụ, không tu, không chứng. Chính ngay trong tâm mình, khi không một niệm dấy khởi là mình đã thấy Phật. Cúng dường Pháp thân Phật là hướng về tự tâm, làm sao cho không còn vọng niệm khởi, không còn chấp ngã – thấy mình có công năng tu hành và mong cầu được chứng đắc. Khi tâm mình hoàn toàn thanh tịnh thì Pháp thân Phật hiện tiền.

Bài kinh này cốt dạy chúng ta dù tu bao nhiêu phước đức, hoặc bố thí từ thấp lên cao v.v… nhưng tới cứu cánh là phải hướng về Pháp thân và đạt được Pháp thân mới gọi là vô sanh. Nếu chưa đạt được thì cứ lẩn quẩn trong vòng sanh diệt, không bao giờ ra khỏi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.