Khi ấy ở trong thành lớn Tỳ-da-ly có trưởng giả tên Duy Ma Cật, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật và sâu trồng cội lành, được vô sanh nhẫn. Biện tài vô ngại, du hý thần thông, được các tổng trì. Được vô sở úy, hàng phục ma oán. Vào sâu trong pháp môn, khéo dùng trí độ người, thông suốt phương tiện, đại nguyện thành tựu. Biết rõ chỗ thú hướng của tâm chúng sanh, lại hay phân biệt các căn lợi độn, ở lâu trong Phật đạo, tâm đã thuần thục, quyết định Đại thừa. Và mỗi hành vi tạo tác hay khéo suy lường. Giữ gìn oai nghi của Phật, tâm rộng như biển cả, chư Phật khen ngợi, hàng đệ tử, Đế-thích, Phạm vương, hoặc vua thế gian thảy đều cung kính.
Vì muốn độ người, khéo dùng phương tiện, ở thành Tỳ-da-ly đem của cải vô lượng thu nhiếp những người nghèo khổ. Giữ giới thanh tịnh để nhiếp phục những người phá hủy giới cấm. Dùng nhẫn nhục để điều phục những người nóng giận. Dùng đại tinh tấn để nhiếp phục những người lười biếng. Dùng nhất tâm thiền tịch để nhiếp phục những người loạn ý. Dùng trí tuệ quyết định để nhiếp phục những người vô trí. Tuy làm cư sĩ mà vâng giữ giới luật, thực hành hạnh thanh tịnh của Sa môn. Tuy là người tại gia mà không đắm nhiễm ba cõi. Thị hiện có vợ con mà thường tu Phạm hạnh. Hiện có quyến thuộc mà thường ưa sự xa lìa. Tuy mặc đồ trang sức đẹp đẽ mà dùng tướng hảo để trang nghiêm thân. Tuy cũng ăn uống mà dùng thiền duyệt làm vị. Hoặc đến chỗ cờ bạc hát xướng, đều vì nhiếp độ họ. Ông thọ học các đạo khác mà không hủy hoại chánh tín. Tuy thông suốt kinh sách thế gian mà thường ưa Phật pháp. Cung kính tất cả là sự cúng dường bậc nhất. Ông giữ gìn chánh pháp, nhiếp độ người lớn và trẻ nhỏ. Tất cả sự sinh sống đều hài hòa, tuy được sự lợi ích thế gian mà không lấy làm vui.
Ông dạo nơi các ngã tư đường làm lợi ích chúng sanh. Vào chỗ chính trị lấy pháp cứu hộ tất cả. Vào chỗ giảng luận hướng dẫn người về Đại thừa. Vào các trường học để dẫn dắt trẻ thơ. Vào những chỗ dâm xá để chỉ lỗi lầm của dục. Vào quán rượu để giúp họ lập chí. Nếu ở trong hàng trưởng giả, là bậc tôn quý trong hàng trưởng giả, vì họ nói pháp thù thắng. Nếu ở trong cư sĩ, là bậc tôn quý trong hàng cư sĩ, vì họ đoạn trừ tâm tham trước. Nếu ở trong dòng Sát-đế-lợi, là bậc tôn quý trong dòng Sát-đế-lợi, dạy họ phương pháp nhẫn nhục.
Nếu ở trong dòng Bà la môn, là bậc tôn quý trong dòng Bà la môn, trừ ngã mạn cho họ. Nếu ở nơi đại thần, là bậc tôn quý trong hàng đại thần, dùng chánh pháp dạy họ. Nếu trong hàng vương tử, là bậc tôn quý trong hàng vương tử, chỉ dạy họ trung hiếu. Nếu ở nội quan, là bậc tôn quý trong hàng nội quan, giáo hóa họ làm người cung nữ chân chánh. Nếu ở chỗ thứ dân, là bậc tôn quý trong hàng thứ dân, dạy họ làm điều phước lành. Nếu ở chỗ Phạm thiên, là bậc tôn quý trong Phạm thiên, dạy bảo họ trí tuệ thù thắng. Nếu ở trong trời Đế-thích, là bậc tôn quý trong Đế-thích, thị hiện cảnh vô thường. Nếu ở trong cõi trời Hộ Thế, là bậc tôn quý trong trời Hộ Thế, bảo hộ các chúng sanh.
Trưởng giả Duy Ma Cật dùng vô lượng phương tiện như thế để làm lợi ích chúng sanh.
Ông dùng phương tiện hiện thân có bệnh. Vì ông có bệnh nên quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, Bà-la-môn… và hàng vương tử cùng với các quan lại quyến thuộc khác, vô số ngàn người đều đến thăm bệnh ông. Những người đến thăm, ông Duy Ma Cật nhân đó dùng thân bệnh vì họ rộng nói pháp:
– Này các nhân giả! Thân này là vô thường, không mạnh mẽ, không sức lực, không bền bỉ, là pháp chóng hư hoại, không thể tin được vậy. Nó là khổ, là não, là chỗ nhóm họp của các bệnh.
Này các nhân giả, thân này như thế, người trí sáng suốt không nên nương cậy vào nó. Thân này như chùm bọt, không thể nắm bắt. Thân này như bong bóng nước, không được lâu bền. Thân này như sóng nắng, từ khát ái sanh. Thân này như cây chuối, ở trong không có lõi chắc. Thân này như huyễn hóa, từ điên đảo dấy khởi. Thân này như mộng, do thấy hư dối mà thành. Thân này như bóng, từ nơi nghiệp duyên hiện. Thân này như vang, thuộc về các nhân duyên. Thân này như mây nổi, trong chốc lát biến diệt. Thân này như làn điện chớp, niệm niệm không dừng. Thân này không chủ, như là đất. Thân này không có ngã, như là lửa. Thân này không thọ mạng, như là gió. Thân này không có nhân, như là nước. Thân này không thật, do tứ đại làm nhà. Thân này là không, lìa ngã và ngã sở. Thân này là vô tri, như cỏ cây ngói gạch. Thân này không tạo tác, do sức gió mà chuyển. Thân này nhơ nhớp, ô uế dẫy đầy. Thân này là hư dối, tuy nhờ do tắm gội ăn mặc, tất phải trở về tiêu tan. Thân này là tai họa, một trăm lẻ một bệnh làm não loạn. Thân này như gò giếng, bị cái già bức bách. Thân này không chắc chắn, rốt cuộc phải chết. Thân này như rắn độc, như kẻ giặc thù, như xóm rỗng, vì do ấm giới các nhập chung hợp mà thành.
Này các nhân giả, thân này là tai họa đáng chán, phải ưa thích thân Phật. Vì cớ sao? Thân Phật tức là pháp thân. Từ vô lượng công đức trí tuệ sanh, từ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến sanh, từ từ bi hỷ xả sanh, từ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nhu hòa, siêng năng hành tinh tấn, thiền định, giải thoát tam-muội, đa văn, trí tuệ, các ba-la-mật sanh, từ phương tiện sanh, từ lục thông sanh, từ tam minh sanh, từ ba mươi bảy phẩm trợ đạo sanh, từ chỉ quán sanh, từ thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp sanh, từ đoạn tất cả pháp bất thiện, nhóm họp tất cả các pháp thiện sanh, từ chân thật sanh, từ không phóng dật sanh. Từ vô lượng pháp thanh tịnh như thế mà sanh thân Như Lai.
Chư nhân giả, muốn được thân Phật, đoạn tất cả bệnh của chúng sanh, phải phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Như thế ông Duy Ma Cật vì các người đến thăm bệnh, tùy mỗi người mà nói pháp, làm cho vô số ngàn người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.