Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

01. Phẩm Phật Quốc



Tôi nghe như vầy: Một hôm Phật ở thành Tỳ-da-ly, vườn cây am-la, cùng với chúng đại Tỳ-kheo tám ngàn người chung hội, Bồ-tát có ba muôn hai ngàn vị là những bậc có tiếng tăm, đại trí bản hạnh thảy đều thành tựu. Do oai thần của chư Phật mà dựng lập nên, là thành để hộ pháp và thọ trì chánh pháp. Các vị Bồ-tát đó hay rống tiếng rống sư tử, danh tiếng đồn đãi khắp mười phương. Các ngài làm bạn không đợi chúng thỉnh, đến để an ủi họ. Và nối tiếp Tam bảo, hay khiến không đoạn dứt. Hàng phục các ma quái và chế ngự chúng ngoại đạo.

Các ngài đều đã thanh tịnh, hằng lìa triền cái. Tâm thường an trụ trong vô ngại giải thoát. Nào là niệm, định, tổng trì, biện tài không dứt. Nào là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ và sức phương tiện thảy đều đầy đủ, đều không sở đắc, không khởi pháp nhẫn.

Đã hay tùy thuận chuyển bánh xe bất thối. Khéo hiểu pháp tướng, biết được căn cơ của chúng sanh. Che chở các đại chúng được vô sở úy, dùng công đức trí tuệ để tu tâm, lấy tướng hảo để trang nghiêm sắc thân làm đệ nhất, xả bỏ hết các đồ trang sức ở thế gian.

Danh tiếng của các ngài cao xa, vượt cả núi Tu-di. Lòng tin vững chắc như kim cương. Pháp bảo này soi khắp như mưa nước cam lồ. Ở trong chúng nói pháp vi diệu đệ nhất. Các ngài thâm nhập được lý duyên khởi và đoạn các tà kiến, không dính mắc hai bên có không và không còn những tập khí thừa. Diễn pháp không sợ, như sư tử rống, những lời của các ngài giảng nói ra như tiếng sấm vang, không có lượng và đã quá hạn lượng.

Nhóm họp các pháp bảo, như hải đạo sư, thấu suốt nghĩa thâm diệu của các pháp. Khéo biết chỗ qua lại và tâm sở hành của chúng sanh. Gần bậc Phật vô đẳng đẳng, tự tại tuệ, thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng. Các vị Bồ-tát này đã đóng cửa tất cả các đường ác mà sanh trong ngũ thú để hiện thân kia.

Các ngài là vua thầy thuốc, khéo trị lành bệnh cho chúng sanh, hợp với bệnh cho thuốc, khiến đều được lành bệnh. Các ngài vô lượng công đức thảy đều thành tựu, vô lượng cõi Phật thảy đều trang nghiêm thanh tịnh. Ai thấy hay nghe được các ngài đều có lợi ích. Những việc làm của các ngài đều không luống uổng. Như thế tất cả công đức thảy đều đầy đủ.

Tên của các ngài là Bồ-tát Đẳng Quán, Bồ-tát Bất Đẳng Quán, Bồ-tát Đẳng Bất Đẳng Quán, Bồ-tát Định Tự Tại Vương, Bồ-tát Pháp Tự Tại Vương, Bồ-tát Pháp Tướng, Bồ-tát Quang Tướng, Bồ-tát Quang Nghiêm, Bồ-tát Đại Nghiêm, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Biện Tích, Bồ-tát Bảo Thủ, Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Thường Cử Thủ, Bồ-tát Thường Hạ Thủ, Bồ-tát Thường Thảm, Bồ-tát Hỷ Căn, Bồ-tát Hỷ Vương, Bồ-tát Biện Âm, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Chấp Bảo Cự, Bồ-tát Bảo Dũng, Bồ-tát Bảo Kiến, Bồ-tát Đế Võng, Bồ-tát Minh Võng, Bồ-tát Vô Duyên Quán, Bồ-tát Huệ Tích, Bồ-tát Bảo Thắng, Bồ-tát Thiên Vương, Bồ-tát Hoại Quỷ, Bồ-tát Điện Đức, Bồ-tát Tự Tại Vương, Bồ-tát Công Đức Tướng Nghiêm, Bồ-tát Sư Tử Hống, Bồ-tát Lôi Âm, Bồ-tát Sơn Tướng Kích Âm, Bồ-tát Hương Tượng, Bồ-tát Bạch Hương Tượng, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Diệu Sanh, Bồ-tát Hoa Nghiêm, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đắc Đại Thế, Bồ-tát Phạm Võng, Bồ-tát Bảo Trượng, Bồ-tát Vô Thắng, Bồ-tát Nghiêm Độ, Bồ-tát Kim Kế, Bồ-tát Châu Kế,  Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử… Như thế ba muôn hai ngàn vị.

Lại có muôn vị Phạm thiên, Phạm thiên vương, Thi Khí… từ ở tứ thiên hạ khác đến chỗ Phật để nghe pháp. Lại có một muôn hai ngàn thiên đế cũng từ ở tứ thiên hạ khác đến, ngồi ở trong hội. Cùng những vị Chư thiên đại oai lực, Long thần, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già… thảy đến ngồi trong hội. Những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều đến ngồi ở trong hội.

Bấy giờ Phật cùng vô lượng trăm ngàn chúng cung kính vây quanh mà vì họ nói pháp, ví như núi chúa Tu-di hiển hiện trong biển cả, ngài ngồi yên trên tòa báu sư tử che trùm khắp cả đại chúng.

Khi ấy ở thành Tỳ-da-ly có ông trưởng giả tên là Bảo Tích, cùng với năm trăm trưởng giả đều mang lọng bảy báu đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, mỗi vị lấy lọng của mình dâng lên cúng dường Phật. Phật dùng oai lực khiến cho các lọng báu hợp lại thành một cái, che khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, mà những tướng của thế giới rộng lớn này thảy đều hiện ở trong đó. Lại có các núi Tu-di, núi Vân, núi Tuyết, núi Mục-chân-lân-đà, núi Ma-ha Mục-chân-lân-đà, núi Hương, núi Bảo, núi Kim, núi Hắc, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, biển cả sông ngòi, các dòng suối và mặt trời mặt trăng,  tinh tú, thiên cung, long cung, cung của các vị tôn thần ở tam thiên đại thiên thế giới này, thảy đều hiện trong cái lọng báu ấy. Lại chư Phật ở mười phương, chư Phật đang nói pháp, cũng đều hiện ở trong lọng báu ấy.

Khi ấy tất cả đại chúng xem thấy thần lực của Phật liền tán thán là điều chưa từng có, đều chắp tay lễ Phật, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt không hề rời. Bấy giờ trưởng giả Bảo Tích liền ở trước Phật làm bài tụng để tán thán:

Mắt Phật đẹp như hoa sen xanh,

Tâm tịnh vượt qua các thiền định;

Tịnh nghiệp lâu đời chẳng kể xiết,

Dùng tịch dẫn chúng nên cúi lạy.

Đã thấy Đại thánh dùng thần biến,

Khắp hiện mười phương vô lượng cõi;

Trong đấy chư Phật diễn nói pháp,

Nơi đây tất cả đều thấy nghe.

Pháp lực của Phật vượt quần sanh,

Thường dùng pháp tài thí tất cả;

Hay khéo phân biệt tướng các pháp,

Nơi nghĩa đệ nhất mà không động;

Đối với các pháp được tự tại,

Nên con cúi đầu lễ Pháp vương.

Nói pháp chẳng có cũng chẳng không,

Do nhân duyên nên các pháp sanh;

Vô ngã, vô tạo, vô thọ giả,

Mà nghiệp thiện ác cũng không mất.

Trước sức hàng ma nơi Phật thọ,

Được cam lồ diệt, thành đạo giác;

Đã không tâm ý không thọ hành,

Mà đều hàng phục các ngoại đạo.

Ba phen chuyển pháp cõi đại thiên,

Pháp ấy xưa nay thường thanh tịnh;

Trời người đắc đạo đó là chứng,

Tam bảo bấy giờ hiện thế gian.

Dùng pháp mầu này độ chúng sanh,

Thọ rồi không lui, thường vắng lặng;

Khỏi già bệnh chết đấng Y vương,

Lạy ngôi Pháp hải đức không lường.

Khen chê chẳng động như Tu-di,

Lòng từ chan rải kẻ lành dữ;

Tâm hạnh bình đẳng như hư không,

Nghe đấng Nhân bảo, ai chẳng kính.

Nay dâng Thế Tôn lọng nhỏ này,

Cõi tam thiên con hiện trong đó;

Thiên cung, long, thần… đều nương ở,

Càn-thát-bà cùng với Dạ-xoa;

Mọi vật trong đời đều thấy rõ,

Phật thương hiện ra biến hóa này;

Thấy việc hy hữu chúng khen Phật,

Con nay lễ đấng Tam giới tôn.

Đại thánh Pháp vương chúng quy ngưỡng,

Tâm tịnh quán Phật thảy vui vẻ;

Đều thấy Thế Tôn ở trước mình,

Đây là thần lực pháp bất cộng.

Phật dùng một tiếng diễn nói pháp,

Chúng sanh tùy loại, thảy được hiểu;

Đều bảo Thế Tôn đồng tiếng mình,

Đây là thần lực pháp bất cộng.

Phật dùng một tiếng diễn nói pháp,

Chúng sanh chỗ hiểu tùy mỗi hạng;

Khắp được thọ hành đều lợi ích,

Đây là thần lực pháp bất cộng.

Phật dùng một tiếng diễn nói pháp,

Hoặc có sợ hãi, hoặc vui mừng;

Hoặc sanh nhàm lìa hoặc dứt nghi,

Đây là thần lực pháp bất cộng.

Kính lễ thập lực đại tinh tấn,

Kính lễ bậc được vô sở úy;

Kính lễ bậc trụ Pháp bất cộng,

Kính lễ tất cả Đại đạo sư;

Kính lễ hay đoạn các kiết phược,

Kính lễ bậc đã đến bờ kia;

Kính lễ hay độ các thế gian,

Kính lễ hằng lìa đường sanh tử.

Thảy biết chúng sanh tướng qua lại,

Khéo nơi các pháp được giải thoát;

Không chấp thế gian như hoa sen,

Thường khéo vào nơi hạnh không tịch;

Đạt các pháp tướng không quái ngại,

Lễ đấng không nương tợ hư không.

Khi ấy ông trưởng giả Bảo Tích nói kệ này rồi bạch Phật rằng:

– Bạch Thế Tôn! Năm trăm ông trưởng giả này đều đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mong được nghe cõi Phật thanh tịnh. Cúi mong Thế Tôn nói hạnh của các vị Bồ-tát ở cõi Phật thanh tịnh.

Phật bảo:

– Lành thay! Bảo Tích, mới hay vì chư Bồ-tát mà hỏi hạnh của Như Lai ở cõi tịnh. Lắng nghe, lắng nghe! Hãy khéo suy nghĩ, tôi sẽ vì ông nói.

Khi ấy Bảo Tích và năm trăm ông trưởng giả vâng lời Phật dạy lắng nghe. Phật bảo:

– Bảo Tích, những loài chúng sanh là cõi Phật của Bồ-tát. Vì cớ sao? Bồ-tát tùy chỗ hóa độ chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy chỗ điều phục chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào vào được trí tuệ Phật mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào phát khởi căn tánh Bồ-tát mà nhận lấy cõi Phật. Vì cớ sao? Bồ-tát nhận lấy cõi tịnh độ, đều vì lợi ích cho chúng sanh. Ví như có người muốn nơi chỗ đất trống xây dựng nhà cửa lâu đài, tùy ý không trở ngại. Nếu ở trong hư không thì trọn không thể xây dựng được. Bồ-tát cũng như thế, vì thành tựu chúng sanh nên nguyện nhận lấy cõi Phật, nguyện nhận lấy cõi Phật chẳng phải là nguyện suông.

Bảo Tích nên biết! Trực tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh không dua nịnh được sanh về cõi nước kia.

Thâm tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nào đầy đủ công đức mới được sanh về cõi nước kia.

Bồ-đề tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nào phát tâm Đại thừa sẽ được sanh vào cõi nước đó.

Bố thí là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh hay xả bỏ tất cả được sanh về cõi nước kia.

Trì giới là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nào thực hành mười điều thiện, hạnh nguyện đầy đủ, sẽ được sanh về cõi nước kia.

Nhẫn nhục là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt sẽ sanh về cõi nước kia.

Tinh tấn là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, tất cả những chúng sanh siêng năng tinh tấn đầy đủ công đức thì sanh về cõi nước kia.

Thiền định là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh nhiếp tâm không loạn thì được sanh về cõi nước kia.

Trí tuệ là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, tất cả những chúng sanh chánh định thì được sanh về cõi nước kia.

Tứ vô lượng tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh thành tựu từ bi hỷ xả sẽ được sanh về cõi nước kia.

Tứ nhiếp pháp là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, chúng sanh được nhiếp phục giải thoát sẽ sanh về cõi nước kia.

Phương tiện là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, chúng sanh đối tất cả pháp khéo phương tiện không ngăn ngại thì được sanh về cõi nước kia.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, những chúng sanh được niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn lực, giác chi, bát chánh đạo, được sanh về cõi kia.

Hồi hướng tâm là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật được tất cả công đức đầy đủ ở cõi Phật.

Nói trừ tám nạn ấy là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật, cõi nước không có ba đường ác và tám nạn.

Tự giữ giới hạnh chẳng có chê bai khuyết điểm của người khác, ấy là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật thì cõi nước không có danh từ phạm giới.

Thập thiện là tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-tát khi thành Phật thì những chúng sanh mạng không bị chết yểu, giàu có, Phạm hạnh, nói ra những lời chân thật, thường nói lời nhỏ nhẹ, quyến thuộc không chia lìa, khéo điều hòa các sự thưa kiện, nói ra đều lợi ích cho người, không tật đố, không nóng giận, được chánh kiến sẽ được sanh về cõi nước kia.

Như thế Bảo Tích, Bồ-tát tùy tâm ngay thẳng kia thì hay phát hạnh. Tùy phát hạnh đó liền được thâm tâm. Tùy thâm tâm kia ắt ý được điều phục. Tùy tâm ý điều phục ắt là được việc làm như lời nói.

Khi lời nói việc làm đi đôi, mới hay hồi hướng. Tùy hồi hướng đó mà tiến tới phương tiện.

Tùy phương tiện ắt thành tựu chúng sanh. Tùy thành tựu chúng sanh ắt được cõi Phật thanh tịnh. Tùy cõi Phật thanh tịnh ắt nói pháp được thanh tịnh. Tùy nói pháp thanh tịnh đó thì trí tuệ thanh tịnh.

Tùy trí tuệ thanh tịnh, tâm được thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh ắt tất cả công đức được thanh tịnh.

Thế nên Bảo Tích, nếu Bồ-tát muốn được cõi tịnh độ phải tịnh tâm kia. Tùy tâm kia tịnh thì cõi Phật tịnh.

Khi ấy ngài Xá-lợi-phất nương nơi oai thần của Phật, khởi nghĩ thế này: “Nếu tâm của Bồ-tát thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh, đức Thế Tôn của ta ngày xưa khi làm Bồ-tát, ý đâu chẳng thanh tịnh, mà cõi Phật này bất tịnh như thế ấy?”

Phật biết ý nghĩ của ngài Xá-lợi-phất, liền bảo ngài rằng:

– Ý ông nghĩ sao, mặt trời mặt trăng há chẳng sáng ư, mà người mù không thể thấy?

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

– Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Lỗi là tại người mù, chứ không phải lỗi tại mặt trời mặt trăng.

Phật bảo:

– Xá-lợi-phất! Vì chúng sanh tội chướng không thấy được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh của Như Lai, chẳng phải lỗi của Như Lai. Này Xá-lợi-phất, cõi nước này của ta thanh tịnh mà ông không thấy.

Khi đó Phạm vương Loa Kế nói với ngài Xá-lợi-phất:

– Chớ khởi nghĩ cõi Phật này là không thanh tịnh. Vì cớ sao? Tôi thấy cõi Phật thanh tịnh của Đức Thích Ca Mâu Ni ví như là cung của vua trời Tự-tại vậy.

Ngài Xá-lợi-phất nói:

– Tôi thấy cõi này gò nổng hầm hố, gai góc cát sỏi, đất đá núi non, nhơ nhớp dẫy đầy.

Phạm vương Loa Kế mới nói:

– Tâm nhân giả có cao thấp, không nương nơi trí tuệ Phật, cho nên thấy cõi này ô uế như vậy. Thưa ngài Xá-lợi-phất, Bồ-tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh nương nơi trí tuệ Phật, hay thấy cõi Phật thanh tịnh.

Bấy giờ Phật dùng ngón chân ấn xuống đất, liền khi đó tam thiên đại thiên thế giới, bao nhiêu trăm ngàn trân bảo trang sức, ví như là cõi nước Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm của Đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng khen ngợi việc chưa từng có và đều tự thấy đang ngồi trên tòa sen báu. Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

– Ông hãy xem, cõi nước Phật trang nghiêm thanh tịnh chăng ?

Ngài Xá-lợi-phất thưa:

– Thưa vâng, Bạch Thế Tôn! Từ trước đến giờ con chưa từng thấy, chưa từng nghe, nay cõi nước Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh.

Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

– Cõi nước của ta thường thanh tịnh như thế, nhưng vì muốn độ những kẻ căn cơ hạ liệt, nên thị hiện ra cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như Chư thiên cùng một bát báu đựng thức ăn, tùy phước đức của những người kia mà sắc cơm trong bát có sai khác. Như thế Xá-lợi-phất, nếu người tâm tịnh sẽ thấy cõi này công đức trang nghiêm.

Ngay khi đức Phật hiện cõi nước trang nghiêm thanh tịnh này, năm trăm trưởng giả do ngài Bảo Tích dẫn theo đều được Vô sanh pháp nhẫn, tám muôn bốn ngàn người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật nhiếp thần túc, khi ấy thế giới trở lại như cũ. Ba muôn hai ngàn Chư thiên và những người cầu Thanh văn thừa, đều biết pháp hữu vi thảy đều vô thường, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Tám ngàn Tỳ-kheo không thọ các pháp, lậu tận ý giải.

 


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.