Kinh Pháp Cú giảng giải

XVII. Phẩm Phẩn Nộ



Pháp Cú 221.

Xa bỏ lòng giận dữ, trừ diệt tính kiêu căng, giải thoát mọi ràng buộc, không chấp trước danh sắc, người không có một vật chi, sự khổ chẳng còn theo dõi được. 

Xa bỏ lòng giận dữ và tính kiêu căng ngã mạn thì giải thoát mọi phiền não khổ đau. Không chấp trước thân tâm cho là thật, người không có một vật chi, là không chấp chặt những vật đó là của mình, nên sự khổ chẳng còn đeo đuổi.

Bậc A-la-hán mới chứng được lục thông, còn ngũ thông thì người tu theo ngoại đạo cũng chứng được. Chứng ngũ thông thì có thể bay lên hư không, có thể biết được tâm ý người khác, nhưng chưa phải chứng quả A-la-hán. Vì vậy chứng A-la-hán là dứt hết mọi triền phược, không còn chấp thân ngũ uẩn là thật thì giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Pháp Cú 222.

Nếu hay ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy nhanh, mới là kẻ chế ngự giỏi, ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ mà thôi. 

Có người nói một câu chọc tức, mình nổi giận đùng đùng, chợt nhớ thân này mai mốt chết bỏ đi, thì dằn xuống được liền, miệng không nói ra những lời dữ, thân không làm những hành động dữ, Phật ví như dừng được chiếc xe đang chạy nhanh, đó là người chế ngự giỏi.

Chúng ta phải tu như vậy mới thật là hay, nếu giận nói bậy một hồi rồi ăn năn xin lỗi thì tầm thường quá, vì không làm chủ được mình. Khi nóng giận người ta chỉ nhớ cái giận mà không nhớ gì hết. Để nhắc nhở mình trong những trường hợp như thế, người xưa thường viết những câu Phật ngôn trên vách hay để trên bàn, mỗi khi nổi sân nhìn thấy mà giật mình và hạ cơn nóng giận.

Pháp Cú 223.

Lấy từ bi thắng nóng giận, lấy hiền lành thắng hung dữ, lấy bố thí thắng xan tham, lấy chân thật thắng ngoa ngụy. 

Người đời thấy người ta nóng giận hung dữ với mình thì dùng hung dữ để trị lại, nếu không thì họ nói mình là kẻ hèn nhát. Như vậy lấy hung dữ để trị hung dữ, hai cái hung dữ đụng nhau thế nào cũng gây gổ. Ở đây Phật dạy lấy từ bi để thắng nóng giận, nếu người nóng giận thì mình dùng lòng từ bi thương họ, cư xử tử tế không nói lời hung dữ đáp trả, một lúc hết nóng giận thì cả hai đều an ổn.

Nhưng người ta hung dữ mà mình hiền lành thì có bị chê ngu không? Nếu cả hai người đều nóng giận thì cả hai đều dại vì giận là bất an. Cho nên một người nóng thì có một người hiền, người hiền mới thắng được người nóng. Đó là lấy từ bi thắng nóng giận.

Lấy bố thí thắng xan tham, người có tâm keo kiệt tập bố thí thì hết keo kiệt. Lấy chân thật thắng ngoa ngụy, người đối xử chân thật với nhau thì bền chắc lâu dài, còn những người dối trá với nhau chỉ được một lúc rồi thôi. Ở đây đức Phật dạy chiến thắng là làm ngược lại, người nóng mình phải nguội, người dữ mình phải hiền. Người bỏn sẻn mình phải tu bố thí, người dối trá mình đối xử chân thật. Chúng ta nên thực hành theo sẽ được an ổn.

Pháp Cú 224.

Nói chân thật, không giận hờn, đích thân bố thí cho người đến xin, đó là ba việc lành đưa người đến cõi chư thiên. 

Luôn nói lời chân thật, không giận hờn thù oán ai, gặp người nghèo khó đến xin tự tay mình bố thí cho họ. Đó là ba việc lành đưa chúng ta đến cõi chư thiên. Chúng ta nên thường làm ba điều này để được lợi ích an vui.

Pháp Cú 225.

Không làm hại người thanh tịnh, thường chế phục thân tâm, thì đạt đến nơi chẳng chết, chẳng còn ưu bi. 

Đối với người tu trong sạch thanh tịnh, luôn chế phục thân tâm mình, không bao giờ có tâm ý hại người, thì đạt đến nơi chẳng chết và chẳng còn ưu bị. Vì người làm chủ được thân tâm, nên tự tại giải thoát, đạt đến Niết-bàn, không còn kẹt trong vòng luân hồi sanh tử.

Pháp Cú 226.

Những người thường tỉnh giác, thường tu tập chuyên cần, thường để chí hướng tới Niết-bàn thì mọi phiền não đều dứt sạch. 

Đối với người tu, hàng ngày tiếp duyên đối cảnh, sự tỉnh giác rất cần thiết. Thí dụ khi ra làm việc, nếu gặp danh lợi, hay những chuyện bực mình, thì phải tỉnh giác rằng danh lợi là vô thường không bền chắc, nhắc trong lòng như vậy, đó là thường tự giác tự tỉnh. Nếu không tỉnh giác thì khi gặp danh lợi liền chạy theo, gặp chuyện không như ý thì tức giận, quên hết sự tu hành.

Kế nữa phải chuyên cần tu tập theo pháp môn mình đã chọn, luôn lập chí tu hành để giải thoát sanh tử đạt đến Niết-bàn, đó là chí hướng cứu cánh của mình, được như vậy thì mọi phiền não đều dứt sạch.

Pháp Cú 227.

A-tu-la nên biết, đây không phải chỉ là chuyện đời nay, mà đời xưa người ta cũng từng nói: Làm thinh bị người chê, nói nhiều bị người chê, ít nói cũng bị người chê, làm người không bị chê thật là chuyện khó có ở thế gian này. 

Đây là lời đức Phật nói với ông A-tu-la, ở trên đời này không ai làm vừa lòng thiên hạ. Nếu ít nói thì những người thích ít nói họ khen, còn người ưa nói nhiều lại chê. Người nói nhiều thì những người ưa nói lại khen, người ít nói thì chê. Người không nói thì những người biết tu hành khen làm thinh như Thánh, còn người không biết thì chê làm bộ nghiêm nghị. Như vậy để thấy rằng ở giữa đời này, không ai hoàn toàn được khen và hoàn toàn bị chê. Sống trong cuộc đời tương đối, chúng ta đừng đòi hỏi cái tuyệt đối. Nếu đòi hỏi tuyệt đối, thì không bao giờ được như ý.

Pháp Cú 228.

Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra và vị lai cũng không dễ gì thấy được. 

Người toàn bị chê, người toàn được khen, điều này xưa nay chưa từng có. Như người trộm cướp bị xã hội chê, nhưng khi ăn trộm nhiều tiền thì được vợ con khen, như vậy cũng có người khen, không phải hoàn toàn bị chê. Ngược lại dù người tốt chín mươi chín hay một trăm phần trăm, cũng có vài người ganh ty gièm pha. Như người nghèo thấy người giàu tự nhiên ghét, đó là do tâm đố kỵ. Mỗi ngày rằm, ba mươi mình đi chùa nghe kinh, trong xóm có người không thích nên chế nhạo giả đò tu, đó là không muốn người khác tốt hơn. Như vậy làm sao chúng ta sống cho vừa lòng thiên hạ! Đức Phật dạy chúng ta phải có lập trường, phải biết cuộc đời tương đối, khi làm lành bị người dữ chê, không buồn phiền thối chí tu hành, vì biết rằng người dữ ghét người hiền là do tâm đố kỵ.

Tóm lại chúng ta đừng bị lệ thuộc sự khen chê của người bên ngoài, vì khen chê không có lẽ thật, tùy theo trình độ nhận xét của mỗi người mà có những phê bình khác nhau. Chúng ta giữ lập trường đúng đắn chân chánh vững vàng, thì khi nghe những lời khen chê tâm không dao động.

Pháp Cú 229.

Cứ mỗi buổi mai thức dậy, tự biết phản tỉnh, hành động không sai trái, trí tuệ hiền minh, giới hạnh thanh tịnh, đó là người đáng được kẻ trí tán dương. 

Mỗi buổi sáng thức dậy tự phản tỉnh lấy mình, ngày nay phải làm những điều tốt đẹp, đừng để những điều sai quấy chen vô. Như vậy buổi sáng mình có ý thức được việc làm trong ngày, là phải đi đúng chiều hướng hiền thiện, nên hành động không lệch lạc sai quấy. Phát huy trí tuệ sáng suốt hiền lành, giữ giới hạnh thanh tịnh, người được như vậy mới đáng cho kẻ trí khen ngợi.

Pháp Cú 230.

Phẩm chất đúng loại vàng Diêm-phù thì ai chê bai được? Đó là hạng Bà-la-môn được chư thiên tán dương. 

Người có phẩm hạnh đúng đắn như vàng ròng thì không ai chê. Như những vị Bà-la-môn chân chánh được chư thiên khen ngợi. Chúng ta tu hành giữ phẩm hạnh cho đúng, thì cũng được những người hiền lành đức hạnh kính trọng.

Pháp Cú 231.

Giữ thân đừng nóng giận, điều phục thân hành động, xa lìa thân làm ác, dùng thân tu hạnh lành. 

Pháp Cú 232.

Giữ lời đừng nóng giận, điều phục lời nói chánh chân, xa lìa lời nói thô ác, dùng lời nói tu hành. 

Pháp Cú 233.

Giữ ý đừng nóng giận, điều phục ý tinh thuần, xa lìa ý hung ác, dùng ý để tu chân. 

Đức Phật dạy không nổi giận, không cho thân hành động quấy ác, dùng thân này làm phương tiện tiến tu để được hết khổ, cũng như người chết đuối nương gốc cây mục để vào tới bờ. Khi nóng giận đừng nói những lời thô ác, luôn nói những lời chân chánh hiền lành, đem Phật pháp để chỉ dạy cho người, đó gọi là lời nói tu hành.

Giữ ý luôn thuần thiện và trong sạch, những ý niệm ác dấy lên đều buông bỏ và luôn khởi những niệm lành, phát triển những ý nghĩ tốt để hành động tốt. Người nào luôn giữ ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh thì được lợi ích an vui.

Pháp Cú 234.

Người trí điều phục thân, cũng điều phục ngôn ngữ, điều phục luôn tâm ý, ba nghiệp thủy điều phục

Người trí tuệ lo điều phục thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, đó là ba phần tu hành căn bản. Ba nghiệp được hoàn toàn thanh tịnh là người tu chân chánh, vì thân miệng ý là nguồn gốc của tội lỗi trầm luân, cũng là nguồn gốc của công đức giải thoát. Nếu biết ngăn chặn nguồn gốc của tội lỗi trầm luân, khai thác nguồn gốc của công đức giải thoát, như vậy là người biết tu.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.