Tỳ-kheo các ông thường phải nhất tâm tinh tấn, siêng năng tìm cầu con đường ra khỏi trầm luân.
Đã được học Phật pháp, đã biết được chân lý, phải dụng công tu hành sao cho thoát khỏi sự trói buộc của các pháp.
Tất cả những pháp động và không động ở thế gian này đều là tướng bại hoại không an.
Nói “tất cả pháp hữu vi đều là tướng bại hoại” là nhìn trên tướng, còn nhìn trên tánh thì tất cả pháp đều lặng lẽ thanh tịnh.
Kinh Kim Cang Phật nói “Như Lai là nghĩa như của các pháp” hay “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Do tâm mình không như, không phải pháp không như. Pháp vốn như, do tâm mình không thanh tịnh nên mới sanh phiền não.
Mùa xuân hoa nở, mùa thu lá vàng, mùa đông lá rụng… Các pháp là vậy, an nhiên vận hành theo nhân duyên của nó. Nếu tâm như sẽ thấy sự thanh tịnh của các pháp, thú vị, vui vẻ với sự biến chuyển của nó.
Khi thấy người chết mình không buồn vì biết họ đang bỏ thân này đổi thân khác mới hơn, chỉ là sự vận hành của tâm thức trên tiến trình luân hồi của nó. Như một đồ vật xài lâu bị hư hoại là việc bình thường. Tất cả pháp sanh ra đều phải đến chỗ hoại diệt, thân này đã sanh ắt sẽ chết, mỗi người đều mang án tử, chỉ không biết lúc nào án đó được thi hành.
Học Phật hiểu pháp để không đắm mê, chớ không phải chối bỏ các pháp, trốn chạy thế gian. Lục Tổ từng răn dạy:
Phật pháp tại thế gian
Chẳng rời thế gian giác.
Rời thế tìm Bồ-đề
Giống như tìm sừng thỏ.
Tâm bất an, trốn trong rừng vẫn bất an; tâm an, ở thành thị vẫn an. An hay không do tâm, không phải do pháp. Tướng thế gian bại hoại chỉ làm mình bất an khi tâm bất an. Bởi bại hoại là tướng thường của các pháp, không đắm vào sẽ không khổ đau khi nó bại hoại.
Các ông hãy yên lặng chớ nói nữa, thời gian sắp hết, Ta sắp diệt độ. Đây là lời nhắc nhở răn dạy rốt sau của Ta!
Bài Kinh này là những lời răn dạy của Phật trước khi Ngài xả thân. Đức Phật dặn dò đệ tử giữ giới, thiền định, trí tuệ v.v… Tu làm sao để đừng bị vướng bận, đừng bị ràng buộc. Giải thoát tự tại ở ngay cõi này, ngay cuộc sống này, không cần tìm cầu bên ngoài.
Điều cần yếu nhất là phải kiên trì, không cần cố gắng quá sức, như chuyện ngụ ngôn “Rùa chạy thi với thỏ”, rùa chạy chậm nhưng kiên trì nên thắng, thỏ chạy nhanh nhưng ham chơi nên thua. Tu cũng vậy, không cần phải là bậc đại căn đại trí, cứ kiên trì thực hành sẽ từ hạ căn lên trung căn, trung căn lên thượng căn. Các bậc thượng căn cũng do huân tập mà thành, không phải vừa tu đã là thượng căn. Giống như người đi học, thạc sĩ tiến sĩ cũng học từ lớp 1 lên dần, không ai vừa sinh ra đã là tiến sĩ. Người xuất gia không phải vừa cạo tóc liền thành Thánh Hiền, cũng phải tu từ từ, đời này đời khác, tích lũy nhiều đời, đến một lúc nhân duyên chín muồi liền ngộ đạo, đắc quả.
Tóm lại, tu không nên chán nản, cứ kiên trì hành hoài, đạo lớn ắt thành, như nước chảy đá mòn, mài sắt thành kim.
Bài kinh kết thúc mà không có phần “hoan hỷ phụng hành”. Đức Thế Tôn sắp nhập diệt, những lời Ngài dạy thiết tha, cặn kẽ, chúng Tăng chắc chắn sẽ ghi nhớ không quên, nhưng không thể nào “hoan hỷ” được, vì bên cạnh đó là nỗi buồn “mất Cha”.
Bài kinh dừng lại với một nốt chấm than như phảng phất nỗi buồn từ ngàn xưa chảy tới hôm nay. Chúng con nguyện khắc ghi lời dạy rốt sau này, cố gắng vâng giữ để đền đáp ân sâu nặng của Tôn Sư – bậc Cha lành vĩ đại của trời người. Nguyện Phật pháp tồn tại lâu dài để thêm nhiều chúng sanh được hưởng ơn mưa mốc.