Nội dung:
Khi ấy trưởng giả Duy Ma Cật tự nghĩ, nằm bệnh trên giường, Thế Tôn là đấng đại từ, đâu chẳng thương xót.
Phật biết ý ông Duy Ma Cật, liền bảo ngài Xá-lợi-phất:
– Ông hãy đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, từng ở trong rừng ngồi yên dưới cội cây, khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con: “Thưa ngài Xá-lợi-phất, không hẳn ngồi thế ấy là ngồi yên. Phàm ngồi yên thì ở tam giới mà không hiện thân ý, ấy là ngồi yên. Không khởi Diệt tận định mà hiện các oai nghi, ấy là ngồi yên. Không bỏ đạo pháp mà hiện việc phàm phu, ấy là ngồi yên. Tâm không trụ trong cũng không ở ngoài, ấy là ngồi yên. Đối các kiến chấp không động mà tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ấy là ngồi yên. Không đoạn phiền não mà vào Niết bàn, ấy là ngồi yên. Nếu có thể ngồi như thế thì Phật sẽ ấn chứng cho.”
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con nghe những lời nói này, lặng thinh mà thôi, không thể nào đáp được. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Phật bảo ngài Đại Mục-kiền-liên:
– Ông đi đến thăm bệnh Duy Ma Cật.
Ngài Mục-kiền-liên bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa vào đại thành Tỳ-da-ly, ở trong đường hẻm, vì các người cư sĩ nói pháp. Khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con:
“Thưa ngài Đại Mục-kiền-liên, vì bạch y cư sĩ nói pháp, không phải như nhân giả đã nói. Phàm nói pháp phải như pháp mà nói. Pháp không có chúng sanh vì lìa chúng sanh cấu. Pháp không có ngã vì lìa ngã cấu. Pháp không thọ mạng vì lìa sanh tử. Pháp không có người vì mé trước mé sau dứt. Pháp thường lặng lẽ vì diệt các tướng. Pháp lìa nơi tướng vì không có sở duyên. Pháp không có danh tự vì ngôn ngữ đoạn. Pháp không có thuyết vì lìa giác quán. Pháp không hình tướng vì như hư không. Pháp không hý luận vì cứu cánh không. Pháp không ngã sở vì lìa ngã sở. Pháp không phân biệt vì lìa các thức. Pháp không so sánh vì lìa đối đãi. Pháp chẳng thuộc nhân vì không thuộc duyên. Pháp đồng pháp tánh vì vào các pháp. Pháp tùy nơi như vì không chỗ tùy. Pháp trụ thật tế vì các bên không động. Pháp không dao động vì chẳng nương nơi sáu trần. Pháp không đến đi vì thường không trụ. Pháp thuận không, tùy vô tướng, ứng vô tác. Pháp lìa đẹp xấu, pháp không tăng giảm, pháp không sanh diệt, pháp không chỗ trở về. Pháp vượt ra ngoài mắt tai mũi lưỡi thân tâm. Pháp không cao thấp, pháp thường trụ chẳng động, pháp lìa tất cả quán hạnh.
“Thưa ngài Đại Mục-kiền-liên, pháp tướng như thế, há có thể nói ư ?
“Phàm người thuyết pháp không nói không chỉ. Người nghe pháp kia không nghe không được. Ví như thầy huyễn vì người huyễn nói pháp. Phải dựng lập ý này mà vì người nói pháp. Phải biết rõ căn cơ chúng sanh có lợi độn, khéo nơi tri kiến không bị chướng ngại, dùng tâm đại bi mà tán thán Đại thừa, nhớ đền ơn Phật, không rời bỏ Tam bảo, sau đó mới nói pháp.”
Khi ông Duy Ma Cật nói lời ấy, tám trăm cư sĩ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con không có biện tài này, thế nên không thể đến thăm bệnh ông được.
Phật bảo ngài Đại Ca-diếp:
– Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Ngài Ca-diếp bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa, con đi khất thực trong xóm nghèo, khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con:
“Thưa tôn giả Đại Ca-diếp, có lòng từ bi mà không rộng khắp, bỏ nhà giàu đến nhà nghèo khất thực. Ngài Ca-diếp, phải trụ nơi pháp bình đẳng, nên theo thứ lớp mà khất thực
“Vì không ăn nên đi khất thực. Vì phá hoại tướng hòa hợp nên nhận thức ăn từng nắm. Vì không thọ nên nhận thức ăn kia. Vì dùng tưởng không tụ vào trong xóm làng. Thấy sắc cùng với người mù đồng, nghe tiếng cùng với âm vang đồng, ngửi mùi hương cùng với gió đồng, nếm vị không phân biệt, thọ các xúc như trí chứng, biết các pháp như tướng huyễn. Không tự tánh, không tha tánh. Vốn tự không sanh, nay cũng không diệt. Này Ca-diếp, nếu hay không xả tám tà vào tám giải thoát, dùng tướng tà vào chánh pháp. Dùng một bữa ăn thí cho tất cả, cúng dường chư Phật và các bậc hiền thánh, sau đó mới có thể ăn. Ăn như thế không phiền não không lìa phiền não. Chẳng vào định ý cũng chẳng khởi định ý. Không trụ thế gian cũng không trụ Niết-bàn. Người thí không có phước lớn không có phước nhỏ, không được lợi ích không bị tổn hại, ấy chính là vào Phật đạo, không y nơi hàng Thanh văn. Ngài Ca-diếp, nếu ăn như thế là không uổng thức ăn của thí chủ.”
Bạch Thế Tôn! Khi con nghe nói lời này rồi, được việc chưa từng có, liền đối với tất cả Bồ-tát sâu khởi tâm cung kính, lại khởi nghĩ thế này: “Đây là hàng danh tiếng được biện tài trí tuệ mới có thể nói được như thế! Ai nghe mà không phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Từ đây về sau, con không dám dùng pháp Thanh văn hay Bích chi Phật để khuyên dạy người thực hành. Thế nên con không kham đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ lại thuở xưa, con vào nhà ông Duy Ma Cật khất thực, khi ấy ông nhận bát của con, sớt thức ăn đầy bát, bảo con rằng:
“Thưa ngài Tu-bồ-đề, nếu đối với thức ăn bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng thì đối với thức ăn cũng bình đẳng. Hành khất thực như thế mới nên nhận lấy thức ăn.
“Nếu ngài Tu-bồ-đề không đoạn tham sân si cũng không chung cùng với nó. Không phá hoại thân mà tùy nhất tướng. Không diệt si ái mà khởi được giải thoát. Do tướng ngũ nghịch mà được giải thoát, cũng không mở không trói. Không thấy tứ đế và không phải không thấy tứ đế. Không được quả cũng không phải không được quả. Không phàm phu, không lìa pháp phàm phu. Không thánh nhân, không chẳng thánh nhân. Tuy thành tựu tất cả pháp mà lìa tướng các pháp, mới có thể nhận thức ăn.
“Nếu ngài Tu-bồ-đề không thấy Phật, không nghe pháp, những lục sư ngoại đạo kia là Phú-lan-na Ca-diếp, Mạt-già lê Câu-xa-lê Tử, San-xà-dạ Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa-xí-xá Kham-bà-la, Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, đó là thầy của ông. Nhờ những lục sư ngoại đạo đó mà ông xuất gia, những ông thầy đó đọa thì ông cũng phải đọa, như vậy mới nên nhận thức ăn.
“Nếu ngài Tu-bồ-đề vào trong các tà kiến không đến bờ kia. Trụ nơi tám nạn, chẳng được không nạn. Đồng với phiền não, lìa pháp thanh tịnh. Ông được Vô tránh tam-muội, tất cả chúng sanh cũng được định ấy. Người thí cho ông không gọi là phước điền. Người cúng dường cho ông rơi vào ba đường ác. Ông và chúng ma nắm tay nhau làm bạn lữ, ông cùng với chúng ma và các trần lao đồng nhau không khác. Đối với tất cả chúng sanh có tâm oán, chê bai Phật hủy báng pháp, không vào chúng tăng, trọn không được diệt độ. Ông nếu như thế mới nên nhận thức ăn.”
Bạch Thế Tôn! Khi con nghe lời nói này, mờ mịt không biết phải nói gì, không biết dùng lời nào để đáp. Con liền để bát xuống, muốn chạy ra khỏi nhà ông. Ông Duy Ma Cật nói:
“Thưa ngài Tu-bồ-đề, nhận bát chớ có sợ. Ý ông nghĩ sao? Như đức Như Lai hóa ra một người, người ấy đem việc này hỏi ông thì ông đâu có sợ phải không?” Con nói: “Không vậy.” Ông Duy Ma Cật nói: “Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa, nay ông không nên sợ. Vì cớ sao? Tất cả lời nói không lìa tướng ấy. Đến với người trí, không chấp văn tự nên không sợ. Vì cớ sao? Tánh văn tự lìa, không có văn tự, ấy là giải thoát. Tướng giải thoát ắt là các pháp vậy.”
Khi ông Duy Ma Cật nói pháp này, hai trăm thiên tử được pháp nhãn trong sạch, thế nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Phật bảo ngài Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử:
– Ông hãy đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Ngài Phú-lâu-na bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đi đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa trong rừng Đại Lâm, ở dưới cội cây vì các vị tân học Tỳ-kheo nói pháp. Khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con:
“Thưa ngài Phú-lâu-na, trước phải nhập định, quán tâm của những người này, sau đó mới nói pháp.
“Không nên đem đồ nhơ để trong bát báu, phải biết tâm niệm của các thầy Tỳ-kheo này, không nên cho lưu ly đồng với thủy tinh kia. Ông không thể biết căn nguyên của chúng sanh, không được dùng pháp Tiểu thừa phát khởi. Những người kia tự không thương tích, ông chớ làm thành thương tích. Muốn đi con đường lớn, chớ chỉ lối nhỏ. Không đem biển cả để vào dấu chân trâu. Không đem ánh sáng mặt trời sánh với ánh sáng đom đóm. Thưa ngài Phú-lâu-na, những vị Tỳ-kheo này xưa kia phát tâm Đại thừa, giữa chừng quên ý này, sao lại dùng pháp Tiểu thừa mà hướng dẫn họ? Tôi xem trí tuệ Tiểu thừa rất là cạn cợt, giống như người mù, không thể phân biệt tất cả căn cơ lợi độn của chúng sanh.”
Khi ấy ông Duy Ma Cật liền nhập định, khiến cho những vị Tỳ-kheo này tự nhớ lại túc mạng, từng ở chỗ năm trăm Đức Phật gieo trồng cội gốc công đức, hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, liền khi đó hoát nhiên nhớ được tâm trước. Lúc đó các thầy Tỳ-kheo này cúi đầu lễ dưới chân ông Duy Ma Cật. Khi ông Duy Ma Cật nhân vì họ nói pháp thì những vị đó đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không còn thối chuyển. Con nghĩ hàng Thanh văn không quán được căn cơ chúng sanh thì không nên nói pháp, thế nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Phật bảo ngài Ma-ha Ca-chiên-diên:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Ngài Ca-Chiên-diên bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, Phật vì các thầy Tỳ-kheo lược nói pháp yếu, con liền sau đó diễn bày nghĩa kia, nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt. Khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con:
“Thưa ngài Ca-chiên-diên, không nên dùng tâm hạnh sanh diệt mà nói pháp thật tướng. Này Ca-chiên-diên, các pháp rốt ráo không sanh không diệt, ấy là nghĩa vô thường. Ngũ thọ ấm rỗng suốt không chỗ khởi, ấy là nghĩa khổ. Các pháp cứu cánh không chỗ có, ấy là nghĩa không. Ngã và vô ngã không hai, ấy là nghĩa vô ngã. Pháp xưa không sanh nay ắt không diệt, ấy là nghĩa tịch diệt.”
Khi ông nói pháp này, những vị Tỳ-kheo đó tâm liền được giải thoát. Cho nên con không thể đến thăm bệnh ông ấy.
Phật bảo ngài A-na-luật:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Ngài A-na-luật bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ lại ngày xưa, ở một chỗ đi kinh hành, khi đó có Phạm vương tên là Nghiêm Tịnh cùng với muôn vị Phạm vương phóng hào quang sáng suốt, đến chỗ của con cúi đầu làm lễ, hỏi con:
“A-na-luật, thiên nhãn của ngài thấy xa được bao nhiêu?” Con liền đáp rằng: “Này nhân giả! Tôi thấy cõi tam thiên đại thiên thế giới của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni này như xem trái am-ma-lặc ở trong lòng bàn tay.”
Khi đó ông Duy Ma Cật đến hỏi con: “Thưa ngài A-na-luật, thiên nhãn của ngài thấy, là làm ra tướng mà thấy hay không làm ra tướng mà thấy? Giả sử làm ra tướng thì cùng với ngũ thông của ngoại đạo không khác. Nếu không làm ra tướng ấy là vô vi, vô vi thì không nên có thấy.”
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con lặng thinh. Những vị Phạm vương kia nghe lời nói này rồi thì được chưa từng có. Liền làm lễ mà hỏi rằng: “Ở trên đời này ai có được chân thiên nhãn?”
Ông Duy Ma Cật đáp: “Có Đức Phật Thế Tôn được chân thiên nhãn, thường ở trong chánh định, thảy đều thấy các cõi chư Phật không do hai tướng.”
Khi ấy, Phạm vương Nghiêm Tịnh và quyến thuộc năm trăm vị Phạm thiên đều được phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lễ dưới chân ông Duy Ma Cật, bỗng nhiên biến mất. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Phật bảo ngài Ưu-ba-ly:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Ngài Ưu-ba-ly bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ lại thuở xưa có hai vị Tỳ-kheo phạm luật hạnh, cho là hổ thẹn không dám hỏi Phật, đến hỏi con:
“Thưa ngài Ưu-ba-ly, chúng tôi phạm giới luật, thật là xấu hổ, không dám đến hỏi Phật, cúi mong ngài giải quyết nghi ngờ cho chúng tôi, để được thoát khỏi những lỗi này!”
Con liền đúng như pháp vì họ giải nói. Khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con: “Thưa ngài Ưu-ba-ly, không nên thêm tội cho hai thầy Tỳ-kheo này! Phải thẳng trừ diệt, chớ có làm nhiễu loạn tâm hai vị ấy. Vì cớ sao? Vì tánh tội không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa, như lời Phật nói tâm cấu nên chúng sanh cấu, tâm tịnh nên chúng sanh tịnh. Tâm cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa, tâm kia như thế, tội cấu như thế, các pháp cũng như thế, không ra ngoài chân như. Như ngài Ưu-ba-ly, khi do tâm tướng được giải thoát, há có cấu chăng?”
Con trả lời: “Không vậy.” Ông Duy Ma Cật nói: “Tất cả chúng sanh tâm tướng không cấu, cũng lại như thế. Thưa ngài Ưu-ba-ly, vọng tưởng là cấu, không vọng tưởng là tịnh. Điên đảo là cấu, không điên đảo là tịnh. Chấp ngã là cấu, không chấp ngã là tịnh. Này ngài Ưu-ba-ly, tất cả pháp sanh diệt không trụ không dừng, như huyễn như điện, các pháp không đối đãi cho đến một niệm cũng không dừng. Các pháp đều là vọng kiến, như mộng, như sóng nắng, như trăng trong nước, như bóng trong gương, do vọng tưởng sanh. Người biết được như thế mới gọi là giữ giới luật. Người biết được như thế, ấy mới gọi là khéo hiểu.”
Khi ấy hai thầy Tỳ-kheo nói: “Thật là thượng trí thay! Ngài Ưu-ba-ly không thể nào bì kịp, ngài là người giữ giới hơn hết mà cũng không thể nói được.”
Con liền đáp: “Ngoài đức Như Lai ra, chưa có hàng Thanh văn hay Bồ-tát nào có thể chế phục được nhạo thuyết biện tài của ông Duy Ma Cật, trí tuệ minh đạt của ông là như vậy đó.”
Lúc bấy giờ hai thầy Tỳ-kheo liền dứt hết các nghi, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và phát nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được biện tài như thế.” Cho nên con không thể đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Phật bảo ngài La-hầu-la:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Ngài La-hầu-la bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa ở thành Tỳ-da-ly, các con ông trưởng giả đến chỗ của con, cúi đầu làm lễ, hỏi con rằng: “Thưa ngài La-hầu-la, ngài là con của Phật, đã bỏ ngôi Chuyển luân thánh vương đi xuất gia hành đạo. Xuất gia đó có những lợi ích gì?”
Con liền đúng như pháp vì họ nói lợi ích của công đức xuất gia. Khi ấy ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng: “Thưa ngài La-hầu-la, không nên nói cái lợi của công đức xuất gia. Vì cớ sao? Không lợi, không công đức, ấy là xuất gia. Pháp hữu vi thì có thể nói có lợi, có công đức. Phàm xuất gia là pháp vô vi, mà trong pháp vô vi thì không lợi, không công đức. La-hầu-la, xuất gia đó không kia không đây, cũng không khoảng giữa. Lìa sáu mươi hai kiến chấp, ở nơi Niết-bàn. Người trí thọ nhận là chỗ sở hành của hàng thánh giả. Hàng phục chúng ma, qua được năm đạo, trong sạch ngũ nhãn, được ngũ lực, lập ngũ căn. Không não hại người khác, lìa các tạp ác. Dẹp phá các ngoại đạo, vượt khỏi các giả danh. Ra khỏi bùn lầy, không bị trói buộc. Không ngã sở, không sở thọ. Không bị nhiễu loạn, trong tâm vui vẻ. Bảo hộ ý kia, tùy thuận thiền định, lìa các lỗi ác. Nếu hay như thế, ấy là chân xuất gia.”
Khi đó ông Duy Ma Cật bảo các con trưởng giả: “Các ông ở trong chánh pháp nên cùng nhau xuất gia. Vì cớ sao? Vì Phật ra đời rất khó được gặp.”
Các con trưởng giả thưa: “Thưa cư sĩ, chúng tôi nghe Phật nói cha mẹ không cho thì không được xuất gia.”
Ông Duy Ma Cật nói: “Đúng vậy! Ngay khi các ông phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó chính là xuất gia, đó chính là thọ giới Cụ túc.”
Khi ấy ba mươi hai người con ông trưởng giả đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Phật bảo ngài A-nan:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.
Ngài A-nan bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, Thế Tôn thân có chút bệnh phải dùng sữa bò, con liền mang bát đến đứng trước cửa nhà đại Bà-la-môn. Khi ấy ông Duy Ma Cật đến hỏi con: “Thưa ngài A-nan, vì sao sáng sớm mang bát đến đứng đây?”
Con đáp: “Này cư sĩ, thân Thế Tôn có chút bệnh phải dùng sữa bò, nên tôi đến đứng đây.”
Ông Duy Ma Cật nói: “Thôi, thôi! A-nan chớ có nói lời ấy. Thân Như Lai là thể kim cang, các ác đã dứt, các thiện đã đầy đủ, sao phải có bệnh, sao phải có não? Lặng lẽ mà đi, A-nan. Chớ phỉ báng Như Lai, chớ cho những người khác nghe lời thô này. Không nên để Chư thiên đầy đủ oai đức và những vị Bồ-tát đến từ các cõi tịnh độ khác nghe được lời nói này. A-nan, vị Chuyển luân thánh vương chỉ có chút ít phước còn được không bệnh, huống chi Như Lai đầy đủ vô lượng phước đức thù thắng đó ư! Hãy đi A-nan! Chớ khiến chúng tôi phải chịu sự hổ thẹn. Ngoại đạo, Phạm chí nếu nghe được lời này thì sẽ khởi nghĩ rằng: “Sao gọi là thầy? Tự mình không thể cứu bệnh mà có thể cứu bệnh cho người khác?” Ngài nên lén đi mau, chớ để cho người nghe. A-nan nên biết, thân Như Lai tức là pháp thân không phải thân tư dục. Phật là bậc Thế Tôn vượt qua cả tam giới. Thân Phật vô lậu, các lậu đã dứt. Thân Phật vô vi, không rơi vào các số. Thân như thế sao còn có bệnh? Sao còn có não?”
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con thật là hổ thẹn, chẳng lẽ con gần Phật mà nghe lầm ư ?
Liền khi ấy ở trong không trung có tiếng: “Này A-nan, đúng như cư sĩ nói. Chỉ vì Phật ra đời nơi ngũ trược ác thế nên thị hiện pháp này để độ thoát chúng sanh. Hãy đi A-nan, nhận lấy sữa chớ hổ thẹn.”
Bạch Thế Tôn! Ông Duy Ma Cật trí tuệ biện tài như thế. Nên con không dám đến thăm bệnh ông.
Như thế năm trăm vị đại đệ tử mỗi vị hướng về Phật nói về bản duyên kia, thuật lại những lời ông Duy Ma Cật, đều nói: “Con không kham đến thăm bệnh ông ấy!”