Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải

Điệu Tiên Sư



Chánh văn:

Một khúc vô sanh hát vừa im 

Vác ngang cây gậy về cố hương. 

Đầu trên qua khỏi nơi nào có 

Trâu đất tha hồ cưỡi ngược lên. 

Giảng: 

Điệu là truy điệu, tức là nói lên công hạnh của người đã mất. Điệu Tiên Sư là nhắc đến công hạnh của thầy sau khi tịch.

Một khúc vô sanh hát vừa im. 

Thầy không còn hát khúc vô sanh, tức là thầy đã tịch rồi, không còn giáo hóa nữa. Vậy thầy đi đâu?

Vác ngang cây gậy về cố hương. 

Câu này Thượng sĩ dẫn câu chuyện đi ở tự tại của một vị đệ tử tông Vân Môn là am chủ Tường ở Liên Hoa Phong. Khi sắp tịch ngài cầm cây gậy để ngang vai nói “Vai vác cây gậy tức lật chẳng đoái đến người, đi thẳng vào ngàn đỉnh núi muôn đỉnh núi”. Nói xong ngài tịch. Người xưa ra đi rất là tự tại, muốn tịch thì tịch, ngồi nằm đi đứng gì cũng được. Bây giờ hỏi thầy đi đâu? Trả lời: Thầy cũng giống như am chủ Tường vác cây gậy đi qua ngàn núi muôn núi, chứ không dừng ở nơi nào.

Đầu trên qua khỏi nơi nào có 

Trâu đất tha hồ cưỡi ngược lên. 

Nơi nào có nguyên chữ Hán là hà hữu hương, nghĩa là quê hương không nơi chốn. Ở đoạn trước ngài nói chỗ cuối cùng là đạt đạo hay giải thoát sanh tử. Chỗ đó là chỗ tha hồ cưỡi ngược con trâu đất, chỗ đó là chỗ rốt ráo. Thầy của Thượng sĩ đi về chỗ tột cùng của đạo, Ngài có diệu dụng không lường nổi. Đó là lời tán thán của Thượng sĩ đối với thiền sư Phước Đường thầy ngài.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.