Kinh Pháp Cú giảng giải

XI. Phẩm Già



Pháp Cú 146.

Làm sao vui cười, có gì thích thú, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt. Ở trong cõi tối tăm bưng bít sao không tìm tới ánh quang minh. 

Những lời Phật dạy rất là tha thiết, làm sao vui cười, có gì thích thú khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt? Ở trong cõi tối tăm bưng bít, sao không tìm tới ánh quang minh?

Người đang ở trong nhà bị cháy, không thể nào vui cười được mà phải gấp chạy ra. Cũng vậy, chúng ta đang bị lửa vô thường thiêu đốt thì phải gấp rút tu hành. Phật dạy cần tu tợ lửa cháy đầu, vừa thấy phạt tới phải phủi lia lịa chứ không thể chậm trễ. Vậy người tu phải cần mẫn, gấp rút, chứ không thể lôi thôi. Người đang ở trong chỗ tối tăm thì lúc nào cũng mong được ánh sáng, đó là lẽ tất nhiên.

Chúng ta đang ở trong hai trạng thái đau khổ là vô thường thiêu đốt và vô minh tối tăm, phải gấp rút lo tu hành để thoát khỏi, đó là người biết tiến trên con đường giải thoát.

Pháp Cú 147.

Hãy ngắm cái thân tốt đẹp này chỉ là đống xương lở lói chồng chất tật bệnh đã được người ta tưởng là êm ái, trong đó tuyệt đối không có gì trường tồn. 

Chúng ta nhìn lại sự thật của con người, để rồi không lầm lẫn đắm trước. Phật bảo thân này chỉ là một đống xương lở lói, trong đó chồng chất bao nhiêu tật bệnh mà người ta tưởng là êm ái đẹp đẽ nên vui thích. Mình chỉ là một đống xương, không có gì trường tồn, nhưng nếu có ai nói mình chết yểu thì không bằng lòng. Biết chúng ta sai lầm nên đức Phật dạy quán từ chân lên tới đầu, từng lóng xương ráp lại thành đống xương, ráp theo thứ tự, nhờ gân cột lại như những sợi dây cột món đồ. Khi lệch gân thì tay chân cựa quậy không được. Trong đây chất chứa một khối bệnh tật, vậy mà người ta nghĩ rằng mình khỏe mạnh rồi đắm trước. Đã là ráp xếp thì tất nhiên sẽ tan hoại một sớm một chiều, không thể nào tránh khỏi.

Pháp Cú 148.

Cái hình hài suy già này là một cái rừng tập trung bệnh tật, dễ hư nát. Đã có tụ tất có tán, có sanh tất có tử. 

Thân này khi già gân cốt sai lệch, nên đi nghiêng là bị trẹo, răng rụng hết thì nhai nuốt khó khăn, mắt mờ tai điếc, tập trung đủ thứ tật bệnh. Người nào sáu mươi tuổi trở lên thì thấy rất rõ ràng, nay đau mai yếu, ít khi khỏe mạnh. Cho nên phải nhớ thân hình suy già này tập trung nhiều bệnh tật, cố gắng nỗ lực tu hành, để không khổ vì tuổi già, mà chấp nhận nó đến một cách vui vẻ.

Pháp Cú 149.

Trái hồ lô về mùa thu thì khô tàn, thân này cũng vậy, khi đã hư hoại chỉ còn một đống xương màu lông hạc, rõ thật chẳng có gì vui. 

Trái hồ lô tức là trái bầu. Người ta hay trồng bầu vào tháng mười, tháng mười một trở lên. Lúc mới ra, trái bầu coi mơn mởn, tới tháng chạp, tháng giêng nó già, đến tháng hai, tháng ba bắt đầu khô, người ta rút hết ruột ra chỉ còn vỏ bầu trống không. Đức Phật nói thân này cũng như trái bầu, về mùa thu thì khô tàn, tức là một ngày nào đó thân rã ra, chỉ còn đống xương màu hơi xám xám, hay đục ngà ngà chứ có gì vui. Bây giờ còn đi đứng, ăn uống, thì thấy da thịt mơn mởn, tới chừng tắt thở thì bốn đại rã tan, trả về cho đất nước gió lửa. Rốt cuộc còn lại mấy lóng xương màu ngà ngà đục đục, chứ không có gì quý. Chúng ta phải nhìn sự thật, để bớt đắm trước thân này.

Pháp Cú 150.

Thân này là cái thành xây bằng xương cốt, tô quét bằng máu thịt, để cất chứa sự già và sự chết, ngã mạn và dối gian. 

Người ta xây thành bằng đá bằng gạch, bên ngoài tô quét bằng vôi, xi măng hay bằng sơn. Phật nói thân này là cái thành xây bằng xương cốt, bên ngoài tô quét bằng máu thịt, để chất chứa sự già, chết, ngã mạn và dối gian. Nó chứa toàn đồ xấu, nhưng vì còn chấp ngã nên thấy mình là trung tâm của quả địa cầu, chứ không thấy mình là hạt cát giữa bãi sa mạc, đó là gốc của ngã mạn, vì ngã mạn nên làm điều gì xấu thì che bớt, còn làm một hai điều tốt thì khoe khoang. Vì tốt khoe, xấu không dám nhận nên trở thành dối gian. Chúng ta chịu khó sớm chiều xét lại thân mình, để giảm bớt hai điều, về thể xác không còn lầm nó, về tinh thần dứt được tâm ngã mạn và lừa dối. Như vậy sự tu của mình mới tiến bộ hơn.

Pháp Cú 151.

Cái xe vua đi dù được trang hoàng lộng lẫy cũng phải hư hoại, thân này dù có trau tria cũng có lúc già yếu. Chỉ trừ pháp của bậc thiện nhân là không bị suy già mà cứ di chuyển từ người lành này sang người lành khác. 

Như chiếc xe của vua, hay bây giờ là chiếc xe của tổng thống, dù đẹp mấy đi nữa rồi có ngày cũng phải hư. Thân này cũng vậy là cái hư hoại không bền lâu, dù cho giai nhân nhan sắc lộng lẫy rồi cũng già chết. Chỉ có pháp của các bậc thiện nhân là không bị suy già.

Pháp của các bậc thiện nhân là chỉ cho pháp của chư Phật hay của hàng Bích-chi, A-la-hán, thiện pháp đó không bao giờ mất. Đọc qua lịch sử chúng ta thấy thân đức Phật là thân của đấng Giác ngộ, mà còn phải hoại, rồi thân của thập đại đệ tử của ngài cũng hoại, nhưng pháp của các ngài đến bây giờ vẫn còn, Như vậy sắc thân có hình tướng thì sẽ tan hoại, chỉ có những pháp của bậc thiện nhân là không bị mất, mà di chuyển từ người lành này đến người lành khác, nghĩa là một người ứng dụng tu thấy lợi ích rồi truyền bá cho người khác biết để tu.

Pháp Cú 152.

Người ngu ít nghe, kém học, suốt đời như trâu nái, gân thịt dẫu lớn mạnh mà trí tuệ không tăng trưởng thêm. 

Con trâu nói gân thịt lớn mạnh mà không có trí tuệ. Cũng vậy con người chỉ to lớn ngoài hình thức mà trí tuệ không sáng suốt, thì chỉ là khối thịt chứ không có gì quan trọng. Những người không có trí tuệ, không có khả năng giúp ích cho đời, người đó là hàng giá áo túi cơm. Người tu nên cố gắng học hiểu giáo lý và ứng dụng tu hành, nuôi lớn trí tuệ thì đời sống mới có giá trị.

Pháp Cú 153-154.

Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi. Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta gặp được ngươi rồi. Ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết-bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch. 

Sau khi đức Phật thành đạo, thấy rõ nguồn gốc sanh tử, cho nên mới thốt ra những lời: Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Nghĩa là bao nhiêu kiếp lăn lộn trong vòng luân hồi sanh tử, muốn tìm nguồn gốc nhưng tìm mãi không ra.

Đức Phật khi còn là vị thái tử đi dạo bốn cửa thành, thấy cảnh sanh già bệnh chết, ngài khắc khoải trong lòng, tại sao con người sanh ra rồi già bệnh chết? Nhưng muôn người như một, an phận cho rằng đó là một định luật chung, không ai có quyền thay đổi. Đức Phật thấy vô lý, chẳng lẽ con người cứ phải chịu như vậy, mà không thoát ra vòng lẩn quẩn ấy sao! Chính ngài cũng phải than, đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi, muốn thoát ra sự tiếp nối vô lý này, nên ngài vượt thành xuất gia, chịu cực khổ, tham thiền nhập định, để tìm cho ra manh mối của sự sanh tử luân hồi.

Khi giác ngộ dưới cội Bồ-đề, ngài nói: Hỡi kẻ làm nhà, nay ta đã gặp được ngươi rồi, ngươi không thể làm nhà nữa. Bao nhiêu rui mè cột kèo của ngươi đều gãy cả rồi. Đó là sự thành công vĩ đại của ngài. Nói cách khác là ngài đã giác ngộ thấy tường tận cội gốc của sanh tử luân hồi là vô minh và ái dục.

Đức Phật khám phá gốc sanh tử luân hồi do mười hai nhân duyên. Mười hai nhân duyên như mười hai cái móc nối chuyền nhau thành sợi dây xích, hay thành một cái vòng. Muốn phá cái vòng thì phải tìm cái mối đầu của nó tháo ra, thì sợi dây xích liền đứt và không còn cột trói được nữa. Đức Phật giác ngộ được nguồn gốc của sanh tử luân hồi là vô minh, hết vô minh là thoát khỏi vòng sanh tử, gọi là giải thoát. Cho nên câu cuối cùng đức Phật nói, trí ta đã đạt đến vô thượng Niết-bàn, bao nhiều dục vọng đều dứt sạch cả. Như vậy ngài thành Phật và hoàn toàn giải thoát.

Chúng ta đã biết rõ chỗ Phật đi thì cũng phải biết rõ con đường mình dự kiến tiến đến. Nếu có phước được làm người, thì phải có trí tuệ, biết rõ vô minh ái dục là nhân, ngay trong đời này phải dẹp bớt, cho đến một ngày nào đó hoàn toàn không còn dính mắc trong vòng sanh tử. Thành ra mục tiêu của chúng ta nhắm là hoàn toàn giác ngộ như đức Phật, không ham phước báo trong cõi nhân thiên, rồi cam chịu sanh tử luân hồi.

Pháp Cú 155.

Lúc thanh niên cường tráng đã không kiếm ra tài của, cũng chẳng lo tu hành, thì khi già chẳng khác gì con cò già bên bờ ao, không kiếm ra mồi phải ủ rũ chết mòn. 

Nhiều người lúc còn trẻ khỏe không lo làm ăn, cũng không lo tu hành, khi về già phải khổ, chẳng khác nào như con cò già đứng bên bờ ao, không kiếm ra mồi đói quá rồi chết dần. Cho nên khi còn trẻ phải làm ra tiền để chi tiêu, và lo tu hành cho có công đức, khi về già thành một người có đức hạnh, hai điều kiện này đầy đủ thì lúc nào cũng sung sướng. Đức Phật nhắc nhở mọi người ý thức, trong khi còn khả năng chúng ta phải làm một trong hai điều này, để về già làm một người hữu ích.

Pháp Cú 156.

Lúc thiếu niên cường tráng đã không kiếm ra tiền của cũng chẳng lo tu hành, nên khi già nằm xuống dáng người như cây cung gãy cứ buồn than về dĩ vãng. 

Người lúc còn trẻ khỏe không lo làm ăn tu hành, tới khi già đau nặng nằm xuống, như cây cung gãy không ai ngó ngàng tới. Khi đó cứ buồn than về dĩ vãng, thành ra sống trong đau khổ. Cho nên những người biết đạo đức, biết lo cho đời sống tinh thần thì tuổi già rất hữu ích, còn không lo làm ăn cũng không biết đạo đức, khi tuổi già đến là một chuỗi ngày đen tối khổ đau. Vì biết làm ăn thì gầy dựng sự nghiệp cho con cháu, khi nào rảnh rỗi thì lo niệm Phật tụng kinh hay tham thiền. Lúc về già thì để hết thời gian vào sự tu, giờ phút nào cũng là giờ phút quý báu của đời mình, do đó không thấy thừa.

Ngược lại những người còn trẻ không biết làm gì, đến khi già rồi ngồi đó trông cậy vào con cháu, trông người này, đợi người kia, nhớ người nọ, rồi buồn giận thương ghét, cứ thế mà cả ngày sống với phiền não rồi trách móc đủ điều. Như vậy là sống trong đen tối, không có ý nghĩa gì. Nếu người biết đạo, thì khi già yếu tâm vẫn an nhiên, giờ phút nào còn sống thì phải tu, để ngày mai có đau bệnh nằm trên giường thì tâm an ổn. Cho nên tuổi năm sáu mươi còn khỏe, phải nỗ lực lo tu hành, để cuối cuộc đời mình được an vui. Ngày nào còn sống ở đây là ngày hữu ích, đừng để trôi qua một cách đáng tiếc.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.