Kinh Pháp Cú giảng giải

VIII. Phẩm Ngàn



Pháp Cú 100.

Tụng đến ngàn câu vô nghĩa chẳng bằng một câu có nghĩa lý, nghe xong tâm liền thanh tịnh. 

Người nào tụng ngàn câu vô nghĩa, chẳng bằng một câu có nghĩa lý, một câu có nghĩa lý khi nghe xong tâm được thanh tịnh. Thế nào là câu vô nghĩa và câu có nghĩa lý? Như đọc tiểu thuyết, trong đó nói chuyện trên trời dưới đất, tâm chỉ vui buồn theo câu chuyện, chứ không thanh tịnh, nên Phật nói đó là những câu vô nghĩa. Nếu đọc lời Phật dạy, hiểu rõ nghĩa lý để ứng dụng tu hành thì tâm hồn thanh tịnh an ổn, nên nói là câu có nghĩa lý.

Tu là cốt giữ tâm, không cho phóng chạy nơi này nơi nọ, nên có nhiều phương tiện, như niệm Phật, ngồi thiền hay tụng kinh, đặt thời khóa tối tụng một thời, khuya tụng một thời, chỉ nhớ câu kinh thì tâm không xao động, đó là phương tiện điều tâm. Ở đây nói tụng ngàn câu vô nghĩa, là đọc những quyển sách nhảm nhí ngoài đời, không có nghĩa lý cao siêu, không bằng đọc một câu Phật dạy có nghĩa lý, để tâm mình được thanh tịnh thì quý hơn. Như vậy tụng kinh để chế phục tâm, chứ không phải chỉ là hiểu nghĩa.

Pháp Cú 101.

Tụng đến ngàn câu kệ vô nghĩa, chẳng bằng một câu kệ có nghĩa lý, nghe xong tâm liền thanh tịnh. 

Pháp Cú 102.

Tụng đến trăm câu kệ vô nghĩa, chẳng bằng một pháp cú, nghe xong tâm liền thanh tịnh. 

Một pháp cú tức là một câu pháp mà đức Phật dạy. Phật dạy dù chỉ một câu cũng có thể khiến tâm thanh tịnh, quý hơn trăm câu, ngàn câu kệ vô nghĩa.

Pháp Cú 103.

Thắng ngàn quân địch chưa thể gọi là thắng, tự thắng được mình mới là chiến công oanh liệt. 

Ở đời, một người đánh thắng hay chinh phục được nhiều người thì rất tài giỏi, nếu chinh phục cả triệu người là vô địch. Nhưng đức Phật thì thấy ngược lại, nếu chinh phục người ngoài mà không chinh phục được mình thì chưa phải là người toàn thắng. Cho nên nhiều vị anh hùng hét ra lửa, nhưng cũng bị thần chết lôi đi chứ không thoát khỏi. Còn người tự điều phục và thắng được mình, mới có thể giải thoát sanh tử.

Anh hùng tài giỏi lắm là chinh phục phân nửa thế giới, hoặc là hai phần ba thế giới, chứ không thể nào chinh phục cả thế giới. Giả sử chinh phục cả thế giới thì chỉ trong khoảng năm ba chục năm là cùng, nếu có danh dự cũng chỉ mấy mươi năm. Hơn nữa chưa có anh hùng nào thoát khỏi tham dục. Còn người chinh phục được tâm, thắng những thói hư tật xấu của chính mình thì thoát ra ngoài vòng sanh tử, không bị hạn cuộc bởi thời gian và không gian. Cho nên ở đây đức Phật dạy, người thắng ngàn quân địch chưa thể gọi là thắng, tự thắng được mình mới là chiến công oanh liệt nhất.

Pháp Cú 104.

Tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác, muốn thắng mình phải luôn luôn chế ngự lòng tham dục. 

Người đời thắng được kẻ khác thì hãnh diện, còn người tu thắng được lòng mình mới vẻ vang. Nhiều người nói tu với người ngoài thì dễ mà tu với người thân trong nhà thì khó, nhất là đối với con cháu. Bởi vì trong nhà đi ra đi vô thấy mặt hoài, nên khó nhẫn nhịn, đứa ở hay con cháu, nó làm trái ý thì mình la lối một hồi cho đã giận rồi mới thôi; còn người ngoài nói một lát họ đi mất, thành ra dễ nhẫn. Vì vậy tu với người trong nhà khó, mà tu với người ngoài thì dễ. Bây giờ gặp việc trái ý, vừa tức giận, chúng ta ráng dằn xuống thì đã tự thắng mình. Trước hết phải chiến thắng cái tức của mình, khi hết giận kêu con cháu lại dạy bảo. Như vậy mới thật sự dạy bảo trong tình cảm của ông bà cha mẹ dành cho con cháu. Còn khi tức giận bực bội, là rầy rà trong cái sân giận, nói ra chát tai làm người nghe khó chịu. Đó không phải là cách dạy bảo của người biết tu. Vì vậy mọi người đừng cho rằng nhịn rồi thiếu bổn phận giáo dục, mà nhịn là để thắng cái giận nơi mình, rồi mai dạy bảo đâu có gì muộn, vì lúc hết nóng lời dạy mới thật sự có hiệu quả.

Pháp Cú 105.

Dù là thiên thần, càn-thát-bà, dù là ma vương hay phạm thiên, không một ai chẳng thất bại trước người đã tự thắng.

Có người cho rằng ngồi thiền một mình hay tu nhiều sợ ma phá. Nhưng sự thật không phải vậy. Nói tu nhiều bị ma phá là tại không hiểu ý nghĩa sự tu, nếu cho rằng tu nhiều là tụng kinh niệm Phật nhiều và có những sự huyền bí thiêng liêng thì bị ma quấy phá. Sự thật người tu nhiều là đã tự điều phục và làm chủ tâm mình, thì ma càng sợ không phá được, như người mạnh không bị người khác ăn hiếp.

Có ai tu nhiều như đức Phật mà khi ngồi dưới cội bồ-đề, vẫn bị ma vương tới phá; sau khi thành Phật đi hóa đạo thì bị Đề-bà-đạt-đa theo phá v.v… Với con mắt phàm tục thì cho là Phật bị phá. Ở đây đức Phật nói dù thiên thần, càn-thát-bà, dù là ma vương hay phạm thiên vương, không một ai chẳng thất bại trước người đã tự thắng. Người tự thắng thì không sợ ma phá. Vì vậy nếu tự điều phục, tự chiến thắng tất cả thì không ai phá hoại được. Chỉ khi nào tham sân nổi lên, thì ma mới lôi mình được. Như vậy tất cả đều tại mình. Hơn nữa, người tu thì sẵn sàng chịu thử thách, tại sao lại sợ ma phá!

Pháp Cú 106.

Mỗi tháng bỏ ra hàng ngàn vàng để sắm vật hy sinh tế tự cả đến trăm năm, chẳng bằng trong giây lát cúng dường bậc chân tu, cúng dường bậc chân tu trong giây lát thắng hơn tế tự quỷ thần cả trăm năm. 

Người dù bỏ ra tiền muôn bạc vạn để mua những con vật tế thần, cúng vái tế tự lung tung, tốn hao rất nhiều tiền, không bằng cúng dường những vị chân tu. Vì cúng tế như trên là cầu phước, nhưng sát sanh hại vật thì chuốc tội, thành ra bên tội bên phước. Hơn nữa, cúng như thế cầu ma quỷ ủng hộ cho mình làm giàu, mà giàu có thì của cải chắc gì còn mãi. Nhưng cúng dường bậc chân tu chỉ dạy đạo lý để mình ăn hiền ở lành thì có lợi ích và có phúc lành lâu dài.

Pháp Cú 107.

Cả trăm năm ở tại rừng sâu thờ lửa chẳng bằng trong giây lát cúng dường bậc chân tu; cúng đường bậc chân tu trong giây lát thắng hơn thờ lửa cả trăm năm. 

Thuở xưa người Ấn Độ thường thờ thần lửa, đức Phật cho rằng đó là việc làm vô nghĩa. Vì lửa là cái thuộc về vô tình, không có lợi ích bằng cúng dường bậc chân tu và nghe pháp, đó mới thật là lợi ích lớn.

Pháp Cú 108.

Suốt một năm cúng dường để cầu phước, công đức chẳng bằng một phần tư sự kính lễ bậc chánh trực, chánh giác. 

Giả sử bố thí cúng dường để cầu phước không bằng tự mình lễ kính bậc chánh trực, chánh giác. Cúng dường bố thí chỉ có cái phước ở bên ngoài, còn tự phát tâm kính lễ bậc tu hành chân chánh là do tâm thành phát ra từ cái nhân tốt ở trong, nên có nhiều phước báo hơn.

Pháp Cú 109.

Thường hoan hỷ tôn trọng kính lễ các bậc trưởng lão thì được tăng trưởng bốn điều: sống lâu, đẹp đẽ, vui vẻ, khỏe mạnh. 

Nếu thường vui vẻ tôn trọng kính lễ các bậc trưởng lão là những người lớn tuổi hạ, đạo đức cao siêu. Tôn trọng kính lễ như vậy được bốn điều tốt là sống lâu, đẹp đẽ, vui vẻ và khỏe mạnh.

Pháp Cú 110.

Sống trăm tuổi mà phá giới và buông lung, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà trì giới tu thiền định. 

Có nhiều người đi tu thọ giới hai mươi năm, thấy người mới thọ giới ba năm thì coi thường. Nếu theo lời Phật dạy ở đây thì người tu khi thọ giới phải giữ giới thanh tịnh, mới có giá trị, còn thọ giới lâu năm mà buông lung không giữ giới, lại kể mình lớn tuổi đạo người ta phải kính nể, đó là sai lầm.

Pháp Cú 111.

Sống trăm tuổi mà thiếu trí tuệ không tu thiền, chẳng bằng chỉ sống một ngày mà đủ trí tu thiền định. 

Sống lâu mà không có trí tuệ, không biết tu thiền, không bằng sống một ngày mà đủ trí tuệ tu thiền. Vì sống một trăm tuổi mà chạy theo danh lợi thế gian, rốt cuộc chỉ chuốc lấy luân hồi sanh tử. Nếu sống một ngày là thời gian ngắn, mà có trí tuệ biết tu thiền định, một ngày tâm mình tỉnh táo sáng suốt, thì chặn được một đoạn đường sanh tử, còn hơn kéo dài đau khổ trong sanh tử luân hồi.

Pháp Cú 112.

Sống trăm tuổi mà giải đãi không tinh tấn, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà hăng hái tinh cần. 

Người sống thật lâu mà biếng nhác, không bằng người sống trong một ngày mà siêng năng tu hành. Người tu Phật cốt yếu là biết nỗ lực trong thời gian đang tu, chứ không phải tính nhiều năm tháng. Có người tự hào năm nay tôi xuất gia được bốn mươi năm, nói vậy là lầm. Nếu người tu bốn mươi năm mà giải đãi thì không bằng người xuất gia một năm mà tinh tấn. Như vậy giá trị của người tu ở chỗ tinh tấn, chứ không phải ở chỗ nhiều năm. Có người cứ nói tôi tu nhiều năm là có công đức nhiều, sự thật người nào xuất gia biết nỗ lực tu hành, dù chỉ tu hai ba ngày rồi chết vẫn có giá trị như thường. Tu nhiều năm mà có nỗ lực tinh tấn thì rất quý, nếu giải đãi thì không ra gì.

Pháp Cú 113.

Sống một trăm tuổi mà không thấy pháp vô thường sanh diệt, chẳng bằng chỉ sống một ngày mà được thấy pháp sanh diệt vô thường.

Pháp Cú 114.

Sống trăm tuổi mà không thấy đạo tịch tịnh vô vi, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà thấy được đạo tịch tịnh vô vi.

Pháp Cú 115.

Sống trăm năm mà không thấy pháp tối thượng, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà được thấy pháp tối thượng. 

Sống một ngày thấy được pháp sanh diệt vô thường quý hơn sống một trăm tuổi. Bởi vì nếu một ngày mà thấy được pháp sanh diệt vô thường là đã có phần giác ngộ, còn hơn một trăm năm mà không có giác ngộ. Vì vậy mà câu 114 đức Phật nói rõ hơn.

Người nào sống một trăm năm mà không đạt được Niết-bàn, không bằng sống một ngày mà đạt được Niết-bàn, vì sống một ngày mà đạt được Niết-bàn thì thoát vòng sanh tử luân hồi.

Câu này cũng giống Nho giáo đã nói Triều văn đạo, tịch tử khả hỷ, sáng nghe đạo, chiều chết cũng vui. Như vậy là một giờ hay một buổi mà biết đạo, còn hơn là cả đời sống mà không biết đạo. Ở đây đức Phật nói nếu sống một trăm tuổi mà không thấy được pháp tối thượng, không bằng chỉ sống một ngày mà thấy được pháp tối thượng.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.