Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Muôn Việc Về Như



MUÔN VIỆC VỀ NHƯ

Từ không hiện có, có không thông
Có có không không rốt cuộc đồng.
Phiền não Bồ-đề vốn chẳng khác
Chân như vọng niệm thảy đều không.
Thân như cảnh huyễn, nghiệp như bóng
Tâm tợ gió đưa, tánh tợ bồng.
Đừng hỏi tử sanh, ma với Phật
Các sao hướng Bắc, nước về Đông.

Giảng:

“Muôn việc về như” là tất cả mọi sự mọi việc vốn dĩ là như vậy, chẳng có gì phải nghĩ phải bàn.

Từ không hiện có, có không thông
Có có không không rốt cuộc đồng.

Tất cả mọi vật trên đời này từ cái không rồi thành cái có, có một thời gian hoại đi thành không, có và không thông nhau. Ví dụ cái nhà, trước đây là không, sau do nhiều duyên hợp lại nên có cái nhà. Cái nhà có khoảng năm bảy chục năm hư mục, không sửa chữa thì nó hoại mất không còn, trở lại không. Vậy nên có không thông với nhau, không riêng thật có và cũng không riêng thật không. Từ không, duyên hợp thành có; từ có duyên ly tán thành không. Con người cũng vậy, trước kia là không, do duyên cha mẹ gặp nhau mà có thân này, thân này sống năm bảy mươi năm thì gió lửa ly tán, hoại diệt thành không. Thế nên cái có hiện giờ gốc từ cái không thuở trước. Cái có hiện giờ một mai duyên ly tán cũng trở thành không. Cái có cái không thông nhau, chớ không riêng không khác. Thấy dường như hai, nhưng sự thật không hai. Vì trước không, sau có, có rồi lại không. Có không không hai thể.

Phiền não Bồ-đề vốn chẳng khác
Chân như vọng niệm thảy đều không.

Đa số người tu đều sợ phiền não, thích Bồ-đề. Bồ-đề là giác, phiền não là mê, nên thích giác sợ mê. Nhưng sự thật mê không rời giác, giác không ngoài mê. Tại sao? Vì giác là giác cái mê và mê là mê cái giác. Cũng như trong cái nhà này, không có đèn, nói tối, mở đèn, hết tối, nói sáng. Hết tối nói nhà sáng, hết sáng nói nhà tối. Sáng tối đổi thay chớ không gian cái nhà không thay đổi. Sáng không thêm gì cho cái nhà, tối không làm mất gì trong cái nhà. Cũng vậy, Tâm thể chân như không phải là Bồ-đề, cũng không phải là phiền não. Do dấy nghiệp sanh phiền não, hễ có phiền não thì che khuất Bồ-đề. Thế nên phải giác, biết phiền não là nhân đau khổ cần phải xả bỏ. Giác biết phiền não, gọi là Bồ-đề. Phiền não và giác biết phiền não dường như hai, nhưng thật sự thể nó không hai. Từ Tâm thể chân như dấy khởi phiền não và cũng từ Tâm thể chân như khởi giác phiền não, phiền não hết, giác cũng không còn, chỉ là Tâm thể chân như không hai, không khác. Tôi lấy ví dụ này cho dễ hiểu: Tâm chúng ta đang bình an thì không có nhẫn, nhưng lúc chúng ta nổi sân mới có nhẫn để ức chế cơn sân cho lặng xuống, khi sân lặng rồi thì nhẫn cũng hết. Như vậy sân và nhẫn không thật, nó khởi lên từ tâm bình an rồi diệt mất. Thể nó không hai không khác. Cũng vậy, chúng ta vì mê nên mới chạy theo ngũ dục thế gian, bây giờ cần phải tỉnh giác để hết mê. Khi chúng ta hết mê rồi thì không cần tỉnh giác nữa, lúc đó không nói mê cũng không nói giác. Như vậy phiền não và Bồ-đề không phải hai,  “chân như vọng niệm thảy đều không.” Vọng niệm dấy khởi che khuất Chân như. Khi vọng niệm dấy khởi nói là động, muốn trở về cái tịnh là Chân như. Động và tịnh thấy như hai, vọng niệm là cái động, cái động lặng rồi đâu cần trở về cái tịnh, cái tịnh là Chân như. Hết động không nói tịnh, tự nó là như vậy thôi. Vậy, vọng niệm, Chân như, phiền não, Bồ-đề chỉ là chuyện đối trị nhau; đối trị rồi buông hết. Đó mới là chỗ chân thật cứu kính.

Thân như cảnh huyễn, nghiệp như bóng.

Chúng ta mang thân này thấy nó là thật là quí. Nhưng xét cho cùng thì nó chỉ là cái thân tạm bợ giả dối. Nhìn lui về quá khứ, những người xưa như tổ tiên ông bà chúng ta, cũng hoạt động, cũng sanh sống, bây giờ còn đâu? Người kế đó cũng hoạt động cũng làm đủ thứ, bây giờ còn đâu? Người gần nhất là cha mẹ chúng ta cũng một thời làm ra tiền của, bây giờ còn đâu? Giờ đến chúng ta cũng lăng xăng hoạt động tạo tác, mai kia có còn không? Tất cả đều không còn. Như vậy người xưa và người nay có thật không? Nếu thật thì không mất. Bây giờ người trước mất, người kế mất, người sau cũng mất. Vậy thì cái gì là thật? Thân này chỉ là huyễn có, có không thật. Thân đã huyễn thì nghiệp cũng như bóng, vì nghiệp phát xuất từ thân khẩu ý, mà thân khẩu ý tựa nơi thân này. Thân không thật thì nghiệp cũng không thật, cũng như bóng như hình. Như vậy chúng ta có sợ nghiệp không? Quí vị nói một câu chí lý nghe coi?

Nếu đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng thấy thân này như huyễn, nghiệp như bóng thì có gì sợ! Còn nếu lúc nào cũng thấy thân này thật thì có nghiệp thật nên phải sợ. Nhớ, phải thấy hai chiều, đừng nhìn một chiều. Ở đây Thượng Sĩ nói trong trường hợp của người tỉnh. Nếu chúng ta là người còn mê chưa tỉnh thì phải sợ nghiệp. Vì tạo nghiệp dữ thì đọa địa ngục, thọ quả báo khổ, tạo nghiệp lành thì sanh lên thiên đường được sung sướng. Như vậy, nếu còn thấy thân thật cảnh thật thì nghiệp cũng thật, nếu thấy thân giả, cảnh giả thì nghiệp như bóng như vang. Phật dạy rõ ràng như thế để chúng ta đừng lầm chấp. Người không hiểu nghe đâu chấp đó làm những chuyện không hợp đạo. Miệng nói thân không thật mà cứ tranh chấp quyền lợi hơn thua đủ thứ. Hành động như vậy không hợp lý, vì còn thấy thân thật.

Tâm tợ gió đưa tánh tợ bồng.

Ở đây Thượng Sĩ dùng chữ tâm chữ tánh, đúng ra tâm tánh thảy đều bặt. Cũng vậy Tâm thể chân như vốn không động, nhưng vọng niệm dấy khởi in tuồng như có động. Giống như bông cỏ bồng tự nó không bay không động. Vì gió thổi nó bay lên, nó bay là do gió. Tâm thể chân như vốn không động, do vọng niệm dấy khởi in tuồng như động.

Đừng hỏi tử sanh ma với Phật
Các sao hướng Bắc, nước về Đông.

Tử, sanh, ma, Phật, tất cả những từ ngữ đó do đối đãi giả lập, không thật có nên Thượng Sĩ bảo đừng có hỏi, đừng có thắc mắc. Vì tất cả pháp trên thế gian này từ tâm dấy khởi, rồi lặng về như. Ví như ở Việt Nam các chòm sao trên trời đều chầu về phương Bắc và nước ở sông đều chảy ra biển Đông.

Bài này Thượng Sĩ nói, tất cả muôn sự muôn vật trên thế gian tuy có sai biệt, nhưng đến chỗ rốt ráo chân thật đều hướng về như như, chớ không chỗ nào khác, nên Ngài đề tựa là “Muôn việc về như”.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.