Kinh Pháp Cú giảng giải

XVIII. Phẩm Cấu Uế



Pháp Cú 235.

Ngươi đã giống như chiếc lá khô. Diêm-ma sứ giả ở sát bên mình. Ngươi đang đứng trước ngưỡng cửa chết, bước lữ đồ ngươi cũng thiếu hẳn tư lương. 

Đức Phật nhắc những người tuổi thọ sắp hết mà phước đức không có, giống như cành khô lá héo rồi mục chết từ từ. Cũng vậy thân của chúng ta, tới sáu bảy mươi tuổi thì cái chết gần kề, nếu lúc đó chúng ta không có phước đức thì Diêm-la sứ giả ở sát bên mình, đang đứng trước ngưỡng cửa tử thần, như người sắp đi xa mà thiếu hẳn tư lương. Từ trước tới giờ không lo tu hành, bây giờ chết rồi đi đâu đây, một mình bơ vơ trên con đường tối tăm mù mịt. Tổ Quy Sơn nói đường trước mờ mờ chẳng biết về đâu! Nếu chúng ta ý thức được điều này thì thức tỉnh lo tu hành, sớm chừng nào tốt chừng ấy, để có tư lương cho những ngày sắp tới, ra đi trong an ổn.

Pháp Cú 236.

Ngươi hãy tự tạo cho mình một hòn đảo an toàn, gấp rút tinh cần làm kẻ khôn ngoan, gột sạch biết bao phiền não trần cấu, để bước lên Thánh cảnh của hàng chư thiên. 

Người tu phải tích lũy công đức cho đầy đủ, cũng như người đi biển gặp giông bão lên được hòn đảo an toàn, khỏi bị lặn hụp chết chìm ngoài biển cả. Gấp rút siêng năng làm một kẻ trí thức khôn ngoan, để gột sạch bao nhiêu phiền não trần cấu trong tâm. Khi khởi tâm tham lam hay giận hờn biết đây là phiền não thì buông bỏ, đó là gột sạch những trần cấu trong lòng mình, để bước lên cảnh giới của bậc Thánh, là cõi trời Sắc Cứu Cánh, thành bậc A-na-hàm.

Tuy nhiên đừng nghe nói thân này sắp tàn lụi rồi buồn khổ vô ích, mà phải cố gắng làm sao cho được hữu ích ngay trong đời này, chứ không phải sau khi chết để được làm Thánh.

Pháp Cú 237.

Đời sống ngươi nay sắp lụn tàn, người đang dịch bước tới gần Diêm vương, giữa đường đã không nơi ngơi nghỉ, bước lữ đồ ngươi cũng thiếu hẳn tư lương. 

Mỗi ngày qua cái chết cận kề bên mình, lúc bình thường không tu hành nên khi sắp chết thiếu công đức và lo rằng ngày mai đi đâu, không có gì đem theo qua thế giới bên kia. Nên nói giữa đường không nơi ngơi nghỉ, mà bước lữ đồ cũng thiếu hẳn tư lương.

Pháp Cú 238.

Ngươi hãy tạo lấy cho mình một hòn đảo an toàn, gấp rút tinh cần làm kẻ khôn ngoan, gột sạch phiền não trần cấu, chớ trở lui đường sanh lão nguy nan. 

Biết cái chết đang đeo đuổi không tha một ai, nên phải nỗ lực tu hành cho đầy đủ công đức, thường dùng trí quán chiếu để dẹp sạch hết phiền não trần cấu trong tâm, không bao giờ trở lại con đường sanh lão bệnh tử nguy nan này nữa. Đức Phật khích lệ mỗi người phải cố gắng vươn lên để được giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, đó là tạo lấy cho mình một hòn đảo an toàn.

Pháp Cú 239.

Hết sát-na này đến sát-na khác, người trí lo gột trừ dần những cấu uế nơi mình, như ông thợ vàng cần mẫn lọc trừ cặn bã khỏi chất vàng ròng. 

Trong mỗi giây phút chúng ta phải lo dẹp trừ những cấu uế nơi tâm, buông bỏ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Cũng như anh thợ vàng từng phút giây lo lọc cặn bã để vàng thô thành vàng ròng, đó là người biết tu.

Pháp Cú 240.

Như sét do sắt sinh ra rồi trở lại ăn sắt, ác nghiệp do người ta gây ra rồi trở lại dắt người ta đi vào cõi ác. 

Thanh sắt để ngoài mưa gió, ít tháng thấy rỉ sét ở bên ngoài, vậy sét cũng từ nơi sắt mà ra, Tất cả những nghiệp ác do thân khẩu ý chúng ta tạo ra rồi tự chịu khổ. Cũng như sắt sanh ra sét, sét trở lại ăn sắt, không có gì tới hại nó mà chính nó tự hại. Người biết tu dừng các nghiệp ác thì hết khổ, đây là một sự thật.

Pháp Cú 241.

Không tụng tập là vết nhơ của kinh điển, không siêng năng là vết nhơ của nghiệp nhà, biếng nhác là vết nhơ của thân thể và nơi ăn chốn ở, phóng túng là vết nhơ của phép hộ vệ. 

Kinh sách đầy tủ mà không có người xem để ứng dụng tu hành thì cũng không có lợi ích gì, đó là vết nhơ của kinh điển. Người có nhà cửa sự nghiệp mà không siêng năng làm cho mỗi ngày mỗi thăng tiến, mà làm cho gia nghiệp suy vi, đó là vết nhơ của nghiệp nhà. Lười biếng không muốn làm gì cả, không vệ sinh thân thể, nhà cửa không sạch sẽ ngăn nắp gọn gàng, đó là vết nhơ của thân này và nơi ăn chốn ở. Đến cái hệ trọng hơn hết, buông lung phóng túng thì tội lỗi theo đó mà khởi, đó là vết nhơ của phép hộ vệ.

Nếu muốn những điều tội lỗi không phát sanh thì phải giữ cho ba nghiệp được trong sạch. Đó là những điều cần yếu của người xuất gia cũng như Phật tử tại gia.

Pháp Cú 242.

Tà hạnh là vết nhơ của người đàn bà, xan lẫn là vết nhơ của sự bố thí. Đối với cõi này hay cõi khác thì tội ác chính là vết nhơ. 

Người phụ nữ mà không có trinh tiết chung thủy, đó là tà hạnh, là vết nhơ của người đàn bà. Người bỏn sẻn keo kiệt tiếc của không bố thí một đồng nào cho người nghèo khổ, đó là vết nhơ của sự bố thí. Trong đời này chúng ta do hư hèn dở xấu, nên tạo nhiều tội ác và chịu những quả báo khổ đau, rồi đời sau sanh ra gặp những hoàn cảnh đau khổ, nên nói tội ác chính là vết nhơ của đời này và đời sau. Vì thế đức Phật dạy người Phật tử chân chánh lúc nào cũng dè dặt không tạo những tội ác, vì làm ác thì thọ quả báo xấu.

Pháp Cú 243.

Trong các nhơ cấu đó, vô minh cấu là hơn cả. Các ngươi hãy trừ hết vô minh để trở thành hàng Tỳ-kheo thanh tịnh. 

Theo kinh A-hàm, không biết Tứ đế là vô minh, Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, bốn điều đó là lẽ thật mà không biết nên gọi là vô minh. Hay nói cách khác, không biết chân lý, sống theo ảo tưởng cuồng loạn gọi là vô minh. Nhưng trong kinh Viên Giác, đức Phật giải thích vọng nhận thân tứ đại do duyên hợp tạm có mà cho là thật, tâm duyên theo bóng dáng sáu trần cũng duyên hợp huyễn có mà cho là thật, đó là vô minh.

Phật, Bồ-tát và A-la-hán, thấy cuộc đời là tạm bợ giả dối nên không nhiễm, thì không bị luân hồi sanh tử, vì vậy các ngài là minh, là giải thoát.

Ở đây đức Phật nói rằng trong tất cả nhơ cấu, vô minh cấu là hơn cả, vì vô minh làm cho chúng ta trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi không bao giờ dừng, cho nên Phật dạy nhìn đúng đắn về thân tâm mới hết vô minh và trở thành hàng Tỳ-kheo thanh tịnh.

Pháp Cú 244.

Sống không biết xấu hổ, sống lỗ mãng như quạ điều, sống chê bai kẻ khác, sống đại đởm khoa trương, sống ngạo mạn tà ác, sống như thế ấy chẳng khó khăn gì. 

Pháp Cú 245.

Sống biết hổ thẹn, sống thường cầu thanh tịnh, sống không đam mê dục lạc, sống khiêm tốn, sống trong sạch, sống dồi dào kiến thức, sống như thế mới thật khó làm. 

Trong hai câu kinh trên, Phật dạy sống lỗ mãng, chê bai kẻ khác, ngạo mạn, khoa trương v.v… mà không biết xấu hổ, đó là những điều rất dễ làm. Ngược lại biết hổ thẹn, thường cầu thanh tịnh, không đam mê dục lạc, sống khiêm tốn trong sạch, dồi dào kiến thức thì rất khó làm. Điều dễ là làm cho mình đọa lạc, điều khó thì làm cho mình tiến lên, chúng ta đừng sợ khó, phải làm những điều khó mới có giá trị.

Cũng như đi lên tu viện Chơn Không, đường dốc phải chống gậy, nhấc từng bước chân nghe nặng nề mệt nhọc. Nhưng khi xuống thì rất dễ, mấy đứa nhỏ chạy một hơi là xuống dưới dốc. Nghĩa là chúng ta muốn vươn lên thì phải gắng sức, nếu thả trôi cho lùi xuống thì rất dễ. Cho nên kẻ hay làm những điều xấu xa tội lỗi, là người thả trôi xuống tận đáy hố thẳm. Còn người Phật tử chân chánh lúc nào cũng phải sống khép mình trong khuôn khổ để nỗ lực vươn lên.

Pháp Cú 246-247.

Trong thế gian này, ai hay sát sanh, hay nói dối, hay lấy cắp, hay phạm dâm, hay rượu chè say sưa, ai có các hành vi đó tức đã đào bỏ thiện căn của mình ngay ở cõi đời này. 

Người sống theo những hạnh xấu xa như sát sanh, nói dối, trộm cắp, tà dâm, uống rượu thì người đó tự đào bỏ gốc lành của mình trồng từ trước đến giờ. Ngược lại không làm những điều đó, là vun bồi gốc lành ngày càng thêm vững. Như vậy gốc lành vững vàng tăng trưởng hay bị đào bỏ là tại chúng ta.

Pháp Cú 248.

Các ngươi nên biết hễ không lo chế ngăn tức là ác, vậy các ngươi chớ tham, chớ làm điều phi pháp mà phải sa vào thống khổ đời đời. 

Đức Phật thấy rõ tâm niệm, hành vi của đa số chúng ta là xấu xa. Nếu không ngăn chặn thì sẽ gây tội lỗi. Cho nên hằng ngày, từng phút giây đều phải biết kềm chế, ngăn ngừa tâm niệm hành vi của mình, đó là dừng được tội ác. Ngược lại chúng ta mặc tình cho tâm nghĩ gì thì nghĩ, những ý niệm xấu sẽ khiến chúng ta gây tội ác. Nếu chịu khó nhận xét tinh tế sẽ thấy cả ngày nghĩ toàn điều thiện, hay một lát giận người này buồn người kia, phiền người nọ. Nếu để bực bội trong lòng kéo dài, thì sẽ phát ra những lời nói hành động thô ác, khi buồn không chặn được cơn buồn, thì cũng khổ tâm không yên.

Cho nên đức Phật dạy phải luôn ngăn ngừa, kềm chế tâm niệm hành vi của mình, không làm những điều tội lỗi, nên tâm trong sạch và không còn phiền não khổ đau. Nếu được như vậy thì cuộc đời mãi mãi an vui.

Pháp Cú 249.

Vì có tâm tin vui nên người ta mới bố thí, trái lại, kẻ có tâm ganh ghét người khác được thức ăn, thì ngày hoặc đêm kẻ kia không thể nào định tâm được. 

Pháp Cú 250.

Nhưng kẻ nào đã cắt được, nhổ được, diệt được tâm tưởng ấy, thì ngày hoặc đêm kẻ kia đều được định tâm.

Bố thí là giúp đỡ người khác có cơm ăn, áo mặc. Người phát tâm bố thí là họ có niềm tin an vui.

Ngược lại, những kẻ có tâm ganh ghét, thấy người có cơm ăn áo mặc thì đố kỵ, cho nên suốt cả ngày đêm tâm không bao giờ an ổn. Đó là một lẽ thật. Chúng ta nghiệm kỹ để chọn lựa, hoặc làm người vui vẻ bố thí, hay làm người keo kiệt bủn sỉn và ganh ghét đố kỵ. Phật tử chúng ta nhất định làm hạng người thứ nhất. Vì vậy đức Phật nói nếu người nào cắt được, nhổ được tâm ganh ghét đố kỵ ấy thì ngày đêm tâm được an định.

Pháp Cú 251.

Không lửa nào dữ bằng lửa tham dục, không cố chấp nào bền bằng tâm sân giận, không lưới nào trói buộc bằng lưới ngu si, không dòng sông nào đắm chìm bằng sông ái dục. 

Lửa tham dục thiêu đốt không biết bao nhiêu người, nên nói không có lửa nào dữ bằng lửa tham dục. Khi bị chọc giận không buông được, có người nói tôi giận người đó suốt đời không quên, hay ôm giận trong lòng cho tới đời khác. Nên ở đây đức Phật nói không cố chấp nào bền bỉ bằng tâm sân giận. Ngu si trói buộc chúng ta trong vòng sanh tử luân hồi, vì vậy không lưới nào trói buộc bằng lưới ngu si.

Có câu ái hà thiên xích lãng, nghĩa là dòng sông ái sóng cao đến ngàn thước, nhận chìm tất cả người thế gian, trừ các bậc Thánh nhân và người hiền triết, nên nói không dòng sông nào đắm chìm bằng sông ái dục. Ái đây không phải nói nam nữ yêu nhau, mà chính là ái ngũ dục, sự nghiệp, cuộc đời, thân mạng và con cái v.V… đó là gốc của sự chìm đắm. Thí dụ như người sắp chết nhớ tới sự nghiệp thì tiếc, nhớ tới con cháu thì thương, nhớ tới thân mình chết rồi không biết ra sao thì buồn. Đó là cái gốc để tiếp tục luân hồi mang thân khác. Cho nên ái dục trói buộc con người khó thoát khỏi, chỉ những ai dũng mãnh lắm mới đào được tận gốc rễ.

Pháp Cú 252.

Thấy lỗi người thì dễ, thấy lỗi mình thì khó. Lỗi người, ta cố phanh tìm như tìm thóc lẫn trong gạo, còn lỗi mình, ta cố che giấu như kẻ cờ gian bạc lận thu giấu quân bài. 

Như người sàng gạo, tìm từng hột thóc lượm bỏ, người cố tìm lỗi kẻ khác giống như vậy. Nghĩa là khi thấy người khác, không chịu nhìn cái hay mà chỉ thấy những tật xấu của họ. Còn lỗi của mình thì cố che giấu như kẻ cờ gian bạc lận thu giấu quân bài, khéo chừng nào hay chừng ấy, hễ người ta không thấy là mừng. Như vậy do chúng ta chấp ngã quá lớn, muốn bảo vệ mình nên thích vạch lỗi người, che giấu lỗi mình. Muốn hết lỗi này thì phải có tâm công bằng, tự nhìn lỗi mình để sửa đổi. Nếu có bổn phận, khi thấy cái dở của người khác thì dạy bảo để họ sửa. Như vậy mới lợi mình mà cũng lợi người.

Pháp Cú 253.

Nếu thấy lỗi người thì tâm ta dễ sanh nóng giận mà phiền não tăng thêm, nếu bỏ đi thì phiền não cũng xa lánh. 

Thấy lỗi người thì sẽ sanh tâm nóng giận phiền não. Bởi vì thấy người ta xấu nên khinh khi. Nếu tha lỗi cho người, không cố chấp; đó là người quân tử, và xa lìa được phiền não. Ngược lại, tìm lỗi người mà quên lỗi mình thì tự chuốc lấy phiền não, tự làm khổ mình, chứ không có lợi gì hết. Chúng ta thường có cái bệnh là thấy lỗi người hơn thấy lỗi mình, hễ ngồi lại thì chê người xấu mà khoe cái tốt của mình, do đó mà sanh chuyện không vui với nhau. Người tu hành nên tập những thói quen ngay thẳng, thấy mình có lỗi thì thẳng thắn phê bình, nếu thấy người sai lầm thì tha thứ, như vậy đường tu mới tiến. Ngược lại, cứ thấy lỗi người, đó là gốc của phiền não khổ đau.

Pháp Cú 254.

Giữa hư không thì làm gì có dấu vết. Trong ngoại đạo thì làm gì có Sa-môn. Chúng sanh thì thích điều hư vọng, mà Như Lai làm gì còn hư vọng. 

Người tu theo ngoại đạo tà giáo, chỉ dùng những pháp tu làm khổ thân mà không giác ngộ, không chứng được Thánh quả, đó không phải là hạnh của Sa-môn.

Hư vọng là dối trá, thế gian sống với nhau ít thật lòng mà nhiều giả dối. Như khi xã giao muốn thu hút được lòng người thì phải khéo, bước vô nhà thấy những vật không đẹp cũng khen, hoặc tỏ ra quý mến mọi người. Nhưng khen và quý mến ngoài miệng mà trong lòng không thật, đó là xã giao giả dối. Sống mà không lấy sự chân thật đối với nhau là sống trong ảo tưởng.

Có người vừa bước vô nhà liền chê, nhà cất xấu quá, rồi chê luôn cả chủ nhà. Dù chê đúng sự thật, nhưng mình cũng muốn đuổi họ ra liền. Giả sử có người xấu một trăm phần trăm mà nói xấu thì họ giận, nếu khen thì mừng, tuy biết mình dở mà nghe người ta khen cũng vui như thường, không khi nào nghe khen mà mắc cỡ, Như vậy chúng ta đã tập nhiễm hư vọng giả dối quá nhiều đời, cho nên bao giờ cũng muốn người ta khen ngợi, trọng vọng, mà chính bản thân mình không xứng đáng. Ngược lại, Như Lai không bao giờ hư vọng mà sống bằng lẽ thật, nói sự thật. Đó là điều chúng ta noi theo để sống không hư vọng, như thế mới gần đức Phật hơn.

Pháp Cú 255.

Giữa hư không thì làm gì có dấu vết, trong ngoại đạo thì làm gì có Sa-môn. Năm uẩn thì không thường trụ, mà Như Lai thì chẳng loạn động bao giờ. 

Đức Phật là bất sanh bất diệt, còn thân và tâm của chúng ta thì sanh diệt vô thường. Biết như vậy, mỗi người phải buông bỏ những cái sanh diệt để tu hành đạt được cái bất sanh bất diệt, đó là phù hợp với Như Lai.

Ở đây nói thân năm uẩn của chúng sanh thì sanh diệt mà Như Lai không bao giờ sanh diệt. Vì vậy người tu hành muốn thoát khỏi vòng sanh tử, đạt được Phật quả thì nên sống với lẽ chân thật tương đối, sau đó mới đạt được cái thật tuyệt đối bất sanh bất diệt.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.