Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 10



Chánh văn:

Phật nói: Thấy người bố thí, làm việc đạo, mình giúp đỡ và sanh tâm hoan hỷ, được phước rất lớn. Có vị Sa môn hỏi: Phước đó hết chăng? Phật dạy: Như lửa của một cây đuốc, trăm ngàn người cầm đuốc đến mồi đem về hoặc nấu cơm, hoặc thắp sáng, cây đuốc kia vẫn như cũ, phước cũng như thế. 

Giảng:

Thấy người bố thí, làm việc đạo, mình giúp đỡ và sanh tâm hoan hỷ, được phước rất lớn. Có vị Sa-môn hỏi: Phước của người bố thí, làm việc đạo đó có hết chăng? Phật nói: Như có một cây đuốc sáng, trăm ngàn người cầm đuốc đến mồi, đem về hoặc nấu cơm hoặc thắp sáng, cây đuốc thứ nhất vẫn sáng như cũ, phước người bố thí cũng như vậy.

Giả sử trong xóm có mười nhà, một nhà làm việc Phật pháp như bố thí, làm việc đạo; những người khác đều phát tâm giúp đỡ và hoan hỷ theo, những người đó đều được phước như nhà bố thí, làm việc đạo kia. Như vậy mình bố thí được phước mười phần, có phải đem chia hết cho những người tùy hỷ giúp đỡ mình không? Phật nói không phải. Người giúp mình được phước, mà phước mình vẫn còn nguyên không mất. Như cây đuốc của mình đã sáng, bây giờ một ngàn cây đuốc khác đến mồi được cháy sáng, cây đuốc mình vẫn sáng như thường, ánh sáng không mất. Như vậy người phát tâm hoan hỷ giúp người khác làm việc thiện được phước bằng với người làm việc thiện.

Theo quan niệm thế gian, con người luôn luôn có tánh xấu là thấy người làm việc gì được thiên hạ hoan nghênh, khen tặng mà mình không làm được thì sanh tâm đố kỵ. Thí dụ hai người cùng đi tới nhà một người khác, người chủ nhà chỉ khen một người, còn người kia không ngó ngàng tới, người đó sẽ bực bội, đó là tâm đố kỵ hay tật đố, tức là thấy người ta hơn mình thì ghét. Tâm tật đố cũng ngang như tâm sân hận.

Chúng ta học kinh không phải chỉ học trên chữ nghĩa thôi, phải ứng dụng được lời Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày của mình mới gọi là học kinh để tu. Nếu học chữ nghĩa suông, cả đời cũng không tu gì được. Ở đây Phật nói phước của người bố thí, làm việc đạo với phước của người phát tâm hoan hỷ trợ giúp bằng nhau. Xét về phần tâm lý, người phát tâm bố thí, làm việc đạo là có tâm từ thiện, hay tâm từ bi làm lợi ích chúng sanh, đó là phước đành rồi. Còn người trợ giúp và sanh tâm hoan hỷ, tại sao lại có phước? Bởi vì thấy người làm việc lành thì vui theo và giúp sức vào, đó là người lành nên cũng được phước. Người ta có tiền làm việc lành, mình không tiền của nhưng vui theo, tất nhiên trong lòng mình cũng lành ngang với người làm lành kia nên vẫn có phước. Còn người sanh tâm đố kỵ nên phải mang tội, mang họa. Người lành thấy ai làm việc lành thì phát tâm hoan hỷ, còn kẻ dữ lại đố kỵ kiếm chuyện bươi móc, hoặc chọc tức.

Tóm lại bài kinh này Phật dạy: Người phát tâm hoan hỷ được phước lớn vì người đó có tâm thiện không thua gì người kia, nên phước cũng như vậy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.