Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 12



Chánh văn:

Phật nói: Con người có hai mươi điều khó: Nghèo bố thí là khó; giàu học đạo là khó; bỏ thân này quyết chết là khó; thấy được kinh Phật là khó; sanh ra gặp Phật ở đời là khó; nhịn sắc nhịn dục là khó; thấy tốt không mong cầu là khó; bị nhục không sân là khó; có thế lực không ỷ là khó; gặp việc tâm không động là khó; học rộng nghiên cứu sâu là khó; trừ diệt tâm ngã mạn là khó; không khinh những người chưa học là khó; tâm hành bình đẳng là khó; không nói việc phải quấy là khó; gặp được thiện tri thức là khó; thấy tánh học đạo là khó; tùy cơ hóa độ người là khó; thấy cảnh không động tâm là khó; khéo giải phương tiện là khó. 

Giảng:

Trong hai mươi điều khó này, chúng ta kiểm lại xem đã vượt qua mấy điều, còn điều nào chưa vượt ráng tìm cách vượt qua, chỉ trừ một hai điều bất khả kháng không thể vượt được thì thôi.

Điều thứ nhất là bần cùng bố thí nan, nghèo bố thí là khó. Nghèo quá như mấy người chạy xe xích lô, chạy tối ngày không đủ cơm ăn, nuôi vợ nuôi con, lấy gì bố thí? Cho nên người nghèo muốn bố thí thật là một chuyện hết sức khó khăn. Còn chúng ta có thể cũng tạm tạm chưa đến nỗi bần cùng lắm, nên có thể vượt được.

Thứ hai hào quý học đạo nan, giàu học đạo là khó. Tại sao vậy? Nghèo bố thí khó dễ thấy, còn giàu học đạo khó là sao? Tại mấy người giàu nay tiệc này, mai tiệc kia, nay toan tính việc này, mai lo việc khác, cứ liên miên như vậy đâu có thời gian tu hành, muốn học đạo không biết làm sao học. Còn chúng ta điều này cũng qua khỏi rồi.

Thứ ba khí mạng tất tử nan, bỏ thân này quyết chết là khó. Quyết bỏ thân này liều chết để tu hành là khó. Cái khó này quý vị vượt được chưa? Giả sử khi bệnh quá, có người tới nói phải ăn mặn rồi uống thuốc mới hết. Lúc đó giữa hai điều: Hoặc ăn mặn lại để sống, hoặc liều chết giữ trường chay, phải chọn cái nào? Nếu người quyết tử thì thà chết chứ không thay đổi. Còn người không quyết tử, sẽ bỏ ăn chay miễn sao sống được, rồi sau tu nữa, như vậy là chưa có khí mạng quyết tử. Hoặc như có người có thế lực bắt mình bỏ đạo ra đời rồi họ sẽ lo cho mình một đời sống sung sướng, còn nếu tu họ sẽ quyết hại cho chết. Trường hợp đó chúng ta nghĩ sao? Nếu người nào chọn thà chết mà ở trong đạo, chứ không muốn sống sung sướng mà phải ở ngoài đời, thì gọi là khí mạng tất tử. Điều này chúng ta phải quyết làm cho được.

Thứ tư đắc đổ Phật kinh nan, tức là gặp, thấy được kinh Phật là khó. Ở đây chúng ta tương đối cũng qua được cái khó này.

Thứ năm sanh trị Phật thế nan, sanh ra được gặp Phật ở đời là khó. Hiện giờ chúng ta ai cũng đành chịu cái khó này.

Thứ sáu nhẫn sắc nhẫn dục nan, tức là gặp sắc đừng ham, gặp ngũ dục cũng không thích, đó là khó. Thế nên đối với sắc dục mình phải nhịn, không ham muốn.

Thứ bảy kiến hảo bất cầu nan, thấy cái gì tốt không mong cầu là khó. Điều này chúng ta ráng vượt qua, phải vượt qua.

Thứ tám bị nhục bất sân nan, người ta chửi bới, mình nhẫn nhịn không sân giận là khó. Nhưng chúng ta phải ráng vượt qua chứ không nên chứa nó.

Thứ chín hữu thế bất lâm nạn, có thế lực mà không cậy mình có thế lực cũng là khó. Đối với người tu chắc dễ vì mình không có thế lực gì.

Thứ mười xúc sự vô tâm nan, gặp việc khó khăn hay hung dữ, tâm mình cũng không động. Vô tâm là tâm không động. Thí dụ nghe người ta nói chuyện gì khủng khiếp, tâm mình vẫn an nhiên, đó là khó. Chúng ta phần nhiều khi gặp cảnh thì hoảng hốt sợ sệt, hoặc quá mừng quá vui, phải ráng giữ làm sao gặp việc gì tâm cũng vẫn an nhiên, đó là khó.

Thứ mười một quảng học bác cứu nan, học rộng nghiên cứu nhiều là khó.

Thứ mười hai trừ diệt ngã mạn nan, tức là trừ diệt tâm ngã mạn là khó, nhưng chúng ta cũng phải ráng, nếu không diệt được ngã mạn thì khó tu.

Thứ mười ba bất khinh vị học nan, không khinh những người chưa học là khó. Ở người tu, không có người chưa học mà có người mới xuất gia. Thí dụ mình xuất gia ba mươi năm gặp người mới xuất gia đừng khinh họ, đó cũng là khó, nhưng phải ráng tập.

Thứ mười bốn tâm hành bình đẳng nan, là tâm mình đối với mọi người luôn luôn bình đẳng, không thấy sai biệt, đó là khó.

Thứ mười lăm bất thuyết thị phi nan, không nói việc phải quấy của người là khó. Chúng ta thấy dường như không có gì khó, chuyện phải quấy của ai mặc ai không cần nói tới, dễ quá, tại sao Phật nói khó? Bởi vì người ta có bệnh ít khi chịu làm thinh, thấy người này làm thế này, người kia làm thế khác, liền phê bình rồi sanh ra bao nhiêu chuyện lôi thôi. Thế nên người tu đừng nói chuyện phải quấy của ai, đó là khó; mà phải như vậy mới được. Các vị tổ sư trong nhà thiền cũng có nói: Kim cang bảo kiếm đương đầu tải, bất quản tha nhân thị dữ phi, tức là luôn luôn dùng kiếm báu kim cang chặt thẳng ngay đầu nó, chứ đừng nghĩ tới chuyện phải quấy thế gian làm gì. Kiếm báu kim cang là trí tuệ Bát-nhã, dùng trí tuệ Bát-nhã chặt thẳng ngay đầu những phiền não dấy loạn, những vọng tưởng lăng xăng trong tâm mình, chứ đừng nói chuyện thị phi của người.

Thứ mười sáu hội thiện tri thức nan, gặp được bậc thiện tri thức là khó. Thầy lành bạn tốt gọi là thiện tri thức, điều này chắc không khó lắm.

Trang trước Mục lục Trang sau

Thứ mười bảy kiến tánh học đạo nan, thấy được tánh rồi mới học đạo là khó. Chắc rằng quý vị còn đầu hàng vấn đề này.

Thứ mười tám tùy hóa độ nhân nan, tùy cơ hóa độ người là khó, phải khéo léo.

Thứ mười chín đổ cảnh bất động nan, thấy cảnh không động là khó. Nghĩa là gặp cảnh đừng tham, đừng tức v.v… Thí dụ thấy người ta bỏ quên một gói bạc, mình đừng khởi tâm nghĩ muốn lượm hay làm gì khác, đó là dễ hay khó? Người tu không tham, nhưng thấy của rơi cũng không nỡ bỏ, trong bụng cũng lăng xăng suy đi tính lại v.v… Cho nên nói rằng gặp cảnh không động

Thứ hai mươi thiện giải phương tiện nan, khéo giải về phương tiện là khó. Phương tiện là gặp ai, gặp cảnh nào mình cũng tạo được phương tiện để giáo hóa, giúp đỡ họ, cái đó khó chứ không phải dễ.

Như vậy trong hai mươi cái khó đó có những điều mình không thể làm được như là gặp Phật ra đời. Còn những cái kia phải cố gắng, nếu không vượt qua hết hai mươi cái khó, ít ra cũng vượt qua được mười lăm, mười sáu cái, chứ đừng để không vượt được cái nào thì việc học đạo không tiến. Tóm lại người tu hành có hai mươi điều khó, thường nhớ kiểm điểm lại để cố gắng vượt qua.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.