Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Sống Chết Nhàn Mà Thôi



SỐNG CHẾT NHÀN MÀ THÔI

Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh
Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt.
Sanh tử xưa nay tự tánh không
Thân huyễn hóa này rồi sẽ diệt.
Phiền não Bồ-đề thầm tiêu mòn
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt.
Lò lửa dầu sôi chóng mát lành
Cây kiếm núi đao liền gãy hết.
Thanh văn ngồi thiền, ta không ngồi
Bồ-tát nói pháp, ta nói thật.
Sống tự dối sống, chết dối chết
Bốn đại vốn không, từ đâu khởi?
Chớ như nai khát đuổi sóng nắng
Chạy đông tìm tây không tạm nghỉ.
Pháp thân không đến cũng không đi
Chân tánh không phải cũng không quấy.
Đến nhà, nên biết thôi hỏi đường
Thấy trăng, đâu nhọc tìm tay ấy.
Kẻ ngu điên đảo sợ sống chết
Người trí thấy suốt nhàn thôi vậy.

Giảng:

Đa số tu sĩ chúng ta từ lâu chịu ảnh hưởng câu “sanh tử sự đại” nên ai cũng sợ, thấy sanh tử là vấn đề lớn cần phải giải quyết. Nhưng đối với Thượng Sĩ vấn đề sanh tử chỉ là một việc nhàn mà thôi. Vậy “sanh tử sự đại” là đúng hay “sanh tử nhàn nhi dĩ” là đúng? Phật Tổ nói “sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc” nhằm sách tấn chúng ta tu. Hàng xuất gia cũng như tại gia tuy đã phát nguyện tu theo Phật, nhưng lâu ngày hay sanh bệnh lười mỏi, tu lừng chừng, tu lai rai. Sợ chúng ta thoái bộ không tiến, nên Phật Tổ mới nói sống chết là việc lớn, vô thường nhanh chóng lắm phải gấp rút mà tu, không thể chần chờ, nếu chần chờ thì chết đến tu không kịp luống uổng một đời tu. Đó là Phật Tổ khuyến khích thúc giục chúng ta tiến tu. Đây Thượng Sĩ nói sống chết là việc nhàn có trái với ý của Phật Tổ dạy không? Thượng Sĩ là người thấy được chỗ tột cùng, thấy rõ sống chết là tướng sanh diệt không thật, nên không lo sợ mới nói như thế. Nếu chúng ta chưa phải là người đạt đạo, chưa sáng mắt thì phải thấy sanh tử là việc lớn cần phải giải quyết phải lo tu, kẻo chết đến tu không kịp thì bị nghiệp dẫn đi trong luân hồi thọ quả báo. Vậy, ai là người trí sáng mắt thì thấy sanh tử nhàn mà thôi, còn ai chưa phải là người trí thì phải thấy sanh tử là sự đại để lo tu.

Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh
Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt.

Vọng tâm mà sanh thì sanh tử từ đó phát sanh, vọng tâm diệt thì sanh tử từ đó mà diệt. Sanh tử sanh là do vọng tâm dấy khởi tạo nghiệp, nghiệp mới dẫn đi trong sanh tử. Đó là sanh tử sanh. Nếu vọng tâm lặng, không tạo nghiệp, nghiệp dừng thì sanh tử ngang đó dứt. Vọng tâm là tâm hư dối, tâm hư dối dấy lên thì tạo ra nghiệp hư dối, rồi có sanh hư dối có tử hư dối. Nếu tâm hư dối dừng không khởi nữa, nghiệp hư dối hết thì sanh tử cũng hết. Trọng tâm của chúng ta tu là gì? Tất cả chúng ta tu ai cũng mong thoát khỏi sanh tử. Cái nhân tạo ra nghiệp sanh tử là vọng tâm. Vọng tâm dấy lên chúng ta theo thì có tham có sân rồi tạo nghiệp lành hay dữ, đã tạo nghiệp rồi thì nghiệp dẫn đi trong sanh tử. Nếu vọng tâm dấy lên không theo thì vọng tâm lặng xuống, vọng tâm lặng thì đâu có tham sân, không tham sân đâu có tạo nghiệp, như vậy là nghiệp dừng, nghiệp dừng thì đâu có sanh tử. Hai câu này chỉ rất rõ trọng tâm tu hành của chúng ta.

Sanh tử xưa nay tự tánh không
Thân huyễn hóa này rồi sẽ diệt.

Sanh tử do nghiệp, nghiệp có là do vọng tâm khởi. Vọng tâm là nhân mà sanh tử là quả. Vọng tâm đã không thật, quả làm sao thật được. Ngài nói sanh tử xưa nay tự tánh không thật thì cái thân tứ đại huyễn hóa này, sớm muộn gì cũng hoại diệt không còn. Thương cho chúng ta ai cũng mang thân sanh tử tạm bợ huyễn hóa chợt sanh chợt diệt không bền lâu, mà cứ lo cho nó bảo vệ nó, rốt cuộc rồi nó cũng hoại đi, thật là phí công mà kết quả không được như ý. Người mà đeo đuổi làm một việc không có kết quả, người như thế có khôn không? Biết thân này cố giữ nó cũng mất, thế mà vẫn cứ giữ, thật đáng thương! Gìn giữ để được còn hoài thì mới giữ, giữ cái sẽ mất là tạo cái nhân không đâu, vậy mà cứ cố giữ, người như thế có phải là người trí sáng suốt không? Biết sanh tử tự tánh là không, thân huyễn hóa này sớm muộn gì cũng diệt là biết được nguồn gốc của thân.

Phiền não Bồ-đề thầm tiêu mòn
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt.

Thân này là huyễn hóa không thật thì phiền não là mê lầm khổ đau và Bồ-đề là giác ngộ an vui cũng không thật. Thân đã không thật thì khổ vui làm sao thật được? Thế nên nói phiền não Bồ-đề rồi cũng mất. Phiền não đã mất thì địa ngục đâu còn và Bồ-đề mất thì thiên đường cũng khô kiệt. Thượng Sĩ nói như vậy có trái với lời Phật dạy trong kinh: “chúng sanh đi trong lục đạo luân hồi là do nghiệp dẫn” không? Nghiệp do vọng tâm phát khởi mà ra. Vậy vọng tâm không thật, nghiệp không thật, tất cả quả của nghiệp tạo cũng không thật thì quả dữ của nghiệp dữ là đọa địa ngục, quả lành của nghiệp lành là lên thiên đường cũng không thật. Thiên đường và địa ngục là quả của nghiệp lành và nghiệp dữ; mà nghiệp thì từ vọng tưởng tạo nên, vọng tưởng đã không thật thì nghiệp đâu có thật. Nghiệp không thật thì thiên đường địa ngục cũng không thật. Song, thấy như thế là khi thấy thân này là giả không thật, nếu còn thấy thân này là thật thì thiên đường địa ngục cũng thật. Chỉ khi nào thấy thân này là huyễn hóa, cõi đời này là huyễn hóa, chừng đó nghiệp mới huyễn hóa và thiên đường địa ngục mới huyễn hóa. Chớ còn thấy thân mình là thật, thấy sự vật hiện tại là thật, mà nghe nói thiên đường địa ngục không thật rồi chấp thiên đường địa ngục không thật, làm nhiều điều ác hại để mình được hưởng khoái lạc. Thấy có mình hưởng khoái lạc thì nghiệp thiện ác cũng có và thiên đường địa ngục cũng thật. Phải hiểu cho thật rõ chỗ này, kẻo hiểu lầm tu sai.

Lò lửa dầu sôi chóng mát lành
Cây kiếm núi đao liền gãy hết.

Kinh A-hàm có bài kể cảnh địa ngục, ngục tốt hành hình tội nhân bằng cách đốt lửa nấu dầu cho sôi, ai có tội thì bỏ vào trong chảo dầu sôi nóng nên nói: “lò lửa chảo dầu chóng mát lành”. Nếu còn thấy thân mình thật, lò lửa dầu sôi là thật thì vào đó bị nát thây. Nếu đã thấy thân này không thật thì lò lửa chảo dầu cũng không thật. Tôi đơn cử chuyện rất gần cho quí vị thấy. Nếu chúng ta thấy mình không thật ngoại cảnh không thật, thì khi nghe những lời mắng chửi nặng nề, thấy như cơn gió thổi qua tai, lòng bình thản mát mẻ không chút bực bội, tất cả lò lửa dầu sôi ở địa ngục đều mát lạnh. Việc tu hành của chúng ta không có xa rời thực tế, mà ngay ở mình ở vật trong thực tại. Nếu đã thấy mình không thật thì người, cảnh, Niết-bàn, địa ngục đều không thật. Ngược lại, thấy mình thật, thì tất cả đều thật. Thượng Sĩ thấy thân mình không thật, nên thấy địa ngục lửa đỏ dầu sôi mát lạnh.

Cây kiếm núi đao liền gãy hết.

Ở địa ngục có núi đao núi kiếm, người có tội bị ngục tốt bắt leo lên núi ấy; leo lên núi đao núi kiếm thì bị đao kiếm đâm chém nát thân. Song, nếu người tu thấy thân này không thật, vọng tưởng không thật, không sống với vọng tưởng thì mọi cảnh bức hại nguy hiểm của địa ngục đều tan nát hết. Đây Thượng Sĩ chỉ cho chúng ta biết, nguồn gốc của sự sanh khởi chấp trước, đều do nơi vọng tưởng dấy khởi, rồi tạo nghiệp, từ nghiệp mà có tất cả khổ vui của chúng sanh ở thế gian, ở địa ngục hay ở thiên đường. Chúng ta đã biết gốc khổ vui của kiếp người là vọng tưởng hư dối không thật, nên tu để dừng vọng tưởng. Vọng tưởng hết nghiệp theo đó mới dứt sạch. Vậy muốn giải thoát phải làm sao? – Không cách nào khác hơn là đưa vọng tưởng vào Vô dư y Niết-bàn. Vọng tưởng vào Niết-bàn rồi thì tất cả được an ổn.

Thanh văn ngồi thiền, ta không ngồi
Bồ-tát nói pháp ta nói thật.

Thượng Sĩ thấy hàng Thanh văn tu thiền đặt nặng Tứ thiền Bát định và định cuối cùng là Diệt thọ tưởng định. Người nhập Diệt thọ tưởng định thân ngồi trơ trơ, không còn thở, chỉ còn chút hơi ấm, không có tri giác, mọi sanh hoạt chung quanh đều không biết. Người nhập Diệt thọ tưởng định ngồi trơ như đá như gỗ dù có sống lâu cũng không làm lợi ích cho người, nên Ngài không thích lối tu thiền này. Theo Ngài, đã làm lợi ích cho mình rồi, phải làm lợi ích cho người là đem pháp Phật giáo hóa chỉ dạy cho chúng sanh biết được lẽ thật, để họ tu cùng được giác ngộ giải thoát. Còn ngồi thiền nhập Diệt thọ tưởng định vô tri vô giác thì Ngài không ngồi.

Sống tự dối sống, chết dối chết
Bốn đại vốn không, từ đâu khởi?

Đối với người giác ngộ thấy kiếp sống của con người không thật, nó tạm bợ giả dối. Ngày nay duyên hợp còn sống đây thì biết còn, ngày mai duyên tan thân hoại thì biết nó hoại. Thấy rõ thân này giòn bở không có gì bảo đảm chắc chắn. Sự sống là dối tạm thì chết cũng dối tạm. Vì thân này do bốn đại giả hợp tạm có, “có” không thật có. Phân tích kỹ thì đất do nhiều phần tử bụi kết hợp lại thành, chớ không có Thật thể. Nước cũng do những phân tử H2O hợp lại thành, không có thể cố định chân thật. Gió lửa cũng vậy, do duyên mà thành. Cả bốn thứ đất, nước, gió, lửa không có Tự tánh cố định, nên không thật. Bốn đại đã không thật thì thân này làm sao thật được? Thấy rõ thân này vốn không thật nên Thượng Sĩ khuyên chúng ta:

Chớ như nai khát đuổi sóng nắng
Chạy đông tìm tây không tạm nghỉ.

Ở những sa mạc lớn, mùa hè trời nắng, từ xa nhìn trên bãi cát thấy như có những vũng nước đọng. Nai khát nước thấy sóng nắng như vũng nước, chạy tới để uống, nhưng tới nơi không có nước. Lại thấy vũng nước ở xa xa, chạy tới nơi cũng không có nước. Nó chạy hoài vẫn không có nước uống. Càng chạy càng khát, ngày qua ngày, nai vẫn không có nước uống. Cũng vậy, tứ đại không thật thì thân mình và cảnh vật đâu có thật. Thế mà lúc nào chúng ta cũng yêu mến thân và lúc nào chúng ta cũng thấy cái này đẹp cái kia ngon cái nọ quí… Cứ chạy theo đuổi bắt chẳng biết dừng, đến ngày ngã ra chết cũng chưa thỏa mãn. Con người chúng ta chẳng khác nào con nai khát nước, cứ đuổi theo sóng nắng rốt cuộc rồi vẫn chết khát. Tất cả những món ngon, đẹp, quí… chúng ta tạo sắm cất chứa đầy nhà, ngày tắt thở chúng ta có hưởng và có mang theo được không? Tất cả phải bỏ lại trần gian, thế mà có ai dừng lại đâu? Cứ chạy đua tìm cầu cho đến ngày ngã ra chết.

Pháp thân không đến cũng không đi
Chân tánh không phải cũng không quấy.

Đứng về mặt Pháp thân mà nói thì Pháp thân tuy hiện tiền nhưng không hình không tướng cho nên không đến không đi. Thí dụ như ngôi chùa trước đây không có, nay chúng ta xây dựng thành, nói có đến. Lâu ngày ngôi chùa hư hoại mất, nói có đi. Vậy, cái gì có hình tướng thì có đến có đi, còn cái không hình tướng thì không đến không đi. Cũng vậy, thân này có hình tướng cho nên có sanh có diệt, còn Pháp thân thì vô tướng nên không sanh không diệt. Nếu chúng ta bám vào thân có hình tướng thì thấy có đến có đi, còn chúng ta nhận được Pháp thân vô tướng hằng hữu ngay nơi thân ngũ uẩn thì Pháp thân không đến không đi, không phải không quấy, hằng thanh tịnh hằng liễu tri, cũng gọi là Chân tánh. Quí vị chớ hiểu lầm Pháp thân là cái không ngơ như hư không.

Đến nhà nên biết thôi hỏi đường.

Chúng ta rời xa quê hương một hai mươi năm, nay trở về thăm cha mẹ anh em… Trên đường về cảnh cũ đổi thay, nên không biết lối về, phải hỏi thăm nhờ người chỉ đường. Khi chúng ta đi về tới nhà gặp cha mẹ, anh em… thì không còn hỏi đường nữa. Còn hỏi đường là đi chưa tới nhà, khi đã tới nhà thì không còn hỏi đường nữa. Cho nên Thiền khách tới các Thiền sư mà còn thăm dò thưa hỏi, các ngài nghe qua câu hỏi là biết họ tới đâu rồi. Và, có nhiều người ngộ đạo rồi, ông thầy nói thêm một câu, liền bịt tai bỏ đi, không nghe, vì không cần nữa, có nghe cũng dư. Tới nhà rồi mà còn hỏi đường là dư. Thiền sư Hoàng Long thường hỏi Tăng:

– Người người trọn có sanh duyên, Thượng tọa sanh duyên tại chỗ nào?

Chính lúc vấn đáp qua lại, Sư duỗi tay nói:

– Tay tôi sao giống tay Phật?

Hỏi chỗ sở đắc của Tông sư các vị đến thăm thỉnh, Sư liền duỗi chân nói:

– Chân tôi sao giống chân lừa?

Hơn ba mươi năm lấy ba câu này hỏi, học giả khó khế ngộ huyền chỉ. Khắp các tùng lâm gọi là tam quan. Nếu có ai đáp thì Sư không nói phải chẳng phải, vẫn khép mắt ngồi thẳng, không ai lường được ý ấy.

Phan Hưng Từ thường hỏi lý do ấy. Sư bảo:

– Đã ra khỏi cửa thì vung tay đi thẳng chẳng cần biết có kẻ gác cửa.

Từ người gác cửa hỏi phải, chẳng phải ấy là người chưa qua khỏi cửa. Câu chuyện này giống hệt việc tới nhà rồi thôi hỏi đường vậy.

Thấy trăng đâu nhọc tìm tay ấy.

Đầu tháng, vào khoảng mùng năm mùng sáu âm lịch có trăng lưỡi liềm ở phía tây, người mắt sáng thấy trăng, kêu bạn bè nói:

– Hôm nay có trăng rồi.

Những người bạn hỏi:

– Ở đâu?

Người mắt sáng đưa tay chỉ mặt trăng trên không, ở hướng tây. Những người bạn nương ngón tay chỉ, thấy mặt trăng rồi thì ngón tay không cần nữa. Nếu cứ nhìn ngón tay mãi mà không nhìn chỗ chỉ thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Ý Thượng Sĩ nói người đã ngộ đạo rồi thì không còn thắc mắc không còn tìm kiếm nữa.

Kẻ ngu điên đảo sợ sống chết
Người trí thấy suốt nhàn thôi vậy.

Chúng ta xét lại coi mình là kẻ ngu hay người trí? Vì còn thấy thân này thật, nên thấy sống là vui, chết là khổ. Do đó ham sống sợ chết, ấy là kẻ ngu. Người trí thấy thân này không thật thì sự sống chết là chuyện nhàn thôi; sống không thật thì chết đâu có thật, chết không thật có gì mà sợ? Thế nên sống cười chết cũng cười. Thấy suốt được lẽ sống chết thì ở giữa cõi đời này chúng ta an nhàn tự tại, không có gì bận tâm. Đọc hai câu này rồi quí vị tự hỏi mình ngu hay trí? Nếu còn sợ chết là ngu và nếu có ai chỉ mặt mình nói “anh là đồ ngu”, mình cười, đáp “phải, tôi ngu, vì tôi còn ham sống sợ chết”. Còn ham sống sợ chết là còn ngu, vậy mà ai đó nói ngu là giận. Ngu chồng thêm một lớp ngu mà không biết, thật đáng thương!

Thượng Sĩ chỉ cho chúng ta thấy rõ sự sống chết không thật. Vì sống chết của thân này không thật, nên địa ngục, thiên đường, phiền não, Bồ-đề… đều không thật. Thấy tất cả không thật, nên an nhàn trước sống chết. Khi đã nhận ra Pháp thân là Thể chân thật không hình tướng không sanh không diệt, không đến không đi, không phải không quấy, giống như người tới nhà, người thấy mặt trăng, không còn quản ngại, thấy việc sống chết chỉ là việc nhàn thôi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.