Nội dung:
Chuyên làm những việc không đáng làm, nhác tu những điều cần tu, bỏ việc lành mà chạy theo dục lạc, người như thế dù có hâm mộ kẻ khác đã cố gắng thành công, cũng chỉ là hâm mộ suông.
Những việc làm ăn mua bán, hơn thua phải quấy, giao tế qua lại không nên làm mà người tu đeo đuổi làm hoài. Ngược lại tụng kinh niệm Phật, tham thiền hành trì cho miên mật, là việc của người xuất gia phải làm, thì lười nhác không chịu làm, đó là bỏ việc tu hành chạy theo dục lạc thế gian. Người như thế dù thấy người khác tu hành có kết quả, rồi cung kính khen ngợi, cũng chỉ là sự hâm mộ suông, chứ không có ích gì. Muốn có lợi ích thiết thực, thì phải siêng tu và bớt những chuyện không đáng làm. Như thấy người khác tu hành thành công, thì tự nhủ mình cũng sẽ tu hành như họ để có lợi ích.
Đối với cư sĩ tại gia, việc chính là lo làm cho có tiền để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp những điều phúc thiện cho xã hội. Đó là những việc cần làm để sống, để có công đức mà lại không làm. Còn những việc ăn chơi, rượu chè, cờ bạc v.v… không đáng mà cứ làm. Người như vậy dù muốn lập nghiệp cũng không có sự nghiệp, hay khen ngợi người khác có sự nghiệp cũng là khen suông, mà chính mình không bao giờ được lợi ích.
Chớ kết giao với người đáng ưa, chứ kết giao với người không đáng ưa. Không gặp được người thương yêu là khổ, mà gặp phải người cừu oán cũng khổ.
Tại sao đức Phật dạy không nên kết giao với người đáng ưa và người không đáng ưa, vậy phải kết giao với người nào? Đức Phật dạy nếu thương nhiều mà xa nhau là khổ, còn ghét nhau mà gặp cũng khổ. Hai người kết thân nhưng chắc gì suốt đời ở chung, hôm nay thân ngày mai phải xa, thế là tự mình chuốc khổ. Tu là thoát khổ, tại sao lại buộc cái khổ vào? Cho nên phải sống chan hòa tình thương với tất cả mọi người. Còn thân người này, không thân người kia, khi có thân thì có thù, là có khổ. Gặp ai vừa ý thì thương, không vừa ý thì ghét, do đó mà thương ghét chất chồng nên khổ. Đây là hai cái khổ trong tám khổ, ghét mà gặp nhau là khổ, thương mà phải xa lìa cũng khổ. Nếu tâm bình đẳng thì không còn thân sơ thương ghét, sẽ bớt được hai nỗi khổ trên.
Người xưa thường nói, người quân tử đối xử với nhau như nước lã, nhưng đó là cái chân thật lâu dài. Còn kẻ tiểu nhân gặp nhau ngọt như mật, nhưng ít hôm trở mặt, thành cay đắng khổ đau. Các vị Thánh nhân dạy không khác nhau bao nhiêu. Cho nên ở đây Phật dạy bớt đắm yêu và oán thù, thì sẽ bớt đau khổ.
Thế nên chớ đắm yêu, vì đắm yêu bị biệt ly là khổ. Nếu không còn những niệm yêu ghét thì không điều gì ràng buộc được.
Như đã nói người yêu thương nhiều mà xa lìa là khổ, nhưng chưa xa lìa mà làm gì trái ý vẫn khổ như thường. Thí dụ như mẹ thương con, lúc nào cũng muốn con siêng năng học giỏi, nhưng nó lười biếng và học dở thì bực bội buồn rầu. Đó cũng phát xuất từ lòng thương, rồi lo lắng mà trở thành khổ. Nên Phật dạy chớ chìm đắm trong yêu thương vì yêu thương mà bị xa lìa thì nhất định phải khổ. Người không còn niệm yêu ghét, thì không bị khổ sở ràng buộc.
Người đời không yêu thì ghét, chứ ít có sự trung bình. Phật dạy chúng ta tập sống bằng lý trung đạo, nếu ngả bên này bên kia thì khổ. Người thế gian không hiểu thì yêu ghét nhiều, chúng ta là Phật tử giảm bớt lòng thương ghét, thì tâm hồn được nhẹ nhàng an ổn.
Từ hỷ ái sinh lo, từ hỷ ái sanh sợ; xa lìa hết hỷ ái, chẳng còn lo sợ gì.
Do ưa thích nên sanh lo sợ, nếu xa lìa ưa thích thì không còn lo sợ. Thí dụ có món đồ quý mình thích quá, lúc nào cũng lo giữ gìn sợ ai đụng tới thì hư bể. Cho nên ưa thích là gốc của lo sợ, khi dứt được ưa thích thì hết lo sợ. Cũng như người ưa thích thân này nên luôn sợ đau, sợ đói lạnh, sợ chết. Nếu coi thân này như gốc cây mục thì hết lo sợ. Vì vậy cái khổ không ai mang đến mà xuất phát từ tâm ưa thích của mình.
Từ thân ái sanh lo, từ thân ái sanh sợ; xa lìa hết tham ái, chẳng còn lo sợ gì.
Từ tham dục sanh lo, từ tham dục sanh sợ; xa lìa hết tham dục, chẳng còn lo sợ gì.
Khi nào con người hết ái nhiễm tham dục, thì không còn lo sợ. Tham dục là đam mê ưa thích ngũ dục.
Từ dục lạc sanh lo, từ dục lạc sanh sợ; xa lìa hết dục lạc, chẳng còn lo sợ gì.
Từ ái dục sanh lo, từ ái dục sanh sợ; xa lìa hết ái dục, chẳng còn lo sợ gì.
Ưa thích ngũ dục thì còn lo sợ, hết ưa thích thì hết lo sợ. Ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Thí dụ có người đang giữ một chức vụ cao, có uy quyền và rất thích danh, nên sợ người ta hạ mình xuống thì mất hết quyền uy danh vọng. Vì vậy họ lo bảo vệ địa vị của mình, mà có lo thì có sợ, đó là khổ. Khi chúng ta dứt hết lòng ái dục, thì không còn gì lo sợ.
Đầy đủ giới hạnh và chánh kiến, an trú chánh pháp, rõ lý chân thường và viên mãn các công hạnh, là người đáng kính mến.
Người đáng cho mọi người kính mến, phải có năm điều. Một là đủ giới hạnh, hai là có chánh kiến, ba là an trú trong chánh pháp, bốn là rõ được lý chân thường, năm là viên mãn các công hạnh.
Người xuất gia phải giữ mười giới hoặc hai trăm năm mươi giới, người tại gia giữ năm giới, tám giới hoặc thập thiện. Thọ giới nào giữ giới ấy, là đầy đủ giới hạnh. Có chánh kiến là nhận định đúng lý nhân quả và giáo pháp của Phật. An trụ trong chánh pháp, là sống và làm việc phù hợp với chánh pháp. Rõ được lý chân thường là thấu suốt lý Tứ đế. Giới định tuệ đầy đủ thì công hạnh tu hành viên mãn. Người như thế thì xứng đáng cho người khác kính trọng.
Khát cầu pháp ly ngôn, sung mãn tâm cứu xét, không đắm mê dục lạc, ấy là bậc thượng lưu.
Những lời đức Phật dạy thì gọi là pháp, như Tứ đế, Bát thánh đạo, những pháp đó đều là ngôn thuyết chứ chưa phải là ly ngôn. Khi nghe đức Phật nói Tứ thánh đế rồi áp dụng tu, chứng được Tứ thánh đế, sự chứng pháp đó chỉ tự mình biết và nhận ra, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, như người uống nước lạnh nóng tự biết, gọi là pháp ly ngôn. Người tu lúc nào cũng khao khát mong mỏi chứng được pháp này.
Sung mãn tâm cứu xét là chánh tư duy, quán chiếu tâm mình và sự vật bên ngoài. Thí dụ khi nghe Phật dạy lý nhân duyên, vô thường vô ngã. Tâm luôn suy xét nên không còn đắm nhiễm tất cả dục lạc, gọi là bậc thượng lưu. Thượng lưu là người chứng được quả Bất hoàn, là quả thứ ba trong bốn quả Thanh văn, còn gọi là A-na-hàm.
Người khách ly hương lâu ngày, khi từ phương xa trở về yên ổn, được bà con thân hữu đón mừng thế nào, thì người tạo phước nghiệp cũng vậy, khi từ cõi đời này sang cõi đời khác, phước nghiệp của họ là kẻ thân hữu đón mừng họ.
Mỗi khi đi xa về được bà con đón mừng chào hỏi vui vẻ, đó là tình thương của người thân dành cho mình. Cũng vậy hằng ngày chúng ta làm việc phước thiện, tuy hiện đời chưa thấy kết quả, nhưng khi bỏ thân này để mang thân kế, lúc đó phước nghiệp đón tiếp chúng ta như bà con đón tiếp người thân của mình đi xa về.
Ngược lại người tạo nghiệp bất thiện, ác nghiệp sẽ chực đón họ như kẻ thù cầm gậy đứng sẵn để hành phạt. Vì vậy Phật nhắc người Phật tử sống phải biết tư lương là lo tích chứa phước nghiệp, để khi bỏ thân này mang thân khác, sẽ có những điều tốt đẹp sẵn sàng chào đón mình.
Thí dụ người có của, gửi ở bên Pháp một số tiền khá nhiều, anh em ở bên đó cũng khá đông. Bây giờ đủ duyên lên máy bay sang Pháp, lúc đó không lo sợ, vì đã có sẵn tiền bạc và thân hữu, gọi là có sẵn tư lương. Cũng có người qua Pháp, chỉ có tiền mua vé máy bay, mà bên đó không có bà con, cũng không có tiền tiết kiệm. Cho nên khi lên máy bay tâm hồi hộp lo âu, không biết qua bên đó ở đâu, làm gì, lấy tiền đâu để sống. Bao nhiêu nỗi lo dồn dập, vì ra đi không có chút tư lương, là cả một vấn đề đau khổ.
Phật dạy người nào sắp chết mà thấy gương mặt hoan hỷ thì người đó có phước nghiệp, sẽ sanh ở các cõi lành. Người sắp chết mà thấy gương mặt héo sầu, nhăn nheo sợ sệt thì biết rằng họ sanh ở cõi khổ. Bởi vì người tạo ác nghiệp, khi vừa bỏ thân này, do ác nghiệp chiêu cảm, liền thấy những cảnh hung dữ hiện ra khiến tâm họ hoảng sợ, tướng xấu hiện trên gương mặt. Ngược lại người làm lành khi gần tắt thở, thấy bà con thân quyến hoặc thấy Phật đến đón thì trong lòng hoan hỷ, nên nét mặt vui tươi, đó là do phước lành mà có tướng trạng như thế.
Đức Phật dạy những điều này là lẽ thật, tại mắt phàm không thấy, nên phải mượn những hình ảnh cụ thể ở thế gian để thấy mà cố gắng. Vì vậy người Phật tử phải lo tư lương, để ngày nào ra đi được an ổn không lo sợ.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |