Kinh Thắng Man giảng giải

Chương VI Vô Biên Thánh Đế



Vô biên thánh đế tức là thánh đế vô biên. Vô biên là không có giới hạn ngằn mé.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Thanh văn Duyên giác khi mới quán thánh đế, nếu dùng nhất trí đoạn các trụ địa, dùng nhất trí đủ cả bốn mà đoạn trừ, hiểu biết, tu tập và chứng đắc thì cũng hiểu rõ được nghĩa của bốn pháp này. 

Giảng:

Phu nhân Thắng Man thưa với Phật rằng, hàng Thanh văn Duyên giác khi mới bắt đầu tu quán tứ thánh đế, nếu dùng một trí đủ cả bốn tức là dùng trí chân thật để quán tứ đế mà đoạn trừ, hiểu biết, tu tập và chứng đắc, thì sẽ hiểu rõ được nghĩa của bốn pháp này. Đoạn trừ tức là đoạn tập, hiểu biết tức là biết khổ, tu tập tức là đạo đế, chứng đắc tức là diệt đế. Chỉ cần dùng một trí, đó là thượng thượng trí thôi, cũng có thể thấu triệt được và chứng đầy đủ bốn đế.

Trí của Thanh văn quán chiếu mới là trí ban đầu chưa thể đoạn được các trụ địa: Kiến nhất xứ trụ địa, Dục ái trụ địa, Sắc ái trụ địa, Hữu ái trụ địa, cuối cùng là vô minh trụ địa. Năm trụ địa là bao gồm luôn cả vô minh trụ địa.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Không có cái thượng thượng trí xuất thế gian mà bốn trí lại đạt tới dần dần và bốn duyên đưa tới dần dần. Cái pháp không có sự lần lượt dần dần đó là thượng thượng trí xuất thế gian. 

Giảng:

Thượng thượng trí xuất thế gian này là trí của Phật, ngay nơi đó liền thấu triệt, ngay nơi đó liền đầy đủ, không có từ từ, dần dần. Nếu có từ từ, dần dần là trí chưa cứu cánh, đó là trí của hàng Thanh văn Duyên giác. Đối với tứ đế Phật thấy thấu triệt, thấy tường tận, không có dần dần.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Thí dụ như kim cang, đó là đệ nhất nghĩa trí.

Thưa Thế Tôn! Đệ nhất nghĩa trí ấy không phải như sơ thánh đế trí của Thanh văn Duyên giác chưa đoạn vô minh trụ địa. 

Giảng:

Trí cứng chắc như kim cang không gì phá hoại nổi là đệ nhất nghĩa trí, cũng gọi là thượng thượng trí.

Đoạn này giản trạch cho chúng ta thấy trí gọi là sơ thánh đế của hàng Thanh văn Duyên giác chưa đoạn được vô minh trụ địa, mới đoạn được bốn trụ địa. Đoạn được Kiến nhất xứ trụ địa tức là thấy bản ngã không thật hay lý vô ngã, từ đó mới tiến tới Dục ái trụ địa, Sắc ái trụ địa, Hữu ái trụ địa. Bởi thấy ngã không thật cho nên không sanh lòng ưa thích ở trong tam giới, từ đó dừng được nghiệp sanh tử trong tam giới, vì vậy phá được phần đoạn sanh tử. Biến dịch sanh tử từ vô minh trụ địa hiện ra thì chưa phá được.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Vì thánh đế trí không hai thứ mà khéo đoạn các trụ địa.

Thưa Thế Tôn! Không phải như cảnh giới của tất cả Thanh văn Duyên giác, cái Không trí không thể nghĩ bàn của Như Lai Ứng đẳng chánh giác đoạn thì tất cả phiền não tạng.

Thưa Thế Tôn! Nếu hoại diệt được tất cả phiền não tạng thì trí cứu cánh đó là đệ nhất nghĩa trí. Sơ thánh đế trí không phải là trí đã cứu cánh, chỉ mới là trí hướng đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Giảng:

Thánh đế trí này không có hai thứ nhưng khéo đoạn được các trụ địa.

Ở đây so sánh không phải cảnh giới của Thanh văn. Bởi vì Không trí của Phật không thể nghĩ bàn, đoạn sạch tất cả các kho phiền não. Tại sao gọi là Không trí? Không trí có hai phần. Một là sạch tất cả phiền não, trí tuệ được hiện sáng. Vì không còn tất cả phiền não cho nên gọi là không, trí tuệ hiện sáng nên gọi là trí. Do dứt sạch phiền não mà trí tuệ sáng suốt cho nên gọi là Không trí. Hai là do trí thấy tất cả các pháp không có tự tánh nên cũng gọi là Không trí.

Phu nhân Thắng Man muốn giải thích cho chúng ta thấy rõ rằng trí diệt được hết cả kho tàng phiền não mới là trí đệ nhất nghĩa, trí cứu cánh. Trí của hàng Thanh văn, tức là sơ thánh đế, mới thấy được các thánh đế ban đầu, không phải trí cứu cánh mà chỉ hướng đến Phật quả thôi, không phải chứng được Phật quả.

A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề là tiếng Phạn, dịch là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chỉ cho Phật. Ở đây chỉ rõ trí của Thanh văn Duyên giác còn giới hạn, chưa đến chỗ cứu cánh cùng tột, chỉ có trí của Phật mới cùng tột. Vì trí Thanh văn Duyên giác mới phá được tứ trụ hoặc: Kiến nhất thiết trụ hoặc, Dục ái trụ hoặc, Sắc ái trụ hoặc, Hữu ái trụ hoặc; chưa phá được vô minh trụ hoặc. Trí của Phật phá được tất cả ngũ trụ hoặc.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Nghĩa của thánh không phải để chỉ cho tất cả Thanh văn Duyên giác, Thanh văn Duyên giác thành tựu công đức có hạn lượng, Thanh văn Duyên giác thành tựu thiểu phần công đức. Vì vậy gọi là thánh.

Thánh đế không phải đế lý của Thanh văn Duyên giác, cũng không phải công đức của Thanh văn Duyên giác. Thưa Thế Tôn! Đế lý này Như Lai Ứng đẳng chánh giác trước tiên giác ngộ được, sau vì thế gian bị vô minh bao phủ mà mở bày giảng dạy. Nên gọi là thánh đế. 

Giảng:

Thánh đế tức lẽ thật của thánh. Nhưng lẽ thật của thánh đế không hạn cuộc trên hàng Thanh văn Duyên giác, vì Thanh văn Duyên giác chỉ mới thành tựu được công đức có hạn lượng, còn Phật thành tựu được công đức vô hạn lượng, Thanh văn Duyên giác thành tựu được thiểu phần công đức, đức Phật mới hoàn toàn đầy đủ công đức. Thanh văn Duyên giác chỉ mới được một phần thánh thôi, chưa viên mãn; thánh đế này chỉ có Phật mới viên mãn. Tại sao? Vì đức Phật sau khi thành đạo thấu triệt rồi nói lại, Thanh văn Duyên giác nhân đó mà tiến chứ chưa viên mãn.

Đoạn này so sánh, giản trạch giữa trí của Phật và trí của Thanh văn Duyên giác, giữa công đức của Phật và công đức của Thanh văn Duyên giác để chỉ chỗ chưa viên mãn của Thanh văn Duyên giác vì không thấy được Như Lai tạng. Đức Phật đã thấy được, sống được với Như Lai tạng nên ngài đầy đủ vô lượng công đức.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.