– Đời Tống, Tam Tạng Sa Môn Cầu Na Bạt Đà La người Nước Thiên Trúc dịch.
– Đời Thanh, Tông Tào Động đời thứ 34, Sa Môn Hàm Thị ở Lôi Phong, Trụ Trì Bát Sơn đời thứ 3, sớ giải.
– Môn Nhân nối pháp Kim Vô, Kim Diệu cùng hiệu đính.
Đây là lời giải thích của ngài Hàm Thị. Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh Tâm Ấn. Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh là tên kinh. Tâm Ấn là sớ giải thêm hai chữ Tâm ấn.
Lăng-già (Lanka) là tên núi, núi này do sản xuất châu Lăng-già nên lấy tên châu mà gọi tên núi. Núi nằm tại biển Nam là chỗ ở của Dạ-xoa. Bởi vua Dạ-xoa thỉnh Phật thuyết pháp trên núi, nên lấy tên núi đặt tên kinh.
Đó là lý do giảng kinh và chỗ nơi giảng kinh.
Đại sĩ Táo Bá nói: “Kinh này nói trên núi Lăng-già ở trong biển Nam. Như Lai nói kinh dưới núi, vua Dạ-xoa La-bà-na và Bồ-tát Ma-để ngồi cung điện hoa đến thỉnh Như Lai vào núi thuyết pháp. Núi này cao chót vót nhìn xuống biển cả, chung quanh không lối vào. Người được thần thông mới có thể lên được, để tiêu biểu pháp môn tâm địa, người không tu, không chứng mới hay lên được.
Táo Bá là một cư sĩ giải thích kinh Lăng Già, Ngài Hàm Thị cho là vị Bồ-tát nên gọi là Đại sĩ.
Nói rằng núi ở giữa biển mà không có lối vào, chỉ người nào có thần thông mới vào được, theo Táo Bá thì đó là tượng trưng pháp môn tâm địa này, người không tu không chứng mới hay vào được, như vậy là phàm phu vào được. Đúng không? Chỗ nói không tu không chứng tức là tu mà vô tu, chứng mà vô chứng. Người đó mới vào được, không phải phàm phu không tu gì hết mà tới được.
Nhìn xuống biển cả, để tiêu biểu biển tâm thanh tịnh, do gió cảnh thổi, nên sóng thức nổi dậy.
Biển là dụ cho tâm. Biển tâm thanh tịnh, gió thổi là gió cảnh hay gió nghiệp thổi nên sóng thức nổi dậy.
Người đạt được ngoại cảnh vốn không thì biển tâm tự vắng lặng.
Chúng ta không cần dẹp ở trong tâm, chỉ cần nhìn cảnh, nhìn người thấy không có một pháp thật thì tâm vắng lặng. Sở dĩ chúng ta còn nghĩ người này thật, cảnh kia thật, cái gì cũng thật hết nên duyên cái này, đuổi theo cái nọ. Nếu chúng ta thấy tất cả không thật thì tâm còn đuổi theo cái gì? Như vậy không tu mà nó tự lặng. Đó là trí tuệ Bát-nhã giúp chúng ta vậy.
Tâm cảnh đều lặng thì việc gì cũng sáng tỏ, ví như biển cả lặng gió thì mặt trời mặt trăng và vạn vật hiện hình rõ ràng.
Nếu chúng ta thấy cảnh không thật thì tâm được vắng lặng, thế là tâm cảnh đều lặng. Tâm cảnh đều lặng thì việc gì cũng sáng tỏ, giống như biển lặng thì muôn vật đều hiện hình.
Kinh này Phật vì hàng Bồ-tát căn cơ đã thuần thục, liền nói chủng tử nghiệp thức là Như Lai tàng; khác với Nhị thừa do diệt thức tiến đến không tịch; cũng khác với Bát-nhã bởi Bồ-tát quán không rồi thích cái Không tăng thắng.
Đây là giản trạch kinh này khác với Nhị thừa cũng khác với Bát-nhã. Theo tinh thần Nhị thừa, khi tu đến Diệt tận định mọi tâm thức lặng hết, đó gọi là cứu cánh. Kinh này nói khi chủng tử nghiệp thức hết tức là Như Lai tàng. Tôi ví dụ như có một cái kho chứa đủ các thứ lúa, đậu, bắp… giống nào cũng có. Cho đến giống cỏ gai mắc cở cũng có trong đó nữa. Hạt giống nào gặp nước thì nảy mầm, đâm chồi, sinh cây. Bây giờ muốn cho hạt giống đó tiêu diệt hết thì phải làm sao? Chúng ta phải đem ra đốt đi, hoặc làm cho nó tiêu đi, nghiền nát hết đi. Khi nghiền nát, đốt tiêu tất cả hạt giống đó, lúc hết trơn giống rồi thì còn cái gì? Còn cái kho! Chứ không phải hết giống là hết trơn. Hàng Nhị thừa chủ trương tiêu diệt các hạt giống nghiệp thức, khi lặng hết cho đó là cứu cánh, như vậy là quên cái kho. Ở đây nói nghiệp thức diệt hết rồi thì còn cái kho Như Lai, gọi là Như Lai tàng. Như vậy thì lặng hết, nghiệp thức không có nghĩa là tiêu hết, mà đó là sống với Như Lai tàng.
Còn trong hệ Bát-nhã, Bồ-tát quán các pháp không tự tánh, khi sức quán Không tăng trưởng thu thắng quá rồi thích các pháp Không đó mà quên Như Lai tàng, nên cũng chưa rốt ráo. Vì vậy kinh giản trạch khi tiêu hết các chủng tử nghiệp thức, đó là Như Lai tàng. Khi chưa tiêu có Như Lai tàng không? Khi còn tất cả các thứ đậu, bắp… trong kho thì cái kho cũng hiện hữu. Khi các thứ đó tiêu hết thì cái kho cũng hiện tiền. Vì vậy cho nên khi còn các thứ chủng tử nghiệp thức thì gọi đó là Tàng thức, khi chủng tử diệt hết rồi thì gọi đó là Không Như Lai tàng, kho Như Lai tàng trống không.
Đây chỉ thẳng thức thể bản tánh toàn chân, liền thành trí dụng, như biển cả kia lặng gió thì cảnh tượng đều hiện bày.
Hiểu như vậy thì mới thấy bản thể của thức tánh là toàn chân. Thể của thức ví dụ như nước, thức ví dụ như sóng, toàn sóng tức là nước chứ không có gì lạ, liền thành trí dụng, như biển cả kia lặng gió thì cảnh tượng hiện bày.
Biển tâm chẳng động thì gió cảnh chẳng khác.
Nếu biển tâm lặng rồi thì gió cảnh (tức là gió nghiệp) không khác với biển tâm.
Chỉ người khéo hiểu được tánh chân, liền nơi thức biến thành trí. Táo Bá rất thâm hiểu tông thủ kinh Lăng-già vậy.
Đó là kết thúc một đoạn dẫn của ngài Táo Bá và khen ngợi chỗ thâm hiểu tông thú kinh này.
Kinh này dịch lần đầu do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) đời Lưu Tống (424-454), dịch thành bốn quyển để tên là Lăng-già A-bạt-đa-la Bảo Kinh. Đến đời Nguyên Ngụy (500-516), ngài Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch thành mười quyển tên là Nhập Lăng Già. Đời Đường thời Võ Tắc Thiên (684-705).Ngài Thật-xoa-nan-đà (Siksānanda) cùng với ông Phục Lễ v.v… dịch thành bảy quyển tên là Đại Thừa Nhập Lăng-già.
Các thời đại dịch kinh: Đời Tống (424-426) tức là vào thế kỷ V, đời Nguyên Ngụy (500-516) là đầu thế kỷ VI, đời Đường Võ Tắc Thiên (684-705) là đầu thế kỷ VIII.
Kinh Lăng Già có tất cả ba Ngài dịch từ Phạn sang Hán:
1- Cầu-na-bạt-đà-la.
2- Bồ-đề-lưu-chi.
3- Thật-xoa-nan-đà.
Ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch 4 quyển, ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch 10 quyển, ngài Thật-xoa-nan-đà dịch 7 quyển. Chúng ta học đây là bản dịch của ngài Cầu-na-bạt-đà-la. Vì bốn quyển này tổ Bồ-đề Đạt-ma nói có thể ấn tâm.
Bản dịch đời Đường rất đơn giản, không bằng bản dịch đời Tống rất cao sâu (chữ Tổng này là Lưu Tống). Cho nên từ xưa đến nay những nhà nghiên cứu hầu hết đều theo bản dịch ban đầu (đời Tống).
Thời vua Lương Võ Đế, Đại sư Đạt-ma đi đường biển đến Trung Hoa rồi sang nước Ngụy, ở tại chùa Thiếu Lâm chín năm ngồi xoay mặt vào vách. Sau Ngài truyền pháp cho tổ Huệ Khả nói: “Xứ này chỉ có bốn quyền kinh Lăng Già có thể dùng ấn tâm, trọn trao cho ngươi.”
Tổ Đạt-ma nhận định rằng ở Trung Hoa thời đó đã dịch được bốn quyển kinh Lăng Già, có thể dùng ấn tâm, nên trao cho tổ Huệ Khả gìn giữ. Vì vậy lời sớ giải gọi là tâm ấn.
Từ đây kinh Lăng-già bèn thành vật bí mật trong Tông môn (Thiền tông). Thiền giả thời nay đã bỏ qua (kinh Lăng-già) cho đến suốt đời chưa từng giở ra xem, thật đáng buồn thay!
Tu thiền mà cả đời không đọc đến kinh Lăng Già. Đó là lời trách của Ngài. Tổ Đạt-ma đã nói kinh Lăng Già có thể truyền tâm ấn hay là ấn tâm, mà chúng ta lại không để ý tới, không hiểu gì trong đó, thì thật là có lỗi lớn.
Về nhóm Nghĩa học (học kinh), chỉ có đầu niên hiệu Hồng Võ (1368) có ông Tông Lặc, Như Khởi… vâng chiếu chung nhau sớ. Đến cuối niên hiệu Vạn Lịch (1620) có ngài Đức Thanh bút ký. Đến khoảng giữa niên hiệu Sùng Trinh (1628-1643) có ngài Trí Húc nghĩa sở. Ngoài những sớ giải trên, không còn thấy chỗ nào khác.
Tổ Đạt-ma thường bảo rằng: “Kinh này sau năm trăm năm trở thành môn học danh tướng”. Xét kỹ lời nói này càng thêm lo sợ. Tổ nói tông của ta thất truyền đâu phải do người hay việc nào khác!
Bởi vì Ngài nói kinh Lăng-già là để ấn tâm nhưng sau người học lại chia chẻ để rồi biến thành ra danh tướng. Học để nhớ danh nhớ tướng chớ không học để ấn tâm, vì vậy Ngài nói đó là điều đáng lo sợ! Tổ nói tông của ta thất truyền đâu phải do người hay việc nào khác, chính là việc không thông được kinh Lăng-già này mà tông ta thất truyền.
Hàm Thị tôi, từ niên hiệu Thuận Trị (1644) nhằm năm Tân Sửu (1661), trước thì Hoa Thủ thị tịch, năm sau Đại Nhật tiếp tục tạ thế. Hai năm qua lạc thú nhân sanh đối với tôi đã hết sạch. Tôi bèn rút lui về ở núi Lôi Phong, quanh quẩn trong am tranh, nương chỉ đời trước, cùng đáp những câu hỏi của thiền gia, dùng để tự vui, chưa dám chỉ dạy người.
Ngài Hàm Thị nói về cái buồn của mình. Vì những bạn đạo của Ngài như Hoa Thủ thị tịch, rồi từ từ đi rồi, thấy cuộc đời không có gì vui nữa. Cho ngài Đại Nhật cũng tạ thế, những người bạn thân nên già đến sáu mươi tuổi về sau thấy cuộc đời tỏ không còn thấy gì vui. Bởi vậy nên Ngài lui về ở nhạt. Tại sao? Vì thấy người này đi người kia đi, núi Lôi Phong để dưỡng chí già, rồi có ai thưa hỏi tùy đó mà nói.
Chỉ nghĩ đến đạo pháp nảy mầm lộn lạo, nói rằng kiến tánh mà đồng với thần ngã. Một con đường thấu thoát (tu thiền) mà không khác với minh sơ.
Có nhiều người hiểu đạo Phật một cách lầm lẫn. Nói kiến tánh thì họ tưởng tánh là thần ngã, nói tu thiền mà họ lại nói đi đến chỗ cuối cùng là minh sơ.
Như câu “Chẳng tự sanh, chẳng phải chẳng sanh”, lời Thánh nói vẫn đầy đủ, mà có người chẳng đạt lý duyên khởi, rốt cuộc rơi vào bác không, mặc tình phá hoại Phật pháp.
Chẳng tự sanh chẳng phải sanh tức là đâu phải là không? Nghe như thế không hiểu, nên nói chẳng tự sanh chẳng phải chẳng sanh là không ngơ.
Xét ra do họ mắc kẹt trên danh tướng, nên công và tội chẳng đồng vậy.
Mắc kẹt trên danh tướng cho nên công và tội chẳng đồng là sao? Nếu câu Phật nói mình hiểu đúng đó là công, câu Phật nói mà mình hiểu sai đó là tội.
Kinh này chỉ thẳng chủng tử nghiệp thức là Như Lai tàng, thật có mê ngộ.
“Chủng tử nghiệp thức không rời Như Lai tàng” cũng như bao nhiêu thứ giống khi còn để trong kho có rời cái kho hay không?
Chủ yếu của kinh này là Phật nói cho các hàng Bồ-tát, nên Ngài chỉ thẳng chủng tử nghiệp thức là Như Lai tàng. Bởi vì chủng tử nghiệp thức không có ngoài Như Lai tàng, ngay khi chủng tử nghiệp thức khởi hiện hành sanh ra những công dụng duyên theo ngoại cảnh, thì nó không tách rời với Như Lai tàng. Như vậy để thấy rằng chủng tử nghiệp thức dứt sạch rồi thì kho Như Lai hiện ra. Như Lai tàng chỗ khác chúng ta gọi là Phật tánh.
Chẳng thế, thì lấy thức lưu chú làm Tự tâm, trở lại thành lỗi tâm sanh thức.
Thức lưu chú là thức sanh diệt tế nhị được nói đến trong kinh Lăng Nghiêm ở phần thứ tư của năm ấm tức là Hành ấm, tế nhị cho nên nó lưu chú, nó lăn tăn mà không phải là hết. Nó lăn tăn trong đó mà mình tưởng đó là cái nhân ban đầu, vì thế khi lấy thức lưu chú làm tự tâm, trở lại thành lỗi tâm sanh ra thức. Trở lại ví dụ cái kho và các hạt giống. Hạt giống thì có sanh diệt, còn cái kho có sanh diệt không? Đó là đứng về tương đối. Tương đối thì kho là đối với giống, giống có sanh diệt kho không sanh diệt. Cái kho có thể sanh ra hạt giống không? Không! Cũng vậy tâm không sanh ra thức chỉ do mê vọng mà tâm biến thành thức, nếu tâm sanh ra thức thì khi thức sanh diệt tâm cũng phải sanh diệt, vì nhân không rời quả. Nói tâm không sanh thức là như vậy.
Trong lời sớ giải thâm thiết rõ ràng, chỉ trước. dẫn ra cho có huyết mạch. Có dẫn kinh luận chỉ lấy chỗ gần là nhập lý để phát minh lẫn nhau. Đến như những lời nói của thiền cốt ở chỗ thận trọng giữ mình. Phàm thiền gia dùng có lời để tháo chốt. Còn kinh điển cốt dẫn người trở về không lời.
Thành ra ở trong kinh là giải thích rất nhiều nhưng cuối cùng để đi tới chỗ không lời. Còn thiền gia có lời đó là để làm gì? Để tháo chốt nhổ đinh thôi, có lời mình đừng chấp lời.
Chính vì chỗ bàn sâu nên không từ phá dẹp, luống dùng lời để cắt đứt, đâu khỏi lẫn lộn chân thuyên (lời nói bày chân lý). Lầm lẫn danh ngôn nên chữ Ô (烏), chữ Yên (焉) thành chữ Mã (馬).
Chúng ta cũng thường đọc lộn, mới nhìn qua chữ Ô mà lật đật nói là chữ Yên, đọc chữ Yên nói là chữ Mã. Ô, Yên thành Mã. Ba chữ đó na ná như nhau.
Thiền bệnh thời nay là do chân giả không phân.
Sở dĩ ngày nay chúng ta tu thiền mà mang bệnh là do không phân biệt được chân giả.
Tổ của ta ban đầu lập không lời, cùng truyền bốn quyển kinh, đã thầm bày ẩn ý vậy. (Tuy không lời mà vẫn truyền kinh). Hàm Thị tôi xin tất cả người đời sau nên noi theo ý chỉ của đấng Đại Từ đã chỉ dạy.
Như vậy thì tất cả chúng ta nên y theo lời Phật dạy, đừng hiểu lầm.
Đến đây là phần tổng luận. Phần tổng luận này cũng để tên là PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM. Phẩm này không phải Phật nói, chỉ là tổng luận của người sớ giải. Lời tổng luận tức là bàn chung ý nghĩa của toàn kinh, nên nếu nắm được cái lý của lời tổng luận thì vào kinh dễ hiểu.