Kinh Lăng Già Tâm Ấn giảng giải

Lăng Già Tâm Ấn Duyên Khởi



Lý do dịch kinh Lăng Già tôi đã giải thích ở phần đầu, từ phần Lăng Già Tâm Ấn Duyên Khởi về sau tôi sẽ thứ tự giải thích cho quý vị nghe. Vì ở đây hơi khó hiểu nên tôi đọc từng đoạn từng câu giải thích từ từ.

Người sớ kinh này là Lôi Phong lão nhân, vốn là móng vuốt trong tông môn, vào được hang ổ của tánh tướng. 

Lôi Phong lão nhân tức là ngài Hàm Thị. Ngài Hàm Thị ở ngọn Lôi Phong nên gọi là Lôi Phong lão nhân. Móng vuốt trong tông môn là người có khả năng, tài ba trong nhà Thiền. Vào được hang của tánh tướng. Tánh tướng tức là phần giáo lý về Tánh tông và Tướng tông, Ngài đã thâm nhập nên gọi là vào được hang ổ của tánh tướng.

Ngài thương sự hoang rậm của nghĩa học và xót chỗ hỗn độn của Thiền môn, nên từ năm Quí Tỵ (1653) lui về ẩn nơi Khuông Phụ, treo bầu ở Kim Tỉnh, dựng gậy tại Ngọc Uyên. 

Nghĩa học là chỉ cho giáo nghĩa. Đối với kinh điển người tu không thấu suốt được lẽ kinh, nên kinh trở thành như rừng hoang. Trong Thiền môn hỗn độn không phân rõ chánh tà, không biết được đâu là chánh thiền, đâu là tà thiền, vậy nên nói hỗn độn trong Thiền môn.

Khuông Phụ, Kim Tinh, Ngọc Uyên là danh từ chỉ chỗ ở. Ví dụ như tôi nói là về ẩn ở Đồng Nai, treo bầu ở Long Thành, dựng gậy ở Phước Thái.

Hỏi về chỗ khế chứng thì Ngài tâm lặng biến trong, ngửa nhìn thói đẹp thì thân như ngọn núi cao trơ trọi. 

Chỗ khế chứng của Ngài thì tâm lặng lẽ như biển trong, còn nhìn về thói đẹp, nhà Phật gọi là gia phong, thì thân như ngọn núi cao trơ trọi. Tại sao? Bởi vì chúng ta đi lên cao nguyên thấy núi liền với nhau, khó thấy ngọn nào cao lắm, còn nếu có một ngọn núi đứng riêng ở ngoài thì thấy nó rất cao. Vậy cho nên đứng về chỗ hay đẹp thì Ngài vượt hơn mọi người như một ngọn núi cao trơ trọi.

Như Địa Tạng Sâm cày ruộng nuôi sống, như Thê Hiền Thực tụng tập tu hành. 

Như Địa Tạng Sâm cày ruộng nuôi sống, nghĩa là Thiền sư Quế Sâm chỉ cày ruộng, trồng lúa, để nói rằng sự sống của Ngài giống ngài Quế Sâm ở Địa Tạng. Như Thê Hiền Thực tụng tập tu hành. Sự tu tập của Ngài giống như thiền sư Thực ở Thê Hiền. Thê Hiền là tên chùa. Như vậy để dẫn hai vị tiên hiền mà so sánh với Ngài.

Lò tàn bếp lạnh, chỉ toàn nêu đại pháp. 

Lò tàn bếp lạnh là chỉ cho tâm Ngài không còn bị sáu trần hay ngũ dục nung đốt, nó giống như lò tàn bếp lạnh, chỉ chuyên một việc nêu cao đại pháp thôi, ngoài ra không còn bận rộn việc gì.

Cước tùng lẫn lộn tơ rối bòng bong, nương nơi trí bén mà cắt đứt trăm mối. 

Cây cước, chỗ khác gọi là cây kinh cức, chỉ cho những cây gai cong queo. Tùng là chỉ cho những cây thẳng. Cây cong, cây thẳng lẫn lộn như mớ bòng bong, nương nơi trí bén mà cắt đứt trăm mối, là Ngài dùng trí tuệ Bát nhã cắt đứt hết không để cho lẫn lộn.

Ngài đối với cổ nhân thật không hổ thẹn. 

Đối với người trước Ngài không hổ thẹn, vì Ngài đã giản trạch chánh tà. Trong lúc mọi người không phân biệt sự hỗn độn lăng xăng rối rắm đó, thì chính Ngài đã giản trạch cho mọi người biết đâu là chánh đâu là tà.

Đến năm Mậu Tuất (1658), Ngài trở về Lãnh Nam. Kim Vô tôi năm sau từ Ngọc Môn tìm đến, khoảng năm Nhâm Dần (1662) và Quí Mẹo (1663) cùng chư đệ Thạch Giám v.v… thưa hỏi về Duy thức. Ngài bảo: “Kinh Lăng-già chỉ minh sơ thần ngã chẳng cùng tánh châu mà lạm nhận, nương lông rùa dầu cát mà chóng giác, vọng tình tự mất”. Nhân Ngài nêu bày chỉ yếu, chúng tôi bèn thỉnh sớ giải. 

Tánh châu là chỉ cho tánh giác chân thật của chúng ta, không giống như minh sơ, thần ngã của ngoại đạo. Rùa không có lông, ép cát không thể ra dầu, là những cái không có thật. Nghĩa là nương theo những phương tiện không thật như lông rùa, dầu cát để giác ngộ vọng tình, giác ngộ rồi vọng tình tự mất.

Ngài khéo hiệp với Tâm tông, lại toàn thông danh tướng. Chẳng những giũa mài cây trụ cuồng thiền cũng gồm kích dương nơi giảng tịch. 

Ai tu thiền mà cuồng loạn gọi đó là cuồng thiền. Ngài khéo chỉ dạy uốn nắn, giũa mài những người tu thiền sai. Gồm kích dương nơi giảng tịch, nơi các chỗ giảng kinh Ngài cũng khuyến khích các người giảng kinh hiểu kinh cho thấu đáo.

Tượng tâm cao vót, dầm nghĩa hải nơi nguồn sâu, thần cơ sâu lặng phá các nạn vấn trong nửa bài kệ. 

Tượng tâm cao vót tức là hình tướng tâm của Ngài cao vót. Nghĩa hải tức là nghĩa rộng như biển. Thần cơ là căn cơ bén nhạy. Ý nói căn cơ của Ngài thấu suốt được nguồn kinh của Phật dạy như là biển cả, đối với Thiền tông Ngài rất bén nhạy, chỉ trong nửa bài kệ có thể dẹp hết các nạn vấn

Nhọc nhằn mệt mỏi, nhóm họp sưu tầm liền thấy đại nghĩa hiện bày sáng rỡ, mừng lời diệu mà không mắc kẹt. 

Ngài sưu tầm tất cả các kinh khác để sớ giải cho đại nghĩa ở đây được sáng rỡ. Lời nói của Ngài diệu mà vẫn không mắc kẹt.

Giáo để giúp tông, chỉ truyền riêng bốn quyển. 

Giáo lý Thiền chỉ truyền riêng có bốn quyến, tức là bốn quyển kinh Lăng Già này.

Thức tức là tàng, trợ đại tâm để lấn át Nhị thừa. 

Thức tức là tàng, Tàng thức tức là Như Lai tàng. Trợ đại tâm là giúp những người có tâm Đại thừa to rộng để lấn át Nhị thừa.

Đây thật là vận dụng tâm tối thượng, trông xa thấy thời tệ mà làm ấy vậy. 

Nghĩa là trông xa thấy thời đó phần đông người tu học tệ quá mà làm vậy.

Trong lời sớ có nhập lý thâm đàm mà vẫn khít khao với văn kinh. 

Lời sớ giải của Ngài thấu tột lý, nói được những ý thâm sâu bên trong nhưng luôn khít khao với văn kinh.

Chính nơi văn nghĩa mà thấy tông thừa, hội tông thừa mà tiêu dung văn nghĩa. 

Nơi văn nghĩa mà thấy tông thừa, tức là thấy được thiền giáo, cũng như hội thiền giáo mà trở về nơi văn kinh.

Dám thầm nêu lên để chỉ cho kẻ hậu học. Bốn sông đều chảy vào biển, một hòn bọt cũng chẳng còn.

Như các con sông chảy về biển thì tất cả là biển.

Ấy tại xem văn, lóng trong mắt tuệ. 

Người xem văn hiểu được kinh này thì con mắt trí tuệ càng sáng.

Thời vua Khang Hi năm Giáp Thìn (1664) ngày mùng 10 tháng 8, đệ tử nối pháp Kim Vô cúi đầu kính thuật. 

Đệ tử của Ngài là Kim Vô làm bài duyên khởi này.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.