Khi ấy ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy Ma Cật:
– Bồ-tát làm sao thông đạt được Phật đạo?
Ông Duy Ma Cật đáp: – Nếu Bồ-tát hành phi đạo, ấy là thông đạt Phật đạo.
Ngài Văn-thù lại hỏi: – Thế nào Bồ-tát hành phi đạo?
Ông Duy Ma Cật đáp:
– Nếu Bồ-tát hành ngũ vô gián mà không có não, nhuế; đến nơi địa ngục, không có tội cấu; đến chỗ súc sanh, không có các lỗi vô minh kiêu mạn; đến trong ngạ quỷ mà đầy đủ công đức; hành ở cõi Sắc giới, Vô sắc giới mà không cho là hơn. Thị hiện hành tham dục, lìa các nhiễm trước; thị hiện hành nóng giận, đối với chúng sanh mà không bị giận ghét làm ngại; thị hiện hành ngu si mà dùng trí tuệ điều phục tâm kia. Thị hiện hành xan tham mà xả hết của cải trong ngoài, không tiếc thân mạng; thị hiện hành phá hủy giới cấm mà an trụ tịnh giới, cho đến một tội nhỏ cũng ôm lòng rất sợ; thị hiện hành sân nhuế mà thường từ bi nhẫn nhục; thị hiện hành lười biếng mà thường siêng tu công đức; thị hiện hành loạn ý mà thường niệm định; thị hiện hành ngu si mà thông đạt trí tuệ của thế gian và xuất thế gian; thị hiện hành dua dối mà khéo phương tiện theo các nghĩa kinh; thị hiện hành kiêu mạn mà đối với chúng sanh vẫn như cầu bè; thị hiện hành các thứ phiền não mà tâm thường thanh tịnh; thị hiện vào chỗ chúng ma mà thuận với trí tuệ Phật, không theo sự giáo hóa của ma; thị hiện vào hàng Thanh văn mà vì chúng sanh nói pháp chưa từng nghe; thị hiện vào Bích-chi Phật mà thành tựu đại bi giáo hóa chúng sanh; thị hiện vào chỗ bần cùng mà có bàn tay báu vô tận công đức; thị hiện vào hàng tật nguyền mà đầy đủ các tướng hảo để tự trang nghiêm; thị hiện vào hàng hạ tiện mà sanh trong dòng họ Phật, được đầy đủ các công đức; thị hiện thân gầy ốm xấu xí mà được thân bền chắc, tất cả chúng sanh đều ưa nhìn; thị hiện già bệnh mà hằng đoạn gốc bệnh, vượt qua nỗi sợ chết; thị hiện có của cải mà hằng quán vô thường, thật không có lòng tham; thị hiện có thê thiếp mà thường xa lìa vũng bùn ngũ dục; thị hiện làm kẻ chậm lụt ngu độn mà thành tựu biện tài, ghi nhớ không sót; thị hiện trong nhóm tà đạo mà dùng chánh đạo để độ chúng sanh; thị hiện khắp trong các đường mà đoạn những nhân duyên kia; thị hiện nơi Niết-bàn mà không đoạn sanh tử. Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát hay hành phi đạo như thế, ấy là thông đạt Phật đạo.
Khi ấy ông Duy Ma Cật hỏi ngài Văn-thù:
– Những gì là hạt giống Như Lai?
Ngài Văn-thù-sư-lợi đáp:
– Có thân là có hạt giống Phật, vô minh hữu ái là hạt giống Phật, tham sân si là hạt giống Phật, bốn thứ điên đảo là hạt giống Phật, ngũ cái là hạt giống Phật, lục nhập là hạt giống Phật, thất thức xứ là hạt giống Phật, bát tà pháp là hạt giống Phật, cửu não xứ là hạt giống Phật, thập bất thiện đạo là hạt giống Phật. Nói tóm lại, sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiền não đều là hạt giống Phật.
– Vì sao?
– Nếu thấy vô vi nhập chánh vị thì không thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thí dụ ở chỗ gò đất cao không thể mọc hoa sen, ở chỗ đất thấp ẩm ướt bùn sình hoa sen mới sanh.
Như thế thấy pháp vô vi nhập được chánh vị, trọn chẳng lại hay sanh Phật pháp, ở trong bùn phiền não mới có những chúng sanh khởi tâm cầu Phật pháp vậy. Lại như gieo hạt giống trong hư không trọn không sanh được, nơi đất phân xốp mới có thể nảy mầm tốt tươi. Như thế những vị vào vô vi chánh vị không sanh Phật pháp; người khởi ngã kiến như núi Tu-di vẫn có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sanh Phật pháp vậy. Thế nên phải biết, tất cả phiền não là hạt giống Như Lai. Thí dụ không vào biển cả không thể được bảo châu vô giá. Như thế không vào biển lớn phiền não thì không thể được ngọc báu nhất thiết trí.
Khi ấy ngài Đại Ca-diếp tán thán:
– Lành thay, lành thay! Ngài Văn-thù-sư-lợi khéo nói lời này. Thật như lời của ngài nói, những người ở trong trần lao là hạt giống của Như Lai. Chúng tôi ngày nay không thể kham nhận phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhẫn đến những tội trong ngũ Vô gián vẫn hay phát ý sanh nơi Phật pháp, mà chúng tôi ngày nay hằng không có thể phát tâm. Ví như người các căn bị hư hoại thì đối với ngũ dục họ không thể được lợi ích. Như thế Thanh văn các kiết sử đã đoạn, đối trong Phật pháp không được lợi ích, hằng không có chí nguyện. Thế nên, ngài Văn-thù-sư-lợi! Phàm phu đối với Phật pháp còn có phản phục, mà hàng Thanh văn thì không vậy. Vì cớ sao? Phàm phu nghe Phật pháp có thể khởi tâm vô thượng đạo, không đoạn Tam bảo. Chính như hàng Thanh văn trọn đời nghe Phật pháp, nào là thập lực, tứ vô sở úy… hằng không thể phát ý vô thượng đạo.
Khi ấy trong hội có Bồ-tát tên là Phổ Hiện Sắc Thân, hỏi ông Duy Ma Cật:
– Cư sĩ! Cha mẹ vợ con, thân thích quyến thuộc, tôi tớ tri thức… thảy đều là ai? Tớ gái tôi trai, xe voi xe ngựa đều ở đâu?
Bấy giờ ông Duy Ma Cật dùng kệ đáp:
Trí độ: mẹ Bồ-tát,
Phương tiện ấy là cha,
Đạo sư: tất cả chúng,
Đều do đây sanh ra.
Pháp hỷ ấy là vợ,
Tâm từ là con gái,
Tâm thành thật là trai,
Cứu cánh không tịch: nhà.
Đệ tử: các trần lao
Tùy ý mà xoay chuyển,
Đạo phẩm: thiện tri thức
Do đây thành Chánh giác.
Các pháp độ: bạn bè,
Tứ nhiếp là kỹ nữ,
Ca ngâm tụng lời pháp
Lấy đó làm âm nhạc.
Tổng trì là vườn đẹp,
Cây rừng: pháp vô lậu,
Giác ý: hoa tịnh diệu,
Quả: giải thoát trí tuệ.
Bát giải thoát: ao hồ,
Nước định lặng trong đầy,
Dùng bảy tịnh hoa rải,
Để tắm người không nhơ.
Voi ngựa chạy: ngũ thông,
Đại thừa dùng làm xe,
Điều ngự dùng nhất tâm,
Dạo chơi đường bát chánh.
Tướng đủ trang nghiêm thân,
Các đẹp trau dáng kia,
Hổ thẹn làm thượng phục,
Thâm tâm làm tràng hoa.
Giàu có bảy của báu,
Dạy bảo để thêm lợi,
Như lời nói tu hành,
Hồi hướng làm lợi lớn.
Tứ thiền làm sàng tòa,
Từ nơi tịnh mạng sanh,
Đa văn tăng trí tuệ,
Dùng làm tiếng tự giác.
Thức ăn: pháp cam lồ,
Nước uống: vị giải thoát,
Tắm gội: dùng tịnh tâm,
Hương xoa là giới phẩm.
Dẹp bỏ giặc phiền não,
Mạnh mẽ không thể qua,
Hàng phục bốn thứ ma,
Cờ thắng dựng đạo tràng.
Tuy biết không khởi diệt,
Chỉ (bày) kia nên có sanh,
Khắp hiện các cõi nước,
Như mặt trời đều thấy.
Cúng dường khắp mười phương,
Vô lượng ức Như Lai,
Chư Phật và thân mình,
Không có tưởng phân biệt.
Tuy biết cõi chư Phật,
Cùng chúng sanh đều không,
Mà thường tu tịnh độ,
Để giáo hóa quần sanh.
Loài chúng sanh các cõi,
Hình tiếng và oai nghi,
Sức vô úy Bồ-tát
Đồng thời hay hiện khắp.
Rõ biết các việc ma
Mà hiện theo hạnh kia,
Khéo dùng trí phương tiện
Tùy ý đều hay hiện.
Hoặc hiện già bệnh chết
Thành tựu cho chúng sanh
Rõ biết như huyễn hóa
Thông đạt không chướng ngại.
Hoặc hiện kiếp hỏa thiêu
Trời đất đều cháy rực,
Những người có tưởng thường,
Soi khiến biết vô thường.
Vô số ức chúng sanh
Đều đến thỉnh Bồ-tát
Đồng thời đến nhà kia
Dạy khiến hướng Phật đạo.
Kinh sách, cấm chú thuật,
Các nghề nghiệp khéo léo,
Đều hiện làm việc này
Lợi ích cho quần sanh.
Các đạo pháp thế gian
Thảy trong đó xuất gia,
Nhân đây giải mê người
Mà không rơi tà kiến.
Hoặc làm Nhật, Nguyệt thiên,
Phạm vương, chủ thế giới,
Hoặc khi làm đất, nước,
Hoặc lại làm gió, lửa.
Trong kiếp có bệnh dịch
Hiện làm các thảo dược,
Nếu có người uống đó (thuốc)
Trừ bệnh tiêu các độc.
Trong kiếp có nạn đói
Hiện thân làm ẩm thực,
Trước cứu người đói khát
Sau dùng pháp dạy người.
Trong kiếp có đao binh
Vì họ khởi từ bi
Giáo hóa chúng sanh kia
Khiến trụ chỗ vô tránh.
Nếu có chiến trận lớn,
Lập sức ngang bằng họ,
Bồ-tát hiện oai thế
Hàng phục khiến an hòa.
Trong tất cả cõi nước
Chỗ nào có địa ngục
Liền đi đến nơi ấy
Gắng cứu người khổ não.
Trong tất cả cõi nước
Súc sanh ăn lẫn nhau
Đều hiện sanh nơi kia
Vì đó làm lợi ích.
Thị hiện thọ ngũ dục
Cũng lại hiện hành thiền
Khiến tâm ma rối loạn
Không thể được cơ hội.
Trong lửa sanh hoa sen
Thật đáng gọi hy hữu,
Cõi Dục mà hành thiền
Hy hữu cũng như thế.
Hoặc hiện làm dâm nữ
Dẫn dắt kẻ háo sắc,
Trước dùng dục câu dắt
Sau khiến vào trí Phật.
Hoặc làm chủ trong ấp,
Người dẫn đường buôn bán,
Quốc sư và đại thần,
Để giúp ích chúng sanh.
Tất cả người nghèo khổ,
Hiện làm kho vô tận,
Nhân đó khuyến dạy họ
Khiến phát tâm Bồ-đề.
Kẻ kiêu căng ngã mạn,
Hiện làm đại lực sĩ,
Tiêu phục các cống cao
Khiến trụ đạo Vô thượng.
Có chúng sanh sợ sệt,
Ở trước họ an ủi,
Trước bố thí vô úy
Sau khiến phát đạo tâm.
Hoặc hiện lìa dâm dục
Làm tiên nhân ngũ thông
Khuyên bảo các quần sanh
Khiến trụ giới nhẫn từ.
Thấy người cần hầu hạ
Hiện làm những tôi tớ
Đã vui ý người kia
Mới phát khởi đạo tâm.
Tùy người kia cần gì
Được vào trong Phật đạo,
Khéo dùng sức phương tiện
Đều hay cấp đầy đủ.
Vô lượng đạo như thế
Việc làm không bờ mé,
Trí tuệ không giới hạn,
Độ thoát vô số chúng.
Giả như tất cả Phật
Trong vô số ức kiếp
Tán thán công đức kia
Vẫn còn không thể hết.
Ai nghe pháp như thế
Không phát tâm Bồ-đề!
Trừ kẻ bất tiếu kia,
Kẻ ngu tối không trí.