Kinh Pháp Cú giảng giải

XXI. Phẩm Tạp



Pháp Cú 290.

Nếu bỏ vui nhỏ mà được hưởng vui lớn. Kẻ trí sẽ làm như thế. 

Tài, sắc, danh, thực, thùy, người ngu cứ say mê hưởng thụ, cho đó là sung sướng hạnh phúc. Nhưng người trí cho đó là cái vui nhỏ tạm thời, sánh với cái vui vĩnh viễn lâu dài của Niết-bàn không nghĩa lý gì hết. Như người thích ăn ngon thật ra chỉ thấy ngon khi còn nhai trong miệng, nuốt qua khỏi cổ rồi thì không còn ngon. Nhưng nếu ăn ngon quá, đôi khi sanh bệnh thì phải lo cho có tiền để uống thuốc, cho nên từ cái vui mà sanh ra lo sợ. Người biết tu không quan trọng sự ăn uống, tâm an tĩnh tự tại là bỏ cái vui nhỏ để được yên vui lâu dài.

Pháp Cú 291.

Gieo khổ cho người để cầu vui cho mình thì sẽ bị lòng sân hận buộc ràng, không bao giờ thoát khỏi nỗi oán ghét. 

Trong cuộc sống đời thường hễ người này được thì người khác phải mất. Như đánh bạc người được thì vui, người thua thì buồn, nếu tranh cãi với nhau thì thù oán giận hờn, đó là đã gieo khổ cho nhau. Như vậy còn thắng bại là còn gieo khổ cho kẻ khác, nên oán hận càng tăng. Vì thế Phật dạy gieo khổ cho người để cầu vui cho mình thì sẽ bị lòng sân hận buộc ràng, không bao giờ thoát khỏi nỗi oán ghét.

Pháp Cú 292.

Việc đáng làm không làm. Việc không đáng làm lại làm, những người phóng túng ngạo mạn, lậu tập tăng thêm mãi. 

Phật dạy vâng làm các điều lành, mà người ngu si không chịu làm. Ngược lại ngài dạy không làm điều ác, mà người ta cứ làm. Những người phóng túng ngạo mạn thì tập nhiễm thêm cái nhân luân hồi, khó thoát ra được.

Pháp Cú 293.

Thường quán sát tự thân, không làm việc không đáng, việc đáng gắng chuyên làm thì lậu tập dần tiêu tan. 

Thường quán sát tự thân, như quán thân bất tịnh, hay quán hơi thở ra vô, hơi thở đi tới đâu, dài ngắn lạnh nóng mình biết rõ, hoặc quán sát thân này do bốn đại hòa hợp. Khi biết nhìn thân là tâm bớt chấp ngã. Cho nên người nào tránh việc ác siêng làm việc lành, thì những tập nhiễm hữu lậu trong tâm giảm bớt và lần lần sẽ hết.

Pháp Cú 294.

Hãy diệt mẹ (ái dục) và cha (kiêu căng), diệt hai vua dòng Sát-đế-lợi, diệt vương quốc luôn cả quần thần, mà hướng về Bà-la-môn vô ưu. 

Chúng ta có thân này là do ái dục, nhưng có thân thì có khổ, nếu muốn thoát khổ thì phải diệt trừ ái dục. Khi chấp thân này là của ta nên sanh lòng kiêu căng ngạo mạn, đó là gốc của sự chấp ngã, là nền tảng kiên cố khó dẹp trừ. Ái dục và chấp ngã là gốc của sanh tử luân hồi. Phật dạy diệt mẹ ái dục và cha kiêu căng, là người tu phải dứt trừ ái dục và chấp ngã.

Hai vua dòng Sát-đế-lợi là chỉ cho thường kiến và đoạn kiến. Ở Ấn Độ đạo Bà-la-môn chấp có thần ngã thường còn không thay đổi, cái chấp đó đức Phật gọi là thường kiến, là sai lầm. Ngược lại, người chấp đoạn kiến cho rằng chết rồi là mất hẳn, tội cũng không phước cũng chẳng có, nên mặc tình làm các điều tội ác.

Chủ thể của thân này là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; khách thể là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Chủ thể và khách thể đối đãi nhau sanh ra xúc chạm, thọ nhận những cảm giác ưa ghét rồi khổ đau. Người tu khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần không cho dính mắc, đó là diệt luôn cả vương quốc. Không đắm nhiễm những dục lạc thế gian là diệt luôn cả quần thần, mà hướng về quả vị lậu tận A-la-hán là không còn sanh tử luân hồi.

Pháp Cú 295.

Hãy diệt mẹ (ái dục) và cha (kiêu căng), diệt hai vua dòng Bà-la-môn, diệt luôn hổ tướng thứ năm (nghi) mà hướng về Bà-la-môn vô ưu.

Người tu hành phần nhiều bị ngũ cái làm cho trí tuệ lu mờ. Ngũ cái là tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi. Ở đây nói diệt luôn hổ tướng thứ năm là cái nghi, vì nghi hay ngăn trở sự tu hành của chúng ta.

Thí dụ người tu theo pháp môn Tịnh độ mà nghi niệm Phật chết có về Cực Lạc hay không, cõi Cực Lạc có thật không? Khởi nghi như thế rồi thối chuyển, không muốn niệm Phật cho nên sự tu hành không tới nơi tới chốn. Cũng vậy người tu thiền đang ứng dụng một pháp tu như sổ tức, mà khởi nghi không biết có kết quả hay không, rồi không muốn tu nữa. Nghi làm cho chúng ta thối chuyển trên đường tu, vì vậy phải diệt luôn mới có thể thẳng tới con đường vô ưu của Bà-la-môn là chứng A-la-hán.

Pháp Cú 296.

Đệ tử Kiều-đáp-ma phải luôn tự tỉnh giác, vô luận ngày hay đêm, thường niệm tưởng Phật-đà. 

Pháp Cú 297.

Đệ tử Kiều-đáp-ma phải luôn tự tỉnh giác, vô luận ngày hay đêm, thường niệm tưởng Đạt-ma. 

Pháp Cú 298.

Đệ tử Kiều-đáp-ma phải luôn tự tỉnh giác, vô luận ngày hay đêm, thường niệm tưởng Tăng-già. 

Kiều-đáp-ma là chỉ cho đức Phật. Phật-đà là Phật, Đạt-ma là Pháp, Tănggià là Tăng. Ngày đêm thường tưởng nhớ Phật, Pháp, Tăng mới là đệ tử Phật. Nếu mà quên Phật thì không biết đâu là chỗ nhắm để tiến tu, quên Pháp thì không biết đang thực hành pháp gì, quên Tăng thì không có người hướng dẫn tu hành. Cho nên Phật, Pháp, Tăng là chỗ chúng ta luôn quy hướng.

Phật là đấng giác ngộ toàn vẹn, chúng ta là đệ tử Phật, nhớ tới Phật thì phải ráng tu. Nhớ Pháp là nhớ những phương pháp Phật dạy để tu hành giác ngộ. Chúng ta phải biết cuộc đời vô thường để không đắm trước, biết thân giả tạm để bớt chấp ngã, rồi ứng dụng một pháp tu để tâm an định. Nhớ Tăng là nhớ tinh thần hòa hợp, để chúng ta tập sống hòa hợp như các ngài. Như vậy Phật, Pháp, Tăng là điều chúng ta nên nhớ không quên.

Pháp Cú 299.

Đệ tử Kiều-đáp-ma, phải luôn tự tỉnh giác, vô luận ngày hay đêm, thường niệm tưởng sắc thân. 

Là đệ tử Phật ngày đêm quán ba mươi sáu vật trong thân, để bớt đắm nhiễm. Thân này có ba mươi sáu vật như tóc, lông, răng móng, da, thịt, gân, xương v.v… xét kỹ nó nhơ nhớp không có gì thật. Thường quán sát như vậy, thì hết kiêu mạn và dứt được lòng ái dục. Cho nên đức Phật dạy thường niệm tưởng sắc thân.

Pháp Cú 300.

Đệ tử Kiều-đáp-ma, phải luôn tự tỉnh giác, vô luận ngày hay đêm, thường vui điều bất sát. 

Thích sát hại là tập khí của chúng ta từ vô thủy đến giờ. Thuở bé chưa biết tội phước, chưa biết thù oán giận hờn, nhưng thấy con nhái hoặc con cóc, thì lấy cục đá chọi chơi, nó giãy chết thì vui thích. Con chim đậu trên cây, lấy ná thun bắn trúng, thì vỗ tay vui mừng. Đó là tập khí giết hại đã có sẵn chứ không ai dạy.

Những người đi săn tuy bị gai góc, nhưng khi bắn được con thú đem về chè chén với bạn bè thì thích lắm, đó là vui trong sát hại. Tế nhị một chút khi ra biển chơi, thấy anh chài lưới kéo lên con cá lớn thì vui mừng, mà không nghĩ nó đang giãy giụa đau khổ.

Hằng ngày chúng ta vui theo sự giết hại, tuy đối với con người không dám làm, nhưng đối với con vật, thì luôn vui thích khi thấy nó bị sát hại, đó là tập khí đã nhiễm sâu từ bao giờ. Đức Phật dạy là Phật tử thì không nên sát hại chúng sanh, phải luôn tỉnh giác, không luận ngày hay đêm thường vui điều bất sát. Như vậy mới là người Phật tử chân chánh.

Pháp Cú 301.

Đệ tử Kiều-đáp-ma, phải luôn tự tỉnh giác, vô luận ngày hay đêm, thường ưa tu thiền quán. 

Người tu theo đạo Phật, là cốt được giác ngộ, muốn giác ngộ viên mãn thì phải nhờ sức thiền quán để tâm mình càng sáng suốt, sự tỉnh giác càng mạnh mẽ. Cho nên Phật dạy đệ tử ngày đêm thường ưa tu thiền quán.

Pháp Cú 302.

Xuất gia đứt hết ái dục là khó, tại gia theo đường sinh hoạt là khó, không phải bạn mà chung ở là khổ, qua lại trong vòng luân hồi là khổ. Vậy các ngươi đừng qua lại trong vòng sanh tử luân hồi ấy. 

Người xuất gia rời xa gia đình và thân bằng quyến thuộc, nhưng đối với thân cũng sợ chết, muốn sống lâu là còn ái ngã, như vậy bỏ được niệm ái thân không phải dễ. Nên nói người xuất gia tu hành mà dứt hết lòng ái dục là khó.

Người tu tại gia mà làm nghề chài lưới thì không phải là chánh nghiệp, vì còn sát hại sanh linh. Làm nghề mua bán quan tài, bán ế thì trông có người chết để bán được quan tài. Vừa khởi niệm trông cho người chết là có ý sát thì không phải là chánh nghiệp. Vì vậy người tại gia sinh hoạt đúng theo chánh nghiệp để nuôi mạng sống thì thật là khó.

Những người không thân mà ở chung là khổ. Nhưng tế nhị hơn là hiện giờ chúng ta đang mang thân tứ đại khó hòa hợp mà phải ở chung hoài. Kinh Đại Bát-niết-bàn đức Phật dụ thân tứ đại là bốn con rắn ở chung trong một cái hũ, cắn lộn với nhau cả ngày khó giải hòa, không điều hòa nổi mà sống chung với nó thật là khổ. Cũng vậy thân tứ đại khó hòa hợp mà chúng ta phải ở chung, nên ở đây Phật nói không phải bạn mà chung ở là khổ, mang thân này qua lại trong vòng luân hồi là khổ, vậy các ngươi đừng qua lại trong vòng thống khổ ấy. Phật răn nhắc đủ điều, chúng ta phải ráng tỉnh táo nghe theo để hết khổ được an vui.

Pháp Cú 303.

Chánh tín và giới hạnh, được danh dự và Thánh tài, người nào được như thế, đâu cũng được tôn vinh. 

Người có được niềm tin chân chánh và đầy đủ giới hạnh thì được danh dự và Thánh tài. Thánh tài còn gọi là Thất thánh tài gồm có tín, giới, tàm, quý, văn, xả và tuệ. Nhờ nó mà người tu chứng được đạo quả, cho nên nói là tài sản của bậc Thánh chứ không phải của người thường. Người được như thế thì đến đâu cũng được tôn vinh, tức là sanh nơi nào cũng sung sướng vinh dự, chứ không phải tầm thường.

Pháp Cú 304.

Làm lành thì danh được vang xa, tỏ rạng như Tuyết sơn, làm ác thì mù mịt, như bắn cung ban đêm. 

Người làm lành danh tiếng được vang xa, tỏ rạng như ngọn Hy-mã-lạp sơn. Người làm ác cũng như đêm tối mù mịt mà bắn tên thì không biết mũi tên bay vút đi đâu. Như vậy người làm lành thì danh được vang xa, kẻ làm ác thì cả cuộc đời đen tối, thật là rõ ràng. Cho nên chúng ta phải nỗ lực mà làm lành và tránh xa điều ác.

Pháp Cú 305.

Ngồi một mình, nằm một mình, đi đứng một mình, không buồn chán, một mình tự điều luyện, vui trong chốn rừng sâu. 

Người tu hành mà ở chỗ ồn náo, hòa mình trong số đông người, cả ngày chạy theo bên ngoài, quên mất mình, không nhìn kỹ được những điều xấu dở trong tâm thì không bao giờ sửa đổi. Ngược lại ở chỗ vắng vẻ, để suy tư gạn lọc tâm mình, thật là điều cần yếu. Cho nên Phật dạy người chuyên tu hạnh thanh tịnh, khi ngồi một mình, nằm một mình, đi đứng một mình ở trong chốn rừng sâu, không thấy buồn chán.

Chúng ta đang ở chỗ ồn náo mà đến chỗ thanh tịnh thì thích lắm, nhưng thích chừng vài ba ngày rồi chán. Khoảng năm 1962, tôi lên Phương Bối Am, cách Bảo Lộc bảy cây số, nằm trong rừng chim kêu vượn hú. Cái cốc của tôi trung trung, trồng bông hoa cây cảnh coi cũng đẹp, nên nhiều người ở Sài Gòn lên thăm khen như cảnh Bồng Lai. Có vài chú mới lên hăng hái nói. “Con sẽ ở với Thầy nửa tháng”, nhưng ở có ba bữa chịu không nổi, vì cả ngày nhìn bông hoa cây cảnh, nhưng không có ai chuyện vãn, riết rồi cảm thấy buồn, cảm thấy thiếu thốn, nhớ Sài Gòn rồi xách gói chạy về.

Cho nên dù chỗ đẹp thế mấy, mà ở một mình ta cũng không chịu nổi, đây là sự thật. Thời gian đó tôi tu còn sơ sài, chỉ lên Phương Bối Am để dưỡng bệnh, chưa quyết định ở luôn. Vào những sáng mùa đông, trời mưa lất phất, sương giăng mù mịt không thấy gì, một mình ở trong cốc hoài cũng thấy cô đơn, nhiều khi nghe tiếng ai nói ngoài đường, cũng ngóng tai nghe có quen hay không!

Khi đó tôi mới hiểu câu chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu nhập Thiên Thai. Khi hai ông được lên cảnh Thiên Thai, tưởng lên đó rồi ai mà thèm xuống trần gian. Nhưng ở ít năm rồi cũng nhớ hồng trần, liền xách gói đi xuống kiếm bà con dòng họ, kiếm không được rồi trở lại, nhưng cảnh Thiên Thai đã mất. Như vậy tự mình rời cảnh Thiên Thai chứ không ai bắt buộc. Cho nên ở trong cảnh hiu quạnh mà vẫn thấy vui vẻ thì ý chí mãnh liệt lắm chứ không phải thường.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.