Bóng Nguyệt Lòng Sông

17. Dục Và Khổ



Nếu bảo rằng dục vọng đem lại đau khổ -vì không bao giờ dục được hoàn toàn thỏa mãn: sự bất mãn phát sinh đau khổ- thì một người nông cạn có thể cãi rằng, dục đem lại hạnh phúc khi được hoàn toàn thỏa mãn. Nói rằng “dục là khổ” chỉ là lập luận của kẻ bất hạnh, luôn luôn thất bại trên đường đời, nên cuối cùng trở thành bi quan yếm thế, không dám hưởng thụ, không dám hy vọng, chờ đợi một tia sáng nào từ nơi sự sống. Nói tóm lại, đó là lập luận của một “kẻ phá hoại sự sống”.

Đó cũng là lời mà những người ngoại đạo đương thời Phật thường chỉ trích Ngài, vì Phật thường dạy dục vọng “như mũi tên, như cục bướu, như bệnh khổ, như hố than hừng”, và người đã thoát khỏi dục vọng được Ngài ví như người “đã khỏi bệnh, đã được cởi trói, đã ra khỏi tù ngục, đã được tự do.” Đối với đức Phật, dục vọng không những đem lại đau khổ, làm nhân cho khổ, mà dục vọng chính là đau khổ, dục và khổ không hai, không khác. Khi nói “dục vọng đưa đến đau khổ” do tánh chất vô thường của mọi sự vật (lạc thú đi đến chấm dứt phát sinh tình trạng đau khổ) là ta nói đến hoại khổ, loại thứ ba trong ba loại khổ- khổ khổ, hành khổ và hoại khổ. Nhưng khi nói “dục vọng chính là đau khổ”, là ta nói về hành khổ, tức cấu tạo tâm sinh lý của một con người tự bản chất đã là khổ, vì nó được dính liền với dục, một thứ “tội tổ tông” truyền kiếp. Khi Phật dạy “ngũ uẩn trói buộc là khổ” tức Ngài ám chỉ đến cái khía cạnh hành khổ này, nghĩa là sự vận hành của cái tôi, con đẻ của dục vọng và đến lượt nó lại phải được nuôi dưỡng, tiếp nối sự sống bằng dục vọng. Dưỡng chất cho “cái tôi” ấy chính là dục vọng, chính dục vọng phát sinh và làm tăng trưởng cái tôi, cùng với muôn ngàn khổ lụy kèm theo đó.

Khi còn ở trong vòng trói buộc của dục vọng, còn xem dục vọng là dưỡng chất, nghĩa là còn “cái tôi”, thì con người còn thấy khoái cảm, lạc thú ở trong “món ăn” dục vọng ấy. Chỉ khi nào thoát ra khỏi sự trói buộc của dục vọng, của “cái tôi”, thì mới không thấy lạc thú khoái cảm nào trong “dưỡng chất trần gian” đó, mà ngược lại, chỉ thấy nó như bệnh khổ, cục bướu, mũi tên, như thuốc độc, như hố than hừng. Phật lấy ví dụ một người bị bệnh phung hủi hành hạ, khi nổi cơn ngứa, anh ta quào quấu những mụt nhọt trên thân cho chảy máu, rồi hơ vết thương trên hố than hừng. Trong khi làm như vậy, anh ta cảm thấy khoái vô cùng vì đã ngứa. Ngược lại, một người đã lành bệnh, hoặc một người vô bệnh, nếu đưa anh ta đến bên hố than hồng, bắt quào da cho chảy máu, thì anh ta sẽ giãy giụa kêu la trốn chạy. Vì sao? Bởi vì máu me và lửa hừng tự bản chất là khổ, đối với người vô bệnh. Nhưng với người bệnh cùi, do cơn đau hành hạ, anh ta lại có ảo tưởng khoái lạc đối với những thứ mà thực chất chỉ thuần là khổ: đó là do cái nghiệp của anh ta. Dục vọng cũng như vậy, người còn bị xiềng xích trong cõi dục mới xem đó là khoái lạc, nhưng với người đã giải thoát, thì dục chính là khổ, bất kể được thỏa mãn hay không. Bởi vì, ngay dù được thỏa mãn mọi dục vọng, cái khổ căn để vẫn còn y nguyên: ấy là cấu tạo tâm sinh lý của con người khiến cho nó phải được nuôi dưỡng bằng dục, lấy dục làm dưỡng chất. Mọi sự thỏa mãn hóa ra chỉ có tính cách tạm bợ, trá hình, như máu me, như hố than hừng mà trong cơn bệnh hành, người bệnh cùi có ảo tưởng đó là cội nguồn khoái lạc. Bởi vậy, điều quan yếu đối với người bệnh hủi, là khỏi bệnh, chứ không phải đã ngứa hay khỏa lấp đè nén cơn đau.

Vậy là, do thói quen nhiều đời kiếp ta vẫn thấy được sự thỏa mãn mọi điều ước muốn chính là hạnh phúc tối thượng, và xem sự vô dục cũng đồng nghĩa với chán đời. Quan niệm ấy không khác gì người bệnh hủi cười chê người khỏe mạnh là đồ ngu, chỉ vì người thứ hai ghê sợ hố than và máu mủ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.