Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Phàm Thánh Không Hai



PHÀM THÁNH KHÔNG HAI

Thân từ vô tướng xưa nay không
Huyễn hóa phân chia thành nhị kiến.
Ta, người như móc cũng như sương,
Phàm, Thánh như sấm cũng như chớp.
Công danh phú quí đồng mây trôi
Năm tháng đời người dường tên bắn.
Chút tình thương ghét chợt dấy lên
Khác nào bỏ bột đi tìm bánh.
Mày ngang mũi dọc cũng như nhau
Phật với chúng sanh không khác mặt.

Ai là phàm chừ ai là Thánh
Nhiều kiếp kiếm tìm không căn tánh.
Không tâm chẳng thị cũng chẳng phi,
Chẳng kiến không tà cũng không chánh.
Đồ tể Quảng Ngạch thành nguyện vương
Tỳ-kheo Khánh Hỷ công đức thánh.
Tự giác giác tha độ đường mê
Khắp cõi mát lành không nóng bức.
Anh thấy chăng
Người mất trước đó là ai?
Người được sau đó là ai?
Hai tâm sai khác một dòng mạng.
Rốt cuộc tám muôn bốn ngàn pháp môn đà-la-ni.
Đồng nhiếp vào gương trí rộng lớn tròn đầy Như Lai.
Chao!

Giảng:

Ai tu cũng có quan niệm chuyển phàm thành Thánh, hay tiến từ nhân vị phàm phu lên quả vị Thánh. Đây là ước nguyện chân chánh, nhưng sao Thượng Sĩ nói phàm Thánh không hai? Ngài giải thích:

Thân từ vô tướng xưa nay không
Huyễn hóa phân chia thành nhị kiến.

Thân của chúng ta từ Thể vô tướng, xưa nay vốn là không, do duyên hợp tạm có hình tướng huyễn hóa. Thế mà chúng ta phân chia hai thứ: ta người, phàm Thánh, phải quấy… Tất cả những cái thấy phân biệt hai bên gọi là nhị kiến. Đã là thân huyễn hóa không thật thì thân nào là phàm, thân nào là Thánh?

Ta, người như móc cũng như sương
Phàm, Thánh như sấm cũng như chớp.

Thấy ta khác thấy người khác, nhưng sự thật ta và người huyễn hóa tạm bợ như sương như móc, sáng thấy mờ mờ nắng lên tan mất không còn. Phàm Thánh cũng vậy. Vừa nói phàm vừa gọi Thánh thoáng chốc là mất đi, giống như sấm vừa nổ vang sau đó liền dứt tiếng, chớp vừa lòe sáng cũng tắt ngay. Vì nó là ý niệm ngôn ngữ hai bên đối đãi, không thật, không bền.

Công danh phú quí đồng mây trôi
Năm tháng đời người dường tên bắn.

Sự giàu sang danh vị ở cõi đời, ai cũng thèm khát mong muốn, muốn cho mình có địa vị trong xã hội để nở mặt nở mày, muốn cho mình được giàu sang sung sướng. Nhưng giàu sang danh vị không bền lâu, mới tiền rừng bạc bể đó chẳng bao lâu trắng tay, vừa tiền hô hậu ủng đó trở thành kẻ lưu đày. Giàu sang danh vị chẳng khác nào chòm mây trôi nổi bồng bềnh trong hư không, vừa thấy đó là mất đó. Tuổi đời mấy mươi năm chúng ta tưởng chừng như dài lắm, nhưng ngồi nhớ lại ngày tháng qua thấy nhanh như tên bắn. Những câu này Thượng Sĩ chỉ cho chúng ta thấy tánh chất của nhân ngã, phàm Thánh, công danh phú quí, thời gian năm tháng chỉ là ý niệm hai bên không thật, thoáng có rồi không, đừng có mê chấp.

Chút tình thương ghét chợt dấy lên
Khác nào bỏ bột đi tìm bánh.

Trong lãnh vực tu hành, muốn nhận ra Pháp thân thanh tịnh có sẵn nơi mình mà khởi niệm thương ghét thì Pháp thân bị che khuất, không làm sao nhận ra được. Giống như muốn ăn bánh mà bỏ bột, vì bỏ bột thì không có bánh. Muốn cho Pháp thân hiển lộ thì phải dứt niệm thương ghét, vì thương ghét là niệm hai bên; những niệm hai bên lặng hết thì Pháp thân hiện tiền. Cũng như biết lấy bột làm bánh thì có bánh ăn. Mục đích tối thượng của sự tu hành là chúng ta nhận ra Pháp thân hằng hiện hữu nơi mình, nếu để niệm thương ghét, buồn giận, hơn thua, phải quấy dấy lên là nuôi dưỡng cái thứ phản bội che đậy Pháp thân trong sáng của mình. Nó là giặc phá hoại của báu nhà mình, phải gan dạ xa lìa xả bỏ chớ theo nó. Quí vị có gan dạ xa lìa vọng niệm, hay nó dấy lên lưu luyến nuôi dưỡng? Nuôi dưỡng dòng niệm trước độ mười lăm phút mới bỏ, dòng niệm sau khởi tiếp tục nuôi nữa, cứ như thế nuôi hết niệm này tới niệm kia! Nuôi thương ghét buồn vui… hết ngày này tới tháng kia, tới năm nọ, cho tới già chết. Ai nuôi nó thì không nhận ra Pháp thân chân thật của mình, ai buông sạch vọng niệm, không cầu ngộ, Pháp thân vẫn hiện tiền.

Mày ngang mũi dọc cũng như nhau
Phật với chúng sanh không khác mặt.

Phàm và Thánh là một hay hai? Nói một không được, nói hai cũng không thông. Giả sử có một người phát tâm tu; khi mới phát tâm phiền não vẫn còn, nên gọi là phàm, nhưng nhờ họ tinh tấn tu hành dẹp bỏ hết phiền não, dứt sạch niệm hai bên, ngộ được Pháp thân thanh tịnh gọi là Thánh. Vậy, người còn phiền não khi trước và người ngộ Pháp thân lúc sau là một hay hai? Nếu là một tại sao trước kia không gọi người đó là Thánh mà gọi là phàm? Tu hết phiền não giác ngộ mới gọi người đó là Thánh? Nói phàm nói Thánh dường như hai, nhưng sự thật không phải hai. Vậy, tất cả người phàm, nếu khéo tu buông hết vọng tưởng, ngộ được Pháp thân chân thật thì là Thánh, nên nói Phật với chúng sanh không khác mặt. Chỗ này còn một ý nữa là, đa số người đời cho rằng Phật là nhân vật có ba mươi hai tướng tốt, có hào quang phóng ra sáng rỡ, ngự trên tòa sen rất uy nghiêm. Người tu chỉ là con người bằng xương bằng thịt, tầm thường như bao nhiêu người đời. Giả sử như vị ấy tu dẹp hết vô minh phiền não, hoàn toàn giác ngộ thành Phật, nhưng không đủ ba mươi hai tướng tốt, không phóng hào quang, không ngồi tòa sen, mà đi vào xóm làng để hóa duyên, gặp quí vị, quí vị cho đó là Phật hay chúng sanh? Nhìn qua thân hình thì thấy cũng như mọi người! Khi còn mê cũng là thân này, cũng mày ngang mũi dọc, khi giác ngộ rồi cũng là thân này cũng mày ngang mũi dọc. Nhưng chỉ khác ở mê và ngộ chớ thân tứ đại không khác. Thế nên Thượng Sĩ nói:

Mày ngang mũi dọc cũng như nhau
Phật với chúng sanh không khác mặt.
Ai là phàm chừ ai là Thánh
Nhiều kiếp kiếm tìm không căn tánh.

Căn cứ vào thân tứ đại này, hỏi ai là phàm ai là Thánh làm sao phân định để trả lời? Phàm và Thánh không cố định, người mê gọi là phàm người giác gọi là Thánh. Mê giác là ở nội tâm người, chớ không do thân thể hình hài mà nên. Con người ai cũng mang thân tứ đại như nhau, không khác; nhưng khi mê là phàm khi giác là Thánh. Muốn tìm kiếm nguồn gốc căn tánh của mê và giác khó mà tìm được, dù trải qua nhiều đời nhiều kiếp cũng không tìm được. Vì mê giác không có cội gốc làm sao mà tìm?

Không tâm chẳng thị cũng chẳng phi
Chẳng kiến không tà cũng không chánh.

Không tâm đây không phải là tâm không ngơ, mà là tâm không dấy niệm. Tâm không dấy niệm thì không có chuyện phải (thị) quấy (phi). Sở dĩ chúng ta thấy đây là phải kia là quấy, là do chúng ta khởi niệm phân biệt, nếu tâm hằng lặng lẽ không khởi niệm thì đâu có phải quấy. Người tu mà không khởi niệm phân biệt, không cho đây là phải kia là quấy, thường bị người đời cho là ba phải. Vì người đời khởi động niệm nên nói đây phải kia quấy. Người không khởi niệm làm sao xác định cái nào phải cái nào quấy? Nếu cần phải nói thì nói không phải không quấy, mà nói như thế thì người đời cho là ngu, không biết phải quấy. Người đời do quá khôn nên thấy phải quấy, tốt xấu, hơn thua đủ thứ. Còn người thật tu không phân biệt phải quấy thì bị cho là ngu. Như vậy quí vị có gan dạ làm kẻ ngu không? Đa số người đời thích khôn hơn là ngu, vì khôn mới cãi lý hơn người, còn ngu thì đâu có cãi, cũng không hơn ai. Không khởi niệm phải quấy thì có gì để cãi! Giả sử tất cả Tăng Ni ở đây, không có ai còn khởi niệm phân biệt phải quấy thì, đi từ Thiền đường đến phòng Tăng đến trai đường, đi đâu cũng không có tiếng cãi lý hơn thua. Nếu quí vị còn niệm phải quấy thì đi đâu cũng nghe quí vị nói cãi ồn ào, từ bên Tăng lẫn bên Ni. Chẳng hạn như thấy cành hoa hồng, người nói tốt người nói xấu, rồi cãi nhau. Xế chiều thì hoa hồng rã cánh rụng hết, vậy hoa hồng tốt hay xấu? Thật là vô lý, vật hết sức là tạm bợ, thế mà chúng ta cứ chấp chặt vào đó để tranh cãi, cãi cho ra lẽ, nhưng rốt cuộc rồi chẳng tới đâu! Đó là nghiệp thức của chúng sanh, do có tâm thức phân biệt, nên mới có phải có quấy. Nếu không tâm phân biệt, nào có thị có phi. Do tâm phân biệt phải quấy, nên mới khởi kiến chấp pháp này là tà, pháp kia là chánh; tà chánh là do tâm chấp trước mà ra. Nếu không khởi niệm không chấp trước thì cái gì tà, cái gì chánh?

Đồ tể Quảng Ngạch thành nguyện vương
Tỳ-kheo Khánh Hỷ công đức Thánh.

Thượng Sĩ trình bày phàm Thánh không khác, không thị phi, không chánh tà. Tiếp theo Ngài dẫn câu chuyện người đồ tể tên Quảng Ngạch bỏ nghề giết hại phát nguyện tu, chẳng bao lâu được giác ngộ, nên nói đồ tể Quảng Ngạch thành nguyện vương (kinh Đại Bát Niết-bàn). Khánh Hỷ nghĩa là vui mừng, là tên của Tôn giả A-nan, em con nhà chú của Thái tử Sĩ-đạt-ta. Ngài ra đời ngay khi Thái tử Sĩ-đạt-ta thành Phật. Thái tử thành Phật là niềm vui mừng lớn của nhân loại, nên Ngài được đặt tên là Khánh Hỷ. Khi lớn lên Ngài xuất gia làm Tỳ-kheo, làm Thị giả hầu cận bên Phật, là một trong những đệ tử lớn của đức Phật, là bậc đa văn có đức hạnh đầy đủ, tu chứng được quả Thánh. Thượng Sĩ nói Tỳ-kheo Khánh Hỷ hầu cận Phật tu thành Thánh, người đồ tể tu cũng thành Thánh. Chỗ này cho thấy, chẳng riêng người gần gũi Phật như Thị giả A-nan tu mới thành đạo, mà tên đồ tể từng làm nghề giết hại sanh vật, nếu khéo tu cũng thành tựu đạo quả. Như vậy nói ai phàm ai Thánh? Đâu phải đồ tể là phàm, đâu phải Tỳ-kheo là Thánh, mà phàm Thánh chỉ ở mê và giác. Vậy, với người giác ngộ không nói ai là phàm ai là Thánh.

Tự giác giác tha độ đường mê
Khắp cõi mát lành không nóng bức.

Tự mình tu được giác ngộ rồi, ra giáo hóa giúp cho người người được giác ngộ như mình, cũng ra khỏi mê lầm, khiến cho cõi đời này được an vui thanh thoát. Nói theo Thượng Sĩ là khắp cõi mát lành không nóng bức. Trọng tâm của người tu là phải làm sao tu cho mình được giác ngộ, sau đó giáo hóa người cũng được giác ngộ, như thế mới đem lại an vui lợi ích cho chúng sanh. Ví dụ Tăng Ni trong Thiền viện, nếu ai cũng tỉnh giác biết thân này và ý niệm của tâm là huyễn hóa không thật, biết niệm khởi là gốc tạo nghiệp, không khởi vọng niệm, không chạy theo cảnh, không chấp thân là thật. Toàn chúng cả trăm người ai cũng thấy như vậy thì từ sáng tới chiều đâu có bực bội phiền não, ngày nào cũng an lành mát mẻ. Quí vị thấy như thế nhắc nhở cho mọi người cũng thấy như thế, thì cõi đời này thanh tịnh an vui dường nào! Sở dĩ bây giờ có vui buồn phiền não là tại chúng ta chưa tỉnh giác, nên sanh khởi nhiều chuyện lôi thôi.

Anh thấy chăng,
Người mất trước đó là ai?
Người được sau đó là ai?

Thượng Sĩ hỏi chúng ta có thấy chăng, thân này hư hoại chết đi là ai? Người chết tái sanh thân khác là ai? Thân cũ thân mới (thân tiền ấm, thân hậu ấm) dường như là hai thân hai tâm. Song, sự thật nó chỉ là một dòng sanh mạng; thân trước hoại mất là tử, thân sau được tức là sanh. Sanh tử thấy như có đây được kia, nhưng thật chỉ là mình chớ không có ai khác. Thế nên Thượng Sĩ nói:

Hai tâm sai khác một dòng mạng.

Tất cả niệm được niệm mất đều không thật. Nó là gốc của nghiệp dẫn chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử. Không phải cái này được sanh cái kia bị mất là hai cái khác biệt.

Rốt cuộc tám muôn bốn ngàn pháp môn đà-la-ni.
Đồng nhiếp vào gương trí rộng lớn tròn đầy Như Lai.
Chao!

Đà-la-ni là tổng trì, gồm giữ tất cả. Tất cả pháp hữu vi có hình tướng sai biệt có sanh có diệt, đồng nhiếp chung một Tánh giác như nhau, hay nói cách khác là đồng nhiếp chung một gương Trí tuệ Phật rộng lớn của mình. Vậy, gương Trí tuệ Phật của mình mới là cái gốc, còn tất cả tướng sanh diệt chỉ là cái tạm giả dối không thật. Thấy như vậy mới là thấy tột cùng.

Tóm lại, với đôi mắt giác ngộ thấy phàm Thánh không hai. Nhưng người đời thấy là hai và lúc nào cũng nghĩ phàm phu tu để được làm Thánh. Phàm Thánh không hai, mê là phàm, giác là Thánh; tuy mê giác có khác ở nội tâm, chớ thân không khác. Chúng ta tu muốn được giác ngộ là phải biết rõ vọng niệm là si mê dẫn đi trong luân hồi sanh tử, nên không dấy niệm phải quấy hơn thua không chạy theo ngoại cảnh.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.