Kinh Pháp Cú giảng giải

IX. Phẩm Ác



Pháp Cú 116.

Hãy gấp rút làm lành, chế chỉ tâm tội ác. Hễ biếng nhác làm lành giờ phút nào, thì tâm ưa chuyện ác giờ phút ấy. 

Tâm người không bao giờ chịu lặng yên, nếu không nghĩ thiện thì sẽ nghĩ ác. Vì vậy cho nên người biết tu muốn ngăn ngừa tội ác, phải luôn luôn cần mẫn phải ngăn ngừa từng phút giây, nếu lơi lỏng thì gây tạo tội lỗi. Ai biết như vậy chắc chắn tu hành sẽ tiến và đường tu không bị gián đoạn. Nếu khi siêng năng gấp rút, lúc lại bê trễ bỏ qua, không nghĩ tới công phu tu hành, thì không bao giờ tiến được. Khi tu đừng để gián đoạn tâm thiện của mình, nếu gián đoạn là sẽ bị cái ác chen vô. Nên người làm lành lúc nào cũng phải cố gắng kềm chế tâm mình, biếng nhác thì sẽ thối lui và hư hỏng.

Pháp Cú 117.

Nếu đã lỡ làm ác, chớ tiếp tục làm thêm, chớ vui làm việc ác. Hễ chứa ác nhất định thọ khổ. 

Chúng ta vô tình hay cố ý lỡ tạo điều ác thì nên hối cải, gọi là phát lồ sám hối. Nếu cố ý làm hoài, nghiệp ác ngày càng tăng trưởng thì chắc chắn phải chịu quả báo đau khổ.

Pháp Cú 118.

Nếu đã làm việc lành, hãy nên thường làm mãi, nên vui làm việc lành. Hễ chứa lành nhất định thọ lạc. 

Người đã làm việc lành thì tiếp tục làm, đừng nghĩ rằng ngày nay làm lành đã đủ, ngày mai không cần làm nữa. Như vậy là mình không tiếp tục làm việc lành cho đến viên mãn. Đức Phật dạy khi chúng ta đã làm được việc lành, nên thường làm mãi, nên vui làm việc lành, vì làm lành thì nhất định nhận được quả báo an vui.

Pháp Cú 119.

Khi nghiệp ác chưa thành thục người ác cho là vui. Đến khi nghiệp ác thành thục kẻ ác mới hay là ác.

Khi làm điều ác mà chưa có kết quả, người ác cho là vui, đến khi nghiệp ác đến thì người ác mới hay là khổ. Như vậy là muộn rồi. Cho nên người biết tu, khi có một niệm ác khởi lên phải biết và không nên làm, vì làm sẽ chịu quả khổ.

Pháp Cú 120.

Khi nghiệp lành chưa thành thục người lành cho là khổ, đến khi nghiệp lành thành thục người lành mới biết là lành.

Khi làm việc lành mà chưa có kết quả, người đời cho là khổ. Thí dụ người làm việc từ thiện mong có kết quả tốt, nhưng tâm niệm của người ấy nghĩ về mình nhiều hơn là người đang chịu khổ. Cho nên đi đường gặp trời nắng thì cảm thấy mệt nhọc. Khi đi tới giúp đỡ người ta, gặp người vô lễ xúc phạm, thì cảm thấy khó chịu, rồi kết luận làm lành mà gặp toàn chuyện bực bội bất an. Nhưng không ngờ đó là lúc mới gây nhân, tuy có khổ nhưng khi kết quả tốt đẹp đến, mới biết nhờ làm lành.

Khi mới tới ở tu viện Chơn Không, tôi xin từng cây chuối con và đào lỗ để trồng vì nghĩ rằng trong vườn cần có những cây trái. Khi trồng chuối săn sóc tưới nước, làm cỏ cho nó lớn, tôi không nghĩ cực khổ, chỉ cần nó xanh tươi là vui rồi. Giả sử trồng giáp năm mà chuối không có buồng, cũng không sao. Cũng vậy làm lành không mong cầu kết quả, chỉ cần giúp người đang khổ, cho cơm khi người đói, cho áo khi người lạnh, thấy họ bưng chén cơm ăn hết đói, mặc áo hết lạnh, đó là sung sướng lắm rồi, không mong họ phải biết ơn mình.

Khi mới ra đây, có một Phật tử gửi tặng tôi quả đu đủ Đà Lạt, ăn thấy ngon nên tôi lấy hột ươm. Ban đầu chỉ trồng một cây, rồi sau đó trồng thêm mấy cây. Trong năm năm liền, năm nào tôi cũng thu hoạch vài ba chục quả, từ một quả mà ươm trồng liên tục thì quả sẽ có liên miên. Nếu ăn quả đu đủ rồi bỏ hột không ươm, thì sẽ mất giống.

Cũng vậy, chúng ta đủ cơm ăn áo mặc, sống mạnh khỏe không tật nguyền, đó là nhờ trước kia đã làm lành, cho nên đời này mới được hưởng quả lành. Vì thế sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ cần, với khả năng sức lực sẵn có của mình. Nếu có phước mà đời này dừng lại không tiếp tục làm, thì nhân lành bị mất. Cho nên người biết tu, lúc nào cũng cố gắng gieo trồng giống lành, đừng cho đoạn dứt.

Pháp Cú 121.

Chớ khinh điều ác nhỏ, cho rằng chẳng đưa lại quả báo cho ta. Phải biết giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy bình, kẻ ngu phu sở dĩ đầy tội ác bởi chứa dồn từng khi ít mà nên. 

Đức Phật dạy đừng khinh thường việc ác nhỏ. Dù việc ác nhỏ như giết một con kiến, hay đập một con muỗi cũng không làm. Nếu giết một con kiến, đập một con muỗi mà khinh thường thì lần tới giết những con vật lớn, mình sẽ không sợ tội. Đối với con người, dù làm người khác phiền muộn một chút cũng không nên, vì biết rằng một lần phiền muộn tuy nhỏ, đau khổ ít, nhưng lâu ngày tích chứa rồi thành đau khổ nhiều. Cho nên chúng ta không làm ác dù là những việc nhỏ. Tuy làm điều ác nhỏ chưa có quả báo, nhưng cũng phải dè dặt, bởi vì dồn chứa thì nhiều điều ác nhỏ trở thành lớn. Nếu điều ác nhỏ không chừa thì điều ác lớn không thể nào tránh khỏi. Ở đây đức Phật nói không ai tự nhiên có tội lỗi, kẻ ngu phu sở dĩ đầy tội ác, vì tích chứa từ nhiều lỗi nhỏ thành tội lớn. Vậy chúng ta phải dè dặt không làm dù là việc ác nhỏ.

Pháp Cú 122.

Chớ khinh điều lành nhỏ, cho rằng chẳng đưa lại quả báo cho ta. Phải biết giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy bình. Người trí sở dĩ toàn thiện bởi chứa dồn từng chút từng chút mà nên. 

Phước lành của chúng ta, không phải tự nhiên đầy đủ, mà do chúng ta dồn từng chút mà thành. Đức Phật không bỏ sót cái phước nhỏ xỏ kim, huống nữa chúng ta là phàm phu mà bỏ qua phước nhỏ không làm. Vì vậy điều ác nhỏ chúng ta không nên làm, mà điều thiện nhỏ cũng đừng bỏ qua. Người như thế sẽ đầy đủ phước đức và tránh tất cả tội lỗi.

Thí dụ như người muốn lập nghiệp, muốn làm giàu thì phải tiết kiệm từng cái nhỏ. Như khi trời sáng phải tắt đèn liền, nếu không thì hao một chút dầu cũng tốn kém, đó là nghệ thuật làm giàu. Như vậy người muốn giàu thì phải tiết kiệm từng chút. Nếu có bạc triệu mới giữ, còn những cái nhỏ không biết giữ làm sao giàu được. Đó là người thế gian làm giàu, huống là người tu, đối với việc làm lành làm phúc chúng ta không đợi việc lớn mới làm mà việc nhỏ không làm.

Ở tu viện Chơn Không, vừa rồi khách đang ngồi chơi với tôi bị đám muỗi cắn, họ nổi nóng đập một cái thật mạnh cho nát thây, vì nó cắn đau quá, dễ giận quá. Vì phòng tắm của tôi ban ngày đóng cửa tối om, mấy con muỗi đậu trên tường trốn. Khi mở cửa, bầy muỗi bay ùa ra, bay ra con nào, chuồn chuồn đớp sạch con đó. Thật là tội nghiệp! Ở trong phòng tắm thì bị thằn lằn, nhền nhện đớp, ra ngoài thì bị chuồn chuồn. Chờ tới tối đi kiếm ăn, gặp được mồi chích vô một cái thì bị đập chết.

Nghĩ vậy mà thương nên không nỡ giết nó, giả sử nó cắn phủi nó đi rồi thôi, chứ giết nó thấy cũng tàn nhẫn quá. Nhưng người thường đâu có ai mà thương muỗi, bị chích là đập liền, không nghĩ đến thân phận khổ sở của nó. Người biết tu phải quán sát những chuyện nhỏ, để khởi lòng từ bi thương những con vật nhỏ, rồi mới phát tâm biết thương những con vật lớn. Cũng như làm những điều lành nhỏ chứa dồn từng chút mà thành toàn thiện.

Pháp Cú 123.

Như người đi buôn mang nhiều của báu mà thiếu bạn đồng hành, tránh xa con đường nguy hiểm làm sao, như kẻ tham sống tránh xa thuốc độc như thế nào, thì các ngươi cũng phải tránh xa điều ác thế ấy. 

Người đi buôn mang nhiều của báu mà không có bạn cùng đi, phải tránh đường vắng chỗ nguy hiểm. Nghe chỗ nào có cướp giật thì tránh xa, không bao giờ dám đến gần. Người ham sống nghe nói thuốc độc thì không dám nếm. Tâm mình vừa khởi nghĩ ác thì nhớ rằng, người ham sống tránh xa thuốc độc thế nào, thì mình cũng phải tránh xa những niệm ác như thế ấy. Nhớ như vậy thì chắc rằng không dám nghĩ ác và làm ác.

Pháp Cú 124.

Với bàn tay không thương tích, có thể nắm thuốc độc mà không bị nhiễm độc, với người không làm ác thì không bao giờ bị ác. 

Bàn tay không bị trầy xước, thì có cầm nắm thuốc độc cũng không sao. Cũng vậy, nếu người không làm ác thì không bao giờ bị quả báo ác. Nhưng câu nói này gây nghi ngờ. Có người từ bé không làm ác, nhưng vẫn bị quả báo xấu đau ốm tật nguyền thì sao? Đó là quả báo của đời quá khứ phải trả. Người cả đời làm lành, mà chịu quả báo xấu có thể là do quả báo của đời trước hoặc họ chỉ làm về hình thức bên ngoài, mà bên trong còn tính toán. Người không biết rồi thắc mắc; không có nhân quả sao? Thật ra nhân quả báo ứng liên hệ tới ba đời, quá khứ hiện tại và vị lai. Cho nên đời này tuy làm lành mà cũng không chắc gì hoàn toàn hưởng quả lành. Nếu đời trước còn thừa quả báo xấu, thì đời này phải gan dạ chấp nhận, khi quả xấu hết rồi thì sẽ nhận quả báo tốt đầy đủ.

Pháp Cú 125.

Đem ác ý xâm phạm đến người không tà vạy, người thanh tịnh vô nhiễm, tội ác sẽ trở lại làm hại kẻ ác như ngược gió tung bụi. 

Mấy đứa trẻ chơi ngoài đường, đứa này ghét đứa kia, muốn ném bụi cho đứa kia dơ, nhưng vì nó đứng ở dưới gió, nên bị bụi hất ngược trở lại, càng ném thì bụi càng phủ lên đầu. Cũng vậy người thanh tịnh không nhiễm ô mà mình cố tình hại, càng hại người là trở lại hại mình. Cho nên ở đây đức Phật dùng hình ảnh ngược gió tung bụi, bụi không tới người, mà trở lại phủ trên đầu mình để nhắc nhở chúng ta đừng nên hại người.

Pháp Cú 126.

Con người sanh ra từ bào thai, nhưng kẻ ác đọa vào địa ngục, người chánh trực thì sanh lên chư thiên. Còn cõi Niết-bàn thì dành riêng cho những ai đã diệt sạch nghiệp sanh tử. 

Con người tuy đồng sanh từ bào thai, nhưng mỗi người có quả báo khác nhau. Người ác thì sẽ rơi vào địa ngục, người lành sẽ sanh lên các cõi trời, còn người đã diệt sạch nghiệp sanh tử thì đạt được Niết-bàn. Bao nhiêu con đường tốt xấu trưng bày, ai cũng có khả năng chọn lựa một con đường mà đi.

Pháp Cú 127.

Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian này, chẳng có nơi nào trốn khỏi nghiệp ác đã gây. 

Có nhiều người làm ác rồi chạy trốn, tưởng rằng tránh được nghiệp ác, nhưng làm sao khỏi. Có thể họ tránh được quả ác hiện tại, nhưng quả ác vị lai làm sao tránh.

Trong nhà Phật cụ thể hóa nghiệp thiện, nghiệp ác bằng hình ảnh một chiếc gương, thường gọi nghiệp cảnh, tức là cái gương nghiệp. Khi người có tội chết xuống địa ngục, bị Diêm vương tra vấn, nếu ở nhân gian gây tạo tội lỗi mà che giấu không chịu khai thật, thì các ngài không đánh đập tra tấn, mà dẫn người tội tới trước gương nghiệp, khi đó sẽ thấy tất cả hình ảnh làm ác của mình, như giết người thì hiện giết người, ăn cắp thì hiện ăn cắp v.v… nói như vậy nghe có vẻ thần thoại một chút.

Nói nghiệp thiện, nghiệp ác không bao giờ mất, có người tưởng hai bên vai có những vị thần luôn theo dõi, khi làm việc ác hay việc thiện, các ngài đều ghi vô sổ. Chết xuống nạp sổ cho phán quan, để xét tội phước, có công thì thưởng, có tội thì trừng phạt, đó là theo quan niệm của người thường. Nhưng với con mắt của người tu theo đạo Phật thì không phải như vậy. Theo Duy thức học của đạo Phật, con người có thức thứ tám là tàng thức, chứa đựng tất cả hành động tốt xấu của chúng ta đã làm. Như đem hạt giống để vào trong kho tàng thức, khi đủ duyên thì nó hiện hành.

Thí dụ ông A xúc phạm người đang có thế lực, người này hành phạt ông A nặng nề rồi không nhớ nữa. Ông A kém thế lực không có khả năng phục thù, mọi việc như trôi qua. Thời gian sau người kia bị mất quyền thế, còn ông A trở thành người có uy quyền. Gặp nhau, mối hận cũ trỗi dậy, ông A tìm cách hại lại người kia. Đã gây nhân thì quả báo không mất, mình huân cái gì thì có hạt giống rơi vào tàng thức. Nếu huân mạnh thì hạt giống mạnh, yếu thì hạt giống yếu, chứ không mất. Cho nên khi còn khỏe mạnh gây tạo bao nhiêu nghiệp ác, tưởng như quên rồi. Tới lúc sắp chết, tinh thần yếu đuối, chừng đó tất cả việc làm từ khi sanh cho đến khi chết hiện ra. Khi đủ duyên những hạt giống mạnh hiện hành, thì dù chạy trốn vào núi thẳm hay trong đáy biển, cũng không trốn được, vì nó đã theo mình ở trong tâm thức. Trừ khi mình chuyển được nghiệp rồi đến hết nghiệp và sạch nghiệp, chứ còn mong trốn nghiệp thì không bao giờ trốn được.

Pháp Cú 128.

Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian này chẳng có nơi nào trốn khỏi tử thần. 

Thuở xưa có mấy vị tu chứng ngũ thông, họ biết bay lên trời, biết lặn xuống nước v.v… Khi biết rõ mạng sống của mình sắp hết, mỗi người chạy mỗi nơi để trốn cho khỏi chết. Nhưng tới giờ chết đến, dù ở nơi nào cũng đều ngã ra mà chết. Cho nên đức Phật mới nói không ở đâu trốn được cái chết, khi duyên hết, mạng sống cùng, thì ở đâu rồi cũng chết.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.