Chân lý chỉ có một, làm gì có tới bốn? Mà không có bốn thì “một” cũng không cần nói, cho nên danh từ thích hợp nhất để chỉ Phật pháp là Pháp “không hai”. Vậy mà thông thường, ta vẫn quen gọi “tứ diệu đế” là “bốn chân lý vi diệu” với chân lý thứ nhất là KHỔ, chân lý thứ hai là TẬP, v.v.. Có lẽ danh từ Anh ngữ “The Fourfold Truth” ít gây hiểu lầm hơn; có nghĩa là chân lý có bốn tầng lớp, bốn yếu tố, bốn giai đoạn thể nghiệm hay bốn gì gì đó cũng được tùy ý, miễn không phải là bốn chân lý. Nói rõ hơn, tứ diệu đế có nghĩa là bốn giai đoạïn để đi đến cái chân lý vi diệu cứu cánh, tức niết bàn. Đây là một phương pháp đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta đã khám phá để thể nghiệm chân lý tối hậu, Niết bàn, sự dập tắt hoàn toàn cái KHỔ. Phương pháp này có thể so sánh với phương pháp y học gồm bốn giai đoạn mà mục tiêu tối hậu là tình trạng vô bệnh, hết hẳn bệnh tật, lành mạnh hoàn toàn. Bốn giai đoạn ấy là:
Trong y học, sự chẩn bệnh cho đúng là điều quan trọng bậc nhất. Định đúng bệnh trạng là đã đi quá nửa con đường chữa trị, do đó sự chẩn bệnh đứng hàng đầu. Cũng thế, muốn diệt khổ, đạt tới Niết bàn (tức DIỆT, đứng hàng thứ 3 trong Tứ diệu đế) thì cốt nhất phải biết rõ cái KHỔ, như muốn hết bệnh thì trước tiên phải biết bệnh đó là bệnh gì. KHỔ như vậy tương ứng với giai đoạn một trong y học. Tập, nguyên nhân của khổ là giai đoạn hai. Đạo, con đường đưa đến diệt khổ là giai đoạn ba. Diệt (hay Niết bàn), sự hết khổ, là giai đoạn cuối cùng, mục đích tối hậu, vì mục đích này mà có ra ba giai đoạn trước, hệt như trong y học, sở dĩ phải tìm căn bệnh (1), nguyên nhân (2), cách chữa trị (3), là vì muốn phục hồi sức khỏe cho con bệnh, đạt đến tình trạng hoàn toàn không bệnh.
Như vậy trong “bốn diệu đế” có một sự nhất quán triệt để, cả bốn giai đoạn tương quan mật thiết không thể tách rời. Sự tách rời ra làm “bốn chân lý” đưa đến những sai lầm trọng đại trong việc lý giải (hiểu) và hành trì (làm) Phật pháp. Trong kinh Thắng Man, đức Phật nói rõ chỉ một đế chân thật duy nhất là Diệt đế (thứ ba trong bốn diệu đế), ba đế kia đều là giả lập, vì Diệt đế mà có ra. So sánh với y học như trên thì thấy rất rõ.
Những ngộ nhận vì tách rời “bốn chân lý” rất tai hại không thể nói xiết, trở thành bóp méo xuyên tạc Pháp Phật. Thông thường nhất là sự lên án: “Phật pháp bi quan yếm thế vì cho đời là khổ. Thì đấy: Chân lý thứ nhất là Khổ.” Những người lên án như vậy sẽ nghĩ sao khi đọc kinh Thắng Man về Nhất đế, theo đó chỉ có “chân lý thứ 3”, tức Niết bàn (an vui tuyệt đối) là thật, là cứu cánh?
Nhưng đó chỉ là ngộ nhận của người ngoại cuộc, không đáng nói làm chi. Đến như Phật tử, có người nghe nói đến Tập là nguyên nhân của khổ, vội dừng lại ở đây và kết luận: “À, thì ra mọi cái khổ mình chịu đều do tập quán từ đời trước, do cái “nghiệp” mình đã gây ra, thì chỉ còn nước rán chịu.” Vì nghĩ như vậy mà mọi sự đều đổ thừa cho nghiệp, không muốn làm gì để chuyển đổi. Đó là tai hại gây nên bởi sự hiểu bốn diệu đế một cách phiến diện rời rạc, trong trường hợp này người ta chỉ chú trọng đến Tập, tách rời nó ra khỏi giáo lý nhất quán của Thế Tôn, trong đó Tập được nêu lên là cốt chỉ cho ta thấy có con đường đoạn diệt Tập, nghĩa là đoạn diệt cái nhân của khổ để chấm dứt khổ.
Khi hiểu được Tập và muốn đoạn diệt nó, có người bước sang giai đoạn tu đạo (Đạo đế) nhưng lại mắc kẹt ở đây vì chấp vào Đạo đế. Khi tu hành, có người chấp vào giới luật, cho đó là cứu cánh, không còn gì hơn. Đó là trường hợp những người tu nhờ giữ gìn giới luật nên được tôn trọng cúng dường, rồi nhân đấy lấy làm tự mãn, nên không tiến lên được. Có khi người ấy vượt qua được sự tự mãn về giới, siêng tu thiền định, nhờ giới mà đắc định, do đắc định nên khởi tâm tự mãn: người này bị kẹt ở định, quên mất cứu cánh của mình là để thoát khổ chứ không phải để đắc định hay có thần thông. Lại có người vượt qua được sự tự mãn về định, nhờ không tự mãn nên tu thiền định được rốt ráo, rồi nhờ thiền định mà phát sinh trí tuệ: ở giai đoạn này họ cũng vẫn có thể bị kẹt không tiến đến giải thoát, khi khởi tâm cho rằng ta đây có trí, hơn người, ta biết, kẻ khác không biết. Do đó, người ấy cũng không đạt được Niết bàn. Trong Kinh Trạm Xe (TBK II), tôn giả Phú Lâu Na giảng cho tôn giả Xá Lợi Phất nghe bảy giai đoạn đến Niết bàn như bảy trạm xe, không có giai đoạn nào là tuyệt đối mà chỉ là phương tiện để đến cùng đích là Niết bàn:
– (1) Giới thanh tịnh là để được (2) tâm thanh tịnh hay định
– Tâm thanh tịnh là để được (3) đoạn nghi thanh tịnh (hết nghi)
– Đoạn nghi thanh tịnh là để được (4) Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh (biết phân biệt chính tà).
– Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là để được (5) Đạo tri kiến thanh tịnh (biết đường tu, tức 37 pháp trợ đạo)
– Đạo tri kiến thanh tịnh là để đạt đến giai đoạn (6) Tri kiến thanh tịnh (thấy rõ tứ đế)û . Tri kiến thanh tịnh để đạt (7)Vô thủ trước Niết bàn (giải thoát hoàn toàn)
Như vậy, giới không phải là Niết bàn, vì nếu giới là Niết bàn tức là Niết bàn có thủ trước (chấp vào giới). Tâm thanh tịnh, đạo tri kiến, v.v.. cũng thế, đều không phải Niết bàn, mà chỉ là những giai đoạn đến Niết bàn. Nói tóm, giới, định và cả tuệ nữa đều là những giai đoạn, là những phương tiện để đi đến cùng đích là Niết bàn. Cho nên không thể đắm trước bất cứ giai đoạn nào, dù là tuệ. Kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng dạy: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn”. Tự dưng khởi lên cái thấy biết cho rằng ta hay, ta giỏi, ta biết, đó là cội gốc vô minh.
Trên đây đều là những tệ hại phát sinh do không quán triệt lý Nhất đế trong Tứ đế, do căn bệnh trầm kha của con người là ưa chia năm chẻ bảy những gì mà họ tưởng có thể chẻ, chia, nắm bắt.
Xin lặp lại, đức Phật chỉ dạy một chân lý duy nhất là Diệt đế, sự diệt khổ, chứng Niết bàn, thành Phật, như trong Kinh Pháp Hoa Ngài đã dạy: “Ta chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời, đó là chỉ cho chúng sinh tri kiến Phật để ngộ nhập.” “Tri kiến Phật” đó là thấy rõ chỉ có một cái duy nhất chân thật là Niết bàn, ngoài ra đều là giả dối hư huyễn. Chứng diệt đế, Niết bàn có nghĩa là thấy rõ Khổ (phần thứ nhất của Tứ diệu đế). Thấy rõ đây là thấy rõ nó không thật, chỉ hiện hữu một cách huyễn hóa, giai đoạn. Vì khổ không thật có nên mới có thể đoạn trừ dễ dàng, nếu khổ là thật thì đoạn cũng uổng công vô ích mà thôi. khổ không thật có, nhưng ta vẫn thấy rõ ràng có khổ là vì sao? Tìm nguyên nhân, ta được biết cái sai lầm căn để là do ở lối nhìn của ta về thân tâm vũ trụ, một lối nhìn lệch lạc bệnh hoạn đã thành tập quán nhiều đời kiếp. Vậy chỉ cần sửa cái nhìn lại cho đúng, cũng như hư không vốn không có hoa đốm mà người tự thấy ra có hoa đốm là vì mắt bị bệnh. Tập đế (phần thứ hai trong Tứ diệu đế)- nguyên nhân của khổ- là nói về lối nhìn sai lạc ấy, căn để là thấy thật có cái tôi (do đó có sân), sở hữu của tôi (do đó có tham), thấy có một tự ngã tiếp tục (do đó có si, chấp chặt cái ngã không nỡ rời). Muốn đoạn trừ lối nhìn sai lạc ấy cần chữa cái bệnh của con mắt, theo một phương pháp của Phật dạy là Bát chánh đạo, đó là phần thứ tư trong Tứ diệu đế. Vì lối nhìn quan trọng như thế nên đứng đầu Bát chánh đạo là chánh kiến: thấy cho đúng như thật. Thấy đúng như thật thì Niết bàn chân thật được hiển lộ, Khổ, Tập tự tiêu tan, như khi mắt đã được chữa lành lặn bình thường thì bệnh mắt (Tập) hết, mắt hết bệnh thì không còn thấy hoa đốm lăng xăng (khổ) giữa hư không.
Nhưng, Niết bàn, Diệt đế không phải là kết quả của một cái gì, không phải là một mục đích nằm cuối một con đường tu đạo cam go đầy gian khổ, mặc dù thông thường ta đều có ảo tưởng như vậy, và sự trình bày Tứ diệu đế cũng cho ta cái cảm tưởng như vậy. Niết bàn vẫn ở ngay trước mắt ta, sở dĩ ta không thấy là vì mắt ta bệnh. Khi mắt ta hết bệnh thì tự nhiên thấy được hình sắc và hư không. Nhưng không thể nói hư không hình sắc ấy là mục đích, là kết quả của cái nhìn, vì tự bao giờ cũng như bây giờ chúng vẫn ở đấy, không vì mắt ta bệnh mà hình sắc biến mất, mắt khỏi bệnh mà hình sắc hiện lên. Cái thấy có biến, có hiện ấy hoàn toàn là cái thấy chủ quan bệnh hoạn của con mắt, không dính gì tới hư không và hình sắc. Cũng như Niết bàn vẫn luôn luôn tại đây: dù ta có biết khổ, đoạn Tập, tu Đạo thì Niết bàn vẫn ở đó, mà ta không biết Khổ, không đoạn Tập, không tu đạo thì Niết bàn cũng vẫn ở đó không hề xê dịch biến hiện, không vì không tu mà nó bẩn đi hay vì có tu mà nó sạch thêm, như lời thâm thúy sau đây của Nam Nhạc Thiền sư, được Lục Tổ ấn chứng cho là đã ngộ nhập: “Tu chứng tức bất vô, nhiễm ô tức bất đắc”. Tu chứng thì vẫn phải tu chứng, nhưng nhiễm ô vốn không có thật. (Điều này tối kỵ để lọt lỗ tai một kẻ ngu, cho nên các thiền sư thường chọn cách truyền đạt bằng gậy gộc và tiếng quát hơn là ngôn ngữ dễ gây ngộ nhận.)
Diệt đế, Niết bàn, nói tóm lại là chân lý duy nhất Phật muốn truyền đạt cho ta chứng nhập, nhưng khốn nỗi, không có danh từ nào để mô tả Niết bàn, nên thường thường Phật ưa dùng những từ ngữ phủ định để ám chỉ, khiến người nghe dễ hiểu lầm Niết bàn là cái gì tiêu cực, thụ động, phi thực: diệt, vô vi, vô tác, vô thủ trước v.v.. Chúng ta ưa thắc mắc về Niết bàn, muốn biết “nó ra làm sao” trước khi khởi công tu tập, muốn biết thành Phật thì sẽ “như thế nào”, nhưng đức Thế Tôn hoàn toàn im lặng về điểm ấy. Thiên kinh vạn quyển ghi lại 49 năm thuyết pháp của Ngài đều chỉ đề cập đến vô số pháp môn nghĩa là những cái “cửa” để đi vào Pháp, vào Niết bàn, mà không Kinh nào, lời dạy nào mô tả Niết bàn là thế nào cả, bởi vì như Kinh Thắng Man dạy: “Niết bàn siêu việt mọi tư duy mô tả”. Cái đáng nói nhất, cái ta ưa nghe nhất thì khổ thay, Phật lại không thể nói cho ta được, có lẽ vì vậy mà đức Thế Tôn dạy “Trong 49 năm thuyết pháp, ta không nói lời nào”. Vì những gì Ngài dạy chỉ là những cái thuộc “vòng ngoài”, những phương tiện, những con đường, những pháp môn giúp ta nương theo để tự tu tự chứng. Theo đúng những đường lối của Phật đã chỉ, ta sẽ chứng được Niết bàn và khi ấy sẽ biết được “nó ra làm sao”, như ai uống nước ngọt thì chỉ riêng kẻ ấy biết mùi vị, một người chưa uống thì dù có nghe nói nước ngọt thế này hay thế nọ cũng không sao biết được, huống chi đối với Niết bàn là cái vượt ngoài tư duy mô tả?