Không và Có tương quan mật thiết với nhau như bóng với hình. Có bao nhiêu cái có thì cũng có bấy nhiêu cái không. Nếu cái có vô cùng vô tận, thì cái không cũng vô tận vô cùng. Có ở đâu, không ở đấy, và ngược lại, không ở đâu, có ở đấy. Ta không thể nói một câu như: “Tôi không”. Không cái gì mới được chứ. Cho nên phải thêm: tôi không tu hoặc tôi không biết, hoặc tôi không tiền. Như vậy khi một người nói “Tôi không…” cái gì đó, thì ta biết họ quan tâm tới cái ấy. Nghĩa là không phải là hoàn toàn không. Phải chăng? Người ta không thể nói họ “không” một cái mà họ hoàn toàn không dính đến.
Hãy nói cho tôi nghe bạn không cái gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn có cái gì. Một người quan tâm tới tiền thì không tiền là mối băn khoăn của họ. Một người tha thiết với hiểu biết thì không biết là điều họ quan tâm. Khi Albert Einstein nói: “Tôi chỉ biết có một điều, là tôi không biết gì cả” thì ta thấy ngay sự cưu mang lớn nhất, mối bận tâm lớn nhất của ông là sự hiểu biết.
Cho nên mỗi người có một cái không khác nhau tùy trình độ tâm hồn, tri thức của từng người. Cái không của tôi khác cái không của anh và cũng không giống cái không của nó. Cái không của người tại gia khác cái không của người xuất gia. Cái không của phàm phu khác cái không của hiền thánh. Và những cái không của các bực thánh hiền cũng khác nhau, nên kinh Kim cương dạy, nhất thiết hiền thánh giai dĩ vô vi pháp nhi hữu sai biệt (pháp vô vi, – hay không- tùy từng bực hiền thánh mà khác nhau). Chẳng hạn, cái không của phàm phu là không giới định tuệ, không các pháp thượng nhân. Cái không của một vị xuất gia là không những hệ lụy của tại gia (không vợ con, không gia đình). Cái không của Tu đà hoàn là không ba kiết sử: thân kiến, nghi và giới cấm thủ. Tiến lên những bậc Nhất lai, Bất hoàn, A la hán thì lại có các không khác. Tất cả cái không ấy đều phải được vượt qua, xả bỏ, mới đi đến giải thoát hoàn toàn. Bởi vì chúng vẫn còn tương quan với cái có, chưa phải là Không tuyệt đối, chân không.
Khi kinh dạy, hết thảy pháp đều không (chỗ ngồi của Như Lai là hết thảy pháp đều không- Kinh Pháp Hoa) thì phải hiểu pháp ấy là cái chúng ta đang cưu mang cho là thật có. Người chấp tài lợi thì pháp đó là tài lợi, chấp danh thì pháp đó là danh, chấp thân thì pháp đó là thân, chấp tâm thì pháp đó là tâm, chấp không thì pháp đó là không. Phàm phu chấp đủ thứ thì pháp đó là đủ thứ. Bậc thánh nhị thừa tu quán vô ngã, thấy thân thể này chỉ là địa thủy hỏa phong… là thấy được không ngã, nhưng vẫn còn có pháp: pháp ấy là địa thủy hỏa phong… Vậy cái không ngã ấy cũng cần vượt qua để đi đến không pháp.
Mà pháp đáng nói nhất là cái chi? Là cái Không! Vậy không pháp là không luôn cả cái không ấy. Những ai đang ôm một cái không và hãnh diện vì nó, sẽ giật mình: “Vậy thì ta sống làm sao bây giờ, nếu phải bỏ luôn cả cái không đó?” Trần Nhân Tông, sơ tổ phái thiền Trúc Lâm, khuyên ta khi cầm chén cơm lên ăn, nhớ xem xét cái muỗng, cái thìa. Ngay trong những vật tầm thường nhật dụng: chính đó, chỗ đặt chân đầu tiên và cuối cùng. Chính từ đó mà hạ thủ công phu. Chính từ đó, mà tìm bất sanh bất diệt. Đi tìm cái không sinh diệt ngay trong sinh diệt là như thế. Và cái không khi ấy lại trở về trong cái có để thấy rằng:
Có, không: bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì?
Bình luận