Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Họa Thơ Quan Huyện



HỌA THƠ QUAN HUYỆN

Đã từng nối gót Tứ Minh Cuồng
Ưa mến Y vương với Quỉ vương.
Trong chưa giác ngộ chân giác ngộ
Chỗ khó nghĩ bàn khéo nghĩ bàn.
Căn hèn muốn hỏi “trường sanh thuốc”
Tác giả
(1) đâu cần “bất tử phương”.
Cá chẳng tìm mồi, nay nước lạnh
Đồng thời nơm, lưới thảy đều quên.

Giảng:

Đã từng nối gót Tứ Minh Cuồng.

“Tứ Minh Cuồng” là biệt hiệu của ông Hạ Tri Chương, người Vĩnh Hưng làm Thị lang bộ Lễ đời vua Đường Huyền Tông, tánh ông phóng đãng, lúc già xin về làm đạo sĩ ở Kinh Hồ lấy hiệu là Tứ Minh Cuồng. Ngài dẫn câu chuyện này ý muốn nói nối gót theo ông Hạ Tri Chương chán danh vọng từ quan để làm đạo sĩ tự do phóng khoáng.

Ưa mến Y vương với Quỉ vương.

Y vương là chỉ đức Phật, Ngài được tôn xưng là Vô thượng y vương, tức là ông thầy thuốc không ai cao hơn được. Đức Phật được tôn xưng như vậy có xứng đáng không? Ở thế gian ông thầy thuốc giỏi nhất thì cứu được người bệnh sắp chết sống thêm năm, mười năm, gọi là thầy thuốc đại tài. Chúng ta sống trong sanh tử tuổi thọ cao lắm chỉ bảy mươi, tám mươi năm là chết. Ở đây đức Phật dạy chúng ta tu để không còn bị chết chi phối, vậy Ngài không phải ông Vua thầy thuốc là gì? Ngài đưa chúng ta tới chỗ không còn sanh tử tức là vô sanh, nghĩa là sống với cái sanh mạng không cùng không dứt. Sanh mạng đó không phải là sanh mạng lăng xăng lộn xộn này, mà là Bản thể thanh tịnh sáng suốt hiện có của chính mình. Nhận ra, sống được với Bản thể thì muôn kiếp chúng ta không còn bị sanh tử chi phối nên nói Phật là vị Y vương. Lẽ ra chúng ta chỉ mến Y vương chớ không có ưa Quỉ vương. Nhưng tại sao Ngài nói ưa Quỉ vương? Thật ra Quỉ vương đáng sợ là khi nào chúng ta sợ nó, nếu chúng ta không sợ nó thì nó không đáng sợ. Song vì người ta có cái bệnh hay đổ thừa, chẳng hạn như một Thiền sinh tăng thấy một cô thiếu nữ đẹp, tâm xao xuyến bất an, ngồi thiền không yên, đổ thừa tại cô thiếu nữ mà hôm nay tôi ngồi thiền không yên. Có phải tại cô thiếu nữ đẹp nên Thiền sinh tăng ngồi thiền không yên không? Cô thiếu nữ đẹp là do phước đời trước của cô nên cô đẹp, đó là chuyện của cô, cô đi tới đi lui mặc kệ cô. Nếu vị ấy thấy cô mà biết mình có cái hay thấy, thì đâu có can hệ gì? Do thấy rồi khởi tâm phân biệt đẹp xấu, ưa thích nên xao xuyến bất an, đó là tại vị ấy, chớ đâu phải tại cô. Tại mình mình đổ thừa cho người thật là vô lý. Nếu tâm vị ấy không ưa thích xao xuyến bởi những hình sắc thì một trăm cô đi qua cũng không dính dáng gì. Thấy Phật tâm an nhiên, thấy cô thiếu nữ tâm cũng an nhiên, thì Y vương và Quỉ vương đều thích có gì là tai họa? Tai họa là do mình chớ không phải do người làm cho mình họa, nhưng vì thiên hạ có cái bệnh đổ thừa, hễ có chuyện dở xảy ra là cứ đổ thừa tại người này người kia chớ không ai can đảm nhận cái xấu cái dở đó là do mình. Bây giờ biết rõ tất cả cái dở từ tâm mê nhiễm của mình mà ra, nếu hết mê hết nhiễm thì ngoại cảnh tốt xấu cũng không có giá trị, không làm hại được mình. Và, nhờ có Quỉ vương nên chúng ta mới biết được tâm mình còn ô nhiễm hay hết ô nhiễm. Gần Phật lạy Phật tâm thanh tịnh chuyện đó là thường. Khi gặp duyên ô nhiễm mà tâm vẫn thanh tịnh thì Quỉ vương rất hiền và rất dễ mến. Thế nên Thượng Sĩ nói:

Trong chưa giác ngộ chân giác ngộ
Chỗ khó nghĩ bàn khéo nghĩ bàn.

Trong chỗ chưa giác ngộ chúng ta phải thật giác ngộ, không thể lôi thôi lơ là được. “Chỗ khó nghĩ bàn” là từ ngữ nhà Thiền, tông Qui Ngưỡng có dùng câu “nan tư lương xứ diệu tư lương” nghĩa là “chỗ khó nghĩ bàn khéo nghĩ bàn”. Trong chỗ đó không cho chúng ta suy nghĩ, phân biệt, mà chúng ta phải khéo suy nghĩ phân biệt, đó là điểm đặc biệt của nhà Thiền. Chúng ta đọc qua đoạn đối đáp giữa Lục Tổ và Thiền sư Huyền Giác sẽ rõ chỗ này.

Sư Huyền Giác sau khi tham vấn Lục Tổ liền cáo từ ra về. Tổ bảo:

– Sao trở về quá nhanh!

Sư thưa:

– Vốn tự không động thì đâu có nhanh.

Tổ bảo:

– Cái gì biết không động?

Sư thưa:

– Ngài tự phân biệt.

Tổ bảo:

– Ngươi được ý vô sanh rất sâu!

Sư thưa:

– Vô sanh há có ý sao?

Tổ bảo:

– Không ý, cái gì biết phân biệt?

Sư thưa:

– Phân biệt cũng không phải ý.

Trong cái vô sanh không phải là không phân biệt, nhưng phân biệt mà không phải ý. Vậy ý là tư lương, tư lương mà không phải ý, mới gọi là “diệu tư lương”.

Căn hèn muốn hỏi trường sanh thuốc
Tác giả đâu cần bất tử phương.

Người căn cơ thấp vì còn yêu bản ngã nên họ ưa sống lâu, do đó muốn xin thuốc trường sanh để uống cho được trường sanh bất tử. Tác giả là chỉ cho những bậc đã đạt đạo, những vị đó không cần những phương thuốc bất tử. Tại sao? Vì khi đã giác ngộ thì sống với cái Thể bất sanh còn tìm cái vô sanh làm gì nữa.

Thượng Sĩ nói, khi chúng ta chưa giác ngộ thì phải thật giác ngộ, ngay trong cái khó nghĩ bàn khéo nghĩ bàn, nhưng cái nghĩ bàn không phải thuộc ý, người căn cơ thấp thì muốn tìm thuốc để được sống lâu, còn người đạt đạo không cầu sống lâu. Tại sao? Vì đạo tức vô sanh, vô sanh thì cầu bất tử làm gì? Để thấy, người tu chân thật phải làm được những điều đó.

Cá chẳng tìm mồi, nay nước lạnh
Đồng thời nơm, lưới thảy đều quên.

Hai câu này rất đẹp, mùa Đông nước đóng băng, trời lạnh quá nên cá không đi tìm mồi. Khi cá không đi tìm mồi thì phương tiện để bắt cá là nơm và lưới cũng bỏ luôn. Đây nói lên cái ý khi chúng ta tu tới chỗ tâm nhất như rồi thì giống như trời mùa Đông lạnh, cá không đi tìm mồi. Thông thường cá tìm mồi để nuôi sống. Cũng vậy, vọng tưởng luôn luôn chạy theo sáu trần để nuôi lớn phiền não vô minh. Nhưng khi công phu tu hành tới chỗ tâm nhất như thì giống như con cá lặng lẽ nằm yên không đi tìm mồi, nó không tìm mồi thì phương tiện để bắt cá là nơm và lưới cũng bỏ luôn. Khi chúng ta tu tới chỗ rốt ráo thì Bồ-đề Niết-bàn cũng không, phiền não vọng tưởng cũng hết, nghĩa là năng sở đều quên. Con cá và nơm lưới cả hai đều không còn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.