THÓI ĐỜI HƯ DỐI
Vân cẩu đổi thay lắm vẻ mà
Mơ màng gởi trọn giấc Nam Kha.
Sương vừa rửa Hạ, sen đang nụ
Gió mới mời Xuân, mai đã hoa.
Trăng khuất núi Tây, không còn bóng
Nước trôi Đông hải, sóng đã qua.
Anh xem đàn én lầu Vương Tạ
Nay đến làm thân với mọi nhà.
Giảng:
“Thói đời hư dối” là thói đời không thật, vì luôn luôn đổi thay, không cố định.
Vân cẩu đổi thay lắm vẻ mà.
Nhìn lên bầu trời chúng ta thấy những cụm mây khi hiện hình này, khi hiện hình nọ, có lúc như hình con chó, có lúc như hình con sấu, con cọp v.v… thay hình đổi dạng liền liền. Tại sao nó đổi thay như thế? Vì mây không cố định, tụ tan tạm bợ nên luôn luôn thay đổi hình dạng sắc tướng. Thượng Sĩ mượn hình ảnh mây để nói lên sự đổi dời của muôn vật.
Mơ màng gởi trọn giấc Nam Kha.
Giấc Nam Kha dẫn từ câu chuyện Thuần Vu Phần nằm mộng thấy mình thi đỗ cao, được Vua gả Công chúa cho làm Thái thú quận Nam Kha vô cùng vinh hiển. Sau đó Vu Phần đi dẹp giặc bị thua trận, Công chúa lâm bệnh nặng rồi mất. Nhà Vua đem lòng nghi kỵ, cho về quê. Vu Phần chợt thức giấc thấy mình nằm dưới gốc cây hòe bên ổ kiến. Vu Phần ngẫm nghĩ mọi việc trong cuộc đời như ảo ảnh trong giấc mộng. Thượng Sĩ dẫn câu chuyện này nói lên muôn sự muôn vật ở cõi đời đổi thay như những cụm mây và cuộc sống mấy mươi năm của kiếp người như một giấc mộng.
Sương vừa rửa Hạ, sen đang nụ.
Về đêm sương rơi xuống rửa sạch cái nóng bức của mùa Hạ, hoa sen có nụ dưới hồ.
Gió mới mời Xuân, mai đã hoa.
Gió Đông báo hiệu đổi mùa, sắp sang Xuân mai cũng chuẩn bị nở hoa. Ở trước thất tôi chưa có gió Đông mà thấy cây mai bắt đầu chớm nụ. Như vậy chỉ cần thời tiết thay đổi thì sự vật cũng theo đó đổi thay, nó luôn chuyển biến không dừng. Nhờ sương rửa hết nóng bức của mùa Hạ nên hoa sen nở, nhờ gió mới mời Xuân về nên hoa mai rộ nở đón Xuân. Đây là những hình ảnh rất đẹp diễn tả mùa Hạ vừa qua, mùa Thu lại đến, mùa Đông sắp tàn và mùa Xuân bước sang.
Trăng khuất núi Tây, không còn bóng.
Trên hư không mặt trăng vừa khuất núi thì không còn một bóng trăng nào hiện ra và bầu trời tối mờ mịt.
Nước trôi Đông hải sóng đã qua.
Ở dưới biển nước chảy về Đông tức là về biển, thì các lượn sóng cũng tan. Như vậy trăng bị khuất núi không còn bóng, nước chảy ra biển những lượn sóng cũng mất theo. Đó là những hình ảnh diễn tả sự vật luôn luôn chuyển biến đổi dời rồi theo đó mà tan mất.
Anh xem đàn én lầu Vương Tạ
Nay đến làm thân với mọi nhà.
Vương Thản Chi và Tạ An là hai nhà quí tộc đời Tấn phong lưu phú quí không ai sánh bằng. Khi đó có đàn chim én bay đến tụ tập trước lầu nhà họ chơi giỡn. Sau sa sút, con cháu nghèo khổ, đàn én bay tới nhà khác đậu. Cho nên thơ Đường có hai câu: “Cựu thời Vương, Tạ đường tiền yến, phi nhập tầm thường bách tính gia” tức là khi xưa trước nhà họ Vương, họ Tạ có bầy chim én tới đậu, bây giờ nó bay vào những nhà tầm thường của bá tánh. Thượng Sĩ dẫn ý này để nói lên cái thói đời hư dối, khi giàu sang phú quí thì biết bao người tìm đến làm thân, đến khi nghèo khổ hết thời thì bị mọi người coi rẻ và xa lánh. Giống như đàn chim én khi họ Vương họ Tạ giàu sang phú quí thì nó tụ về, lúc nghèo hèn khổ sở thì nó bay đi. Thói đời là như vậy, nên có câu: “Nghèo ở giữa chợ không ai hỏi, giàu ở núi sâu lắm khách tầm.” (Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu viễn thân.) Như vậy có cái gì là thật vinh thật nhục? Gặp thời thì mọi sự đều tốt, hết thời thì mọi sự đều xấu. Thói đời là đổi thay, là không thật thì lấy cái gì làm chuẩn cho sự nhục vinh?
Bài thơ này nói lên sự tạm bợ đổi thay của sự vật và của lòng người. Hai câu đầu nói lên cái tạm bợ của sự vật như mây nổi, như giấc mộng, không có gì thật. Bốn câu giữa chứng minh sự tạm bợ đổi thay qua thời tiết, qua ngoại cảnh trăng nước v.v… Hai câu cuối nói sự hư dối của thói đời, diễn tả rõ ràng sự đổi trắng thay đen của lòng người. Lúc phú quí thì kẻ đón người đưa, khi nghèo hèn thì người người xa lánh, đó là lẽ thường của thế gian.