BÀI NGÂM PHÓNG CUỒNG
Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang
Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương.
Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.
Đói thì ăn chừ cơm tùy ý
Mệt thì ngủ chừ nào có quê hương.
Hứng lên chừ thổi sáo không lỗ
Chỗ lặng chừ đốt giải thoát hương.
Nhọc chút chừ nghỉ đất hoan hỉ
Khát uống no chừ thang tiêu dao.
Qui Sơn láng giềng chừ chăn con trâu nước
Tạ Tam đồng thuyền chừ hát khúc Thương Lang.
Thăm Tào Khê chừ chào Lư Thị
Viếng Thạch Đầu chừ sánh lão Bàng.
Vui ta vui chừ Bố Đại vui
Cuồng ta cuồng chừ Phổ Hóa cuồng.
Chao! Chao! Chừ giàu sang mây nổi
Năm tháng chừ cửa sổ ngựa qua.
Đi càn chừ đường quan hiểm trở
Chịu sao chừ ấm lạnh tình đời.
Sâu thì xắn chừ cạn thì vén.
Dùng thì hành chừ bỏ thì tàng.
Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt
Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.
Thỏa nguyện ta chừ được sở thích
Sống chết bức nhau chừ nơi ta ngại gì.
Giảng:
Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ mà thấy tột cùng được giáo lý Phật. Cuộc sống của Ngài là một cuộc sống thênh thang không bị cột trói gò bó bởi danh lợi quyền thế ở thế gian. Đọc Bài Ngâm Phóng Cuồng này, chúng ta thấy được tâm hồn của Ngài một cách rõ ràng. Trước hết tôi giảng tựa Bài Ngâm Phóng Cuồng. Phóng là phóng khoáng phóng đạt, rộng thênh thang, tự do không giới hạn, không gò bó trong một khuôn khổ nào. Cuồng là cuồng loạn hay điên cuồng, nhưng cuồng còn có nghĩa là cuồng nhiệt, là ý khí mạnh mẽ. Hiểu theo nghĩa Thượng Sĩ dùng trong bài thì không có nghĩa là điên mà là ý khí mạnh mẽ như cuồng nhiệt.
Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang
Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương.
Thượng Sĩ thấy trời đất thênh thang không giới hạn, Ngài chống gậy rong chơi ngoài nơi chốn không chỗ nơi. Ngài thong thả tự tại như thế.
Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.
Nhìn lên thì thấy mây ấp chót núi, phủ đảnh núi. Đó là chỗ cao. Nếu nhìn xuống thì thấy biển cả mênh mông không giới hạn. Đó là chỗ sâu. Cao như mây trên đảnh núi, sâu như nước mênh mông đầy biển cả.
Đói thì ăn chừ cơm tùy ý
Mệt thì ngủ chừ nào có quê hương.
Cơm tùy ý nguyên chữ là hòa la phạn, nghĩa là cơm do tùy ý thí chủ mười phương đóng góp, nên gọi là cơm tùy ý. Các vị Tỳ-kheo đi khất thực đúng pháp là ôm bình bát đi tuần tự từ nhà này đến nhà kia, tùy ý ai phát tâm cúng dường thì cúng chớ không nài ép. Thức ăn này gọi là hòa la phạn. Thượng Sĩ không phải là người xuất gia sao nói ăn cơm của mười phương thí chủ góp? Mệt thì cứ ngủ, hoặc dưới gốc cây, hoặc trên bãi cỏ, hoặc trong sân chùa… tùy lúc mệt thì cứ ngủ, không định trước nơi chốn xứ sở. Ý này Ngài dẫn từ câu “hà hữu hương” trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử.
Hứng lên chừ thổi sáo không lỗ
Chỗ lặng chừ đốt giải thoát hương.
Thường thường người đời thổi sáo có lỗ và đốt hương trầm hoặc hương quế. Ở đây Thượng Sĩ thổi sáo không lỗ, đốt hương giải thoát. Vậy sáo không lỗ là sáo gì và hương giải thoát là hương gì? Khi hứng lên là lúc tâm thanh tịnh sáng rực là thổi sáo không lỗ; khi tỉnh lặng thì nằm chơi hoặc ngồi nghỉ lòng không vướng mắc, cảnh nào cũng là cảnh giải thoát, đó là đốt giải thoát hương. Như vậy, hứng thì hiện tướng thanh tịnh sáng suốt của Thiền, khi lặng yên thì hiện cả tâm trạng giải thoát.
Nhọc chút chừ nghỉ đất hoan hỉ
Khát uống no chừ thang tiêu dao.
Nếu nhọc mà nghỉ thì nghỉ đất hoan hỉ; nghỉ ở đâu cũng là đất hoan hỉ; vườn cây, đồng trống, núi rừng… đối với Ngài đều là đất hoan hỉ, Ngài nghỉ ở đâu cũng thấy vui cả. Nếu khát thì uống nước tiêu dao đến no thôi. Giả sử nước lấy từ giếng, Ngài uống cũng thành nước thuốc tiêu dao. Còn chúng ta dù có được uống thang thuốc bổ, song chưa chắc tâm hồn đã được tiêu dao thanh thản, vẫn còn rối loạn nặng nề.
Từ câu đầu đến câu này nói lên phong độ sống của Thượng Sĩ, Ngài thảnh thơi tự tại, không có gì giới hạn ngăn ngại, ở đâu đi đâu, ăn, uống, ngủ, nghỉ… đều ở trong tư thái nhàn nhã thong dong, không hề thấy khó khăn vướng bận. Đối với Thượng Sĩ trời đất thênh thang nơi nào cũng là quê hương xứ sở, dù có xin cơm của ngàn nhà Ngài ăn cũng thấy vui, chỗ nào Ngài ngồi cũng thấy thoải mái, uống nước giếng nước suối Ngài cũng thấy tâm hồn thanh thản giải thoát, không có gì chướng ngại. Tóm lại, tất cả mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, ngủ, nghỉ… bất cứ ở đâu Ngài cũng đều ở trong tư thái tự do tự tại, phong thái này mới hàm nghĩa chữ Phóng. Chúng ta ngày nay ở chỗ này đi tới chỗ khác là đã thấy chướng rồi, lạ nơi lạ chỗ khó ngủ, khó ăn, khó chịu đủ thứ.
Qui Sơn láng giềng chừ chăn con trâu nước.
Qui Sơn Linh Hựu khi sắp tịch Ngài nói: “Sau khi Lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ ‘Qui Sơn Tăng Linh Hựu’. Khi ấy gọi là Qui Sơn Tăng hay gọi là trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Qui Sơn Tăng? Gọi thế nào mới đúng?” Và, người kế thừa trụ trì núi Qui sau khi Thiền sư Linh Hựu tịch là Thiền sư Đại An cũng nói: “Đại An này ở tại núi Qui ba mươi năm, ăn cơm núi Qui, đại tiện núi Qui, mà không học thiền núi Qui, chỉ coi chừng con trâu, nó lạc đường hay vào trong cỏ, liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó. Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi.” Chẳng biết Thượng Sĩ làm bạn với Qui Sơn Linh Hựu hay Qui Sơn Đại An? Thượng Sĩ nói chăn trâu thì chắc là làm bạn láng giềng với Qui Sơn Đại An.
Tạ Tam đồng thuyền chừ hát khúc Thương Lang.
Tạ Tam gọi đủ là Tạ Tam Lang, chỉ cho Thiền sư Tông Nhất pháp danh là Sư Bị ở Huyền Sa. Người đời thường gọi là Huyền Sa Sư Bị. Sư con nhà họ Tạ, mà là con thứ ba nên gọi là Tạ Tam. Ngài quê ở huyện Mân, Phước Châu, thuở nhỏ theo cha làm nghề lưới cá trên sông Nam Đài. Năm ba mươi tuổi Sư phát tâm cầu giải thoát, liền bỏ thuyền câu, lên núi xuất gia. Sau ngộ đạo, nổi tiếng cả hai mặt đức hạnh và trí tuệ. Thượng Sĩ sánh mình là bạn đồng thuyền với Huyền Sa Sư Bị nên nói Tạ Tam đồng thuyền. Tức là Ngài đi đồng thuyền câu với chàng Tạ Tam, thuyền nổi lênh đênh trên mặt nước, Ngài hát khúc nhạc Thương Lang là khúc nhạc của ông chài. (Thương Lang còn là tên một đoạn sông Hán Thủy.) Thượng Sĩ sánh mình là bạn của Qui Sơn Đại An, Ngài cũng chăn trâu nước như Qui Sơn Đại An, cũng sánh mình là bạn của Huyền Sa Sư Bị, cũng đi câu cá như Tạ Tam hát khúc hát ông chài trên khúc sông Thương Lang.
Thăm Tào Khê chừ chào Lư Thị
Viếng Thạch Đầu chừ sánh lão Bàng.
Thượng Sĩ oai quá! Ngài đi Tào Khê thăm cư sĩ họ Lư, là Lư hành giả tức Lục tổ Huệ Năng. Ngài tự sánh mình như cư sĩ Bàng Long Uẩn tới Thạch Đầu hỏi đạo, được Hy Thiên Thạch Đầu khai ngộ tỉnh ra.
Vui ta vui chừ Bố Đại vui
Cuồng ta cuồng chừ Phổ Hóa cuồng.
Thượng Sĩ có cái vui như cái vui của Bố Đại. Bố Đại là một vị Tăng họ Thị đời nhà Lương trong thời Ngũ Đại, quê ở Minh Châu, Chiết Giang, Phụng Hóa. Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục chép Hòa thượng Bố Đại mập mạp, mày rộng, bụng to, nói năng không chừng, ngủ nghỉ tùy ý, vai vác cây gậy, trên đầu gậy quảy một cái đãy, mọi đồ tùy thân đều chứa trong đãy. Người đời gọi là Trường Đinh Tử Bố Đại Sư. Hòa thượng hay nói trước chuyện kiết hung cho người, và hay dự biết mưa nắng. Hòa thượng ngồi trên bàn thạch đông lang chùa Nhạc Lâm nói kệ:
Di-lặc chân Di-lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức.
Dịch:
Di-lặc thật Di-lặc
Phân thân ngàn trăm ức
Luôn luôn chỉ người đời
Người đời tự chẳng biết.
Nói kệ xong Ngài ngồi an nhiên thị tịch.
Như vậy là Hòa thượng Bố Đại vui lắm, lúc nào và ở đâu Ngài cũng cười. Hiện tại chúng ta thấy tượng Ngài ngồi cười toe toét, người đời cho là tượng Bồ-tát Di-lặc. Thực tế thì Ngài mới là con người lịch sử, còn Bồ-tát Di-lặc chỉ là hình ảnh biểu trưng. Trước khi tịch Ngài nói bài kệ này thì biết đó là Hóa thân của đức Di-lặc, nên người sau tạc tượng thờ Ngài lấy theo hình ảnh Hóa thân đó. Thượng Sĩ có cái vui giống như cái vui của Hòa thượng Bố Đại. Nếu Thượng Sĩ có nổi cuồng thì cuồng như Phổ Hóa cuồng. Phổ Hóa là đệ tử nối pháp của Thiền sư Bảo Tích, núi Bàn Sơn ở U Châu. Bàn Sơn sắp tịch bảo chúng:
– Ai vẽ được chân dung ta?
Phổ Hóa thưa:
– Con vẽ được.
– Sao chẳng trình ta xem?
Phổ Hóa bèn nhào ngược thân rồi đi. Bàn Sơn bảo:
– Gã này về sau như khùng điên tế độ người.
Lúc Thiền sư Nghĩa Huyền đến giáo hóa ở đất Lâm Tế, nơi đây Phổ Hóa đã ở trước, Ngài giúp Thiền sư Lâm Tế giáo hóa ở đây với cái hạnh như điên như tỉnh.
Thượng Sĩ sánh mình là bạn của Qui Sơn Đại An, của Huyền Sa Sư Bị, Thượng Sĩ là người đi viếng Lục Tổ ở Tào Khê, là người đồng chí với Bàng Long Uẩn, Ngài luôn luôn vui cười như Hòa thượng Bố Đại, và có cái cuồng như Phổ Hóa. Vậy trong bài này có phải tỏ ý khí mãnh liệt không? Nếu ý khí không mãnh liệt đâu dám sánh mình với các Thiền sư nổi tiếng ở Trung Hoa, kể cả Lục Tổ. Ngài tự thấy mình có phần trong những vị ấy nên mới nói như thế.
Chao! Chao! Chừ giàu sang mây nổi
Năm tháng chừ cửa sổ ngựa qua.
Những cái sang giàu ở thế gian này đối với Thượng Sĩ giống như đám mây tụ rồi tan, không bền lâu, thế mà người đời ai cũng đuổi tìm tranh nhau nắm bắt. Ngài thấy thương mới than “Chao! Chao! Chừ…”. Còn năm tháng đối với Thượng Sĩ mau chớp nhoáng như ngựa chạy qua cửa sổ. Người đứng trong nhà nhìn ra cửa sổ, bỗng thấy ngựa sải chân chạy qua, vừa thoáng thấy dáng ngựa chạy qua là mất hút. Ngày tháng qua nhanh như ngựa chạy, thế mà người đời không tỉnh; sự giàu sang như mây tụ rồi tan, thế mà người đời không biết. Ngài tỉnh, thấy rõ ràng, cảm thương người đời mê muội nên mới có lời than như thế.
Đi càn chừ đường quan hiểm trở
Chịu sao chừ ấm lạnh tình đời.
Đường quan là đường đi tới cửa quan, nói rõ hơn là ra làm quan, là con đường rất hiểm trở, mà người đời đua nhau để đi. Đường hiểm trở mà vẫn đua nhau đi càn đi bướng không ngại khó khổ. Chính vì người đời ai cũng chen nhau đi trên quan lộ để được lợi danh, nên mới có xảy ra tình đời khi ấm khi lạnh. Gặp nhau vui vẻ tay bắt mặt mừng là ấm, gặp nhau không nhìn không chào là lạnh. Trong mối quan hệ giữa bạn bè, giữa láng giềng, giữa anh em thân thuộc… khi làm ăn phát đạt giàu sang, đi tới đâu ai cũng mừng rỡ đón tiếp đó là ấm, khi làm ăn thất bại cảnh nhà sa sút, nghèo thiếu thì bị bỏ rơi không chào hỏi đó là lạnh. Hoặc giả ở trong đường quan được thăng quan lên cấp thì được nể trọng cúc cung, đó là ấm; nếu bị hất ra hay giáng cấp thì bị khinh thường xem nhẹ, đó là lạnh. Quí vị chắc đã từng trải qua những ấm lạnh này rồi, chắc cũng thấm thía lắm. Đừng chen vào, chỉ khổ thôi! Qua bốn câu này, chúng ta thấy Thượng Sĩ có vẻ bi quan, nhìn đời với con mắt chán ngán. Nhưng không, Ngài có thái độ tùy thời rất hay.
Sâu thì lội chừ cạn thì vén
Dùng thì hành chừ bỏ thì tàng.
Gặp chỗ nước sâu thì để nguyên quần áo lội qua, gặp chỗ nước cạn chỉ vén quần là qua được. Khi gặp tình đời ấm lạnh, tùy duyên tùy thời xử sự sao cho ổn thôi, không cố chấp. Thiên hạ cần thì đem hết khả năng ra làm mọi việc để giúp. Lúc thiên hạ không dùng, xã hội không ngó ngàng tới thì ẩn tu dưỡng thần dưỡng trí, có gì đâu mà buồn! Đó là sống tùy thời trong vòng tương đối. Ở đây thái độ sống của Thượng Sĩ còn vượt cao hơn nữa!
Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt
Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.
Người đời mắc kẹt với bao thứ: được, mất, khổ, vui, gốc từ chấp thân này mà ra. Bởi chấp thân nên mới có phiền não. Bây giờ đối với thân tứ đại này buông bỏ đi, không bám chặt không chấp giữ nó nữa thì tỉnh táo sáng suốt, sống đời an nhàn tự tại, không còn điên đảo chạy ngược chạy xuôi nữa.
Thỏa nguyện ta chừ được sở thích
Sống chết bức nhau chừ nơi ta ngại gì.
Sống giữa thiên hạ, Thượng Sĩ tự thấy mình đã được thỏa nguyện, vì những sở thích ước muốn Ngài đã đạt được. Giữa trời đất thênh thang núi cao biển rộng Ngài đã dạo khắp. Ăn uống ngủ nghỉ lúc nào Ngài cũng tự tại, Ngài thấy nơi nào cũng là quê hương. Ngài thảnh thơi đi thăm viếng các Thiền sư lỗi lạc ở Trung Hoa. Thái độ vui hay cuồng của Ngài chẳng khác Bố Đại hay Phổ Hóa, việc sống chết đối với Ngài, Ngài không ngại.
Kiếp người nay sống tạo nghiệp, mai chết theo nghiệp sanh ra; sanh ra rồi chết, chết rồi sanh. Sống chết cứ đuổi nhau bức ngặt con người không dừng. Song, sống chết không làm ngại Thượng Sĩ. Thượng Sĩ là cư sĩ mà dõng dạc tuyên bố một câu mạnh mẽ như vậy, chúng ta là hàng tu sĩ xuất gia thấy sao? Đa số chúng ta ở đây đều là những người tu từ mười năm, hai mươi năm trở lên, đối với việc sanh tử có dám tuyên bố câu nào không? Hay tâm còn lo nghĩ về cái chết của mình, không biết mai kia chết rồi sẽ đi về đâu? Sở dĩ chúng ta sợ là vì mình chưa làm chủ được mình nên mới sợ chết sợ sanh. Thượng Sĩ vì đã làm chủ được mình nên Ngài không sợ sanh tử.
Qua Bài Ngâm Phóng Cuồng này, tuy Thượng Sĩ nói Thượng Sĩ điên, nhưng Ngài điên trong tỉnh, chúng ta cũng nên điên như Ngài. Nhưng rất tiếc, đa số chúng ta đều điên trong mê loạn, những cái không đáng quí trọng mà cứ đuổi theo để nắm bắt, rốt cuộc rồi vẫn tay không. Điên mà không biết mình điên, cứ nghĩ mình sáng. Còn Ngài nói Ngài điên mà thật sự Ngài không điên. Đó là hình ảnh đẹp của Thượng Sĩ qua bài ca trên.