Kinh Thắng Man giảng giải

Chương V Nhất Thừa



Chương này nói về các thứ phiền não và pháp Đại thừa nhiếp thọ tam thừa, tức là Đại thừa trùm cả tam thừa.

Chánh văn: 

Phật bảo Thắng Man: 

– Ngươi nay hãy nói lại những gì tất cả chư Phật đã nói về nhiếp thọ chánh pháp. 

Thắng Man bạch Phật: 

– Hay thay Thế Tôn! Con xin vâng lời dạy bảo.

Rồi bạch Phật rằng: 

– Thưa Thế Tôn! Nhiếp thọ chánh pháp tức Ma-ha-diễn. Bởi vì sao? Vì Ma-ha-diễn sanh ra tất cả pháp lành Thanh văn Duyên giác thế gian và xuất thế gian. 

Giảng:

Ma-ha-diễn (mahāyāna) là tiếng Phạn. Ma-ha là lớn, diễn là thừa, Ma-ha-diễn là Đại thừa. Nhiếp thọ chánh pháp tức là Đại thừa. Vì Đại thừa sanh ra tất cả pháp Thanh văn, Duyên giác, pháp thế gian và xuất thế gian.

Thí dụ, ở thế gian người ta chia ra các cấp tiểu học, trung học và đại học. Người học tột cấp đại học thì hiểu hết những sở học ở cấp dưới, nhưng người học cấp tiểu học, trung học không hiểu được cấp đại học. Cũng vậy Thanh văn, Duyên giác không trùm Đại thừa mà Đại thừa trùm cả Thanh văn Duyên giác.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Như ao A-nậu to lớn phát sinh các con sông lớn, Ma-ha-diễn cũng sanh ra các pháp lành Thanh văn Duyên giác thế gian và xuất thế gian. 

Giảng:

Theo tục truyền của Ấn Độ, trên dãy núi Tuyết có một cái ao lớn tên là A-nậu. Từ ao đó phát nguồn chảy xuống thành năm con sông, sông Hằng là một trong năm con sông đó. Cũng vậy, pháp Đại thừa là gốc sanh ra các pháp Thanh văn Duyên giác, thế gian và xuất thế gian.

Chánh văn:

Thưa Thế Tôn! Cũng như tất cả hạt giống đều từ đất sinh trưởng, tất cả pháp Thanh văn Duyên giác thế gian và xuất thế gian cũng thế, đều từ pháp Đại thừa mà được tăng trưởng.

Giảng:

Tất cả mầm giống nảy sinh ra cây cối đều bắt nguồn từ đất. Như vậy đất là chỗ chứa tất cả mầm giống. Đất dụ cho cái gì? Cho pháp Đại thừa. Thanh văn, Duyên giác v.v… đều từ các pháp Đại thừa mà tăng trưởng.

Chánh văn: 

Cho nên, thưa Thế Tôn! Trụ nơi Đại thừa nhiếp thọ Đại thừa tức là trụ nơi Nhị thừa nhiếp thọ tất cả pháp lành thế gian và xuất thế gian của Nhị thừa. Như Thế Tôn nói sáu pháp. Sáu pháp là gì? Là chánh pháp trụ, chánh pháp diệt, Ba-la-đề-mộc-xoa, tỳ-ni, xuất gia, thọ Cụ túc. Vì Đại thừa mà nói sáu pháp này.

Giảng:

Phu nhân Thắng Man muốn nêu rõ ý nghĩa Đại thừa trùm hết tất cả các pháp lành thế gian, xuất thế gian của Nhị thừa. Sở dĩ Phật nói có sáu pháp: chánh pháp trụ, chánh pháp diệt, ba-la-đề-mộc-xoa tức là giới, tỳ-ni tức là oai nghi, xuất gia, thọ Cụ túc. Vì cái gì mà Phật nói ra sáu pháp đó? Vì Đại thừa mà nói.

Tại sao ở đây chỉ vì Đại thừa mà nói, không vì các hàng Thanh văn mà nói? Bởi vì chủ đích của Phật muốn dạy cho chúng sanh tu thành Phật, chứ không phải thành A-la-hán hay Bích-chi Phật. Nói đơn giản, như tôi dạy mấy chú, muốn mấy chú bằng tôi hay muốn mấy chú thấp hơn tôi? Vị thầy nào cũng muốn đệ tử bằng hoặc hơn mình, đó là mục tiêu. Nhưng có những người học nửa chừng rồi bỏ, hoặc tu tới khoảng nào đó đâm ngán không tu nữa, thành ra quý vị thấp hơn tôi, chứ mục tiêu tôi nhắm không phải như vậy.

Đức Phật cũng vậy, ngài dạy đệ tử muốn họ thành Phật như ngài, chứ đâu có muốn ai thành Thanh văn, Duyên giác. Tất cả giáo pháp Phật nói ra đều nhắm vào chỗ tu thành Phật, tức là Đại thừa. Bởi vậy ngài nói sáu pháp là chánh pháp trụ, chánh pháp diệt, giới, oai nghi rồi xuất gia, thọ Cụ túc… Đó là vì Đại thừa mà nói, không phải vì Tiểu thừa mà nói. Nếu có nói Tiểu thừa thì là gượng nói thôi. Hiểu vậy mới thấy ý nghĩa ở đây nói.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì nói chánh pháp trụ là vì Đại thừa mà nói, Đại thừa trụ tức là chánh pháp trụ. 

Giảng: 

Mục tiêu của Phật là muốn chúng sanh tu thành Phật nên nói pháp, pháp đó gọi là Đại thừa. Chúng ta thường nghe Phật pháp còn hay Phật pháp diệt, chứ không nghe nói pháp Thanh văn, pháp Duyên giác còn hay diệt. Cho nên biết Thanh văn, Duyên giác không phải là pháp chánh đức Phật muốn nói, nó chỉ là phương tiện tùy theo căn cơ của chúng sanh mà dạy, cứu cánh vẫn là pháp Đại thừa.

Chánh văn:

Nói chánh pháp diệt là vì Đại thừa mà nói, vì Đại thừa diệt tức là chánh pháp diệt. Ba-la-đề- mộc-xoa và tỳ-ni, hai pháp này một nghĩa mà hai tên, tỳ-ni là cái học của Đại thừa. 

Giảng:

Tại sao một nghĩa mà hai tên? Vì oai nghi và giới không tách rời nhau. Oai nghi hay giới luật, tuy hai tên gọi nhưng cùng một nghĩa. Người giữ giới luật tức là có oai nghi, có oai nghi tức là giữ giới luật.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì y theo Phật xuất gia mà thọ Cụ túc, nên nói Đại thừa oai nghi giới là tỳ-ni, là xuất gia, là thọ Cụ túc. Vì thế A-la-hán không xuất gia cũng không thọ Cụ túc. 

Giảng:

Theo trong kinh nói A-la-hán có xuất gia thọ Cụ túc nhưng ở đây Thắng Man thấy Phật chỉ vì Đại thừa. Vì Đại thừa cho nên pháp của A-la-hán xuất gia thọ Cụ túc thì chưa phải. Vì thành Phật mà xuất gia mà thọ Cụ túc, chứ nói A-la-hán xuất gia thọ Cụ túc chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì A-la-hán y theo Như Lai xuất gia thọ Cụ túc nên A-la-hán quy y Phật, A-la-hán có nỗi sợ hãi. 

Giảng: 

Tại sao A-la-hán sợ hãi, sợ cái gì? A-la-hán sợ khổ sanh tử nên cầu Phật xuất gia để giải thoát sanh tử. Nếu người hiểu tột Đại thừa, thấy được pháp thân thì có sợ sanh tử không? Sanh tử là việc huyễn hóa có gì sợ.

A-la-hán còn thấy sanh tử thật nên sợ sanh tử cầu Niết-bàn, nên nói còn có nỗi sợ.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì A-la-hán đối với tất cả vô hành vẫn còn tâm tưởng sợ hãi như người cầm kiếm muốn đến hại mình.

Giảng:

Có hai thứ, hữu hành và vô hành. Hữu hành là chỉ cho nghiệp kết thành thân, chịu phần đoạn sanh tử. Vô hành là chỉ nghiệp vô lậu kết thành biến dịch sanh tử. Biến dịch sanh tử tức là ý sanh thân, cũng gọi vô hành. Hàng A-la-hán đối với vô hành vẫn còn tâm tưởng sợ hãi, như có người cầm kiếm muốn đến giết mình.

Chánh văn: 

Cho nên A-la-hán không có cái vui cứu cánh. Bởi vì sao? Thưa Thế Tôn, quy y là quy y với bậc không phải y vào ai nữa. Như chúng sanh không nơi nương tựa, chúng sợ hãi, vì sợ hãi mà cầu quy y. Như A-la-hán có sợ hãi, vì sợ hãi mà quy y Như Lai. 

Giảng:

Đúng nghĩa Đại thừa, quy y là trở về. Trở về với ai? Với người không còn nương tựa, ngài Lâm Tế nói người vô sở y hay đạo nhân vô y, tức trở về với pháp thân Phật của mình, là chỗ không còn nương tựa vào ai nữa. A-la-hán quy y là hướng về thân hiện tại của Phật mà quy y, nên A-la-hán vẫn còn sợ hãi, còn chỗ trông cậy.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn, A-la-hán, Bích-chi Phật có sợ hãi cho nên A-la-hán, Bích-chi Phật là hữu dư.

Giảng:

Bởi vì còn sợ hãi cho nên còn hữu dư.

Chánh văn:

Sanh pháp không diệt hết nên có sanh, Phạm hạnh chưa tròn nên không thuần, sự chưa rốt ráo nên còn sở tác, vượt thoát chưa hết nên còn phải đoạn diệt, do không đoạn diệt hết nên cách cảnh giới Niết-bàn còn xa.

Giảng: 

Chúng ta thường học A-la-hán là không còn sanh tử, được Niết-bàn, tại sao ở đây nói A-la-hán còn có sanh, A-la-hán không thuần, A-la-hán còn sở tác, A-la-hán còn phải đoạn diệt, A-la-hán đối với cảnh giới Niết-bàn còn xa? A-la-hán còn sanh là sanh cái gì? Bởi vì A-la-hán đối với thân hữu lậu không còn sanh tử phần đoạn nhưng còn sanh tử biến dịch. Tại sao? Vì A-la-hán muốn tiến tới Phật quả phải qua bao nhiêu chặng nữa. Mỗi chặng, mỗi bậc đều biến đổi mới chuyển được. A-la-hán chuyển lên Bồ-tát, rồi Bồ-tát chuyển lên Thập địa, Thập địa chuyển lên Đẳng giác tới Phật, như vậy còn bao nhiêu lần biến chuyển nữa. Trải qua những chặng biến chuyển như thế gọi là biến dịch sanh tử. Dứt phần đoạn sanh tử là dứt phần sanh tử nặng nề của thân, còn sanh là còn sanh trong biến dịch sanh tử.

Phạm hạnh chưa tròn nên không thuần. Chưa tròn tức là Phạm hạnh của A-la-hán không bì được với Bồ-tát, với Phật nên gọi là chưa tròn, chưa thuần.

Sự chưa rốt ráo nên còn sở tác. Sự tức là quả, quả chưa rốt ráo, đến Phật mới rốt ráo. Bây giờ chưa phải Phật nên chưa rốt ráo. Chưa rốt ráo nên còn phải tu.

Vượt thoát chưa hết cho nên còn phải đoạn diệt. Vượt thoát chưa hết là vì chưa tới Phật quả, đâu thể thoát hết được.

Do không đoạn diệt kết nên cách cảnh giới Niết-bàn còn xa. Vì không đoạn diệt hết phiền não nên còn cách cảnh giới Niết-bàn xa. Cảnh giới Niết-bàn là cảnh giới Niết-bàn của Phật, chứ không phải cảnh giới Niết-bàn của A-la-hán.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì chỉ Như Lai Ứng chánh đẳng giác được Niết-bàn trọn vẹn, thành tựu tất cả công đức. Còn A-la-hán, Bích-chi Phật không thành tựu tất cả công đức. Nói được Niết-bàn là Phật phương tiện nói. 

Giảng:

Phật nói A-la-hán được Niết-bàn là phương tiện nói, chứ không phải thật được. Tinh thần kinh này gần với kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa nói ba thừa quy về Nhất thừa, mà Nhất thừa là Phật thừa. Ở đây cũng vậy, ba thừa trở về Đại thừa, mà Đại thừa là Phật thừa. Cho nên chỉ có Niết-bàn của Phật mới cứu cánh, Niết-bàn của A-la-hán là phương tiện, giống như thí dụ hóa thành trong kinh Pháp Hoa. Người dẫn đường thấy dân chúng mệt mỏi quá, mới hiện ra hóa thành cho vào tạm nghỉ. Sau đó lại nói, đây là hóa thành, chưa phải bảo sở, cần phải đi nữa. Nên biết Niết-bàn của Nhị thừa là Phật phương tiện nói, không phải chỗ cứu cánh.

Chánh văn: 

Vì chỉ Như Lai mới được Niết-bàn trọn vẹn thành tựu vô lượng công đức. Còn A-la-hán, Bích-chi Phật thành tựu công đức có hạn lượng. Nói được Niết-bàn là Phật phương tiện nói.

Giảng:

Nói các vị được Niết-bàn là Phật phương tiện nói. Thí như người đang gánh một gánh đất hoặc gánh lúa nặng, bấy giờ có người tội nghiệp, họ sớt bớt phân nửa thì vị ấy thấy khỏe, thấy nhẹ quá. Tuy nhẹ mà vẫn còn gánh, chưa hết gánh nên chưa hết mệt, chừng nào buông gánh xuống hoàn toàn mới thật là khỏe. Khi nào A-la-hán, Bích-chi Phật thành Phật mới gọi là viên mãn, chưa thành Phật mà nói Niết-bàn làm sao cứu cánh, làm sao giải thoát. Nhưng Phật vẫn nói các ngài được Niết-bàn, đó là phương tiện mà nói. Như gánh nặng quá, bớt đi gọi là nhẹ, chứ không phải hoàn toàn khỏe. Cho nên cái an ổn của A-la-hán, Bích-chi Phật là cái an ổn tạm thời, chưa phải cứu cánh.

Chánh văn: 

Vì chỉ Như Lai mới được Niết-bàn trọn vẹn, thành tựu công đức không thể nghĩ bàn. Còn A-la-hánBích-chi Phật thành tựu công đức còn nghĩ bàn. Nói được Niết-bàn là Phật phương tiện nói.

Giảng:

Phật nói A-la-hán, Bích-chi Phật được Niết-bàn là phương tiện nói, chứ không phải thật.

Chánh văn: 

Vì chỉ Như Lai mới được Niết-bàn trọn vẹn, tất cả lỗi lầm phải đoạn trừ đã đoạn trừ hết, thành tựu thanh tịnh cao tột. Còn A-la-hán, Bích-chi Phật có lỗi lầm còn sót, chưa phải thanh tịnh cao tột. Nói được Niết-bàn là Phật phương tiện nói.

Giảng:

Tại sao nói A-la-hán, Bích-chi Phật được Niết-bàn là phương tiện? Bởi vì đối với Phật công phu đã viên mãn, còn A-la-hán, Bích-chi Phật chưa xong, chưa viên mãn. Cho nên nói được Niết-bàn là phương tiện nói.

Chánh văn: 

Vì chỉ Như Lai mới được Niết-bàn trọn vẹn, là bậc cho tất cả chúng sanh chiêm ngưỡng, vượt quá cảnh giới A-la-hán, Bích-chi Phật và Bồ-tát, nên A-la-hán, Bích-chi Phật cách cảnh giới Niết-bàn còn xa. 

Giảng: 

Niết-bàn của Phật cao xa hơn nhiều so với Niết-bàn của A-la-hán, Bích-chi Phật. Cho nên nói Niết-bàn của A-la-hán, Bích-chi Phật chưa đến nơi đến chốn, còn cách xa Phật.

Chánh văn: 

Nói A-la-hán, Bích-chi Phật quán sát giải thoát, cứu cánh được bốn trí, đạt tới an trụ Niết-bàn, cũng là Như Lai phương tiện nói, chưa rốt ráo, chưa hết ý.

Giảng: 

Nói A-la-hán, Bích-chi Phật quán sát giải thoát, cứu cánh được bốn trí, đạt tới an trụ Niết-bàn, cũng là Như Lai phương tiện nói, chứ chưa rốt ráo. Bốn trí là: sanh đã tận, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau. A-la-hán tự tuyên bố mình sanh đã tận, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau. Phật nói bốn trí của A-la-hán cũng chưa rốt ráo, chưa hết ý.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì có hai thứ chết. Hai thứ là gì? Là chết phần đoạn và chết biến dịch không thể nghĩ bàn. Chết phần đoạn là cái chết của chúng sanh hư ngụy. Chết biến dịch không thể nghĩ bàn là chỉ ý sanh thân của A-la-hán, Bích-chi Phật, đại lực Bồ-tát trong tiến trình đến cứu cánh vô thượng Bồ-đề.

Giảng:

Có hai thứ chết. Chết phần đoạn nói đủ theo Hán ngữ là phần đoạn sanh tử. Phần đoạn sanh tử là cái chết hư ngụy, giả dối, vô nghĩa. Biến dịch sanh tử là cái chết không thể nghĩ bàn, cái chết của ý sanh thân, của hàng A-la-hán, Bích-chi Phật và đại lực Bồ-tát.

A-la-hán gọi là vô sanh. Vô sanh thì đâu có tử, tại sao ở đây nói chết? Vì hàng A-la-hán, Bích-chi Phật hay Bồ-tát, tuy tu đã thoát khỏi phần đoạn sanh tử nhưng trên quả vị tu chứng còn cách quả Phật rất xa. Muốn tiến lên quả Phật phải qua mấy phen đổi thay, mỗi lần đổi thay là mỗi lần sanh diệt nên gọi là biến dịch sanh tử.

Tại sao nói ý sanh thân? Ý sanh thân tức là từ A-la-hán, Bích-chi Phật tới Bồ-tát được cái thân ý sanh. Ý sanh có hai nghĩa:

  1. Nhanh chóng: Như chúng ta đang ngồi đây nghĩ tới Sài Gòn thì cảnh Sài Gòn hiện ra, nghĩ tới Đà Lạt thì cảnh Đà Lạt hiện ra. Chỉ trong niệm nghĩ cảnh liền đến, nhanh như vậy.
  2. Tự tại: Vì ý nghĩ không giới hạn. Nghĩ trên trời cũng được, dưới đất cũng được, dưới sông dưới biển cũng được, không chướng ngại gì hết. Mình nghĩ chuyện đâu đâu, nghĩ lúc nào cũng được, không trở ngại.

Vì sanh thân nhanh nhẹn, không có chướng ngại nên nói không thể nghĩ bàn. Chết biến dịch không thể nghĩ bàn, đó là cái chết của ý sanh thân. Ý sanh thân của ai? Của A-la-hán, Bích-chi Phật, đại lực Bồ-tát. Vì vậy Bồ-tát hay Bích-chi Phật có thể biến hóa muốn tới đâu thì tới đó. Tuy nhiên từ địa vị các ngài tiến lên Phật còn mấy phen chuyển biến nữa, nên còn biến dịch sanh tử.

Chánh văn:

Trong hai cái chết, đứng về chết phần đoạn thì trí A-la-hán, Bích-chi Phật có thể nói được là “đời ta đã hết,” được quả hữu dư, nên nói “Phạm hạnh đã lập.” Phàm phu người và trời chưa làm xong, người học trong bảy chúng chưa làm được. 

Giảng: 

Bảy chúng là ai? Là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Bảy chúng này chưa đạt được quả vị A-la-hán, Bích-chi Phật. Do vậy đối với bảy chúng thì A-la-hán, Bích-chi Phật có thể nói Phạm hạnh đã lập.

Chánh văn: 

Còn A-la-hán, Bích-chi Phật đã đoạn hết phiền não hư ngụy nên nói “đã làm xong”. A-la-hán, Bích-chi Phật đoạn được các phiền não không thọ hậu hữu lại nên nói “không thọ hậu hữu”; chứ không phải đã diệt hết các phiền não, cũng không phải đã chấm dứt hết tất cả sự thọ sanh mà nói là không thọ hậu hữu. 

Giảng: 

Không thọ hậu hữu tức là không thọ thân phần đoạn đời sau nữa, chứ không phải không thọ thân biến dịch. Ở đây giải thích tường tận về những chặng tu chứng của người tu. Nếu đoạn trừ được phần đoạn sanh tử, thân tạm bợ này chấm dứt không còn tái sanh nữa, đó gọi là không thọ hậu hữu, là A-la-hán. Riêng thân không thọ hậu hữu của đức Phật là thân viên mãn tất cả, tròn đầy tất cả cho nên khác với không thọ hậu hữu của A-la-hán.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì có những phiền não mà A-la-hán, Bích-chi Phật không đoạn được. Phiền não có hai thứ. Hai thứ là gì? Là trụ địa phiền não và khởi phiền não.

Giảng:

A-la-hán, Bích-chi Phật dẹp được khởi phiền não mà chưa dẹp được trụ địa phiền não cho nên chưa hết phiền não.

Chánh văn: 

Trụ địa có bốn thứ. Bốn thứ là gì? Là kiến nhất xứ trụ địa, Dục ái trụ địa, Sắc ái trụ địa và Hữu ái trụ địa. 

Giảng:

Kiến nhất xứ trụ địa là một phen thấy rõ rồi liền hết, cho nên kiến nhất xứ, thấy một chỗ thì dẹp được tất cả. Dục ái trụ địa là vô minh hay phiền não sanh trong cõi Dục. Sắc ái trụ địa là vô minh hay phiền não sanh trong cõi Sắc. Hữu ái trụ địa là vô minh hay phiền não sanh trong các cõi Vô sắc.

Chánh văn: 

Bốn thứ trụ địa này sanh ra tất cả khởi phiền não. Khởi phiền não là tâm sát-na duyên theo cảnh thì phiền não sát-na tương ưng. 

Giảng: 

Do bốn cái trụ địa đó mà sanh ra tất cả khởi phiền não. Khởi phiền não là gì? Tâm dấy lên gọi là tâm sát-na, rồi nó duyên với cảnh sát-na, tức là cảnh hiện có. Thí dụ mình vừa khởi nghĩ về cành hoa thì cành hoa hiện có. Niệm nghĩ cành hoa và cái thấy hoa đó gọi là sát-na. Hai thứ này gọi là sát-na tương ưng. Phiền não sát-na tương ưng là do tâm duyên cảnh mà khởi ra.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn, tâm sát-na không tương ưng với vô thủy vô minh trụ địa. 

Giảng:

Tâm sát-na không tương ưng với vô thủy vô minh trụ địa. Vì vô thủy vô minh trụ địa thầm kín, không dấy lên. Bởi thầm kín không dấy lên nên nó không phải là tâm sát-na. Bởi không phải tâm sát-na nên nói không tương ưng vô thủy vô minh.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn, sức của bốn trụ địa này làm chỗ dựa cho tất cả thượng phiền não nảy sinh, nhưng so với vô minh trụ địa thì dù tính toán thí dụ cũng không sao bì kịp.

Giảng:

Bốn trụ địa như trên nói là chỗ dựa cho tất cả thượng phiền não nảy sinh, nhưng những thứ đó so với vô minh trụ địa chưa bằng một mảy may. Chúng ta thấy bốn trụ địa phiền não là đã nhiều rồi mà còn không thấm vào đâu so với vô minh trụ địa.

Thượng phiền não là gì? Thượng là trên. Trên ở đây không phải là cao hơn hết, mà là thô nổi lên trên, che đậy ở trên nên gọi là thượng phiền não. Thí dụ chúng ta đang bình tĩnh như vậy, bỗng ai nói xúc phạm liền nổi sân lên. Do sân nên che đậy trí sáng suốt, vì vậy gọi sân là thượng phiền não.

Thượng phiền não thô nhất, chúng ta đoạn chưa được, huống nữa là đoạn bốn trụ địa. Chưa đoạn được bốn trụ địa thì làm sao đoạn được vô minh trụ địa. Thượng phiền não, tứ trụ địa phiền não, vô minh trụ địa phiền não giống như chùa có ba cổng vậy. Cổng thứ nhất là thượng phiền não, nếu ai vô cổng này rồi có thấy Phật trong chùa chưa? Chưa. Qua cổng thứ hai là phá được tứ trụ địa phiền não, thấy Phật chưa? Cũng chưa. Muốn thấy Phật phải qua cổng thứ ba, bước vào chùa mới thấy Phật, tức phá được vô minh trụ địa.

Chúng ta thấy Phật chưa? Còn đứng ở đâu ngoài cổng chùa, chưa bước qua cổng số một, huống nữa là cổng số hai, số ba. Học kinh này rồi mới thấy mình còn cách Phật quá xa. Tại sao? Tại gỡ phiền não không nổi, cho nên cần phải cố gắng nhiều hơn.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn, như vậy vô minh trụ địa đối với hữu ái và số bốn trụ địa, sức của vô minh trụ địa lớn hơn cả. Ví như ác ma Ba-tuần, sắc lực, thọ mạngquyến thuộc, vật dụng, sự tự tại hơn hẳn trời Tha Hóa Tự Tại. Cũng như thế, sức của vô minh trụ địa hơn cả so với hữu ái và số bốn trụ địa.

Giảng: 

Vô minh trụ địa sánh với bốn trụ địa thì nó lớn hơn cả. Vô minh trụ địa giống như ác ma, sức mạnh hơn cả cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

Chánh văn: 

Số thượng phiền não như cát sông Hằng đều dựa vào vô minh này mà thành lập, đồng thời cũng khiến bốn thứ phiền não tồn tại lâu dài. Trí của A-la-hán, Bích-chi Phật không thể đoạn được. Chỉ trí giác ngộ của Như Lai mới đoạn trừ được mà thôi. Như vậy, thưa Thế Tôn! Vô minh trụ địa có sức lớn nhất. 

Giảng:

Thượng phiền não nhiều như cát sông Hằng, nó dựa vào cái gì? Dựa vào vô minh mà thành lập, đồng thời cũng khiến bốn thứ phiền não tồn tại. Như vậy vô minh trụ địa là chỗ giữ cho bốn trụ địa phiền não tồn tại và nó cũng là chỗ sanh ra thượng phiền não.

Chánh văn: 

Lại như thủ duyên nghiệp nhân hữu lậu sanh tam hữu, cũng thế vô minh trụ địa duyên nghiệp nhân vô lậu sanh ra ba thứ ý sanh thân của A-la-hán, Bích-chi Phật và đại lực Bồ-tát.

Giảng: 

Trong mười hai nhân duyên, thủ duyên cái gì? Thủ duyên hữu, hữu là nghiệp, do đó ở đây nói thủ duyên nghiệp. Bởi có thủ mới có duyên hữu, bởi có hữu mới có sanh. Như vậy thủ là nhân đưa tới quả là nghiệp, nghiệp là nhân đưa tới quả là sanh. Cho nên thủ là chỗ tựa của nghiệp. Cũng vậy vô minh trụ địa là chỗ tụ duyên.

Thường thường chúng ta nghe nói nghiệp hữu lậu, ở đây lại nói nghiệp vô lậu. Vì các vị A-la-hán, Bích-chi Phật và Bồ-tát luôn luôn tu những nghiệp đoạn dứt hữu lậu. Đoạn dứt hữu lậu tức là vô lậu. Như vậy nghiệp của các ngài là nghiệp vô lậu. Chúng ta còn nghiệp hữu lậu nên cứ sanh tử liên tục. Các ngài còn nghiệp nhân vô lậu nên cũng còn sanh tử, mà sanh tử trong cái ý sanh thân, tức là biến dịch. Chúng ta thì sanh tử trong phần đoạn. Hai thứ sai biệt nhau. Chúng ta sanh tử do nghiệp dẫn thọ thân phần đoạn. Các ngài do nghiệp vô lậu nên được ý sanh thân, thọ sanh tử biến dịch.

Chánh văn: 

Ba bậc này là sự sanh của ba thứ ý sanh thân kia, cùng sự sanh của nghiệp vô lậu đều do từ vô minh trụ địa mà ra. Rõ ràng vô minh và chúng có tác duyên với nhau mới có sanh, chứ không phải không duyên mà có. Cho nên ba thứ ý sanh và nghiệp vô lậu đều duyên vô minh trụ địa.

Giảng:

Vô minh trụ địa là chỗ tựa cho nghiệp vô lậu sanh ý sanh thân. Chúng ta lấy gì làm chỗ tựa để có thủ duyên hữu? Gốc của mười hai nhân duyên cũng từ vô minh, nhưng vô minh này với vô minh trụ địa khác nhau. Như chúng ta bị vô minh nên chấp thân phần đoạn sanh tử này là thật, chấp tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là tâm thật, đó là vô minh. Bởi vô minh cho nên tạo các thứ phiền não, các thứ nghiệp, rồi bị sanh tử tiếp tục trong phần đoạn sanh tử đó.

Các ngài từ A-la-hán, Bích-chi Phật và Bồ-tát, còn thấy có chứng có đắc không? Thấy chứng quả A-la-hán, quả Bích-chi Phật, quả vị Bồ-tát Sơ địa, Nhị địa v.v… là còn ngầm cái ngã; cái ngã ngầm đó gọi là vô minh trụ địa. Vì còn ngã nên chưa viên mãn, chưa thành Phật quả, bởi thế nên còn khởi tu để đi tới chỗ viên mãn. Phật nói cái ngã ngầm đó là chỗ vô minh sâu kín nhất đối với tất cả vô minh. Vì vậy gọi vô minh trụ địa là chỗ tựa để làm duyên sanh ra nghiệp vô lậu được ý sanh thân. Cho nên nói A-la-hán được vô lậu, chỉ là vô lậu của thân phần đoạn chứ chưa phải vô lậu viên mãn.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn, như vậy hữu ái trụ địa và số bốn trụ địa không đồng nghiệp với vô minh trụ địa. Sự phân ly của vô minh trụ địa khác sự phân ly của bốn trụ địa. Đến Phật địa mới đoạn, trí Bồ-đề của Phật mới đoạn được. 

Giảng:

Bởi mê chấp thân thật nên ưa cõi Dục, gọi là Dục ái trụ địa, ưa sanh cõi Sắc là Sắc ái trụ địa, ưa sanh các cõi trời Vô sắc là Hữu ái trụ địa. Như vậy sự xa lìa những thứ đó khác hơn xa lìa vô minh trụ địa. Vì vô minh trụ địa chỉ có trí Phật mới đoạn, mới dứt, mới lìa được. Trí A-la-hán, Bích-chi Phật chưa đoạn chưa lìa được.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì A-la-hán, Bích-chi Phật đoạn trừ bốn thứ trụ địa nhưng không tột cùng vô lậu, không được sức tự tại, cũng không chứng được. Chỗ không tột cùng vô lậu đó là vô minh trụ địa. 

Giảng:

Các vị A-la-hán, Bích-chi Phật cho tới Bồ-tát đoạn được bốn thứ trụ địa trước nhưng chưa đoạn được vô minh trụ địa nên nói chưa tột.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! A-la-hán, Bích-chi Phật và tối hậu thân Bồ-tát còn bị vô minh trụ địa ngăn che nên đối với tất cả pháp không thấu triệt, không giác ngộ. Do không thấy biết tỏ rõ thấu suốt ấy nên đối với cái phải đoạn trừ không đoạn trừ được, không rốt ráo được. Do không đoạn được cho nên gọi là hữu dư quá giải thoát, chứ không phải ly nhất thiết quá giải thoát. 

Giảng:

Chữ “quá” là lỗi, Hữu dư quá giải thoát là còn lỗi thừa mà giải thoát, chứ không phải lìa tất cả lỗi mà giải thoát. Lỗi thừa là gì? Là minh trụ địa. Vì còn vô minh trụ địa cho nên còn lỗi thừa.

Chánh văn:

Gọi là hữu dư thanh tịnh chứ không phải nhất thiết thanh tịnh. Gọi là thành tựu hữu dư công đức chứ không phải là nhất thiết công đức.

Giảng:

Tức là thanh tịnh nhưng chưa hoàn toàn, vẫn còn chút lỗi thừa, chưa thanh tịnh trọn vẹn nên nói không phải nhất thiết công đức thanh tịnh.

Chánh văn: 

Do chỉ mới thành tựu hữu dư giải thoát, hữu dư thanh tịnh, hữu dư công đức nên chỉ mới biết cái khổ hữu dư, đoạn cái tập hữu dư, chứng cái diệt hữu dư, tu cái đạo hữu dư. Như thế gọi là được thiểu phần Niết-bàn. Được thiểu phần Niết-bàn gọi là hướng Niết-bàn giới. 

Giảng: 

Chưa phải đạt được Niết-bàn. Đến đây mới gọi là hướng Niết-bàn giới, tức hướng tới Niết-bàn, chứ chưa phải hoàn toàn an trụ Niết-bàn.

Chánh văn: 

Nếu biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt, tu tất cả đạo thì trong thế gian vô thường hoại, vô thường bệnh được thường trú Niết-bàn, trong thế gian không nơi che chở, không nơi nương tựa làm nơi che chở nương tựa cho thế gian.

Giảng:

Ở đây có chữ vô thường hoại, vô thường bệnh. Cái gì là vô thường hoại, vô thường bệnh? Phần đoạn sanh tử gọi là vô thường hoại, biết việc sanh tử gọi là vô thường bệnh. Hết hai thứ này mới thường trú Niết-bàn. Trong thế gian này không ai che chở thì các ngài che chở cho, làm chỗ nương tựa cho tất cả thế gian.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì pháp không ưu liệt nên được Niết-bàn. Trí tuệ bình đẳng nên được Niết-bàn. Giải thoát bình đẳng nên được Niết-bàn. Thanh tịnh bình đẳng nên được Niết-bàn. Cho nên Niết-bàn chỉ có một vị bình đẳng. Đó là vị giải thoát.

Giảng:

Nếu còn Bích-chi Phật, còn A-la-hán thì chưa bình đẳng. Đến Bồ-tát địa này địa khác cũng chưa bình đẳng, chỉ có Phật mới một vị bình đẳng không sai biệt. Ai tu tới đây cũng gọi là Phật, không gọi khác. Những vị tu tới A-la-hán khác với Bích-chi Phật, Bích-chi Phật khác với Bồ-tát, Bồ-tát Sơ địa khác Nhị địa, Nhị địa khác Tam địa… Như vậy chưa phải là chỗ tột cùng bình đẳng. Bởi chưa phải tột cùng bình đẳng nên chưa phải một vị giải thoát.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn, nếu vô minh trụ địa không đoạn, đoạn không rốt ráo thì không được nhất vị bình đẳng là vị giải thoát vô minh.

Giảng:

Đoạn dứt được vô minh trụ địa mới gọi là nhất vị bình đẳng. Nhất vị bình đẳng mới gọi là giải thoát bình đẳng.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì vô minh trụ địa không đoạn, đoạn không rốt ráo được các pháp phải đoạn nhiều hơn số cát sông Hằng, nên đối với tất cả pháp nhiều hơn số cát sông Hằng cần phải đạt thì không đạt được, cần phải chứng thì không thể chứng. Cho nên vô minh trụ địa tích tụ sanh ra tất cả: tu, đạo, đoạn, phiền não, thượng phiền não. 

Giảng: 

Vì chưa đoạn được vô minh trụ địa, nên các pháp chưa được rốt ráo, những phiền não nhiều như số cát sông Hằng chưa dứt sạch, do đó những quả vị đạt được cũng chưa tới chỗ cứu cánh. Từ vô minh trụ địa sanh ra tất cả các thứ tu, đạo, đoạn, phiền não và thượng phiền não. Bởi do vô minh trụ địa mới có ý sanh thân, từ ý sanh thân mới khởi quán chiếu, tu để đoạn phiền não. Vì vậy nói từ vô minh trụ địa tích tụ mà sanh ra tất cả cái tu, đoạn, phiền não.

Chánh văn 

Vô minh trụ địa kia sanh ra tâm thượng phiền não, chỉ thượng phiền não, quán thượng phiền não, thiền thượng phiền não, chánh thọ thượng phiền não, phương tiện thượng phiền não, trí thượng phiền nãoquả thượng phiền não, đắc thượng phiền não, lực thượng phiền não, vô úy thượng phiền não.

Giảng:

Chánh thọ tức là chánh định, phương tiện tức là tinh tấn. Tại sao chỉ, quán, thiền, định, tinh tấn, trí tuệ, đắc, lực… đều gọi là phiền não? Vì tất cả đều y cứ vô minh trụ địa mà khởi quán khởi tu, cho nên còn nằm trong phiền não. Cũng như chúng ta tu thiền mà chưa hết phiền não, thì có phải là thiền phiền não không? Vì chưa hết vô minh trụ địa nên cái nào cũng nằm trong phiền não. Tuy nhiên nhờ khởi quán như vậy nên gỡ được những phiền não thô bên ngoài, từ từ mới đi tới các phiền não vi tế bên trong.

Chánh văn: 

Tất cả những thượng phiền não nhiều hơn số cát sông Hằng ấy, trí Bồ-đề của Như Lai đoạn trừ hết. Tất cả đều từ vô minh trụ địa kiến lập. Tất cả thượng phiền não khởi lên đều nhân vô minh trụ địa duyên, vô minh trụ địa mà ra cả. 

Giảng: 

Như vậy vô minh trụ địa là chỗ tựa cho thượng phiền não khởi. Tất cả phiền não dấy lên đều gốc từ vô minh trụ địa mà ra. Do vô minh chấp thân nên có phiền não của thân, người ta xúc phạm tới danh dự của mình, của cải của mình, thì phiền não… Tất cả phiền não đó gốc từ chấp ngã mà ra. Chấp ngã trên thân thuộc phần đoạn sanh tử, nó sanh các thứ thượng phiền não.

Chấp ngã trên quả vị tu chứng thuộc về biến dịch sanh tử, tức là chấp mình chứng quả này quả kia, được ý sanh thân. Còn chỗ sở chứng, sở đắc vì còn vô minh trụ địa. Chúng ta đối với vô minh chấp phần đoạn sanh tử chưa lung lay, huống nữa là vô minh trụ địa. Vì vậy mình khao khát chứng ý sanh thân, chứng quả này quả kia… cho như thế là toại nguyện, nên A-la-hán nhập Niết-bàn tự mãn cho là đủ. Đó là còn vô minh trụ địa, tức còn cái ngã tế nhị bên trong.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn, từ nơi đó khởi lên các phiền não, tâm sát-na duyên cảnh thì phiền não sát-na tương ưng.

Giảng: 

Vì khởi các phiền não nên tâm dấy niệm, rồi duyên theo cảnh chấp cảnh, thành ra đủ thứ chuyện.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn, tâm không tương ưng với vô thủy vô minh trụ địa. Thưa Thế Tôn, nếu các pháp mà trí Bồđề của Như Lai đoạn trừ còn nhiều hơn số cát sông Hằng, thì tất cả pháp ấy đều do vô minh trụ địa duy trì và kiến lập.

Giảng: 

Các phiền não mà Phật đoạn nhiều hơn số cát sông Hằng, gốc từ vô minh trụ địa mà ra.

Chánh văn: 

Ví như tất cả mọi hạt giống đều từ đất sanh ra, kiến lập và tăng trưởng, nếu đất bị hủy hoại chúng cũng sẽ bị hủy hoại theo. Cũng thế, các pháp mà trí Bồ-đề của Như Lai đoạn trừ nhiều hơn số cát sông Hằng ấy, tất cả đều từ vô minh trụ địa sanh ra, kiến lập và tăng trưởng, nếu vô minh trụ địa đoạn được thì các pháp nhiều hơn số cát sông Hằng mà trí Bồ-đề của Như Lai đoạn trừ kia cũng đoạn diệt theo. 

Giảng:

Như vậy chỉ cần đoạn vô minh trụ địa thì tất cả những thứ kia, tất cả phiền não như cát sông Hằng cũng hoại diệt luôn.

Chánh văn: 

Như thế là đoạn diệt hết tất cả phiền não, thượng phiền não, đối với tất các pháp sở đắc của Như Lai nhiều hơn số cát sông Hằng được thông đạt vô ngại tất cả tri kiến, lìa tất cả lỗi lầm, được tất cả công đức, tự tại như pháp vương pháp chủ, bước lên địa vị tự tại đối với tất cả pháp. 

Giảng:

Vì Như Lai đoạn được vô minh trụ địa phiền não, nên tất cả phiền não đều đoạn được. Vì tất cả phiền não đều đoạn nên ngài thông đạt vô ngại, lìa tất cả lỗi lầm v.v… Thế Tôn đạt được tự tại vô ngại.

Chánh văn: 

Như Lai Ứng chánh đẳng giác là bậc nói lên tiếng nói chân thật không sợ hãi như tiếng sư tử rống rằng: “Đời sau đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ hậu hữu.” Cho nên Thế Tôn đã dùng tiếng rống của sư tử, y theo ý nghĩa rốt ráo mà nói thẳng như vậy. 

Giảng:

A-la-hán được bốn điều: Đời sau đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau. A-la-hán được như vậy, nhưng chỉ được trên thân phần đoạn sanh tử thôi. Đức Phật thấu tột cùng cả thân biến dịch sanh tử luôn. Tới địa vị Phật không còn chỗ nào để tiến lên nữa thì đâu còn gì đổi thay, nên gọi là không biến dịch. Như vậy lời Phật nói mới đúng là tiếng sư tử rống, là rốt ráo.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn, có hai loại bất thọ hậu hữu trí. Nghĩa là Như Lai là bậc Vô thượng Điều ngự hàng phục bốn ma, ra khỏi tất cả thế gian, được tất cả chúng sanh chiêm ngưỡng, được pháp thân không thể nghĩ bàn. Trong tất cả các bậc trí Bát-nhã, được pháp tự tại vô ngại, không còn bậc nào cao hơn phải làm, không còn địa vị nào cao hơn để đạt tới, mười lực dõng mãnh bước lên địa vị đệ nhất vô thượng úy. Tất cả trí Bát-nhã, trí quán vô ngại không do ai khác, đó là bất thọ hậu hữu, trí quyết định đạo lý chân thật như tiếng rống sư tử. 

Giảng:

Đức Phật không thọ thân sau là do ngài đã điều phục được bốn thứ ma. Bốn thứ ma là gì? Là thiên ma, tử ma, ngũ ấm ma, phiền não ma. Ngũ ấm ma là ma thuộc về thân năm ấm. Chúng ta tu để phá trừ ngũ ấm ma tức là phá chấp về thân ngũ ấm. Đức Phật điều phục được bốn ma, ra khỏi tất cả thế gian, được tất cả chúng sanh chiêm ngưỡng, được Pháp thân không thể nghĩ bàn.

Trong tất cả các bậc trí Bát-nhã thì ngài là bậc tự tại vô ngại, không còn bậc nào cao hơn nữa, không còn địa vị nào cao hơn nữa, đức Phật đầy đủ mười lực, được đệ nhất vô thượng úy v.v… Vì vậy ngài nói ra như tiếng rống của sư tử.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! A-la-hán, Bích-chi Phật khi vượt qua nỗi sợ hãi của sanh tử, theo cấp độ được cái vui giải thoát sanh ý tưởng cứu cánh rằng: “Ta đã lìa khỏi nỗi sợ hãi của sanh tử, không còn chịu nỗi khổ sanh tử.” Thưa Thế Tôn! A-la-hán, Bích-chi Phật khi quán sát được quán trí bất thọ hậu hữu Niết-bàn an nghỉ cao tột. 

Giảng:

A-la-hán vượt qua khỏi sợ hãi sanh tử của phần đoạn sanh tử, các ngài tưởng như vậy là giải thoát, tưởng là cứu cánh nên nói; Ta đã lìa khỏi nỗi sợ hãi của sanh tử, không còn chịu sanh tử nữa nhưng thật ra các ngài chưa thấy. Các ngài cho đó là đã được Niết-bàn cao tột rồi.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! A-la-hán, Bích-chi Phật kia ở địa vị mới đạt được, không ngu muội đối với các pháp sở đắc, thấy không do ai khác và cũng tự biết được rằng địa vị hữu dư, thì chắc chắn sẽ được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Giảng:

Tức là được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu A-la-hán, Bích-chi Phật đạt được quả A-la-hán, Bích-chi Phật rồi, ngang đó không ngu muội đối với pháp sở đắc, tức không lầm pháp mình được cho là cứu cánh. Biết nó là hữu dư, tức tạm bợ chưa phải cứu cánh, do vậy các ngài tiến lên, đó gọi là Lợi A-la-hán. Nếu tu tiến lên nữa, các ngài sẽ đến quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu ngang đó các ngài lầm cho pháp mình được là cứu cánh viên mãn, an trụ ở đó gọi là ngu muội, là pháp Thanh văn, các ngài chìm ở trong Niết-bàn của A-la-hán, không bao giờ vươn lên được.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì Thanh văn, Duyên giác thừa đều nhập vào Đại thừa. Đại thừa tức Phật thừa. 

Giảng:

Ở đây nói giống như kinh Pháp Hoa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa đều vào Đại thừa. Đại thừa tức là Phật thừa, không có hai.

Chánh văn: 

Cho nên tam thừa tức là Nhất thừa. Được Nhất thừa là được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. (Tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là Phật.) A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tức cảnh giới Niết-bàn. Cảnh giới Niết-bàn tức Như Lai pháp thân. Được pháp thân cứu cánh thì được Nhất thừa cứu cánh, không khác Như Lai, không khác pháp thân. Như Lai tức pháp thân, được pháp thân cứu cánh thì cứu cánh được Nhất thừa. Cứu cánh tức là vô biên bất đoạn. 

Giảng:

Như vậy là thể nhập được pháp thân. Thể nhập được pháp thân rồi gọi là cứu cánh Nhất thừa, đó mới là vô biên, mới là bất đoạn. Tức không còn ngằn mé, không còn giới hạn, không còn bị thời gian chi phối nữa nên gọi là bất đoạn.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Như Lai thường trú vô hạn thời gian, Như Lai Ứng chánh đẳng giác về sau cũng thường trú như vậy. Như Lai tâm đại bi vô hạn, hạnh an úy thế gian cũng vô hạn. Đại bi vô hạn, an úy thế gian vô hạn, nói thế tức khéo ca ngợi công đức Như Lai. 

Giảng:

Như Lai ở đây chỉ cho Như Lai pháp thân. Như Lai pháp thân nên không còn bị thời gian chi phối, gọi là thường trú thời gian hạn. Như Lai pháp thân là đại bi hay cứu khổ chúng sanh. Hiểu như vậy là khen ngợi đức Phật đúng ý nghĩa.

Chánh văn: 

Nếu lại nói Như Lai là pháp vô tận, là pháp thường trú, là nơi cho tất cả thế gian quy y, nói thế cũng là khéo ca ngợi công đức Như Lai.

Giảng:

Vì pháp thân là bất sanh bất diệt cho nên gọi là vô tận, là thường trú. Đức Phật ở Ấn Độ tám mươi tuổi nhập diệt nên không phải là vô tận, không phải là thường trú. Chính Như Lai pháp thân vô tận thường trú này mới là chỗ để cho thế gian quy y, nói thế cũng là khéo ca ngợi. Nói được như vậy là khéo ca ngợi Như Lai.

Chánh văn: 

Cho nên đối với thế gian chưa được độ thoát, đối với thế gian không nơi nương tựa, cho đến tột cùng vị lai, bậc hằng làm nơi quy y vô tận, làm bậc thường trú quy y gọi là Như Lai Ứng chánh đẳng giác.

Giảng:

Ở đây nói thế gian là chỉ thế gian nào, có mấy thứ? Một là hữu tình thế gian, hai là quốc độ hoặc vô tình thế gian. Nói thế gian không chỗ nương tựa là chỉ cho hữu tình thế gian. Chúng sanh hữu tình không chỗ nương tựa, chỉ pháp thân Phật mới thật là chỗ nương tựa. Trong kinh Kim Cang nói: Nhược dĩ sắc kiến ngã âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai. Nghĩa là nếu dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như Lai ở đây không phải sắc, không phải âm thanh, mà là pháp thân Như Lai.

Chánh văn: 

Pháp là nói đạo Nhất thừa, Tăng là chúng tam thừa. Hai quy y này chưa phải cứu cánh quy y mà là thiểu phần quy y.

Giảng:

Pháp là thuyết Nhất thừa đạo. Quy y Pháp là nguyện quy hướng chánh pháp, đi theo con đường xa lìa khổ não, hướng đến sự an ổn Niết-bàn. Tăng gọi đầy đủ là Hiền thánh tăng tam thừa, tức là tăng chúng Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa, như vậy mới đúng nghĩa tăng bảo. Còn chúng ta là tăng sanh diệt, tăng phàm không thể so sánh với tăng tam thừa. Quy y với tăng tam thừa biết pháp mà cũng chỉ là thiểu phần quy y, huống là tăng phàm phu chúng ta, không thấm vào đâu so với tăng tam thừa.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì pháp nói đạo Nhất thừa được pháp thân cứu cánh, mà trên đó lại không nói đến pháp thân Nhất thừa. Chúng tam thừa vì có nỗi sợ hãi mà quy y Như Lai cầu xuất gia tu học hướng đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho nên hai quy y này chưa phải quy y rốt ráo mà là quy y còn giới hạn.

Giảng:

Nhất thừa chính là Phật thừa. Pháp thân Nhất thừa là Phật pháp thân. Chứng đắc Nhất thừa đạo thì được pháp thân cứu cánh, ngộ nhập tri kiến Phật, chứng đại Niết-bàn. Pháp nói về đạo Nhất thừa không phải là đã đạt được Nhất thừa. Giống như cầm bản đồ chỉ đường đi đến Vũng Tàu nhưng chưa phải đến Vũng Tàu. Cho nên quy y với Pháp chưa phải là quy y cứu cánh.

Hiền thánh tăng tam thừa tuy rằng đắc đạo giải thoát nhưng vẫn còn tâm sợ sanh tử, vẫn còn phải nương theo Phật, nương theo pháp tu hướng đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên cũng chưa thể gọi là rốt ráo. Do vậy quy y Pháp, quy y Tăng chưa phải là viên mãn quy y vì còn thiếu Phật bảo.

Chánh văn: 

Nếu có chúng sanh được Như Lai điều phục, quy y Như Lai được thấm nhuần đạo pháp, sanh lòng tin vui yêu thích mà quy y Pháp Tăng, thì hai quy y này không phải hai quy y ấy mà là quy y Như Lai. 

Giảng: 

Nếu chúng ta biết hướng về pháp thân Phật nguyện quy y, hay nương nơi pháp thân Phật thấm nhuần đạo sanh lòng tin yêu thích, từ đó mới quy y Pháp quy y Tăng, như vậy gọi là quy y cứu cánh, Người không biết, không nhận ra được pháp thân mà quy y Pháp Tăng là quy y còn kém, chưa cứu cánh.

Chánh văn:

Quy y đệ nhất nghĩa là quy y Như Lai. Hai quy y này, quy y đệ nhất nghĩa là cứu cánh quy y Như Lai. Bởi vì sao? Vì Pháp Tăng không khác Như Lai, quy y Như Lai không khác hai quy y. Quy y Như Lai tức quy y đủ ba.

Giảng:

Như vậy quy y Như Lai là quy y đầy đủ Phật Pháp Tăng.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì nói đạo Nhất thừa là nói Như Lai thành tựu bốn thứ không sợ hãi, như tiếng rống sư tử. Còn Như Lai có tùy theo ý muốn nhỏ hẹp của Nhị thừa mà phương tiện nói, thì đó cũng là Đại thừa không có tam thừa. Tam thừa nhập vào trong Nhất thừa. Nhất thừa tức là đệ nhất nghĩa thừa (hay là Phật thừa).

Giảng: 

Chương này nói về Nhất thừa. Nhất thừa là chỉ cho Phật thừa. Chúng ta học từ đầu tới đây, thấy nêu ra các thứ phiền não, từ thượng phiền não đến tứ trụ phiền não, rồi vô minh trụ địa phiền não… Thượng phiền não y cứ vào tứ trụ phiền não, tứ trụ phiền não y cứ vào vô minh trụ địa phiền não. Như vậy trong ba thứ phiền não, vô minh trụ địa phiền não là gốc. Từ tứ trụ địa phiền não khởi ra thượng phiền não, cho nên thượng phiền não nhiều như số cát sông Hằng.

n Chúng ta tu trước hết phải đoạn thượng phiền não, hết thượng phiền não tới đoạn tứ trụ phiền não, đoạn tứ trụ phiền não rồi chứng A-la-hán, Bích-chi Phật hoặc Bồ-tát. Đến các địa vị này vẫn còn vô minh trụ địa phiền não nên chưa thành Phật. Muốn thành Phật phải đoạn hết vô minh trụ địa phiền não. Loại phiền não này rất tế nhiệm, dù Bồ-tát hay A-la-hán, Bích-chi Phật lâu lâu cũng dấy khởi, chưa gọi là cứu cánh, chưa thật sự an trụ Niết-bàn. Cho nên Phật nói Niết-bàn của Nhị thừa là hóa thành, chưa phải bảo sở, chỉ phương tiện nói để đưa tới đạo Nhất thừa. Thật sự ba thừa chỉ có Nhất thừa là Phật thừa mà thôi.

Nói Nhất thừa là đứng về phương diện phá phiền não mà nói, từ phá thượng phiền não đến trụ địa phiền não, vô minh trụ địa phiền não; phá được ba thứ này, chỗ chứng sai biệt nhau. Chúng ta phá được thứ nào rồi? Thượng phiền não như cát sông Hằng, các huynh đệ phá chừng phân nửa, một phần ba? Thật là thăm thẳm, phiền não quá nhiều nên Phật thí dụ như số cát sông Hằng. Thượng phiền não che đậy làm cho chúng ta mê lầm không biết lẽ thật.

Tứ trụ địa phiền não từ vô minh chấp ngã cho thân tứ đại là thật, tâm sanh diệt là thật. Bởi tâm chấp ngã nên sanh cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Vì vậy phá được tứ trụ địa phiền não là phá được chấp ngã của phần đoạn sanh tử, A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát có ý sanh thân và còn biến dịch sanh tử. Nếu A-la-hán trụ ngang cảnh Niết-bàn của mình gọi là ngu độn Thanh văn, trụ mãi như thế là vẫn còn trong sanh tử, chưa thể gọi là cứu cánh. Muốn vươn lên phải khởi niệm sanh trở lại để hành Bồ-tát đạo, vì vậy còn trải qua biến dịch sanh tử. Bồ-tát cũng vậy, còn vô minh trụ địa là còn sanh, chừng nào dứt vô minh trụ địa mới hoàn toàn hết sanh.

Chương này chỉ cho chúng ta những thứ bậc tu hành. Tu hành chủ yếu là đoạn phiền não. Nếu dứt được những phiền não thô, lần lần đi tới quả vị từ thấp lên cao. Những quả vị đó chỉ là phương tiện, chỗ cứu cánh là thành Phật. Nhưng vì trong khi tu, chúng ta còn nhát còn sợ, còn trông đợi cho nên Phật tạm nói các quả vị để an ủi. Vì vậy mới có hóa thành nghỉ ngơi khỏe chân rồi đi nữa tới bảo sở, đó là ý nghĩa Nhất thừa trong kinh Pháp Hoa. Nhất thừa ở đây cũng giống như vậy, nhưng lối giải thích khác nhau.

Học hiểu cho thấu đáo để thấy được sự tu hành, được tâm sanh diệt, bệnh tật của mình thế nào. Chúng ta tu nhiều khi không biết mình, những lúc thấy hơi an một chút, thảnh thơi một chút, tưởng như giải thoát rồi, nhưng thật ra là giải thoát của một hạt cát trong sông Hằng, chưa phải giải thoát thật.

Chúng ta làm sao dứt tất cả phiền não, nhất là phiền não từ chấp thân, là vô minh sanh ra tứ trụ phiền não. Vô minh đó phá được rồi tưởng như nhẹ lắm nhưng chưa xong. Hàng Nhị thừa chứng Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, tiến lên Bồ-tát Sơ địa, Nhị địa, cho tới Thập địa v.v… Như vậy hết ngã thô nhưng vẫn còn cái ngã ngầm tế nhị ở trong. Bởi vậy các ngài được ý sanh thân tùy nguyện tùy duyên thọ sanh, vẫn còn nằm trong biến dịch sanh tử. Phải hết vô minh trụ địa, thành tựu Phật quả, chừng đó mới hết sạch ngã.

Cho nên nói Đại thừa nhiếp thọ chánh pháp có ba việc: xả bỏ thân, xả bỏ mạng, xả bỏ tài sản. Ba việc đó dễ hay khó đối với chúng ta? Xả bỏ ba việc trên là vô ngã rồi. Thân và mạng là ngã, tài sản là ngã sở, phá được cái ngã này mới phá được những vô minh thượng, phá không được ngã này thì vô minh thượng không phá nổi. Còn thấy ngã quan trọng thì không thể nào hết phiền não. Thấy mình quan trọng, ai khen thì nở lỗ mũi, ai chê liền xụ mặt… chừng nào phá sạch ngã mới hết những thứ đó. Bởi vậy tu không phải là chuyện dễ.

Chúng ta thấy vô ngã mới có một chặng của phàm, còn ba chặng của thánh nữa mới vuông tròn. Như cái ngã của các huynh đệ là ngã của học trò, cái ngã của tôi là ngã của ông thầy, đều là phàm ngã. Chúng ta chưa hết ngã tức là còn vô minh, còn phải tu.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.