Chánh văn:
Phật dạy: “Tài sắc đối với người, người không bỏ được. Như lưỡi dao có dính chút mật, không đủ một bữa ăn ngon, nhưng đứa bé liếm vào, nên phải chịu cái họa đứt lưỡi.”
Giảng:
Tài là tài sản, tiền bạc, của cải. Sắc là sắc thân, sắc đẹp. Hai cái dục này khó bỏ nhất. Người xuất gia tu hành còn bỏ không nổi, huống là người tại gia còn hưởng ngũ dục lạc. Dưới con mắt của kẻ phàm, hai thứ dục này rất vui, rất quý. Nhưng với bậc trí tuệ như Phật, chúng chỉ như một chút mật dính trên lưỡi dao. Cái vui không bao nhiêu so với cái hại mà chúng mang lại. Đứa bé dại khờ không nhìn ra cái hại ẩn đằng sau vị ngọt của nó, nên le lưỡi liếm, vừa nếm được vị ngọt của mật, cũng là lúc chịu cái khổ của cái họa đứt lưỡi. Chúng sanh cũng vậy, đắm mê tài sắc, cả đời nhọc nhằn theo đuổi, đến khi già yếu nhìn lại có được gì, mà chết rồi phải đọa.
Đức Phật ví dụ có một người bị một con voi rượt đuổi, hốt hoảng chạy trối chết, thấy một cái giếng cạn liền nhảy xuống, đu vào một nhánh dây leo mọc bên bờ giếng. Nào ngờ nhìn xuống đáy giếng thấy bốn con rắn đang khè lưỡi chực chờ, xung quanh thành giếng thêm ba con rồng phun lửa, ngước lên thấy hai con chuột một trắng một đen thay phiên gậm nhắm cọng dây leo. Mạng sống mong manh, nguy hiểm, cái chết chực chờ một bên. Khi ấy, một con ong bay ngang, rớt một chút mật vào miệng của người đó. Người đó liếm được vị ngọt của mật, lòng tràn đầy hạnh phúc, thỏa mãn, quên hẳn mối nguy cận kề, chỉ thích thú hưởng thụ cái vui tạm bợ này.
Chúng ta là người đang bị rượt đuổi kia, con voi tượng trưng cho vô thường, rượt đuổi chúng ta từng sát na. Cọng dây leo là thọ mạng, hai con chuột đen trắng là ngày đêm, đang cắn dần thọ mạng mình. Bốn con rắn khè lưỡi là tứ đại tạo nên thân, lúc nào cũng chực chờ gây bệnh hoạn chết chóc cho mình. Ba con rồng phun lửa là tham, sân, si, ngày đêm thiêu đốt mình, khiến tâm dục lúc nào cũng nóng đỏ. Giọt mật chính là ngũ dục lạc. Mạng sống chúng ta mong manh như thế, thọ mạng dần tàn theo ngày tháng, vậy mà vẫn không thức tỉnh, để hết tâm ý vào thú vui ngũ dục, chẳng nghĩ gì đến vô thường già chết.
Trong kinh Pháp cú, đức Phật có dạy: “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, có gì là vui?”
Xưa có năm vị Tỳ-kheo thường được một tín nữ quý kính cúng dường, chăm sóc chu đáo. Tuy trước mặt thí chủ, các vị tỏ ra là những vị đạo hạnh, nhưng sau lưng lại rất buông lung. Đời sau, thí chủ do tâm thanh tịnh cúng dường được sanh cõi trời, 5 vị Tỳ-kheo bởi buông lung, dối gạt lòng tin của tín chủ nên đọa địa ngục. Đến thời đức Phật Thích Ca xuất thế, nữ thí chủ tái sanh làm người, vào một gia đình trưởng giả giàu có, được gả cho vua làm hoàng hậu, tiếp tục kính tin Tam Bảo, quy y hướng Phật. Năm Tỳ-kheo cũng được sanh lên làm người, nhưng rơi vào dòng chiên-đà-la thấp hèn, bị đưa vào cung hầu hạ hoàng hậu, một người đổ phân, bốn người khiêng kiệu. Sau này, được đức Phật khai thị nói rõ duyên xưa, hoàng hậu cảm động muốn trả tự do cho năm người để họ có thể tiếp tục việc tu hành, nhưng do nợ cũ trả chưa hết, nghiệp lực che mờ khiến năm vị u mê, sợ hãi việc xuất gia, chỉ muốn tiếp tục làm nô lệ cho hoàng hậu. Đức Thế Tôn nói chỉ khi họ trả hết nợ, nghiệp chướng nhẹ mỏng rồi mới có thể xuất gia tu hành trở lại được.
Thế nên, thí chủ cúng dường với tâm thanh tịnh thì bất kể tu sĩ tu hành thế nào, họ vẫn được phước báo to lớn. Còn người tu tu dở, chẳng những đời sau phải đọa, sau này còn phải riêng trả nợ cho thí chủ. Tuy vậy, nhân duyên xuất gia tu hành không mất, trả xong nợ sẽ lại tiếp tục con đường dang dở. Nếu mình có tu hành, có dụng công, nhưng công phu không tương xứng với sự cúng dường thanh tịnh của thí chủ, thì đời sau không đến nổi mất thân người, không bị đọa, nhưng sẽ làm con cháu cho thí chủ, cả đời hiếu thảo, thương yêu, chăm sóc cha mẹ, có khi bỏ cả chí nguyện xuất gia, luôn ở cận kề lo lắng, không phút nào rời. Đó là để đền lại chút nợ còn sót, việc tu hành cũng phải tạm dừng.
Nhân duyên xuất gia không hề mất, luôn nằm sâu thẳm trong tâm thức. Chỉ cần mình tu hết khả năng, giả sử không đủ trả nợ thí chủ, đời sau làm thân quyến trả bù, hết nợ rồi lại tiếp tục tu hành, đến khi hoàn toàn giải thoát mới thôi.
Tóm lại, chương này Phật dạy chúng ta nếu đắm mê tài sắc, chạy theo dục vọng thì như đứa bé dại khờ, mê một chút mật dính trên lưỡi dao mà không biết cái họa đứt lưỡi. Mê một chút dục vọng đời này mà quên cái khổ nhọc nhằn trôi nổi trong ba cõi luân hồi, không biết cái khổ bị hành hạ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta tu hành phải luôn nhớ những cái khổ này để dũng tiến trên con đường tu tập giải thoát.