Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 22



Chánh văn:

Phật dạy: “Người theo dục vọng truy cầu danh tiếng, khi danh vẻ vang thì thân đã chết! Ham danh tiếng thế gian mà không học Đạo chỉ uổng công mệt xác. Ví như đốt hương, người vừa ngửi được mùi hương, thì hương đã thành tro! Cũng vậy, lửa dục hại mình vẫn còn theo sau.”

Giảng:

Chương này và chương trước có sự liên kết. Chương này, đức Phật nói cụ thể hơn về một trong những sự mê lầm của mình: Chỉ biết sử dụng thân để truy cầu danh vọng mà thôi.

Người theo dục vọng truy cầu danh tiếng, khi danh vẻ vang thì thân đã chết! Ham danh tiếng thế gian mà không học Đạo chỉ uổng công mệt xác.

Thân người vốn quý, nhưng mình lại dùng nó để truy cầu danh vọng. Nhưng để đạt tới đỉnh cao danh vọng, người ta phải mất bao lâu? Xét tuổi đời của các vị lãnh đạo đất nước, như: Tổng thống, Chủ tịch nước, Thủ tướng…, trẻ lắm cũng trên 50. Sẽ còn thọ mạng bao lâu nữa? Nên nói “Khi danh vẻ vang thì thân đã chết”.

Vậy mà, phần lớn người đời dành cả đời để tìm cầu danh vọng. Nếu biết dùng thân này để học đạo thì quý biết bao! Chúng ta sẽ có mấy mươi năm để thể nhập bản tâm, mấy mươi năm lập công tạo phước, ích mình ích người. Trong khi còn có rất nhiều người trên thế giới này phải chật vật chạy ăn từng bữa cơm, mà bữa đói bữa no; lại có những người vun tiền qua cửa sổ, phung phí tài sản vật thực không thương tiếc: quần áo sang quý chỉ mặc một lần, thức ngon vị lạ nửa ăn nửa bỏ, dành cả đời để hưởng thụ ngũ dục lạc, thỏa mãn thú vui của thân, không nghĩ xớt cơm xẻ áo, cũng không chịu quay hướng niềm vui tinh thần, cầu đạo giải thoát.

Thời Phật, có một thanh niên con nhà giàu, tướng tốt, sang trọng. Đức Phật từng nói: Vị này có nhiều phúc báo, nếu xuất gia sẽ đắc quả A-la-hán. Nhưng anh không hề có ý định xuất gia, cũng không nghĩ đến việc học đạo, cả ngày chỉ thích ăn chơi hưởng thụ. Một thời gian sau, đức Phật gặp lại, nói: Vị này vẫn còn nhiều phúc báo, nếu xuất gia sẽ đắc quả A-na-hàm. Dĩ nhiên, anh cũng không hề giác ngộ, vẫn tiếp tục cuộc sống hưởng dục của mình. Cứ như thế, phúc báo của anh giảm dần, đức Phật mỗi lần gặp lại anh đều thọ ký anh sẽ đắc quả Tư-đà-hàm, rồi giảm xuống Tu-đà-hoàn, cho đến một hôm, khi anh đã bước qua tuổi trung niên, đức Phật gặp anh, nói: Vị này đã hết phước, 7 ngày nữa sẽ mạng chung và không được tái sanh làm người.

Sở dĩ anh bị mất thân người là do khi hưởng thụ dục lạc, chẳng những anh đã xài hết phước cũ của mình, lại còn tạo nhiều ác nghiệp, phạm vào các lỗi sát sanh, tà hạnh, vọng ngữ v.v… Từ một người dồi dào phúc báo, nếu xuất gia có thể đắc Thánh quả A-la-hán, mà chỉ vì ham mê thọ hưởng dục lạc mà mất cả thân người, đọa ba đường dữ.

Đuổi theo danh vọng cũng tương tự như thế, để hết tâm trí vào việc tranh danh đoạt lợi, cả ngày chỉ nghĩ làm sao để thăng quan tiến chức, làm mọi việc để đạt được mục đích, có khi còn tạo ác nghiệp, hại người để tranh giành danh tiếng, địa vị. Nhưng khi đạt đến địa vị cao rồi, nhìn lại tóc trên đầu đã bạc, thân mỏi tâm mệt, già chết gần kề.

Ví như đốt hương, người vừa ngửi được mùi hương, thì hương đã thành tro.

Như người đốt trầm hương, khi hương lan tỏa cũng là lúc nó thành tro. Đuổi theo danh vọng, khi đạt được danh thì mạng sống chẳng còn lâu. Danh đến thì già chết cũng theo kề.

Cũng vậy, lửa dục hại mình vẫn còn theo sau.

Dục không những hại mình đời này mà còn dẫn đến tai họa ở đời sau. Vì đã tạo thành thói quen khó bỏ, nó sẽ theo mình đời đời kiếp kiếp, ngày nào mình còn chưa thức tỉnh, ngày đó nó còn hại mình. Như người ghiền ma túy, ghiền rượu, thuốc lá v.v…, ngày nào còn ghiền, ngày đó còn bị chúng trói buộc, phải lệ thuộc chúng mãi mãi.

Chết không phải là hết, chỉ là chấm dứt một chặng đường này, sẽ nối tiếp một chặng đường khác, cứ thế mãi trôi trong luân hồi, cho đến khi giác ngộ mới giải thoát. Những vị có kiến chấp đoạn, cho rằng chết là hết rồi tùy ý tạo nghiệp, đâu ngờ kiến chấp này sai lầm vô cùng, đến khi chết mới biết được không phải là hết, hối hận thì đã quá muộn.

Người đời thường nghĩ rằng chết nhanh là tốt, khỏi phải nằm một chỗ, không bị hành xác, vậy là có phước. Nhưng chưa chắc! Nếu cả đời vị đó chưa từng làm lành, lại chết nhanh quá, không có thời gian chuẩn bị tâm lý, không kịp hối hận những việc ác mình làm, thì việc chết nhanh chưa chắc tốt.

Còn những người phải nằm một chỗ 5,7 năm, thậm chí lâu hơn, đúng là hành xác, đau đớn khổ sở, nhưng họ có thời gian nhìn lại, kiểm lại và giác tỉnh cả đời mình tạo đủ thứ nghiệp, rốt cuộc được gì? Giờ mang thân bệnh hoạn, đau mình phiền người, tài sản sự nghiệp có cứu được đâu, nên họ hối hận, thức tỉnh. Nhờ đó, tâm họ chuyển thiện, muốn niệm Phật, tụng kinh, muốn buông tất cả để tu tập, để làm phước… Do vậy, họ sẽ sanh vào cảnh giới lành, và tạo được thói quen thiện lương cho đời sau.

Thế nên, nằm một chỗ chưa chắc là họa, chết nhanh chưa chắc là phúc. Nằm một chỗ càng lâu càng dễ thức tỉnh, sự ra đi của họ sẽ nhẹ nhàng hơn vì không còn luyến tiếc gì nữa, chỉ muốn sớm bỏ thân cho đỡ khổ. Còn người đang sống đầy đủ, đang hưởng thụ dục lạc mà bị buộc phải bỏ thân thì họ sẽ rất luyến tiếc, không muốn chết, không muốn xa con cháu, nên lẩn quẩn không thọ sanh được. Thế nên, việc gì cũng có cái tốt và cái không tốt. Nếu lúc còn khỏe mình siêng học đạo, hiểu đạo, sống đời sống đạo thì dù xả thân nhanh hay chậm đều tốt. Còn nếu chưa hiểu đạo, có thể đi chậm một chút lại tốt, giúp mình thức tỉnh hơn, và như thế có lợi cho đời sau hơn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.