Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Mê Ngộ Không Khác



MÊ NGỘ KHÔNG KHÁC

Mê đi sanh không sắc
Ngộ lại chẳng sắc không.
Sắc không mê ngộ ấy
Một lý xưa nay đồng.
Vọng dấy tam đồ dấy
Chân thông ngũ nhãn thông.
Niết-bàn tâm vắng lặng
Sanh tử biển trùng trùng.
Chẳng sanh lại chẳng diệt
Không thủy cũng không chung.
Chỉ hay quên nhị kiến
Pháp giới thảy bao dung.

Giảng:

Mê đi sanh không sắc
Ngộ lại chẳng sắc không.

Con người khi còn mê không biết mình từ đâu sanh ra và khi chết cũng không biết mình sẽ về đâu? Nói cách khác là do mê nên không biết đường sanh tử thế nào, vì vậy mà thấy có sắc có không; không là cái không hình tướng, sắc là cái có hình tướng, hai cái đối đãi nhau. Ví dụ như thân người, cái bàn, cái ghế… là sắc, khoảng trống trong không gian thì gọi là không. Do mê nên thấy có sắc có không đối đãi nhau, khi ngộ rồi thì không thấy có sắc có không đối đãi nhau nữa. Tại sao vậy? Vì con người chúng ta ai cũng quen nhìn cái có hình tướng gọi đó là sắc, còn cái không hình tướng gọi đó là không, thành ra có sắc và không tương đối. Nhưng chỗ rốt ráo thì sắc không thật là sắc, không không thật là không. Như Thiền đường này, bên ngoài là một lớp trống không, kế đó là một lớp vách, cửa, mái bao bọc phủ kín gọi là cái nhà (sắc), bên trong nếu đặc kín thì không phải là cái nhà. Bên trong cái nhà cũng là một khoảng trống không. Như vậy, cái trống không trùm cả trong lẫn ngoài cái dáng che đậy tạm bợ gọi là cái nhà, chớ không thật. Đó là đứng trên phương diện đối đãi mà nói, nếu đứng trên bình diện cùng tột thì, Thiền đường này trước đây là sắc hay là không? Nếu nói là sắc thì chỉ là những cây thông thôi, chớ không có cái Thiền đường. Do duyên hợp lại lập thành cái nhà gọi là Thiền đường. Như vậy Thiền đường trước không tự có, do duyên hợp tạm có Thiền đường. Nhưng, năm bảy mươi năm sau nếu nó hư không sửa, nó cũng trở lại thành không. Vậy trước không sau không, giữa chỉ có tạm bợ, có không thật có. Sắc thể nó vốn là không, và không thể cũng là không; không và sắc đồng một thể, không hai. Thế nên khi ngộ thấy được tột cùng thì không có cái sắc thật cái không thật, chẳng qua là đối đãi giả lập thôi. Vì vậy mà Thượng Sĩ nói khi mê thấy có sắc và không, khi ngộ thấy sắc và không đều không thật chỉ là giả danh.

Sắc không mê ngộ ấy
Một lý xưa nay đồng.

Trước Thượng Sĩ nói sắc không không phải hai, giờ đây Ngài nói mê và ngộ lý xưa nay đồng. Người chưa tu là còn mê, nhưng phát tâm tu công phu viên mãn hốt nhiên ngộ được lý đạo; khi chưa ngộ và khi ngộ rồi vẫn là một người, chỉ khác nhau ở chỗ mê và ngộ thôi. Ví dụ nhà đang tối, bật đèn thì nhà sáng, vừa rồi nhà tối giờ đây nhà sáng, hai hiện tượng tối sáng khác nhau rõ ràng, nhưng cùng ở trong nhà mà thấy có tối và sáng dường như hai. Song không phải hai, vì tối cũng ở trong nhà mà sáng cũng ở trong nhà, chớ không ngoài cái nhà. Khi nhà tối chúng ta nói là tối, khi bật đèn sáng chúng ta nói là sáng. Thấy tối thấy sáng là do mắt nhìn chớ khoảng không gian đâu có tối sáng, không đổi thay, vẫn là khoảng không gian trong nhà. Cũng vậy, Tâm thể con người không mê không ngộ, vì tâm thức loạn tưởng không thấy suốt được lẽ thật thì gọi là mê, khi thấy suốt được lẽ thật thì gọi là ngộ. Mê ngộ là do thấy được lẽ thật và không thấy được lẽ thật, chỉ khác nhau chỗ đó thôi, chớ Tâm thể trước sau không đổi dời. Như trong nhà trước tối sau sáng, khoảng hư không trong nhà trước sau không đổi. Khi có ánh sáng thì bóng tối chạy đi đâu quí vị có thấy không? Khi đèn tắt mất ánh sáng, bóng tối từ đâu chạy tới quí vị thấy không? Sáng tối có ở đâu đến và có đi đâu không? Thấy sáng thấy tối là do mắt của người mê loạn thấy, chớ sáng tối không thật, hư không trong cái nhà trước sau là một. Cũng vậy, mê ngộ khác nhau trên cái dụng biết và không biết được lẽ thật, chớ Tâm thể trước sau không khác.

Vọng dấy tam đồ dấy
Chân thông ngũ nhãn thông.

Khi vọng niệm dấy lên thì tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử, nếu niệm lành thì tạo nghiệp lành sanh cõi người cõi trời, nếu khởi niệm ác thì tạo nghiệp ác, đi trong ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh chịu bao nhiêu thứ khổ đau. Nếu không khởi niệm, thấu suốt được lý chân thật thì được Ngũ nhãn Lục thông. Như vậy, nếu chúng ta sống với vọng niệm thì Lục đạo Tam đồ hiện, nếu chúng ta sống với lý chân thật thì Ngũ nhãn Lục thông hiện. Hai đường mê ngộ rõ ràng, thế nên chúng ta tu, chủ yếu là phải buông xả vọng niệm, vì còn dấy niệm là còn đi trong luân hồi, dứt vọng niệm thì Thể chân thật hiện bày.

Niết-bàn tâm vắng lặng
Sanh tử biển trùng trùng.

Niết-bàn là quả của tâm thanh tịnh vắng lặng, sanh tử là quả của tâm thức dấy khởi dồn dập như sóng biển trùng trùng. Thế nên nói tới sanh tử là nói tới vọng niệm dấy khởi liên miên, giống như sóng biển nối tiếp không ngừng. Còn tâm thanh tịnh vắng lặng chính là Niết-bàn. Như vậy, chúng ta tu không tìm cầu Niết-bàn ở đâu xa mà phải dừng vọng niệm, tâm vắng lặng thanh tịnh thì Niết-bàn hiện tiền. Niết-bàn sanh tử không rời tâm người.

Chẳng sanh lại chẳng diệt
Không thủy cũng không chung.

Tâm thể của mỗi người vốn không sanh cũng không diệt, không trước cũng không sau. Nếu tâm mê chạy theo vọng tưởng đó là sanh tử. Nếu tâm giác thì dứt vọng tưởng, thanh tịnh là Niết-bàn. Như vậy, Niết-bàn chẳng sanh chẳng diệt, không trước không sau, nhưng nếu mê khởi vọng niệm thì bao nhiêu thứ trần lao dấy khởi không thể kể hết.

Chỉ hay quên nhị kiến
Pháp giới thảy bao dung.

Nhị kiến là cái thấy hai bên theo sở chấp. Như thấy thân mình là thật, thấy thân người là thật, chấp chặt là ta là người… đó là nhị kiến. Giờ chỉ cần buông bỏ cái chấp hai bên thì pháp giới thảy bao dung, tâm trùm cả pháp giới, tức là tâm không khởi niệm về sắc không, mê ngộ, có không, Niết-bàn sanh tử… Nhị kiến là chỉ cho cái thấy hai bên sắc không, mê ngộ, có không, Niết-bàn sanh tử… Ý niệm về những sự việc đó là hư dối không thật. Vì nếu hết sanh tử thì không còn nói đến Niết-bàn; Niết-bàn nghĩa là vô sanh, sanh tử là sanh rồi chết, chết rồi sanh lại liên miên. Khi dứt sanh tử thì không còn danh từ sanh tử, danh từ sanh tử đã không thì danh từ Niết-bàn cũng không có. Thế nên, Niết-bàn, sanh tử, mê ngộ… đều không thật. Vậy mà lúc nào chúng ta cũng sống trong tương đối hai bên không thật. Mở mắt ra nhìn sự vật thì thấy thật, mở miệng nói thì nói hai bên, cử động nào cũng hai bên hết. Giờ đây nói sắc nói không, nói thị nói phi… tất cả những cái đó cùng một thể như nhau. Nếu chúng ta biết tất cả pháp đối đãi cùng một thể thì nghe khen cũng như nghe chê không có gì khác. Nếu chúng ta biết tất cả pháp đối đãi hai bên đều không thật thì tâm không chấp không kẹt, tâm mở rộng khắp cả bầu trời. Thấy tất cả pháp đối đãi hai bên là thật thì tâm chấp trước không kẹt chỗ này cũng dính chỗ kia, lúc nào cũng vướng mắc. Quí vị tu muốn tâm mình bao dung trùm khắp hay lúc nào cũng vướng mắc? Ai tu cũng muốn mình tự do tự tại, chớ không muốn kẹt dính. Muốn tự do tự tại thì phải buông xả, không cố chấp, bằng không thì cứ thấy mình đúng người sai, mình tốt người xấu… Cả ngày giận tức, phiền lo, bực bội không yên, đủ thứ khổ. Đứng trên mặt thể mà nói thì thân ai cũng là thân tứ đại, không người nào không mang thân tứ đại. Tứ đại là cái thể của thân người, nhưng trên thân, phân biệt có đẹp có xấu, có nam có nữ. Từ cái phân biệt đó sanh ra đủ thứ chuyện. Nếu tất cả chúng ta ai cũng thấy thân người do tứ đại hòa hợp mà thành, không ai khác ai thì không còn thấy đẹp thấy xấu, thấy nam thấy nữ. Bấy giờ tâm chúng ta bao dung, không còn nghe khen đẹp thì vui, nghe chê xấu thì buồn… tâm lúc nào cũng thênh thang rộng rãi. Do thấy phải là tốt, thấy quấy là xấu, nên ai cũng thích phải ghét quấy; thấy đúng là tốt, thấy sai là xấu nên làm điều gì ai cũng muốn mình đúng mình hay để được khen, ngược lại thì bất mãn phiền não. Cái phải, cái đúng, cái hay nó không thật, thế mà chúng ta chấp nên sanh ra bao nhiêu thứ bệnh. Nếu chúng ta thấy tất cả pháp đối đãi không thật, chỉ là giả tướng giả danh thì không kẹt không dính vào đâu cả, tâm tự tại vô ngại. Quí vị có muốn làm người tự do tự tại không? Nếu muốn thì đừng khởi niệm phân biệt chấp trước, kẹt dính hai bên, buông xả niệm phân biệt chấp trước hai bên thì giải thoát mọi ràng buộc. Hiểu như thế mới thấu cái lý mê ngộ không khác và nhận chân lẽ thật.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.