Kinh Pháp Cú giảng giải

X. Phẩm Đao Trượng



Pháp Cú 129.

Ai cũng sợ dao gậy, ai cũng sợ chết; hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết.

Pháp Cú 130.

Ai cũng sợ dao gậy, ai cũng thích sống; hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết. 

Hai câu này đức Phật dạy tương tự như nhau, ai cũng sợ gươm đao, nếu sợ gươm đao thì không nên dùng gươm đao hại người khác. Ai cũng sợ chết, nếu mình muốn sống thì không nên giết hại người khác, vì họ cũng ham sống như mình. Đó là biết xét lòng mình để suy ra lòng người.

Pháp Cú 131.

Người nào cầu an vui cho mình, mà lại lấy dao gậy não hại kẻ khác, thì sẽ không được yên vui.

Pháp Cú 132.

Người nào cầu hạnh phúc cho mình, mà không lấy dao gậy não hại kẻ khác, thì sẽ được hạnh phúc. 

Chúng ta muốn có hạnh phúc, thì không nên phá hoại hạnh phúc kẻ khác, mà mong cho người được hạnh phúc như mình, vậy mới công bằng vì mình và người là đồng loại với nhau.

Pháp Cú 133.

Chớ nên nói lời thô ác, khi ngươi dùng lời thô ác nói với người khác, người khác cũng dùng lời thô ác nói với ngươi. Thương thay những lời nói nóng giận thô ác, chỉ làm cho các ngươi đau đớn như dao gậy mà thôi. 

Chúng ta không nên dùng lời thô ác nói với người khác, làm cho họ đau khổ. Nếu dùng lời thô ác nói với người khác, thì họ sẽ dùng lời thô ác trả lại mình. Như vậy vay trả, trả vay cuối cùng mọi người đều khổ, không được an vui. Như hai người cãi nhau, vì muốn hơn nên tìm câu gì hay để nói, người kia không chịu nhịn, phải tìm lời cao hơn nữa để đáp lại. Hai bên hơn thua thì cả hai đều bất an, chi bằng ai hơn mặc kệ, không tính hơn thua, như vậy mới yên ổn.

Pháp Cú 134.

Nếu ngươi mặc nhiên như cái đồng la bể, trước những người đem lời thô ác cãi vã đến cho mình, tức là ngươi đã tự tại đi trên con đường Niết-bàn, người kia chẳng sao tìm sự tranh cãi với ngươi được nữa. 

Một thuật sống an lạc trong hiện tại và vị lai là mặc nhiên trước người đem lời cãi vã, thô ác đến cho mình. Khi nào có người cãi vã mà làm thinh bỏ qua, mỉm cười không giận thì an ổn vô cùng. Cãi vã là tranh đấu, nếu người muốn tranh đấu mà mình không muốn, thì sự tranh đấu sẽ hết. Đó là một phương pháp chấm dứt tranh đấu nhanh chóng và rất an ổn,

Tuy nhiên, nếu luận bàn đạo lý hay giải quyết công việc, cần phải suy luận bàn bạc, biện minh rành rẽ tốt xấu thiện ác, phải quấy thì nên bàn, nhưng không nên cãi. Đừng hiểu lầm chữ mặc nhiên là bỏ qua mọi việc không lưu tâm tới. Nếu hiểu lời Phật dạy, thì học đạo thông suốt và thực hiện công việc có kết quả tốt.

Pháp Cú 135.

Như với chiếc gậy, người chăn trâu xua trâu ra đồng; sự già sự chết cũng thế, thường xua chúng sanh tới chỗ tử vong. 

Thỉnh thoảng nhìn thấy tóc bạc, răng lung lay, da mặt nhăn nheo thì biết mình đã già, tướng già đẩy con người tới tử vong, không dừng lại và không tha cho ai. Cũng như cây gậy lùa bầy trâu ra ruộng đồng.

Pháp Cú 136.

Kẻ ngu phu tạo ác nghiệp, vẫn không tự biết có quả báo gì chăng. Người ngu tự tạo ra nghiệp để chịu khổ chẳng khác nào tự lấy lửa đốt mình. 

Có người nói Phật tử đã quy y thọ giới mà phạm thì mới có tội; còn không quy y thọ giới mà phạm thì không có tội. Lý luận như vậy không đúng. Thí dụ người không biết pháp luật phạm tội, họ cãi với quan tòa, tôi không biết luật, nên phạm tội tôi không ở tù. Nhưng biết luật hay không biết luật, mà phạm tội cũng vẫn ở tù. Cũng vậy dù có thọ giới hay không, mà tạo nghiệp ác vẫn phải chịu quả báo xấu. Nhưng nhờ thọ giới, cho nên vừa có ý muốn phạm là biết liền nên không dám làm. Cũng như nhờ học luật, vừa làm trái thì biết liền để tránh và sửa đổi rất mau. Người không biết đó là tội, cứ tạo nghiệp rồi chịu khổ, chẳng khác nào lấy lửa tự đốt mình, làm cho phước đức cháy thiêu hết.

Pháp Cú 137-140.

Nếu lấy dao gây hại người toàn thiện toàn nhân, lập tức kẻ kia phải thọ lấy đau khổ trong mười điều này: thống khổ về tiền tài bị tiêu mất, thân thể bị bại hoại, bị trọng bệnh bức bách hoặc bị tán tâm loạn ý, bị vua quan bách hại, hoặc bị vu trọng tội, bị quyến thuộc ly tán hoặc bị tài sản tan nát, hoặc phòng ốc nhà cửa bị giặc thiêu đốt và sau khi chết đọa vào địa ngục. 

Những kẻ ác hại người thiện thì sẽ chịu mười điều quả báo như trên. Chúng ta phải nhớ để tránh không làm.

Pháp Cú 141.

Chẳng phải đi chân không, chẳng phải để tóc xù, chẳng phải xoa tro đất vào mình, chẳng phải tuyệt thực, chẳng phải nằm trên đất, chẳng phải để thân hình nhớp nhúa, chẳng phải ngồi xổm mà người ta có thể trở nên thanh tịnh, nếu không dứt trừ mê hoặc. 

Ở Ấn Độ, có nhiều phái ngoại đạo tu rất kỳ quặc, như người theo phái Ni-kiền Tử, lấy tro xoa vào mình lem lấm dơ bẩn cho đó là tu. Có người để tóc bờm xờm, có phái thì nhịn ăn, nằm trên đất, hoặc ngồi xổm ngoài nắng suốt ngày cho đó là tu. Những cách tu như trên không thể làm cho người ta trở nên thanh tịnh. Nếu muốn hết nghiệp được trong sạch thanh tịnh thì phải dứt hết mê hoặc trong tâm. Còn những việc hành hạ về thể xác không bao giờ làm cho mình thanh tịnh.

Pháp Cú 142.

Người nào nghiêm giữ thân tâm tịch tịnh, chế ngự khắc phục ráo riết trên đường tu phạm hạnh, không dùng dao gậy gia hại sinh linh, thì chính người ấy là Bà-la-môn, là Sa-môn là Tỳ-kheo vậy. 

Người nào biết nghiêm giữ thân tâm, biết chế ngự, khắc phục và thường tu hạnh trong sạch, không dùng những dao gậy gia hại sanh linh, chính người đó là Bà-la-môn, là Sa-môn và Tỳ-kheo. Như vậy người biết tu giữ tâm được thanh tịnh, người đó mới xứng đáng. Nếu thân tâm không thanh tịnh thì mang danh xưng gì cũng không xứng đáng.

Pháp Cú 143.

Biết lấy điều hổ thẹn để cấm ngăn mình, thế gian ít người làm được. Những người đã làm được họ khéo tránh điều khổ nhục, như ngựa hay khéo tránh roi da. 

Tâm chúng ta buông lung như ngựa, không chịu kiềm chế, thường biết quấy mà cứ làm. Cho nên khi chưa làm chủ tâm thì đừng tự hào rằng tôi thuần thiện, mà có lúc nghĩ thiện, lúc nghĩ ác, nhưng nếu vừa nghĩ xấu ác liền biết hổ thẹn, tự hỏi tại sao mình là người tu mà có những niệm xấu. Người biết dùng hổ thẹn để cấm ngăn mình, không cho làm điều bất thiện, đức Phật cho rằng ở thế gian ít có. Còn người không biết hổ thẹn, cứ nuôi dưỡng niệm xấu lớn lên, rồi một ngày kia niệm xấu thúc đẩy, dẫn đến hành động xấu.

Người biết hổ thẹn tránh những điều xấu dở, như con ngựa hay, vừa thấy bóng roi liền chạy, không đợi đánh rồi mới đi. Còn người làm điều xấu ác không biết hổ thẹn, đợi cho tới khi ra trước pháp luật, mới chịu thú nhận, như ngựa dở đợi đánh rồi mới chịu đi.

Pháp Cú 144.

Các ngươi hãy nỗ lực sám hối như ngựa đã hay còn thêm roi. Hãy ghi nhớ lấy Chánh tín, Tịnh giới, Tinh tiến, Tam-ma-địa, Trí phân biệt và Minh hạnh túc để tiêu diệt thống khổ. 

Người đã biết làm điều lành, nhưng phải thường sám hối, chẳng khác nào con ngựa đã hay còn thêm roi để hờ, nó hơi lười thì giở roi lên cho thấy mà ráng tiến. Cũng vậy chúng ta đã biết hổ thẹn, tránh điều ác, làm những điều lành, còn biết sám hối thì càng thêm thanh tịnh. Hơn nữa hãy ghi nhớ lấy Chánh tín, Tịnh giới, Tinh tiến, Tam-ma-địa, Trí phân biệt và Minh hạnh túc để tiêu diệt thống khổ.

Chánh tín là tin Tam bảo. Phật là bậc Giác ngộ, cho nên tu theo ngài để được giác ngộ giải thoát, tin như vậy là đúng. Nếu tin Phật mà xin ngài ban cho mình ân sủng, thì trở thành mê tín chứ không phải chánh tín. Tin pháp là tin những lời Phật dạy là chân chánh, nương đó tu hành, để được giải thoát như ngài. Tin tăng vì chư tăng là người giữ đúng giới luật, sống đúng tinh thần người xuất gia. Tin như vậy là người Phật tử có chánh tín. Kế nữa là tin nhân quả, người tin nhân quả là người tỉnh, nếu không tin nhân quả mà tin những chuyện không thực tế, đó không phải là chánh tín,

Tịnh giới là như người tại gia thọ năm giới, hoặc bốn giới tùy theo sở nguyện, thọ giới nào thì giữ giới đó cho được trong sạch. Tinh tiến là phải siêng năng làm lành, giữ ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh, đừng cho niệm xấu khởi lên, thì ngôn ngữ xấu, hành động xấu không phát ra. Tam-ma-địa tức là thiền định, là áp dụng phương pháp tu thiền, hoặc đếm hơi thở hoặc quán bất tịnh, quán từ bi. Trí phân biệt là dùng trí tuệ để nhận định chánh tà và đầy đủ ba môn: văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ. Nghĩa là nghe chánh pháp, tư duy và ứng dụng tu hành. Minh hạnh túc là phải có đủ trí và hạnh. Tóm lại, người tu phải nỗ lực thực hành những điều Phật dạy trong câu Pháp cú này, như vậy mới tiêu diệt tất cả nỗi khổ từ vô lượng kiếp.

Pháp Cú 145.

Người tưới nước lo dẫn nước, thợ làm tên lo uốn tên, thợ mộc lo nẩy mực cưa cây, người làm lành thì tự lo chế ngự. 

Câu này ý nghĩa giống như câu 80 ở phẩm Hiền trí, chỉ khác chữ làm lành nên khỏi cần giảng.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.