Kinh Di Giáo Giảng Giải

20. Pháp Thân Thường Còn Chẳng Diệt



Từ nay về sau các đệ tử của Ta sẽ lần lượt thực hành. Thế là Pháp thân Như Lai thường còn không bao giờ diệt mất.

Pháp Phật là pháp hữu vi, có ra đời tức có diệt mất. Giáo pháp đức Phật Thích Ca chỉ tồn tại mười một ngàn năm, trước khi Phật Di Lặc ra đời, khoảng giữa hai thời Phật không có pháp Phật. Vậy ở đây đức Phật nói “Pháp thân Như Lai thường còn không bao giờ diệt mất” là ý gì?

Pháp thân Như Lai là nói tự tánh của mỗi người, nhưng đều không biết hay đã quên. Tiếp nối con đường Phật có nghĩa là sống trở lại được với pháp thân, khi đó sẽ biết được “pháp thân thường còn không bao giờ mất”. Tuy giáo pháp văn tự có sanh có diệt, nhưng pháp thân Như Lai, tức bản tâm thanh tịnh của mỗi người, thì thường còn chẳng diệt.

Thế nên, phải biết cảnh đời đều là vô thường, có hợp phải có chia lìa, chớ ôm lòng buồn thảm, các tướng thế gian là như thế.

Tất cả pháp thế gian đều vô thường, không thể giữ mãi một tướng, nó sẽ thay đổi cho đến hoại diệt. Không phải vừa sanh liền diệt, mà thay đổi dần, nên gọi là vô thường. Như cái đồng hồ mới nhìn chẳng thấy có gì thay đổi, nhưng thật sự ngày qua tháng lại nó sẽ cũ dần cho đến lúc không còn dùng được nữa. Con người cũng vậy, già đi từng năm tháng, từng sát na, thay đổi dần đến già chết. Sự vô thường diễn ra liên tục, chỉ vì nhỏ nhiệm nên mình không kịp nhận ra ngay.

Xưa đức Phật dùng một cái khăn trắng sạch dạy Ngài Châu-lợi Bàn-đặc quán vô thường. Chỉ một khoảng thời gian đức Phật đi từ tịnh xá đến hoàng cung mà cái khăn từ mới tinh chuyển cũ dần cho đến rã nát. Tôn giả ngay đó đại ngộ lý vô thường, đắc quả A-la-hán. Cái khăn không phải vừa mới đó liền hoại, mà có sự chuyển biến dần cho đến hoại, chỉ là sự chuyển biến được diễn tiến nhanh hơn do sức thần thông của Phật mà thôi.

Một người thọ mạng 70 năm, không phải vừa sanh liền già, mà già dần theo năm tháng, sự chuyển đổi diễn ra từng sát na, từng giây, từng phút, chỉ là mình không thấy kịp, phải qua khoảng thời gian dài mình mới nhận ra. Các loài vật nhỏ bé như muỗi kiến, thọ mạng chỉ vài ngày nên sự chuyển từ sanh đến chết sẽ nhanh chóng. Dù dài hay ngắn, lâu hay mau, tất cả pháp đều thay đổi, đều vô thường, nó đi đến hoại diệt chớ không đứng lặng.

Có hợp ắt phải có chia, không có pháp nào hợp mà không phân. Tất cả pháp đều do hòa hợp sanh, khi sự hòa hợp bị phá hủy ắt sẽ diệt. Như thân này do tứ đại hòa hợp thành, khi một phần bị hư hoại thì sự hòa hợp trong thân bị hủy, dẫn đến chết. Mọi pháp đều hòa hợp mỏng manh, không thể không tan hoại, không thể không chia lìa. Đó là chân lý của vũ trụ, chân lý của muôn pháp.

Hòa hợp và tan rã là pháp thường của thế gian, tướng thế gian là vậy, không gì phải buồn bã khi pháp biến hoại.

Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói: “Chư pháp trụ pháp vị, tướng thế gian thường trụ”. Các pháp vô thường, vì sao Phật nói thường trụ? Thường trụ là thường trụ cái vô thường. Mỗi pháp ở vị của nó, nhân duyên nó như thế nào nó sẽ như thế đó. Như hoa hồng có hương thơm của hoa hồng, không thể tỏa ra hương sen được, nhân duyên của nó là vậy, không đổi. Nếu người nào muốn chuyển đổi màu sắc hay hương thơm của một loài nào họ phải tạo ra một nhân duyên mới tác động vào nhân duyên cũ, tạo ra một tướng hòa hợp khác, tức đã thành pháp mới, không phải pháp ban đầu.

Ý nghĩa của “chư pháp trụ pháp vị, tướng thế gian thường trụ” là các pháp thường trụ ở tướng nhân duyên của nó, chớ không phải ý thường còn bất biến. Như vậy chính cái thay đổi, cái vô thường là nghĩa thường của các pháp, là quy luật bất biến của vạn pháp.

Tướng thế gian là vậy, có sanh phải có diệt, không cần phải buồn thảm trước sự vô thường của nó. Thầy tổ, ông bà, cha mẹ có qua đời phải thấy là bình thường, bản thân mình đối diện cái chết cũng không buồn sợ, vì biết rõ pháp thế gian là vậy.

Sở dĩ chúng ta luân hồi sanh tử là do tâm chấp trước, khổ đau cũng từ chấp mà ra. Muốn giải thoát, muốn hết khổ phải bỏ chấp, mà muốn không chấp phải có trí tuệ thấy được thật tướng thế gian, vô thường biến hoại là thật tướng của nó.

Phải siêng năng tinh tấn sớm cầu giải thoát, dùng trí tuệ sáng diệt hết si ám.

Giải thoát là giữa thế gian vô thường mà tâm mình vẫn thường, giữa thế gian bất tịnh mà tâm mình vẫn tịnh, giữa thế gian khổ não mà tâm mình vẫn an vui. Muốn được vậy thì đừng chấp vào pháp thế gian, quay trở lại sống với pháp thân thanh tịnh của mình, có vào sanh tử cũng tự tại không ngại. Người tu Đại thừa không chán sợ sanh tử, cần vào sanh tử độ sanh thì vào, các pháp vô thường biến dịch không ảnh hưởng đến tâm mình.

Vô thường chỉ có trên pháp hữu vi, không chạm được vào pháp vô vi. Thân tứ đại hư hoại, tự tánh không hoại. Nên chết không có gì đáng sợ, như chiếc xe hư cũ, có tiền tự nhiên mua được xe tốt hơn. Cái cũ có đi, cái mới mới đến. Bỏ thân hoại này mới có thân mới, muốn thân mới thế nào thì tạo nhân tương ứng cho nó.

Thật ra, nhờ pháp vô thường mình mới tu được, nếu pháp thường không đổi làm sao mình sửa được, làm sao chuyển phàm thành Thánh, chuyển ngu thành trí được?

Thế nên, đức Phật dạy vô số pháp môn là để mình sanh trí tuệ diệt si ám, dứt khổ đau.

Thế gian giòn bở, không bền chắc, Ta nay diệt độ như trừ được bệnh dữ. Đây là xác thân đáng bỏ, là vật tội ác, giả gọi là thân, nó chìm đắm trong biển sanh, già, bệnh, chết.

Lúc này Thế Tôn đã 80 tuổi, già yếu và bệnh, nên với Ngài chết như trừ được bệnh dữ, có gì mà buồn? Ở đây đức Phật nói thân là vật đáng bỏ, là tội ác, chìm trong biển già bệnh chết, là nói theo chiều ác của thân. Ngài nói vậy để đệ tử không quá đau buồn khi Ngài xả thân thôi.

Đứng về mặt thiện thì nhờ thân này mà mình học được Phật pháp, làm được các việc lành như bố thí, trì giới, nhẫn nhục v.v… Như vậy thân có ích hay có hại là do mình dùng nó như thế nào. Thân không có lỗi, dùng nó làm ác, nó lôi dẫn mình chìm trong sanh tử; dùng nó tu tập, nó sẽ giúp mình giải thoát.

Đức Phật từng dạy sáu căn thành lục thông hay lục tặc là do mình. Nếu dùng thân tu tập, sáu căn thành sáu thần thông, giúp mình giải thoát giác ngộ. Nếu buông lung thân chạy theo sáu trần, sáu căn thành sáu giặc, lôi mình đi trong sanh tử luân hồi không có ngày ra.

Có người trí nào trừ diệt được nó như giết được kẻ giặc dữ mà không vui mừng?

Người trí sắp bỏ thân sẽ vui mừng, bởi thân giả tạm mỏng manh, hết thọ mạng thì xả, không có gì nuối tiếc. Nhưng như đã nói ở trên, thân có công hay tội là do mình. Sở dĩ Phật nói vậy vì thương đệ tử, không muốn chúng đệ tử thương tiếc, đau lòng, không phải Phật phủ nhận sự quý báu của thân.

Đức Phật luôn nói “Thân người rất khó có được”. Ngài dùng ví dụ con rùa mù và bọng cây: Một con rùa sống dưới đáy biển, một bọng cây trôi bất định trên mặt biển, một trăm năm con rùa mù trồi đầu lên một lần. Xác suất mà rùa mù chui được vào bọng cây là cực kỳ thấp. Vậy mà chúng sanh có được thân người càng khó hơn.

Khi đã rơi vào ba đường dữ để trở lại được thân người là rất khó. Nên đang có thân người phải dùng nó tạo công đức để có thể tiếp tục làm người, không để rơi xuống. Thậm chí dùng thân quý báu khó có được này để cứu mình thoát hẳn biển sanh tử, chớ không dùng nó hại mình, tiếp tục tạo nghiệp trôi lăn luân hồi.

Vua Diêm Vương nhìn thấy chúng sanh bị hành hình đau đớn trong địa ngục, Ngài rất thương xót. Mỗi một chúng sanh thọ hình xong, ra khỏi địa ngục, Ngài đều ân cần dặn dò trở lên dương thế ráng tu, làm lành tạo phước, đừng xuống đây nữa. Vậy mà vài bữa Ngài lại thấy trở xuống chịu tội, vừa được làm người liền tạo ác nghiệp, thời gian ở địa ngục còn nhiều hơn ở nhân gian.

Đức Phật dạy rất nhiều pháp để chúng sanh giữ được thân người, thậm chí sanh lên cõi trời, hoặc cứu cánh giải thoát. Như chế năm giới, dạy mười điều thiện, tam huệ học, tam vô lậu học, bát chánh đạo v.v…

Không phải lúc nào Phật cũng chê bai thân. Ngài chỉ sự hòa hợp tạm bợ của nó để mình không đắm vào, không phải để mình hủy hoại. Bởi nương nơi thân mới tu được, mới nhận được Phật thật ẩn trong đó.

Thời Phật, có một số Tỳ-kheo tu pháp quán bất tịnh, tự nhiên sanh tâm chán ghét thân nên nhờ người giết. Phật quở quán bất tịnh là để không chạy theo ngũ dục phục vụ thân, không phải để tự sát, chết rồi làm sao tu? Thân là phương tiện, dùng làm thiện hay ác là do mình, dùng sai thì thân thành giặc cướp công đức, dùng đúng thì thân là con, trợ giúp mình tu hành.

Pháp hoại diệt là lẽ đương nhiên, thân đã sanh ắt sẽ có ngày diệt. Đó là chuyện bình thường của các pháp, là chân lý không đổi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.