Kinh Pháp Cú giảng giải

VII. Phẩm A La Hán



Pháp Cú 90.

Người đã giải thoát hết thảy, đã dứt hết thảy buộc ràng, là người đi đường đã đến đích, chẳng còn chi lo sợ khổ đau. 

Người đã giải thoát hết thảy ràng buộc, đó là người đã đến đích, đạt đến chỗ mình nhắm, chẳng còn chi lo sợ. Theo kinh A-hàm, người chứng được A-la-hán là giải thoát sanh tử luân hồi trong hiện đời. Khi chưa biết đạo, chúng ta sống như bao nhiêu người khác, cũng tham lam giận dữ và đủ thứ tật xấu. Nhưng bây giờ phát tâm quy y Tam bảo và thọ trì năm giới, là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Chín chắn giữ một giới là trừ được một điều xấu ác. Không sát sanh thì trừ được thói quen ưa giết hại sanh mạng chúng sanh. Không trộm cắp thì bỏ được tật tham lam v.v… Như vậy nhờ biết tu mà giảm từ từ những cái xấu còn chứa trong tâm, cho tới khi nào sạch hết những tật xấu là giải thoát. Thành thử giải thoát không có nghĩa là biết bay lên hư không, hay sẽ trở thành những con người lạ lùng, mà giải thoát chính là trong tâm không bị những xấu xa phiền não ràng buộc lôi kéo nữa. Cho nên người tu hành trong đời hiện tại nếu thoát tất cả những ràng buộc thì chứng A-la-hán, chứ không phải đợi đến đời nào khác. Chúng ta phải hiểu cho kỹ điều đó. Chỉ cần bỏ hết những buộc ràng thì chẳng còn chi lo sợ nữa.

Pháp Cú 91.

Kẻ dũng mãnh chánh niệm tâm không ưa thích tại gia, ví như con ngỗng khi ra khỏi ao, chúng bỏ lại cái ao hồ không chút nhớ tiếc. 

Con ngỗng khi ra khỏi ao, chúng bỏ lại cái ao không chút luyến tiếc vì nó thấy đất trời rộng rãi thoải mái hơn. Cũng vậy người có trí tuệ mãnh liệt, biết chánh niệm tỉnh giác thì thích xuất gia giải thoát, chứ không chịu ràng buộc ở trong gia đình nhỏ hẹp, chẳng khác nào con ngỗng lên bờ, không còn thích trở lại ao hồ.

Pháp Cú 92.

Những vị A-la-hán không chất chứa tài sản, biết rõ mục đích sự ăn uống, tự tại trong cảnh giới “không, vô tướng, giải thoát”, như chim bay giữa hư không khó tìm thấy dấu vết. 

Đức Phật diễn tả tâm trạng và việc làm của các bậc A-la-hán để chúng ta nghe biết mà gắng sức tiến lên. Những vị A-la-hán không chất chứa tài sản, biết rõ mục đích sự ăn uống, tự tại đi trong cảnh giới không, vô tướng, giải thoát. Đi trong cảnh giới này như chim bay giữa hư không, không tìm thấy dấu vết. Người tu hành muốn đạt được giải thoát rốt ráo tiến lên vị Thánh, phải gỡ bỏ những ràng buộc thế gian như tài sản, ăn uống v.v… để tâm mình rỗng rang, chứng được cảnh giới không, vô tướng và giải thoát.

Chúng tôi giải thích sơ, chứng được Niết-bàn gọi là không, vì không có tham sân si phiền não. Vô tướng hay không tướng là không còn phiền não tham sân si, không còn bị ràng buộc bởi những tham dục cho nên gọi là giải thoát, là tự tại khỏi tất cả dục lạc và những hình tướng của thế gian. Tóm lại, không nghĩa là không còn cái nhân sanh tử; vô tướng là không còn bị ràng buộc trong hình thức và giải thoát là không còn đắm trước tham dục, không còn bị phiền não ràng buộc, gọi đó là bậc A-la-hán.

Pháp Cú 93.

Những vị A-la-hán đã dứt sạch các lậu hoặc, không tham đắm uống ăn, tự tại đi trong cảnh giới “không, vô tướng, giải thoát”, như chim bay giữa hư không, khó tìm thấy dấu vết. 

Câu 92 và 93 ý nghĩa giống nhau, chỉ khác là câu 92 nói các bậc A-la-hán không chất chứa tài sản, còn câu 93 thì nói các ngài đã dứt sạch lậu hoặc. Cho nên dễ hiểu không cần giảng.

Pháp Cú 94.

Những vị A-la-hán đã tịch tịnh được các căn như tên kỵ mã đã điều phục được ngựa lành, nên không còn phiền não ngã mạn và được các hàng nhân thiên kính mộ. 

Những vị A-la-hán đã tịch tịnh được các căn, như tên kỵ mã đã điều phục được ngựa lành, nên không còn phiền não ngã mạn và được các hàng nhân thiên kính mộ. Các bậc A-la-hán được trời người cung kính vì các ngài biết điều phục tâm, chẳng khác nào như người luyện tập ngựa, từ những con ngựa chứng khó dạy, mà họ luyện tập lần lần trở thành con ngựa thuần, con ngựa hay. Cũng vậy, chỉ khéo điều phục tâm mình mà thành A-la-hán chứ không phải là chuyện ngẫu nhiên. Như vậy tập bỏ tâm phàm, đó là bậc Thánh chứ không tìm đâu xa.

Pháp Cú 95.

Những vị A-la-hán đã bỏ hết lòng sân hận, tâm như cõi đất bằng, chí thành kiên cố như Nhân-đà-yết-la, như ao sâu không bùn nên chẳng còn bị luân hồi xoay chuyển. 

Những vị A-la-hán bỏ hết lòng sân hận, là không còn tất cả phiền não, tâm như cõi đất bằng. Tâm chúng ta còn phiền não tham sân si giống như đất núi đất rừng nhiều lồi lõm. Các ngài chí thành kiên cố, chẳng khác nào như Nhân-đà-yết-la. Nhân-đà-yết-la là tảng đá lớn, chặn giữa cửa vào đền của Thiên Đế-thích. Tâm các vị A-la-hán vững vàng kiên cố, không bị lay chuyển, như ao sâu không bùn, nên chẳng còn bị luân hồi xoay chuyển. Nếu cái ao có bùn thì khi quậy lên nó ngầu đục. Ao không bùn là ở dưới đáy ao không có bợn nhơ, muốn quậy cho nước nổi bùn cũng không được. Cũng vậy các vị A-la-hán do đã dứt sạch phiền não, cho nên không bao giờ luân hồi sanh tử, cũng như ao sâu không bùn. Chúng ta vì còn phiền não nên phải luân hồi sanh tử, đó là một lẽ thật.

Pháp Cú 96.

Những vị A-la-hán ý nghiệp thường vắng lặng, ngữ nghiệp, hành nghiệp thường vắng lặng, lại có chánh trí giải thoát nên được an ổn luôn. 

Những vị A-la-hán đối với ba nghiệp; ý nghiệp, ngữ nghiệp và hành nghiệp luôn vắng lặng. Vắng lặng không phải là ngồi im, miệng không nói, tay chân không cử động, không có sinh hoạt gì cả mà ba nghiệp lúc nào cũng trong sạch, không bị khổ vui làm động tâm. Cho nên người tu hành nếu ba nghiệp thanh tịnh thì luôn được an ổn. Ngược lại ba nghiệp không thanh tịnh thì luôn bị phiền não.

Pháp Cú 97.

Những vị A-la-hán chẳng còn phải tin ai, đã thấu hiểu đạo vô vi, dứt trừ vĩnh viễn nguyên nhân cùng quả báo ràng buộc, lòng tham dục cũng đã xa lìa, chính đó là bậc Vô thượng sĩ. 

Những vị A-la-hán đã thấy đạo nên tin nơi mình, không còn tin ai. Thấu hiểu đạo vô vi là đạt được Niết-bàn, đạt được lý không sanh không diệt, dứt trừ vĩnh viễn nguyên nhân cùng quả báo ràng buộc, dứt được nhân quả ràng buộc trong vòng luân hồi. Các ngài đã dứt sạch lòng tham dục, cho nên các ngài là bậc Vô thượng sĩ, mà Vô thượng sĩ là một hiệu của đức Phật.

Pháp Cú 98.

Dù ở xóm làng, dù ở núi rừng, dù ở đất bằng, dù ở gò trũng v.v… bất cứ ở chốn nào mà có vị A-la-hán thì ở đó đầy cảnh tượng yên vui. 

Phật nói mỗi người chúng ta sanh ra đều thọ nhận chánh báo và y báo. Chánh báo là con người chúng ta, báo là hoàn cảnh sống chung quanh. Nếu chánh báo đẹp thì y báo theo đó mà đẹp, chánh báo xấu y báo theo đó mà xấu. Vì vậy những vị A-la-hán là người có chánh báo đã thuần tịnh, thuần an vui, thì y báo cũng thuần tịnh, thuần an vui. Thí dụ một người giàu ở trong xóm nghèo, nếu đường xá trong xóm lầy lội, thì họ bỏ tiền sửa sang cho bằng phẳng, sạch sẽ tốt đẹp, nên cảnh thay đổi từ xấu trở thành tốt. Cũng vậy ở đâu có một vị tâm hồn thật thanh tịnh sáng suốt thì ở đó cũng đều được an ổn theo. Kinh nói tâm tịnh thì độ tịnh, đó là lẽ thật.

Pháp Cú 99.

Lâm đã là cảnh rất vui đối với vị A-la-hán nhưng người đời chẳng ưa thích, trái lại dục lạc là cảnh ưa thích của người đời, vị A-la-hán lại lánh xa. 

Vị A-la-hán thích ở lâm dã cho nên lâm dã là cảnh rất vui của các ngài, còn người đời thích dục lạc cho nên dục lạc là cảnh vui của người đời. Như vậy điều người đời cho là vui thì các vị A-la-hán lánh xa không thích. Người tu ngược với thế gian là ở chỗ đó.

Phẩm này diễn tả cảnh giới của A-la-hán, chúng ta tu chưa tới, cho nên thấy khó hiểu, nhưng chúng ta cần phải biết qua tâm lượng và cách sống của các ngài, khi tu hành lấy đó làm mục tiêu nhắm tới. Nếu không biết thành A-la-hán là phải như thế nào, hay tâm lượng A-la-hán ra sao, thì không biết được mục đích để nhắm tới.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.