Biến thí dịch nghĩa của danh từ “tất đàn” âm Phạn ngữ, có nghĩa là bố thí cùng khắp, ám chỉ Pháp thí. Ý nghĩa sâu sắc nhất của danh từ Phật pháp là phương pháp trong Phật học. Phương pháp ấy bao gồm cả cách nói và cách nghe pháp. Bản thân của Pháp không quan trọng bằng phương pháp hay thái độ của người nói và người nghe Pháp. Một câu nói đúng thời, đúng chỗ, người nói có đủ tác phong để nói và người nghe có đủ trình độ để nghe, thì sẽ trở thành Pháp có năng lực chuyển mê khai ngộ. Hội đủ những điều kiện ấy thì tất cả pháp đều là Phật pháp, mà thiếu những điều kiện ấy thì dù một câu rút từ những bộ Kinh cao nhất cũng trở thành vô nghĩa, không ích lợi gì, nên có câu: “Thuyết bất đầu cơ bán cú đa” (nói Pháp không đúng căn cơ người nghe thì dù nửa câu cũng là lời thừa thãi).
Nói về Pháp thì có tục đế và chân đế, hay chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối, còn gọi là thế đế và đệ nhất nghĩa đế. Như về Bốn thánh đế thì chỉ Diệt đế là đệ nhất nghĩa, còn Khổ, Tập, Đạo đế chỉ là phương tiện. Hoặc “Không làm các ác, vâng làm các lành, tự tịnh tâm ý” thì chỉ có “tịnh tâm ý” là đệ nhất nghĩa, còn tránh ác làm lành chỉ là phương tiện, là tục đế.
Nói về cách nghe Pháp thì có bốn nguyên tắc “tứ y” là căn cứ Pháp, không y cứ người nói pháp (y pháp bất y nhân– như câu chuyện về Pukkusati một vị khất sĩ ngộ đạo khi nghe Phật dạy về duyên sinh, ông thấy Pháp trước khi biết người nói là Phật); căn cứ nghĩa lý, không chấp lời (y nghĩa bất y ngữ– như câu chuyện thiền sinh ngộ đạo nhờ nghe lời nói chua ngoa của bà hàng thịt “Có miếng nào không phải thịt nạc đâu?”), căn cứ trên trí tuệ vô tư chứ không căn cứ trên ý thức phân biệt chủ quan (y trí bất y thức– như câu chuyện người giỏi xem tướng ngựa hay, chỉ xem cái thần của ngựa mà không cần để ý màu lông đen hay trắng, ngựa cái hay đực); và căn cứ ý nghĩa rốt ráo, không căn cứ trên lời dạy phương tiện (y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa). Như trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy: “Như lai vì một đại sự nhân duyên mà ra đời, ấy là khai ngộ cho chúng sinh đi vào tri kiến Phật.” Lời này là liễu nghĩa, còn tất cả các pháp tam quy, ngũ giới, thập thiện, pháp tu Thanh văn Duyên giác, lục độ vạn hạnh… đều là những phương tiện, những chặng đường để đến Phật quả. Mục đích chính của Phật là làm sao cho tất cả chúng sinh đều giải thoát giác ngộ như ngài, nên Phật thừa mới là đệ nhất nghĩa, còn tất cả thừa khác đều là phương tiện.
Nói về cách nói Pháp thì có bốn nguyên lý gọi là Bốn tất đàn hay biến thí là: thế giới tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn và đệ nhất nghĩa tất đàn. Mục đích của sự nói pháp là để chuyển mê khai ngộ, khiến người nghe thoát khổ được vui. Muốn thế người nói pháp phải có nhiều phương tiện, nhưng mục đích rốt cùng phải đưa đến “đệ nhất nghĩa” tức làm cho người nghe tỉnh ngộ đạo lý vô thường vô ngã. Các phương tiện ấy chính là ba tất đàn đầu tiên: thế giới tất đàn hay chân lý phổ thông, những sự thật mà ai cũng phải công nhận, vị nhân tất đàn là lời nói nhắm đến một hạng người đặc biệt mình muốn hóa độ, như đối với thợ mộc thì nói về gỗ, với y sĩ thì nói về cách chữa bệnh v.v.; đối trị tất đàn là những lời nói hay hành vi cốt phá trừ chấp trước nơi người nghe (như tổ Đan Hà đốt tượng Phật gỗ để giáo hóa vị thủ tự).
Đệ nhất nghĩa tất đàn hay chân lý chuyển mê khai ngộ cũng không nằm ngoài ba thứ tất đàn kia, nên kinh thường dạy Phật pháp không xa lìa những sự việc trên thế gian. Nói một sự thật bình thường mà hợp tình hợp cảnh, người nói người nghe đều thích hợp thì chân lý thế tục trở thành đệ nhất nghĩa, vì có khả năng chuyển mê khai ngộ, đem lại an vui. Như có lần đức Phật chỉ hỏi A Nan một câu: “Có phải bên ngoài trời đang mưa không A Nan nhỉ” thế mà cũng khiến cho tâm của tôn giả A Nan hoan hỉ suốt bảy ngày đêm.
Suốt một đời giáo hóa của Phật, ngài chỉ dùng những sự việc trong đời để giảng dạy đệ nhất nghĩa đế, khiến cho những bài Pháp của ngài luôn luôn sinh động, gần gũi với con người. Một thí dụ điển hình của đối trị tất đàn là khi ngài giảng về lửa tham, lửa sân,… cho ba anh em Ca Diếp vốn là tín đồ Bái hỏa giáo. Đối với tôn giả La Hầu La khi còn thơ ấu, ngài dùng chậu nước dơ để khai ngộ cho tôn giả thấy hạnh sa môn của người không giữ giới cũng dơ bẩn như nước dơ đáng đổ đi, trống rỗng như cái chậu không, và điên đảo như cái chậu lật úp. Ngài lại dùng tấm gương soi để ví dụ sự phản tỉnh mà người tu hành cần có mỗi khi khởi tâm làm hay nói. Và ai đã đọc Trung bộ kinh do HT Minh Châu dịch cũng không thể quên được ví dụ của Phật về khúc gỗ trôi sông: “Này các tỷ kheo, nếu khúc gỗ ấy không đâm vào bờ này, bờ kia, không lọt vào xoáy nước, không chìm nghỉm, không bị người hay phi nhân nhặt lên, không mục nát bên trong… thì nó sẽ trôi ra đến biển. Cũng vậy, nếu tỳ kheo không đâm vào bờ này bờ kia, không chìm nghỉm, không lọt vào xoáy nước, không mục nát bên trong, thì tỳ kheo cũng sẽ nhập vào Niết bàn, vì giáo lý Như Lai dạy là để thể nhập niết bàn. Sao là đâm vào bờ này bờ kia, ấy là chấp có chấp không, sa vào nhị biên. “Chìm giữa dòng” dụ cho sự lười biếng, “lọt vào xoáy nước” dụ cho tham đắm năm dục lạc. “Bị người hay phi nhân nhặt lên” là tỷ kheo thân cận người thế tục, ham thú vui cõi trời. “Mục nát bên trong” ám chỉ tâm không tu tập mà chỉ hiện tướng bề ngoài. Trong lúc đức Thế Tôn dạy cho chúng tỷ kheo những lời này bên bờ sông Hằng, thì có người chăn bò tên Nanda đứng nghe ké. Nghe xong, Nanda tiến đến thưa: “Bạch Thế Tôn, con không đâm vào bờ này bờ kia, con không lọt vào xoáy nước, con không chìm giữa dòng, con không mục nát bên trong. Xin Thế Tôn cho con xuất gia.” Phật dạy: “Nanda, con phải đem bò về trả lại cho chủ con đã chớ.” Quá hăng hái, Nanda thưa: “Bạch Thế Tôn, những con bò con sẽ theo mẹ của chúng.” Và thế là Nanda được gia nhập tăng đoàn. Tôn giả tinh cần tu tập, chẳng bao lâu thành một vị A la hán…”