Khi ấy ngài Xá-lợi-phất thấy trong thất này không có sàng tòa, liền khởi nghĩ: “Những vị Bồ-tát và chúng đại đệ tử của Phật sẽ ngồi ở chỗ nào?”
Trưởng giả Duy Ma Cật biết ý đó, nên nói với ngài Xá-lợi-phất rằng:
– Thế nào nhân giả, vì pháp mà đến ư? Vì sàng tòa mà đến ư?
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Tôi vì pháp mà đến chứ không phải vì sàng tòa mà đến.
Ông Duy Ma Cật nói:
– Thưa ngài Xá-lợi-phất, phàm người cầu pháp không tiếc thân mạng, huống là sàng tòa? Phàm người cầu pháp chẳng phải có sắc thọ tưởng hành thức mà cầu, chẳng có giới nhập mà cầu, chẳng có Dục, Sắc, Vô sắc mà cầu.
Thưa ngài Xá-lợi-phất, phàm người cầu pháp không chấp nơi Phật mà cầu, không chấp nơi pháp mà cầu, không chấp nơi chúng tăng mà cầu. Phàm người cầu pháp không thấy khổ để cầu, không có đoạn tập để cầu, không đến chứng diệt và tu đạo để cầu. Vì cớ sao? Pháp không có hý luận, nếu nói tôi sẽ kiến khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, ấy là hý luận, chẳng phải là cầu pháp.
Thưa ngài Xá-lợi-phất, pháp gọi là tịch diệt, nếu hành sanh diệt ấy là cầu sanh diệt không phải cầu pháp. Pháp gọi là vô nhiễm, nếu nhiễm nơi pháp cho đến Niết-bàn ắt là nhiễm trước, chẳng phải cầu pháp. Pháp không hành xứ, nếu hành nơi pháp ắt là hành xứ, chẳng phải cầu pháp. Pháp không thủ xả, nếu thủ xả pháp ắt là thủ xả, chẳng phải cầu pháp. Pháp không chỗ nơi, nếu chấp chỗ nơi ắt là chấp chỗ nơi, chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi là vô tướng, nếu tùy theo tướng mà biết ắt là cầu tướng chứ không phải cầu pháp. Pháp không thể trụ, nếu trụ nơi pháp ắt là trụ pháp chứ không phải cầu pháp. Pháp không thể thấy nghe hiểu biết, nếu thực hành thấy nghe hiểu biết ắt là thấy nghe hiểu biết chứ không phải cầu pháp. Pháp gọi là vô vi, nếu hành hữu vi ấy là cầu hữu vi chứ không phải cầu pháp. Thế nên, ngài Xá-lợi-phất! Nếu là người cầu pháp, đối với tất cả pháp nên không có chỗ cầu.
Khi nói lời ấy rồi, năm trăm vị thiên tử đối trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi:
– Nhân giả dạo đi vô lượng ngàn muôn ức a-tăng-kỳ cõi nước, những cõi Phật nào có tòa sư tử do công đức thành tựu tốt đẹp nhất?
Ngài Văn-thù-sư-lợi nói:
– Này cư sĩ, ở phương đông qua ba mươi sáu hằng hà sa cõi nước, có thế giới tên là Tu-di Tướng, Đức Phật ấy hiệu là Tu-di Đăng Vương, hiện nay vẫn còn. Thân Đức Phật kia cao tám muôn bốn ngàn do-tuần, tòa sư tử kia cao tám muôn bốn ngàn do-tuần, trang nghiêm đẹp đẽ bậc nhất.
Khi ấy trưởng giả Duy Ma Cật hiện sức thần thông, tức thì Đức Phật kia dời ba muôn hai ngàn tòa sư tử cao rộng đẹp đẽ, đem vào trong thất ông Duy Ma Cật, chư Bồ-tát và các vị đại đệ tử, Đế-thích,
Phạm thiên, Tứ thiên vương v.v… từ xưa chưa từng thấy. Thất rộng lớn dung chứa hết ba muôn hai ngàn tòa sư tử mà không chướng ngại. Ở trong thành Tỳ-da-ly cho đến tứ thiên hạ cõi Diêm-phù-đề cũng không bị ép ngặt, thảy đều thấy như cũ.
Bấy giờ ông Duy Ma Cật mời ngài Văn-thù-sư-lợi lên tòa sư tử, cùng với các vị Bồ-tát thượng nhân đồng ngồi, thân phải đứng cao bằng tòa kia. Những vị Bồ-tát đã được thần thông liền tự biến hình cao bốn muôn hai ngàn do-tuần, lên ngồi trên tòa sư tử. Các vị Bồ-tát mới phát tâm và các vị đại đệ tử của Phật đều không thể lên tòa được.
Lúc đó ông Duy Ma Cật nói với ngài Xá-lợi-phất:
– Mời Ngài lên ngồi tòa sư tử.
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Này cư sĩ! Tòa này cao rộng, tôi không thể lên được.
Ông Duy Ma Cật nói:
– Thưa ngài Xá-lợi-phất, phải đảnh lễ Đức Phật Tu-di Đăng Vương mới có thể ngồi được.
Khi ấy những vị Bồ-tát mới phát tâm và những vị đại đệ tử Phật bèn đảnh lễ Đức Phật Tu-di Đăng Vương, liền lên ngồi được tòa sư tử.
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Này cư sĩ, thật là chưa từng có! Thất nhỏ như thế mà có thể dung chứa được tòa cao rộng này, như thành Tỳ-da-ly cũng không bị chướng ngại, lại thêm chợ búa thành ấp trong cõi Diêm-phù-đề, và cung điện của Chư thiên, long vương, quỷ thần trong tứ thiên hạ cũng không bị ép ngặt.
Ông Duy Ma Cật nói:
– Thưa ngài Xá-lợi-phất! Chư Phật Bồ-tát có pháp môn giải thoát tên là Bất khả tư nghì. Nếu Bồ-tát trụ pháp môn giải thoát ấy, lấy núi Tu-di cao rộng mà nhét trong một hạt cải vẫn không có thêm bớt, núi chúa Tu-di tướng xưa vẫn như cũ mà Chư thiên của Tứ thiên vương và Đao-lợi không biết không hay mình bị nhét vào trong ấy, chỉ có những người đáng độ mới thấy được núi Tu-di nhét trong hạt cải, ấy gọi là pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì. Lại dùng nước trong bốn biển cả dồn vào một lỗ chân lông mà không nhiễu loạn các loài thủy tộc cá, trạnh, giải, đà… mà biển cả kia, tướng xưa vẫn như cũ, các loài rồng, quỷ thần, A-tu-la… không hay không biết mình bị vào trong lỗ chân lông, đối với chúng sanh này cũng không bị nhiễu loạn.
Lại nữa Xá-lợi-phất! Bồ-tát trụ pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì, nắm lấy tam thiên đại thiên thế giới như ông thợ gốm cầm hòn đất trong bàn tay mặt ném ra xa ngoài thế giới nhiều như cát sông Hằng rồi đặt trở về chỗ cũ, mà chúng sanh ở trong đó không hay không biết mình đã dời đổi, đều khiến những người đó không nghĩ rằng mình có đi qua lại, mà tướng xưa của thế giới này cũng vẫn như cũ.
Lại nữa Xá-lợi-phất, hoặc có chúng sanh ưa sống lâu ở đời mà có thể độ được, Bồ-tát liền kéo dài bảy ngày ra làm một kiếp, khiến cho những chúng sanh kia cho rằng mình sống một kiếp.
Hoặc có chúng sanh không ưa sống lâu ở đời mà có thể độ được, Bồ-tát liền rút ngắn một kiếp làm bảy ngày, khiến chúng sanh kia cho là bảy ngày.
Lại nữa ngài Xá-lợi-phất, Bồ-tát trụ trong pháp giải thoát Bất khả tư nghì, đem việc trang nghiêm tất cả các cõi Phật hợp lại thành một nước, để chỉ bày cho chúng sanh. Lại Bồ-tát đem chúng sanh trong các cõi Phật để trên bàn tay phải, bay đến khắp mười phương chỉ bày cho tất cả mà không dời khỏi chỗ cũ. Lại Xá-lợi-phất, những phẩm vật của chúng sanh trong mười phương cúng dường chư Phật, Bồ-tát nơi một lỗ chân lông đều khiến được thấy. Lại nữa mười phương cõi nước tất cả mặt trời, mặt trăng, sao… nơi một lỗ chân lông đều khiến cho thấy hết.
Lại Xá-lợi-phất, tất cả các gió ở trong mười phương thế giới, Bồ-tát thảy đều có thể hút hết vào trong miệng mà thân không tổn hại, các cây cối bên ngoài cũng không bị gãy đổ. Lại mười phương thế giới khi kiếp hỏa tận, Bồ-tát đem tất cả lửa để vào trong bụng, lửa vẫn cháy như cũ mà không bị tổn hại. Lại ở phương dưới qua hằng hà sa số thế giới của chư Phật, lấy một cõi Phật đưa lên phương trên qua hằng hà sa số thế giới, giống như là cầm cây kim nhọn ghim vào lá táo mà không bị tổn hại.
Lại Xá-lợi-phất, những vị Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì, hay dùng thần thông hiện làm thân Phật, hoặc hiện thân Bích-chi Phật hoặc hiện thân Thanh văn, hoặc hiện thân Đế-thích hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Thế chủ hoặc hiện thân Chuyển luân thánh vương. Lại tất cả các thứ tiếng trong mười phương thế giới, âm thanh bậc trung thượng hạ đều có thể biến thành tiếng của Phật, để diễn nói lý Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Và mười phương chư Phật đang nói những pháp gì ở trong đó, đều khiến được nghe khắp. Này ngài Xá-lợi-phất, nay tôi lược nói năng lực của pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát, nếu rộng nói cùng kiếp cũng không thể hết.
Khi ấy ngài Đại Ca-diếp nghe nói pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát, ngài tán thán việc chưa từng có, mới bảo ngài Xá-lợi-phất rằng:
– Ví như có người ở trước người mù hiện bày các thứ hình sắc, người mù kia không thể thấy. Cũng lại như thế, tất cả Thanh văn nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì này không thể hiểu rõ. Người trí nghe pháp này, ai mà chẳng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Chúng ta vì sao mất hẳn cội gốc kia, đối với Đại thừa này mình như hạt giống mục! Tất cả Thanh văn nghe pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì này, đều nên phải khóc rống lên, âm thanh chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới. Tất cả Bồ-tát nên rất vui mừng, đảnh thọ pháp này. Nếu có Bồ-tát tin hiểu pháp môn giải thoát Bất khả tư nghì, tất cả chúng ma không thể làm gì được.
Khi ngài Đại Ca-diếp nói lời ấy rồi, ba muôn hai ngàn thiên tử đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lúc bấy giờ ông Duy Ma Cật nói với ngài Đại Ca-diếp:
– Nhân giả, trong mười phương vô lượng a-tăng-kỳ thế giới, những vị làm ma vương, phần nhiều là Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì. Các ngài dùng sức phương tiện để giáo hóa chúng sanh nên hiện làm ma vương. Lại nữa ngài Ca-diếp, mười phương vô lượng Bồ-tát, hoặc có người theo mình mà xin tay chân tai mũi, đầu mắt tủy não, máu thịt da xương, xóm làng thành ấp, vợ con tôi tớ, voi ngựa xe cộ, vàng bạc lưu ly, xa cừ mã não, san hô, hổ phách, trân châu kha bối, y phục thức ăn uống, những người xin như thế, phần nhiều là Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì, dùng sức phương tiện đến thử, khiến người kia được kiên cố. Vì cớ sao? Bồ-tát trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì có sức oai đức, nên thị hiện các hạnh bức bách, chỉ bày cho chúng sanh những việc khó làm như thế. Người phàm phu hạ liệt, không có thế lực, không thể nào bức bách được Bồ-tát. Ví như voi lớn giẫm đạp, con lừa không thể chịu nổi, ấy gọi là cửa phương tiện trí tuệ trụ pháp giải thoát Bất khả tư nghì của Bồ-tát.