Kinh Thắng Man giảng giải

Chương VII Như Lai Tạng



Thanh văn Duyên giác y theo pháp tứ thánh đế tu hành để chứng Niết-bàn. Chứng Niết-bàn bằng cách nào? Thấy được lý vô ngã, tức là Kiến nhất xứ trụ địa. Thấy được lý vô ngã nên các ngài không còn khởi niệm mê chấp cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, vì vậy đoạn được bốn trụ địa, dứt mầm sanh tử của thân phần đoạn. Tuy dứt mầm sanh tử của thân phần đoạn nhưng chưa thấy sau khi dứt mầm sanh tử này rồi sẽ còn cái gì.

Như vậy sau khi nhập Niết-bàn là hoàn toàn yên lặng, không còn gì hay thế nào nữa? Niết-bàn có ngã hay không có ngã? Nếu không có ngã thì ai nhập Niết-bàn? Nếu Niết-bàn là chỗ hoàn toàn không ngơ thì vô lý, chẳng lẽ tu tới cuối cùng lại không ngơ sao?

Thật ra người tu cần phải hiểu: khi diệt hết mầm sanh tử của thân phần đoạn, lúc đó mới thấy Như Lai tạng. Vì phá hết ngã chấp nên không sanh trong tam giới, dứt mầm sanh tử. Khi dứt mầm sanh tử thì bề nổi của sanh tử không có nhưng Như Lai tạng vẫn còn, vẫn có. Nó là gốc để đi tới thành Phật.

Như Lai tạng còn gọi là Như Lai tàng, có hai ý: tàng là che đậy, tạng là kho. Kho là chỗ chứa đựng chủng tử, che đậy là chỉ cho phiền não. Chúng ta có kho Như Lai sẵn ngầm bên trong, nhưng vì phiền não che khuất nên gọi là Như Lai tàng. Phật tánh là cái kho chứa đựng vô lượng vô biên công đức, cho nên cũng gọi là Như Lai tạng. Chúng ta tu diệt hết chủng tử nghiệp rồi, còn có Như Lai tạng hay Phật tánh ẩn ở trong.

Hàng Nhị thừa chỉ mới thấy được diệt mầm sanh tử của tam giới mà không thấy Như Lai tạng, cho nên tới đó rồi nói là diệt, là nhập Niết-bàn, chứ không biết sau khi diệt hết các mầm sanh tử mới tiến lên phá vô minh trụ địa, lúc đó Như Lai tạng hiển lộ đầy đủ.

Chánh văn: 

Nói đến nghĩa lý thâm sâu của thánh đế thì vi tế khó hiểu, không thuộc phạm vi suy nghĩ ước lượng. Đó là điều người trí có thể hiểu được, mà cả thế gian không thể tin. Bởi vì sao? Vì đây là nói về Như Lai tạng rất sâu xa. Như Lai tạng là cảnh giới của Như Lai, Như Lai tạng không phải chỗ mà tất cả Thanh văn Duyên giác có thể biết đến được. 

Giảng:

Diệt đế là chỗ thâm sâu của tứ thánh đế, không phải diệt đế là diệt hết phiền não rồi thôi. Chính diệt hết phiền não còn có Như Lai tạng ẩn ở trong. Điều đó không nằm trong phạm vi suy nghĩ ước lượng của phàm phu, chỉ người trí mới có thể tin hiểu điều đó, người thường không thể hiểu không thể tin.

Thanh văn Duyên giác chỉ nghĩ đến diệt hết phiền não để dứt mầm sanh tử trong tam giới, chứ không thấy được nơi mọi người còn có ngầm ẩn Phật tánh hay Như Lai tạng sâu kín ở trong. Chỉ có Phật biết, hàng Thanh văn Duyên giác chưa biết chỗ này.

Chánh văn: 

Từ nơi Như Lai tạng mà nói nghĩa của thánh đế. Như Lai tạng là chỗ rất sâu xa nên nói thánh đế cũng rất sâu xa vi tế khó hiểu, không thuộc phạm vi của tư lương. Đó là chỗ người trí có thể hiểu được mà cả thế gian không thể tin. 

Giảng:

Tứ thánh đế là từ Như Lai tạng khởi lên, chứ không phải ở ngoài Như Lai tạng mà có.

Như Lai tạng này chỉ có người trí, tức hàng Bồ-tát mới có thể hiểu được, còn người thế gian không thể hiểu. Tại sao? Bởi vì người thế gian chỉ hiểu thân này và những thứ phiền não sanh ở trong tam giới. Muốn hết sanh trong tam giới thì diệt hết phiền não, hết nguyên nhân sanh trong tam giới, gọi là Niết-bàn. Họ không hiểu được ngay trong thân này có một cái ngầm ẩn, khi dứt được vô minh trụ địa, nó sẽ hiển lộ đầy đủ. Cái ngầm ẩn đó là chủ của tất cả dòng sanh tử, sanh tử biến dịch và sanh tử phần đoạn. Hai dòng sanh tử đó đều từ Như Lai tạng lưu xuất. Người chỉ dứt được phần đoạn sanh tử chưa thấy được Như Lai tạng ở bên trong.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.