Kinh Thắng Man giảng giải

Chương III Ba Đại Nguyện



Chánh văn: 

Bấy giờ Thắng Man lại phát ba lời nguyện lớn trước Phật rằng:

  1. Xin đem lời nguyện chân thật này làm an ổn vô lượng vô biên chúng sanh. Xin do căn lành này đời đời thọ sanh đều được trí tuệ như chánh pháp.

Giảng:

Nguyện thứ nhất bà nguyện, với lòng chân thật làm an ổn vô lượng vô biên chúng sanh. Nguyên nhân làm an ổn vô lượng chúng sanh là đời đời sanh ra ở đâu, bà đều có trí tuệ đúng như chánh pháp. Nhiều khi chúng ta cũng gặp chánh pháp mà trí mù tối quá nên nhận biết lệch lạc không đúng, cho nên bà nguyện được trí tuệ biết đúng chánh pháp.

Chánh văn: 

  1. Sau khi con được trí tuệ như chánh pháp rồi, xin đem tâm không nhàm chán mà giảng nói cho chúng sanh. 

Giảng:

Nguyện thứ hai, sau khi được trí tuệ biết đúng chánh pháp rồi, xin đem chánh pháp ấy giáo hóa chúng sanh không nhàm chán.

Chánh văn: 

  1. Đối với việc nhiếp thọ chánh pháp, con xả bỏ thân mạng, tài sản hộ trì chánh pháp.

Giảng:

Nguyện thứ ba, đối với sự nhiếp thọ chánh pháp, tức là sống đúng với chánh pháp, dù bỏ thân mạng, mất hết tài sản để hộ trì chánh pháp, vẫn làm, vẫn giữ.

Trong ba nguyện lớn này, thấy ba nhưng gốc là một. Một là gì? Là biết đúng chánh pháp, đem chánh pháp giáo hóa cho mọi người và bảo vệ chánh pháp, không để bị mất.

Tất cả chúng ta đối với ba nguyện này nên có hay không? Người tu muốn thành Phật không gì khác hơn nguyện đời này gặp duyên lành, hiểu được Phật pháp đúng đắn, đời sau tiếp tục mở mang trí tuệ hiểu đúng lời Phật dạy. Đời đời đều có trí tuệ hiểu đúng chánh pháp. Đây là nguyện lớn thứ nhất. Biết được chánh pháp rồi, đem chánh pháp đó truyền bá cho mọi người được hiểu, được biết. Đây là nguyện lớn thứ hai. Đã biết chánh pháp thì phải bảo vệ dù gặp phải hoàn cảnh mất mạng, mất tài sản cũng không tiếc sợ. Đây là nguyện lớn thứ ba. Nguyện này dễ hay khó? Khó. Phải gan dạ lắm mới làm được.

Chánh văn: 

Bấy giờ Thế Tôn liền thọ ký ba thệ nguyện lớn cho Thắng Man: 

Như tất cả sắc đều nhập vào cõi Không, các hạnh nguyện nhiều như cát sông Hằng của Bồ-tát cũng vậy, đều nhập vào trong ba nguyện lớn này. Ba nguyện này là chân thật, rộng lớn.

Giảng:

Tất cả sắc đều nhập vào Không, như chúng ta thấy nhà cửa, cây cối, muôn sự muôn vật đều nằm trong bầu hư không, nghĩa là hư không trùm tất cả sắc. Cây cối, nhà cửa. tuy có trăm ngàn thứ nhưng bầu hư không chỉ có một. Cho nên dù trăm ngàn thứ nguyện của Bồ-tát nhiều nhưng không ngoài ba nguyện lớn này.

Tại sao ba nguyện này gọi là ba nguyện lớn? Vì muốn cứu khổ chúng sanh không phải làm cho họ có tiền, có nhà cửa, có đủ thứ vật chất. Bởi những thứ đó chỉ tạm thời, không giải quyết tận gốc. Chính yếu là làm sao cho họ thấy được lối đi, vạch cho họ một con đường để gỡ bỏ hết phiền não, nghiệp chướng, giúp họ giải thoát sanh tử, đó mới là cứu cánh. Do vậy khi chúng ta biết đúng chánh pháp rồi nên chỉ cho họ con đường đó. Với hoàn cảnh nào chúng ta cũng bảo vệ, quyết không đi lối khác.

Tất cả Bồ-tát cứu độ chúng sanh đều không ngoài con đường đó. Thí dụ hỏi bố thí để làm gì? Cũng để cảm hóa, hướng người ta về chỗ tu hành để được giải thoát sanh tử. Cho nên ba nguyện này trùm tất cả nguyện của Bồ-tát.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.