Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

07. Phẩm Quán Chúng Sanh



Khi ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy Ma Cật:

– Bồ-tát quán chúng sanh như thế nào?

Ông Duy Ma Cật nói:

– Ví như nhà huyễn thuật thấy người huyễn của mình tạo ra, Bồ-tát quán chúng sanh là như thế. Như người trí thấy trăng trong nước, như hình mặt hiện trong gương, như sóng nắng khi trời nóng bức, như âm vang của tiếng hô to, như mây trong  hư không, như chùm bọt nước, như bong bóng nước, như sự bền chắc của cây chuối, như sự lâu dài của tia chớp, như đại thứ năm, như ấm thứ sáu, như tình thứ bảy, như nhập thứ mười ba, như giới thứ mười chín, Bồ-tát quán chúng sanh cũng lại như thế.

Như sắc trong cõi trời Vô sắc, như mầm của hạt giống rang, như thân kiến Tu-đà-hoàn, như A-na-hàm vào thai, như ba độc của A-la-hán, như tham sân phá cấm giới của Bồ-tát đắc vô sanh nhẫn, như tập khí phiền não của Phật, như người mù thấy sắc, như hơi thở ra vào của người nhập Diệt tận định, như dấu chim bay trong hư không, như con cô gái đá, như người huyễn hóa khởi phiền não, như cảnh thấy trong mộng khi thức, như người diệt độ mà thọ thân, như lửa không khói, Bồ-tát quán chúng sanh cũng lại như thế.

Ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi:

– Nếu Bồ-tát khởi quán như thế, làm sao thực hành lòng từ?

Ông Duy Ma Cật trả lời:

– Bồ-tát khởi quán thế ấy rồi, tự nghĩ: “Ta phải vì chúng sanh nói pháp như thế.” Ấy tức là lòng từ chân thật vậy.

Thực hành lòng từ tịch diệt vì không có chỗ sanh. Thực hành lòng từ bất nhiệt vì không có phiền não. Thực hành lòng từ bình đẳng vì ba đời bình đẳng. Thực hành lòng từ vô tránh vì không có chỗ khởi. Thực hành lòng từ không hai vì trong ngoài không hòa hợp. Thực hành lòng từ không hoại vì rốt ráo diệt tận. Thực hành lòng từ kiên cố vì tâm không hủy hoại. Thực hành lòng từ thanh tịnh vì các pháp tánh thanh tịnh. Thực hành lòng từ vô biên vì như hư không. Thực hành lòng từ A-la-hán vì để phá kiết sử và các tặc. Thực hành lòng từ Bồ-tát để an ổn chúng sanh. Thực hành lòng từ Như Lai vì được tướng như. Thực hành lòng từ của Phật vì giác ngộ chúng sanh. Thực hành lòng từ tự nhiên vì không nhân được. Thực hành lòng từ Bồ-đề vì một vị bình đẳng. Thực hành lòng từ vô đẳng vì đoạn các ái. Thực hành lòng từ đại bi vì dẫn dắt đến Đại thừa. Thực hành lòng từ không chán vì quán không, vô ngã. Thực hành lòng từ pháp thí vì không tiếc nuối. Thực hành lòng từ trì giới vì giáo hóa những người phạm giới. Thực hành lòng từ nhẫn nhục vì bảo hộ ta và người. Thực hành lòng từ tinh tấn là để gánh vác chúng sanh. Thực hành lòng từ thiền định vì không thọ vị. Thực hành lòng từ trí tuệ vì đều biết thời. Thực hành lòng từ phương tiện vì tất cả thị hiện. Thực hành lòng từ không ẩn vì trực tâm thanh tịnh. Thực hành lòng từ thâm tâm vì không có những hạnh tạp. Thực hành lòng từ không dối gạt vì không hư giả. Thực hành lòng từ an lạc vì khiến được an vui của Phật. Thực hành lòng từ của Bồ-tát là như thế ấy.

Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi: – Sao gọi là bi ?

Đáp rằng: – Bồ-tát làm ra những công đức đều cho tất cả chúng sanh cùng hưởng.

Hỏi: – Sao gọi là hỷ?

Đáp: – Có điều lợi ích đều hoan hỷ không hối hận.

Hỏi: – Sao gọi là xả?

Đáp: – Việc làm phước đức, không có chỗ mong cầu.

Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:

– Có sợ sanh tử, Bồ-tát phải nương tựa chỗ nào?

Ông Duy Ma Cật bảo:

– Bồ-tát ở trong sanh tử có sợ, phải nương vào sức công đức của Như Lai.

Ngài Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:

– Bồ-tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai thì phải trụ chỗ nào?

Đáp: – Bồ-tát muốn nương vào sức công đức của Như Lai, phải trụ độ thoát tất cả chúng sanh.

Lại hỏi: – Muốn độ chúng sanh phải trừ cái gì?

Đáp: – Muốn độ chúng sanh phải trừ phiền não kia.

Hỏi: – Muốn trừ phiền não phải làm hạnh gì?

Đáp: – Phải hành chánh niệm.

Hỏi: – Làm sao để hành chánh niệm?

Đáp: – Phải hành chẳng sanh chẳng diệt.

Hỏi: – Pháp gì chẳng sanh? Pháp gì chẳng diệt?

Đáp: – Pháp bất thiện chẳng sanh, pháp thiện chẳng diệt.

Lại hỏi: – Thiện và ác cái gì làm gốc?

Đáp: – Thân làm gốc.

Lại hỏi: – Thân lấy gì làm gốc?

Đáp: – Tham dục làm gốc.

Hỏi: – Tham dục lấy gì làm gốc?

Đáp: – Hư vọng phân biệt làm gốc.

Hỏi: – Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc?

Đáp: – Tưởng điên đảo làm gốc.

Hỏi: – Tưởng điên đảo lấy gì làm gốc?

Đáp: – Vô trụ làm gốc.

Lại hỏi: – Vô trụ lấy gì làm gốc?

Đáp: – Vô trụ thì không có gốc. Ngài Văn-thù-sư-lợi! Từ gốc vô trụ mà lập ra tất cả pháp.

Khi ấy thất ông Duy Ma Cật có một thiên nữ thấy chư đại nhân đang nghe nói pháp, liền hiện ra thân thiên nữ, dùng hoa trời tán trên các vị Bồ-tát và các vị đại đệ tử. Hoa đến các vị Bồ-tát đều rơi xuống đất, đến các vị đại đệ tử, dính lại không rơi. Tất cả đại đệ tử dùng thần lực để phủi hoa mà không thể nào phủi được.

Khi ấy Thiên nữ hỏi ngài Xá-lợi-phất:

– Vì sao phủi hoa?

Đáp: – Hoa này không đúng pháp, do đó phủi đi.

Thiên nữ thưa:

– Chớ nói hoa này là không đúng pháp. Vì cớ sao? Hoa ấy không phân biệt, nhân giả tự sanh tưởng phân biệt vậy! Nếu đối với người xuất gia trong Phật pháp, có chỗ phân biệt là không đúng pháp; nếu không có chỗ phân biệt, ấy mới gọi là đúng pháp. Xem các vị Bồ-tát hoa không dính, vì đã đoạn tất cả tưởng phân biệt. Ví như khi người sợ thì phi nhân được cơ hội, như thế các đệ tử Phật sợ sanh tử nên sắc thanh hương vị xúc mới được cơ hội lôi cuốn. Người đã lìa sợ, tất cả ngũ dục đều không làm gì được. Kiết tập chưa hết thì hoa còn dính trên thân! Kiết tập đã hết, hoa không dính được.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi:

– Thiên nữ ở thất này đã bao lâu?

Thiên nữ đáp:

– Tôi ở trong thất này như người già được giải thoát.

Ngài Xá-lợi-phất nói: – Ở đây được bao lâu?

Thiên nữ hỏi:

– Người già giải thoát cũng được bao lâu?

Ngài Xá-lợi-phất lặng thinh không đáp.

Thiên nữ hỏi: – Như ngài là bậc kỳ cựu đại trí, sao lại làm thinh?

Đáp: – Giải thoát không lời để nói, nên tôi đối với chỗ này không biết nói thế nào.

Thiên nữ thưa:

– Ngôn thuyết văn tự đều là tướng giải thoát. Vì cớ sao? Giải thoát không ở trong không ở ngoài, không ở khoảng giữa; văn tự cũng vậy, không ở trong không ở ngoài, không ở khoảng giữa. Thế nên, ngài Xá-lợi-phất! Không lìa văn tự mà nói giải thoát. Vì cớ sao? Tất cả pháp là tướng giải thoát.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi: – Không do lìa dâm nộ si vẫn giải thoát ư?

Thiên nữ thưa:

– Phật vì những người tăng thượng mạn mà nói lìa dâm nộ si là giải thoát. Nếu người không có tăng thượng mạn thì Phật nói tánh dâm nộ si tức là giải thoát.

Ngài Xá-lợi-phất nói:

– Lành thay, lành thay, Thiên nữ! Ngươi đã được cái gì, đã chứng cái gì mới biện tài như thế?

Thiên nữ thưa:

– Tôi không chứng không đắc nên được biện tài như thế. Vì cớ sao? Nếu có đắc có chứng tức ở trong Phật pháp là tăng thượng mạn.

Xá-lợi-phất hỏi Thiên nữ:

– Thiên nữ, ngươi đối với tam thừa là chí cầu cái gì?

Thiên nữ đáp:

– Dùng pháp Thanh văn để giáo hóa chúng sanh nên tôi làm Thanh văn, dùng pháp Duyên giác để giáo hóa chúng sanh nên tôi làm Bích-chi Phật, dùng pháp đại bi để giáo hóa chúng sanh nên tôi là Đại thừa. Ngài Xá-lợi-phất! Như người vào trong rừng chiêm-bặc, chỉ ngửi được mùi hương chiêm-bặc, không ngửi các mùi hương khác. Như thế, nếu người nào vào thất này thì chỉ có nghe mùi hương công Đức Phật, không thích nghe mùi hương công đức của Thanh văn, Bích-chi Phật.

Ngài Xá-lợi-phất! Có những vị Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương, Chư thiên, Long thần, quỷ thần… vào trong thất này nghe thượng nhân đây thuyết giảng chánh pháp, đều ưa thích mùi hương công Đức Phật, phát tâm rồi lui ra.

Ngài Xá-lợi-phất, tôi ở thất này mười hai năm. Ban đầu không nghe nói pháp Thanh văn, pháp Bích-chi Phật, chỉ nghe nói pháp Bồ-tát đại từ đại bi, pháp Bất khả tư nghì của chư Phật. Ngài Xá-lợi-phất, thất này thường hiện tám pháp chưa từng có khó được. Những gì là tám?

Thất này thường dùng ánh sáng màu vàng chiếu soi ngày đêm không khác, không do mặt trời mặt trăng chiếu soi mới sáng, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ nhất.

Người vào thất này không bị các cấu nhiễm làm phiền não, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ hai.

Thất này thường có Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương và các vị Bồ-tát từ những phương khác đến tụ hội không dứt, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ ba.

Thất này thường nói sáu pháp ba-la-mật bất thối chuyển, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ tư.

Thất này thường trổi nhạc bậc nhất của trời người, dây đàn phát ra vô lượng pháp âm, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ năm.

Thất này có bốn kho lớn chứa đầy đồ quý báu, cứu giúp những người cùng khốn, cầu là được không bao giờ hết, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ sáu.

Thất này Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật A-di-đà, Phật A-súc, Phật Bảo Đức, Phật Bảo Diệm, Phật Bảo Nguyệt, Phật Bảo Nghiêm, Phật Nan Thắng, Phật Sư Tử Hưởng, Phật Nhất Thiết Lợi Thành…  mười phương vô lượng chư Phật như thế, khi thượng nhân này nghĩ đến liền đều đến, rộng nói các pháp tạng bí yếu của chư Phật, thuyết xong rồi trở về, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ bảy.

Thất này tất cả cung điện trang nghiêm của Chư thiên, cõi tịnh độ của chư Phật đều hiện trong đó, ấy là pháp chưa từng có khó được thứ tám.

Ngài Xá-lợi-phất! Thất này thường hiện tám pháp chưa từng có khó được, ai đã thấy được việc bất tư nghì này mà lại còn ưa pháp Thanh văn ư ?

Ngài Xá-lợi-phất hỏi:

– Ngươi vì sao mà không chuyển thân nữ?

Thiên nữ đáp:

– Tôi từ mười hai năm nay, tìm tướng thân nữ trọn không thể được, làm sao mà chuyển! Ví như có một huyễn sư hóa làm người nữ huyễn, nếu có người hỏi: “Vì sao không chuyển thân nữ?”, người ấy hỏi là đúng chăng?

Xá-lợi-phất nói:

– Không vậy, tướng huyễn không nhất định, làm sao mà chuyển?

Thiên nữ đáp:

– Tất cả pháp cũng lại như thế, không có tướng nhất định, vì sao lại hỏi chẳng chuyển thân nữ ?

Liền khi đó Thiên nữ dùng sức thần thông biến Xá-lợi-phất thành Thiên nữ, Thiên nữ tự hóa thân thành Xá-lợi-phất, và hỏi rằng:

– Vì sao không chuyển thân nữ?

Ngài Xá-lợi-phất mang hình tướng thân nữ mà đáp rằng:

– Nay tôi không biết vì sao lại chuyển biến làm thân nữ?

Thiên nữ thưa:

– Ngài Xá-lợi-phất! Nếu có thể chuyển được thân nữ này, thì tất cả người nữ cũng có thể chuyển được. Như ngài Xá-lợi-phất không phải nữ mà hiện thân nữ, tất cả người nữ cũng lại như thế, tuy hiện thân nữ mà không phải nữ. Thế nên Phật nói tất cả các pháp chẳng phải nam chẳng phải nữ.

Liền khi đó Thiên nữ thâu nhiếp thần lực lại, thân ngài Xá-lợi-phất trở lại như cũ. Thiên nữ hỏi ngài Xá-lợi-phất:

– Sắc tướng thân nữ nay ở chỗ nào?

Xá-lợi-phất đáp:

– Sắc tướng thân nữ không có cũng không phải không có.

Thiên nữ thưa: – Tất cả các pháp cũng lại như thế, không có cũng không phải không có. Phàm không có không phải không có, đó là chỗ Phật nói.

Ngài Xá-lợi-phất hỏi Thiên nữ:

– Ngươi ở đây chết rồi sẽ sanh về đâu?

Thiên nữ đáp:

– Chỗ Phật hóa sanh, tôi cũng như kia mà sanh.

Xá-lợi-phất nói:

– Phật hóa sanh, không phải chết mới sanh.

Thiên nữ thưa:

– Chúng sanh cũng như vậy, không chết mà sanh vậy.

Xá-lợi-phất hỏi:

– Ngươi chừng nào sẽ được thành Phật?

Thiên nữ đáp:

– Như ngài Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu, tôi mới có thể thành Phật.

Xá-lợi-phất nói:

– Tôi làm phàm phu điều đó không thể có.

Thiên nữ thưa:

– Tôi được thành Phật cũng không thể có. Vì cớ sao? Bồ-đề là không có chỗ trụ, thế nên không có được.

Xá-lợi-phất hỏi:

– Nay chư Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã được và sẽ được, nhiều như số cát sông Hằng, đều gọi là gì ?

Thiên nữ đáp:

– Đều do số văn tự thế tục nên nói có ba đời, chứ không phải Bồ-đề có quá khứ vị lai hiện tại.

Thiên nữ hỏi:

– Xá-lợi-phất, ngài được đạo A-la-hán chăng?

Xá-lợi-phất đáp:

– Vì không có chỗ được mà được.

Thiên nữ thưa:

– Chư Phật Bồ-tát cũng lại như thế, vì không chỗ được mà được.

Khi ấy ông Duy Ma Cật bảo ngài Xá-lợi-phất:

– Thiên nữ này đã từng cúng dường chín mươi hai ức chư Phật, đã có thể dùng thần thông của Bồ-tát mà dạo chơi, sở nguyện đều được đầy đủ, được vô sanh nhẫn, trụ bất thối chuyển. Vì do bản nguyện, tùy ý thị hiện giáo hóa chúng sanh.

 


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.