Kinh Thắng Man giảng giải

Chương IV Nhiếp Thọ



Chánh văn: 

Bấy giờ Thắng Man lại bạch Phật rằng: 

– Nay con lại nương theo oai thần của Phật, xin nói về đại nguyện điều phục chân thật không khác. 

Giảng:

Bà thưa, nương oai thần của Phật mà nói được những điều này, chứ không phải khả năng riêng của bà.

Chánh văn: 

Phật bảo Thắng Man:

– Cho phép ngươi nói.

Thắng Man bạch Phật:

– Bồ tát có các nguyện như cát sông Hằng, tất cả nguyện ấy đều ở trong một nguyện, đó là nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp thật là nguyện lớn.

Giảng:

Chúng ta thấy chủ yếu của người tu là phải sống đúng chánh pháp, rồi ban bố chánh pháp, bảo vệ chánh pháp. Bao nhiêu nguyện lớn của Bồ-tát cũng nằm trong phạm vi đó. Giả sử ta cho đứa bé ít bánh trái, mục đích để làm gì? Để khuyên nó biết đạo hoặc tới chùa học hỏi Phật pháp. Như vậy việc bố thí ấy cũng vì chánh pháp. Dù có nghìn muốn hạnh sai biệt nhưng cũng quy hướng về nhiếp thọ chánh pháp, diễn hóa chánh pháp và bảo vệ chánh pháp mà thôi.

Chánh văn: 

Phật khen Thắng Man:

– Hay thay! Hay thay! Trí tuệ của ngươi sâu xa nhiệm mầu do ngươi đã hằng lâu trồng các căn lành mới được như vậy. Đời sau chúng sanh nào có trồng căn lành từ lâu, mới hiểu được điều ngươi nói.

Giảng:

Như vậy ai hiểu được lời bà nói là người đã gieo trồng căn lành từ lâu.

Chánh văn: 

Nhiếp thọ chánh pháp ngươi nói đây là điều mà quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật đã nói, đang nói, sẽ nói. Ta nay được vô thượng Bồ-đề cũng thường nói nhiếp thọ chánh pháp như vậy.

Giảng: 

Lời nói nhiếp thọ chánh pháp của Thắng Man, không phải riêng bà nói mà chư Phật đời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều nói như vậy. Chính đức Phật thành vô thượng Bồ-đề cũng nói về nhiếp thọ chánh pháp. Tất cả chúng ta không có hạnh nào khác hơn là nhiếp thọ chánh pháp, tức là hiểu đúng chánh pháp, hành đúng chánh pháp và truyền bá đúng chánh pháp, bảo vệ được chánh pháp. Đó là mục tiêu cứu cánh của người tu, không có gì khác hơn.

Chánh văn: 

Ta nói nhiếp thọ chánh pháp có các công đức không bờ bến như thế nào thì trí tuệ biện tài của Như Lai cũng không bờ bến như vậy. Bởi vì sao? Vì nhiếp thọ chánh pháp này có công đức lớn, có lợi ích lớn. 

Giảng:

Người nhiếp thọ chánh pháp được công đức bao nhiêu thì trí tuệ của người đó cũng to lớn bấy nhiêu. Bởi vì chánh pháp tức là trí tuệ, trí tuệ tức là chánh pháp. Đó là lời đức Phật tán thán và cũng chứng minh rằng ngài và chư Phật đã dùng nhiếp thọ chánh pháp làm gốc.

Chánh văn: 

Thắng Man bạch Phật: 

– Con xin nương theo oai lực của Phật diễn lại ý nghĩa rộng lớn của nhiếp thọ chánh pháp. 

Phật bảo: 

– Hãy nói đi.

Thắng Man bạch Phật: 

– Ý nghĩa rộng lớn của nhiếp thọ chánh pháp thì vô lượng, vĩ đại như đạt được tất cả Phật pháp và bao la như nhiếp thu tám vạn bốn ngàn pháp môn. 

Giảng:

Nhiếp thọ chánh pháp tức là bao trùm tất cả pháp môn, không có thứ nào nằm ngoài nó.

Chánh văn: 

Ví như khi Kiếp mới thành, mây lớn nổi lên khắp nơi, mưa xuống các cơn mưa màu sắc và nhiều châu báu. Cũng như thế nhiếp thọ chánh pháp mưa vô lượng phước báu và vô lượng căn lành.

Giảng:

Bà dùng thí dụ thứ nhất là mưa báu. Như mưa xuống đầy các châu báu, nhiếp thọ chánh pháp cũng vậy. Nhờ nhiếp thọ chánh pháp mà đầy đủ tất cả công đức lành.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Lại như khi kiếp mới thành, nước lớn tụ đọng sinh ra ba ngàn đại thiên thế giới tạng và bốn trăm ức các châu. Cũng như thế nhiếp thọ chánh pháp sanh ra vô lượng thế giới tạng Đại thừa, tất cả sức thần thông của Bồ-tát, tất cả niềm vui an ổn của thế gian, tất cả sự tự tại như ý của thế gian và sự an vui xuất thế gian, cho đến khi kết thành hết cả những gì cõi trời, cõi người chưa có đều từ đó phát sinh ra cả.

Giảng:

Ở đây dùng thí dụ nói rằng khi trên thế gian này nước tụ lại sanh ra những thế giới, trong đó có các thứ nuôi lớn chúng sanh; cũng vậy nhờ nhiếp thọ chánh pháp mà Bồ-tát đầy đủ vô lượng các căn lành, đầy đủ các thần thông làm an vui tất cả chúng sanh.

Chánh văn: 

Lại như đại địa nhận chở bốn việc lớn. Bốn việc lớn là gì? Một là biển lớn, hai là các núi, ba là cỏ cây, bốn là chúng sanh. Cũng như thế, thiện nam tử thiện nữ nhân kiến lập đại địa có thể gánh vác bốn trách nhiệm lớn như đại địa kia. 

Bốn trách nhiệm ấy là gì? Đối với các chúng sanh xa lìa thiện tri thức, không nghe chánh pháp, làm điều phi pháp thì đem căn lành cõi trời cõi người thành thục họ. Đối với kẻ cầu Thanh văn thì trao cho pháp Thanh văn. Đối với kẻ cầu Duyên giác thì trao cho pháp Duyên giác. Đối với kẻ cầu Đại thừa thì trao cho pháp Đại thừa. 

Nhiếp thọ chánh pháp là như vậy. Thiện nam tử, thiện nữ nhân kiến lập đại địa là có khả năng kham nổi bốn trách nhiệm lớn.

Giảng: 

Ở đây nói nhiếp thọ chánh pháp ví như đại địa gánh chở được bốn việc lớn. Bốn việc lớn là gì? Một là biển, hai là núi, ba là cỏ cây, bốn là chúng sanh. Bốn việc đó đều nằm trong đại địa. Người tu biết nhiếp thọ chánh pháp cũng gánh vác được bốn việc lớn. Việc lớn thứ nhất, những người chưa gặp thiện tri thức, chưa biết được điều hay tốt, thường tạo nghiệp ác, mình liền đem căn lành cõi người cõi trời hướng dẫn họ. Như dùng ngũ giới, thập thiện v.v… dạy họ tu để thoát khỏi nghiệp khổ trong ba đường ác, sanh ở cõi người, cõi trời.

Đối với hàng cầu Thanh văn thì nói pháp Thanh văn, cầu Duyên giác thì nói pháp Duyên giác, cầu Đại thừa thì nói pháp Đại thừa cho họ nghe, nghĩa là hướng họ đi đúng với sở nguyện của họ. Nói tóm lại, người nhiếp thọ chánh pháp là hướng dẫn những ai chưa biết đạo tiến dần vào quả vị từ Nhân thừa, Thiên thừa, đến Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Như vậy nhiếp thọ chánh pháp nghĩa là dạy người tùy trình độ cao thấp sai biệt, không nhất thiết nói Đại thừa hay Nhị thừa, tùy theo sự lãnh hội của người mà chuyển hóa họ; giống như đất chở bốn thứ nặng, nhiếp thọ chánh pháp cũng như thế.

Chánh văn:

Thưa Thế Tôn! Thiện nam tử thiện nữ nhân nhiếp thọ chánh pháp như thế, là kiến lập đại địa kham nổi bốn trách nhiệm lớn, khắp vì chúng sanh làm người bạn không đợi mời thỉnh, đem lòng từ bi an ủi thương yêu chúng sanh, làm người mẹ pháp cho thế gian. 

Giảng: 

Chỗ này phải thâm nhập mới hiểu được. Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nhiếp thọ chánh pháp như vậy, giống như kiến lập đại địa kham nhận bốn trách nhiệm. Người chưa hiểu đạo hướng dẫn họ tu Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, nhẫn đến Bồ-tát thừa hay Đại thừa. Luôn luôn làm người bạn không đợi mời thỉnh. Người bạn không đợi mời thỉnh là sao? Nếu cần giáo hóa diễn nói liền giáo hóa diễn nói, chứ không phải đợi mời, đợi thỉnh mới nói. Đem lòng từ bi an ủi thương yêu chúng sanh, làm người mẹ pháp cho thế gian. Làm người mẹ pháp cho thế gian là sao? Những bậc thầy đã đem hết đời mình giáo hóa dạy dỗ mọi người, đó là các ngài đã đem pháp nhũ nuôi lớn những đàn con cháu sau này. Đem sữa pháp nuôi lớn con cháu, như vậy có phải là mẹ pháp cho thế gian không?

Lòng từ bi của đức Phật muốn mọi người thoát khỏi cái khổ của đêm dài vô minh, Cho nên từ khi thành Phật dưới cội Bồ-đề đến lúc nhập Niết-bàn, cả đời ngài đi thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, Đó là việc trọng tâm, ngoài ra không có việc khác. Hiểu thế rồi, chúng ta mới thấy người tu cốt đem sữa chánh pháp nuôi dưỡng những kẻ đói khát chánh pháp. Đã phát lòng từ đem tình thương làm người mẹ pháp ban khắp thế gian thì ở đâu cần mình đến, có nên rụt rè từ chối hay không? Giả sử có vị nào ở một ngôi chùa xa xôi nghèo thiếu tới mời, tôi chỉ định chú A chú B về đó giáo hóa, mấy chú có chịu không? Có chịu làm mẹ pháp không? Đến lúc ấy mới biết ai thật sự có lòng từ bi biết thương chúng sanh.

Chánh văn: 

Lại như đại địa có bốn kho báu. Bốn kho báu ấy là gì? Một là vô giá, hai là thượng giá, ba là trung giá, bốn là hạ giá. Đó là bốn kho báu của đại địa. Cũng như thế, thiện nam tử thiện nữ nhân kiến lập đại địa làm được bốn thứ cao tột cho chúng sanh. Bốn thứ ấy là gì? Thiện nam tử, thiện nữ nhân nhiếp thọ chánh pháp đối với chúng sanh không nghe chánh pháp làm điều phi pháp thì đem căn lành công đức cõi trời cõi người mà giáo hóa chúng, đối với kẻ cầu Thanh văn thì trao cho pháp Thanh văn, đối với kẻ cầu Duyên giác thì trao cho pháp Duyên giác, đối với kẻ cầu Đại thừa thì trao cho pháp Đại thừa, làm được quả báo to lớn cho chúng sanh, như vậy là do thiện nam tử, thiện nữ nhân nhiếp thọ chánh pháp mà được công đức kỳ đặc hy hữu này. Thưa Thế Tôn! Cái kho báu lớn đó là nhiếp thọ chánh pháp. 

Giảng: 

Bốn thứ kho báu là vô giá, thượng giá, trung giá, hạ giá. Cũng vậy, với người chưa biết đạo, chúng ta hướng dẫn tu Nhân thừa thọ ngũ giới, đó là hạ giá. Trung giá là chỉ cho họ pháp Thanh văn, thượng giá là chỉ pháp Duyên giác, tới vô giá là chỉ pháp Bồ-tát. Nhiếp thọ chánh pháp có công đức kỳ đặc hy hữu, cho nên lặp lại lần nữa, kho báu lớn đó là nhiếp thọ chánh pháp.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Nhiếp thọ chánh pháp là gì? Nhiếp thọ chánh pháp không khác chánh pháp, chánh pháp không khác nhiếp thọ chánh pháp. Chánh pháp tức nhiếp thọ chánh pháp.

Giảng:

Câu này muốn nói nếu người hiểu chánh pháp, sống đúng chánh pháp thì mình và chánh pháp là một. Chánh pháp tức là mình, mình là chánh pháp. Người hiểu đúng chánh pháp, lời nói hành động của họ đều là hiện thân của chánh pháp. Như vậy chánh pháp tức là họ, họ tức là chánh pháp. Chánh pháp là cái sở nhiếp sở thọ mà người là năng nhiếp năng thọ. Khi hai thứ này đã hòa hợp thì không còn thấy hai nữa, cái này tức cái kia, cái kia tức cái này.

Chúng ta thì sao? Chánh pháp với mình là một hay là hai? Nhiều giảng sư nói: quý vị nghe tôi giảng thôi nha, còn việc làm của tôi đừng để ý tới. Như vậy chánh pháp và họ là hai, chứ không phải một. Người tu thì phải nhiếp thọ chánh pháp, nếu không nhiếp thọ đâu thể gọi là người thật tu. Người tu đã nói thì phải làm cho được cái mình đã nói đã hiểu. Hiểu, nói, làm nhịp nhàng chứ không tách rời, Nếu hiểu và nói hay mà tới chừng làm không hay thì chẳng thể gọi là nhiếp thọ chánh pháp.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Nhiếp thọ chánh pháp không khác ba-la-mật, ba-la-mật không khác nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp tức ba-la-mật. 

Giảng:

Nhiếp thọ chánh pháp tức là đầy đủ lục ba-la-mật.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì thiện nam tử thiện nữ nhân nào nhiếp thọ chánh pháp, nếu phải vì bố thí mà thành thục chúng sanh thì thực hành bố thí để thành thục, cả đến xả bỏ từng chi tiết thân mạng, để khéo thuận cơ duyên đạt đến sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là Đàn ba-la-mật.

Giảng:

Đàn ba-la-mật tức bố thí cứu cánh hay bố thí ba-la-mật. Bố thí thì có tài thí, pháp thí, vô úy thí. Ở đây chỉ nói trong phạm vi tài thí. Tài thí có chia nội tài và ngoại tài. Ngoại tài là của cải sự nghiệp bên ngoài, nội tài thuộc về bản thân. Người bố thí của cải sự nghiệp bên ngoài hoặc bố thí công sức của bản thân theo nhu cầu của kẻ khác không lẫn tiếc, đó là thực hành bố thí ba-la-mật. Như người xin đồ đạc cho đồ đạc, xin thân phần cho thân phần, đó là bố thí ba-la-mật.

Chúng ta thì sao? Bây giờ đồ đạc cái nào ít dùng thì khả dĩ cho được, cái nào cần thì thôi. Thân này thì xin đừng đụng tới, đau lắm, không bao giờ cho đâu! Bố thí thân phần nói rõ có hai, hoặc cắt xẻ da thịt cho người hoặc đem khả năng sức lực của mình bố thí cho người. Chúng ta thường chỉ bố thí chút chút vậy thôi, bố thí có giới hạn cho nên chưa ba-la-mật nổi.

Chánh văn: 

Nếu phải lấy sự trì giới mà thành thục chúng sanh thì giữ gìn sáu căn thanh tịnh các nghiệp thân khẩu ý, cả đến giữ đúng bốn oai nghi để khéo thuận cơ duyên đạt đến sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là Thi ba-la-mật.

Giảng:

Người đã sống đúng chánh pháp thì gặp ai khổ liền giúp, đó là chuyện đương nhiên. Sống đúng chánh pháp tất nhiên giới luật hay sáu căn lúc nào cũng gìn giữ thanh tịnh. Cho nên gọi là trì giới ba-la-mật. Thi ba-la-mật tức là trì giới ba-la-mật.

Chánh văn: 

Nếu phải lấy nhẫn nhục để thành thục chúng sanh thì dầu bị chúng sanh mắng nhiếc, sỉ nhục hay khủng bố, dọa nạt vẫn đem lòng không biết giận, đem tâm lợi ích, đem sức nhẫn nhục cao nhất, cho đến không thay đổi sắc mặt, để khéo thuận cơ duyên đạt đến sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là Sằn-đề ba-la-mật.

Giảng:

Tức là nhẫn nhục ba-la-mật. Chúng ta nhẫn nhục đến cỡ nào? Nếu bị chúng sanh mắng nhiếc, sỉ nhục, khủng bố, dọa nạt mà không giận, vì để thành thục chúng sanh, đây gọi là nhẫn nhục ba-la-mật. Bị người dọa nạt, làm nhục mà không giận, đó là bước số một; đem tâm lợi ích cho họ, đó là bước số hai; không đổi sắc mặt, đó là bước số ba. Trong ba bước, chúng ta được bước nào? Bước không giận được chưa? Chỉ bước số một mà còn chập chững chưa đứng vững, làm sao mấy bước kia đứng được.

Bởi vậy tu rất khó. Vì bản ngã là gốc vô minh lâu đời cho nên đụng đến nó liền sừng sộ làm hung làm dữ, chứ khó mà không giận. Không giận đã chẳng được huống chi làm lợi ích cho chúng sanh nữa, toàn là điều quá khó. Người ta mắng nhiếc mà không đổi sắc mặt lại càng khó hơn. Như vậy mới thấy việc tu đi từng chặng, từng bước. Mỗi bước mỗi chặng phải gan lắm mới vượt qua nổi, nếu yếu ớt vượt qua không nổi.

Chánh văn: 

Nếu phải dùng tinh tấn để thành thục chúng sanh thì sẽ không sanh lòng biếng trễ mà sanh lòng thích muốn tinh tấn tối thượng, cả bốn oai nghi để khéo thuận cơ duyên đạt tới sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là Tỳ-lê-da ba-la-mật.

Giảng:

Tức là tinh tấn ba-la-mật. Từ không sanh lòng biếng trễ rồi tiến lên sanh lòng thích muốn tinh tấn tối thượng. Mấy thầy có sanh lòng biếng trễ không? Bữa nào hơi mỏi mệt chút chút, tới giờ đánh kẻng ngồi thiền hoặc đi tụng kinh thì sao? Lúc đó làm biếng lấy áo tràng, làm biếng vắt y lên vai… nghĩa là sanh lòng biếng trễ. Bây giờ ráng tinh tấn, nghe kẻng lấy áo mặc vào, cầm bồ đoàn liền… mệt mấy cũng không lôi thôi. Như vậy là bước số một.

Bước thứ hai, sanh lòng thích muốn rộng lớn, nghĩa là gì? Là muốn làm lợi ích mọi người, cứu khổ tất cả chúng sanh, muốn thành Phật quả. Nhiều người chỉ nghĩ tu năm bảy năm cho bớt nghiệp, đời sau tu nữa chứ không nghĩ đời này phát nguyện tinh tấn tu hành để được thành Phật. Những người như vậy là không sanh lòng tinh tấn tối thượng.

Chánh văn: 

Nếu phải dùng thiền để thành thục chúng sanh thì dùng tâm không tán loạn, tâm không hướng ngoại, chánh niệm cao nhất, cả đến làm việc thời gian lâu, nói năng thời gian lâu cũng không quên thiền định để khéo thuận cơ duyên đạt tới sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là Thiền ba-la-mật. 

Giảng:

Thứ nhất là dùng tâm không tán loạn, thứ hai tâm không hướng ngoại khi làm lợi ích chúng sanh. Chúng ta đã được tâm không tán loạn, tâm không hướng ngoại chưa? Chánh niệm cao nhất là tâm chuyên nhất cao nhất, luôn cả trong bốn oai nghi. Đến làm việc thời gian lâu, nói năng thời gian lâu cũng không quên thiền, không quên chánh định. Điều này khó. Bây giờ chỉ mong tâm không tán loạn, không hướng ngoại là khá lắm rồi. Từ từ tập tới chánh niệm cao nhất, rồi tới làm việc trong thời gian lâu, nói năng trong thời gian lâu không quên thiền định. Khi làm việc nói năng vẫn ở trong thiền định, đó là thiền ba-la-mật.

Chánh văn: 

Nếu phải dùng trí tuệ để thành thục chúng sanh, thì khi chúng sanh hỏi tất cả nghĩa gì cũng đem lòng không sợ mà vì họ giảng nói tất cả lý luận, chỉ bày tất cả công xảo rõ ràng đến nơi đến chốn, cho đến tất cả các thứ công xảo kỹ thuật, để khéo thuận cơ duyên đạt tới sự thành thục đó. Sự thành thục chúng sanh kiến lập chánh pháp như thế gọi là Bát-nhã ba-la-mật. 

Giảng:

Phần Bát-nhã ở đây có hai: Bát-nhã ba-la-mật trong chánh pháp, nghĩa là ai hỏi mình sẵn sàng đối đáp rõ ràng, không sợ sệt. Dù hỏi thấp cao gì cũng thấu suốt, nói giải đúng đắn. Thứ hai trong ngũ minh, gọi là công xảo minh. Chúng ta biết nghề nghiệp nào hay khéo, ai cần liền đem ra chỉ dạy để họ có lợi… như vậy cũng có thể xem là tu Bát-nhã ba-la-mật. Tóm lại, chúng ta thấu suốt lý đạo, giải đáp mọi nghi ngờ của người khi họ cần biết, đồng thời có những khả năng khéo léo đem chỉ dạy cho người, giúp họ an ổn. Đó là tinh thần Bát-nhã của đạo Phật. Như vậy gọi là kiến lập chánh pháp.

Chánh văn: 

Cho nên, thưa Thế Tôn! Vì thế mà nói nhiếp thọ chánh pháp không khác ba-la-mật, ba-la-mật không khác nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp tức ba-la-mật. 

Giảng:

Đây là kết thúc phần nói nhiếp thọ chánh pháp tức là lục ba-la-mật, lục ba-la-mật là nhiếp thọ chánh pháp. Nếu chúng ta sống đúng với chánh pháp, nghĩ đúng với chánh pháp, làm đúng với chánh pháp thì chánh pháp tức là mình, mình tức là chánh pháp. Như vậy chánh pháp không ngoài sáu pháp ba-la-mật, vì vậy nói nhiếp thọ chánh pháp tức là nhiếp thọ lục ba-la-mật.

Chánh văn: 

– Thưa Thế Tôn! Nay con nương oai thần của Phật xin nói lại ý nghĩa trọng đại. 

Phật bảo: 

– Hãy nói đi. 

Thắng Man bạch Phật: 

– Nhiếp thọ chánh pháp là gì? Người nhiếp thọ chánh pháp không khác nhiếp thọ chánh pháp, nhiếp thọ chánh pháp không khác người nhiếp thọ chánh pháp. Thiện nam tử thiện nữ nhân nhiếp thọ chánh pháp tức nhiếp thọ chánh pháp. 

Giảng:

Đoạn này nghe khó hiểu nhưng sự thật không có gì lạ. Bởi vì chánh pháp là bị nhiếp thọ, người là hay nhiếp thọ. Như vậy người là năng, chánh pháp là sở, năng và sở không hai. Sống đúng với chánh pháp, nghĩ đúng với chánh pháp, hành đúng với chánh pháp thì chánh pháp tức là mình, mình tức là chánh pháp, hai thứ không rời nhau. Cho nên nói người nhiếp thọ chánh pháp không khác với nhiếp thọ chánh pháp, nhiếp thọ chánh pháp không khác người nhiếp thọ chánh pháp. Đó là để chỉ cho người với pháp không hai.

Chúng ta hiện giờ có biết nhiếp thọ chánh pháp không? Nếu nhiếp thọ chánh pháp tức là sống đúng với chánh pháp, hành đúng với chánh pháp, nghĩ đúng với chánh pháp. Bây giờ nhiều khi chánh pháp một đàng mình làm một ngả. Như Phật dạy người tu phải có lòng từ bi, có đức nhẫn nhục, trừ bỏ tham sân si; nhưng gặp cảnh sân liền sân… như vậy mình với chánh pháp là hai hay một? Là hai.

Trong Thiếu Thất Lục Môn, hỏi Tổ là gì? Đáp hành giải tương ưng danh vi viết Tổ, tức hành và hiểu tương ưng thì gọi là Tổ. Hiểu là hiểu chánh pháp, hành là thực hành chánh pháp, hiểu và hành hợp nhau gọi là Tổ, đơn giản vậy thôi; ở đây gọi là nhiếp thọ chánh pháp. Chúng ta ngược lại, hiểu trên mây mà hành dưới đất, nhiều khi thấp hơn dưới đất nữa, hành dưới sông dưới biển. Bởi vậy không được gọi là tổ, mà gọi là phàm phu.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nhiếp thọ chánh pháp thì vì nhiếp thọ chánh pháp mà xả bỏ ba phần. Ba phần ấy là gì? Là thân, mạng và của cải. 

Giảng: 

Nếu người nhiếp thọ chánh pháp, đối với ba phần xả bỏ dễ dàng. Ba phần là gì? Là thân, mạng, của cải. Chúng ta xả bỏ ba thứ này dễ dàng không? Không. Cho nên chưa gọi là nhiếp thọ chánh pháp. Nên nhớ, càng khó thì càng cố gắng bỏ, bởi vì chúng ta học đạo là phải nhiếp thọ chánh pháp. Có người nào ưng làm phàm phu tăng suốt kiếp không? Ai cũng mong muốn tu hành mai kia sẽ tiến lên thánh nhân. Muốn tiến lên thánh nhân phải nhiếp thọ chánh pháp. Muốn nhiếp thọ chánh pháp phải xả bỏ ba phần: thân, mạng và của cải. Nếu trọng ba thứ đó thì chưa gọi là nhiếp thọ chánh pháp. Điều này hết sức rõ.

Chánh văn:

Thiện nam tử thiện nữ nhân xả thân thì sau cái sanh tử này sẽ thoát ly già bệnh chết, được pháp thân Như Lai công đức không thể nghĩ bàn, thường trú không hư hoại không biến đổi. Xả mạng thì sau cái sanh tử này rốt ráo thoát ly sự chết, thường trú vô biên công đức không thể nghĩ bàn, thông suốt tất cả Phật pháp sâu xa. Xả bỏ của cải thì sau cái sanh tử này sẽ được cái khác hơn tất cả chúng sanh là không hết, không tiêu giảm, rốt ráo thường trú, đầy đủ công đức không thể nghĩ bàn, được tất cả chúng sanh cúng dường thù thắng.

Giảng:

Ở đây phu nhân Thắng Man nói đến kết quả do xả ba thứ ở trên: xả thân, xả mạng, xả của cải. Nếu người thiện nam thiện nữ nào biết xả thân hay dám xả thân thì sau cái chết của thân này sẽ thoát ly được già bệnh chết, được pháp thân Như Lai công đức không thể nghĩ bàn, thường trú không hư hoại không biến đổi.

Lan Tại sao xả thân lại được kết quả tốt như vậy? Bởi vì chúng ta lâu nay cứ chấp thân mình thật, thân mình quý. Do thấy thân thật thân quý nên vừa mới tắt thở liền hoảng hốt chụp thân khác. Như vậy tiếp tục trong con đường luân hồi sanh tử không bao giờ dừng. Bây giờ thấy thân này không nghĩa lý gì, bỏ lúc nào cũng được. Thân đã không ra gì thì nó mất, có cần chụp cái khác không? Như vàng ngọc quý, nó mất mình chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm. Nếu kiếm không được thì mua cái khác. Bởi quý nên thiếu nó mình không chịu được, do vậy chạy tìm cái khác. Nếu món đồ không quan trọng như dép rách thì khi mất nó mình có chạy kiếm không? Mất rồi thôi, không cần nữa.

Xả được thân thì lìa khỏi già bệnh chết. Không sanh thì làm gì có già bệnh chết. Khi đó được pháp thân, công đức không thể nghĩ bàn, thường trú không hư hoại không biến đổi. Như vậy xả thân có thiệt thòi không? Xả thân tạm bợ được thân thường trú, thiệt thòi chỗ nào?

Xả mạng sau cái sanh tử tức là khi mạng mất rồi, rốt ráo thoát ly sự chết, thường trú vô biên công đức không thể nghĩ bàn, thông suốt tất cả Phật pháp sâu xa.

Chúng ta thường ham sống sợ chết, cho nên cứ lẩn quẩn trong sống chết triền miên. Bởi ham sống nên mới chết, có sanh mới có tử. Không sanh nào có tử, vì vậy xả mạng thì không còn cái chết nữa.

Xả bỏ của cải thì sau cái sanh tử sẽ được thứ khác hơn tất cả chúng sanh. Nghĩa là sao? Là không hết, không tiêu giảm, rốt ráo thường trú, đầy đủ công đức không thể nghĩ bàn, được tất cả chúng sanh cúng dường thù thắng.

Xả ba thứ: thân, mạng, của cải, chúng ta thiệt thòi hay có lợi? Xả ít được nhiều. Như vậy tại sao không xả? Tu không phải để đi đến ngõ cùng, cũng không phải người hy sinh vô nghĩa vô lý. Tu là đi con đường quang minh chánh đại, tương lai sáng ngời. Bỏ thân tạm bợ sẽ được pháp thân thường trú, bỏ mạng sanh tử được vô sanh, bỏ của cải được tất cả chúng sanh cúng dường thù thắng. Như vậy thiệt thòi gì đâu.

Bỏ ở đây là bỏ đúng theo chánh pháp, chứ không bỏ kiểu mấy người giận tự tử. Nếu giận tự tử sẽ chuốc lấy quả khổ, làm ngạ quỷ lang thang đói khát hết kiếp này tới kiếp khác. Vì chánh pháp mà chết, vì chánh pháp mà xả thân, xả mạng, xả của cải, sẽ được kết quả tối thượng. Cho nên học đạo cần phải thấu đáo, mới thấy kết quả tu hành là kết quả thù thắng bất khả tư nghì.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Thiện nam tử thiện nữ nhân xả bỏ ba phần mà nhiếp thọ chánh pháp như thế sẽ được tất cả chư Phật thọ ký, sẽ được tất cả chúng sanh chiêm ngưỡng. 

Giảng:

Xả như vậy được tất cả chư Phật thọ ký về sau sẽ thành Phật, được tất cả chúng sanh chiêm ngưỡng. Ngay trong đời này chúng ta học đạo, hiểu đạo, sống với đạo, đem khả năng thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, giả sử chết đi có thiệt thòi không? Điều đó sẽ tốt đẹp hơn chứ không thiệt thòi gì hết.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Lại nữa, khi giáo pháp gần diệt thì Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di chia bè lập đảng tranh chấp lẫn nhau, phá hoại ly tán nhau. Bấy giờ thiện nam tử thiện nữ nhân nào nhiếp thọ chánh pháp lấy sự không dua nịnh, không lường gạt, không trá ngụy yêu mến chánh pháp mà nhiếp thọ chánh pháp vào trong bạn pháp. Những người vào trong bạn pháp như thế chắc chắn sẽ được chư Phật thọ ký. 

Giảng:

Thắng Man nói, thời giáo pháp gần diệt, lúc đó Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di chia bè lập đảng, tranh chấp, phá hoại ly tán nhau. Như vậy chia bè, lập đảng, tranh chấp, phá hoại ly tán nhau là nhân của giáo pháp gần diệt. Chúng ta tu muốn Phật pháp tiêu diệt hay hưng thịnh? Ai cũng muốn Phật pháp luôn luôn hưng thịnh, trường tồn. Muốn thế thì không nên tạo nhân làm cho Phật pháp tiêu diệt. Ai có tâm chia bè, lập đảng, tranh chấp, phá hoại ly tán nhau, đó là người cố làm cho Phật pháp tiêu diệt. Tuy nhiên Phật pháp không bao giờ tiêu diệt, vì Phật pháp là chân lý.

Những người tu chia bè lập đảng, bôi nhọ nhau, tín đồ nhìn vào sẽ chán ngán không thèm theo nữa. Đó là cớ làm cho Phật pháp hoại diệt. Nên biết Phật pháp hoại diệt hay không hoại diệt đều từ chính mình mà ra, không phải từ thời tiết nhân duyên khác. Lúc ấy, nếu có những người dù là cư sĩ vẫn biết nhiếp thọ chánh pháp, không dua nịnh, không lường gạt, không trả ngụy, yêu mến chánh pháp mà nhiếp thọ chánh pháp, cùng làm bạn pháp với nhau trong tinh thần nhiếp thọ chánh pháp, những người đó sẽ được Phật thọ ký.

Cho nên người tu phải thấy mục tiêu chủ yếu của mình, đừng lầm đường lạc hướng. Chúng ta tu cốt làm sao cho Phật pháp được xương minh, hưng thịnh; nhân nào làm cho Phật pháp tiêu diệt thì phải tránh. Được thế, chắc chắn chúng ta sẽ gần với Phật, được Phật thọ ký. Ngược lại, tăng sĩ hùa nhau lập bè đảng thành khối thành đoàn chống đối nhau, đó là tự làm bại hoại Phật pháp. Làm bại hoại Phật pháp, ta sẽ được gì? Được quả xuống địa ngục. Một bên được Phật thọ ký, một bên xuống địa ngục, mình muốn đi đường nào? Cho nên người tu phải thấy đúng đắn hướng đi của mình, đừng để bị lệch, đừng vì tình cảm riêng tư làm băng hoại chánh pháp, làm cho người ta sợ, ghét Phật pháp.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Con thấy sức nhiếp thọ chánh pháp to lớn như vậy. Phật có con mắt chân thật, có trí tuệ chân thật, Phật là căn bản của pháp, là pháp thông suốt, là chỗ y sở y của chánh pháp, cũng sẽ thấy biết tất cả. 

Giảng: 

Bà nói cái thấy của bà do nhiếp thọ chánh pháp, có công đức lớn như vậy. Chư Phật cũng thế.

Chánh văn: 

Bấy giờ Thế Tôn đối với sức tinh tấn lớn nhiếp thọ chánh pháp mà Thắng Man vừa nói, khởi tâm tùy hỷ bảo rằng: 

– Đúng vậy Thắng Man, như ngươi đã nói, sức tinh tấn lớn nhiếp thọ chánh pháp như sức của một đại lực sĩ, ai đụng phải sẽ bị đau đớn lắm. 

Thắng Man, người nhiếp thọ chánh pháp dù một ít thôi cũng làm các ma khổ não. Ta chưa thấy một pháp lành nào khiến ma khổ não như nhiếp thọ chánh pháp dù một ít thôi.

Giảng:

Phật khen lời nói của Thắng Man là đúng. Ngài còn nói thêm, người có sức tinh tấn lớn nhiếp thọ chánh pháp giống như sức của đại lực sĩ, ai đụng tới sẽ đau đớn. Nhiếp thọ chánh pháp tức là sống đúng chánh pháp, có công năng to lớn như vậy. Cho nên người tu thì phải biết nhiếp thọ chánh pháp để hàng phục tất cả các ma lực, thành tựu giác ngộ giải thoát viên mãn.

Cụ thể như chúng ta bớt tham, bớt sân, bớt si. Nếu bớt tham thì người muốn lừa đảo, nói gạt ta để kiếm tiền dễ hay khó? Nói hoài không được, bao nhiêu đó cũng đủ rầu rĩ rồi. Ma không kiếm ăn được thì nó phải khổ não. Người lòng tham còn nhiều thì ma dễ dụ dễ gạt. Bởi vậy người tu nhiếp thọ chánh pháp thì thắng ngoại ma không khó.

Chánh văn: 

Cũng như con bò chúa hình sắc đẹp hơn những con bò khác, nhiếp thọ một ít chánh pháp Đại thừa là hơn tất cả các căn lành của Nhị thừa. Vì pháp Đại thừa là rộng lớn. 

Giảng:

Nếu biết nhiếp thọ chánh pháp Đại thừa, sẽ hơn tất cả những thứ khác, giống như con bò chúa đẹp hơn tất cả loài bò.

Chánh văn:

Lại như núi chúa Tu-di oai nghiêm đặc biệt hơn các núi khác. Cũng như thế, Đại thừa xả bỏ thân mạng của cải, đem tâm nhiếp thọ chánh pháp là hơn tất cả các căn lành của hàng Sơ trụ Đại thừa không bỏ thân mạng của cải, nói chi đến hàng Nhị thừa. Vì pháp Đại thừa là rộng lớn. 

Giảng: 

Nếu ứng dụng theo pháp Đại thừa xả bỏ thân mạng của cải, nhiếp thọ chánh pháp thì căn lành đó hơn những người Sơ trụ Đại thừa, huống nữa là hàng Nhị thừa. Sơ trụ Đại thừa là mới trụ Đại thừa.

Chánh văn:

Cho nên, này Thắng Man! Hãy dùng nhiếp thọ chánh pháp mở bày chúng sanh, dạy dỗ chúng sanh, kiến lập chúng sanh. 

Giảng: 

Phật khuyên Thắng Man hãy dùng nhiếp thọ chánh pháp mở bày chúng sanh, dạy dỗ chúng sanh và kiến lập cho chúng sanh. Mở bày tức là khai hóa họ, dạy dỗ tức là giáo dục họ, kiến lập tức là xây dựng cho họ. Muốn được như vậy thì phải dùng nhiếp thọ chánh pháp làm gốc.

Chánh văn: 

Thắng Man! Nhiếp thọ chánh pháp như thế đó, lợi lớn như vậy đó, phước lớn như vậy đó, quả lớn như vậy đó. 

Giảng: 

Đức Phật kết luận người nhiếp thọ chánh pháp sẽ được lợi lớn, phước lớn, quả lớn như vậy.

Chánh văn: 

Thắng Man! Ta trong bao số kiếp a-tăng-kỳ đã nói ý nghĩa và lợi ích không bờ bến của công đức nhiếp thọ chánh pháp. Cho nên nhiếp thọ chánh pháp có công đức vô lượng vô biên. 

Giảng:

Phật kể ngài đã trải qua bao nhiêu số kiếp nói ý nghĩa, lợi ích không bờ bến của công đức nhiếp thọ chánh pháp. Công đức nhiếp thọ chánh pháp này là vô lượng vô biên không thể kể hết. Người tu chủ yếu phải nhiếp thọ chánh pháp. Muốn nhiếp thọ chánh pháp phải làm sao? Văn tư tu là nhiếp thọ chánh pháp.

Học là văn. Học rồi nghiệm, gẫm lại thấy đúng là tư, thực hành là tu. Như vậy văn tư tu là phương tiện để chúng ta nhiếp thọ chánh pháp. Do đó chúng ta muốn nhiếp thọ chánh pháp thì bước đầu học cho tốt, sau đó mới ứng dụng tu hành. Ứng dụng tu hành là sống đúng với chánh pháp.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.