Trích giảng và Đối chiếu Trường A Hàm với Trường Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Đại Duyên Phương Tiện (Hán tạng) với Kinh Đại Duyên (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật trú tại xứ Kiếp-ma-sa (Kammasadam) thuộc nước Câu-lưu-sa (Kurusu) cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người đông đủ. 

Lúc đó, ông A-nan ở tại chỗ thanh vắng suy nghĩ: Lạ thay! Đức Thế Tôn dạy cái minh quang của pháp Thập nhị nhân duyên là sâu xa khó hiểu, nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy ở trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa! 

A-nan liền rời khỏi tịnh thất đi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi một bên và thưa lại điều đó. 

Phật dạy: Đừng, đừng A-nan! Chớ nói như vậy. Thật cái minh quang của pháp Thập nhị nhân duyên rất sâu xa khó hiểu, khó thấy, khó biết, đến nỗi hàng chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, những người chưa thấy nhân duyên, nếu muốn tư lường, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó đều bị hoang mê không thể thấy nổi. 

Này A-nan! Nay ta nói với ông: Lão tử có nhân duyên. Nếu có người hỏi cái gì làm duyên cho lão tử? Nên đáp sanh làm duyên cho lão tử. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho sanh? Nên đáp hữu làm duyên cho sanh. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho hữu? Nên đáp thủ làm duyên cho hữu. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho thủ? Nên đáp ái làm duyên cho thủ. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho ái? Nên đáp thọ làm duyên cho ái. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho thọ? Nên đáp xúc làm duyên cho thọ. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho xúc? Nên đáp lục nhập làm duyên cho xúc. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho lục nhập? Nên đáp danh sắc làm duyên cho lục nhập. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho danh sắc? Nên đáp thức làm duyên cho danh sắc. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho thức? Nên đáp hành làm duyên cho thức. Nếu lại hỏi cái gì làm duyên cho hành? Nên đáp vô minh làm duyên cho hành. 

Này A-nan! Bởi nhân duyên như thế, do vô minh làm duyên có hành, do hành làm duyên có thức, do thức làm duyên có danh sắc, do danh sắc làm duyên có lục nhập, do lục nhập làm duyên có xúc, do xúc làm duyên có thọ, do thọ làm duyên có ái, do ái làm duyên có thủ, do thủ làm duyên có hữu, do hữu làm duyên có sanh, do sanh làm duyên có lão tử ưu bi khổ não, tập trung thành một khối đại hoạn. Đó là nhân duyên của cái đại khổ ấm vậy. 

Giảng:

Mở đầu bài kinh, lối kết tập cũng như các kinh khác, nguyên tắc là như vậy. Lý do chính Phật nói kinh này là do ngài A-nan ở chỗ vắng suy gẫm: Lạ thay! Đức Thế Tôn dạy cái minh quang của pháp Thập nhị nhân duyên là sâu xa khó hiểu, nhưng theo ý ta quán xét chỉ như thấy trước mắt, gì mà gọi là sâu xa? Chúng ta thấy pháp Mười hai nhân duyên có gì là sâu xa? Vô minh duyên hành, hành duyên thức… đọc nghe dễ quá, nhưng tại sao Phật lại nói pháp này sâu xa khó hiểu? Tôn giả A-nan khởi thắc mắc đến bạch Phật.

Phật dạy: Đừng, đừng A-nan! Chớ nói như vậy. Thật cái minh quang của pháp Thập nhị nhân duyên rất sâu xa khó hiểu, khó thấy, khó biết, đến nỗi hàng chư thiên, ma Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, những người chưa thấy nhân duyên, nếu muốn tự lường, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó đều bị hoang không thể thấy nổi. Nghĩa là những người chưa thấy, chưa hiểu, chưa biết về lý nhân duyên, muốn suy nghĩ thâm nhập được lý này thật khó.

Khi nói về Mười hai nhân duyên, thông thường chúng ta hay bắt đầu từ vô minh, là từ nhân hiện ra quả.

Nhưng trong kinh này Phật nói lão tử trước rồi cuối cùng mới tới vô minh, đây là Phật nói từ quả phăng lần đến nhân. Bởi quả là cái thực tế, cụ thể trước mắt, còn nhân là cái tiềm ẩn. Nói vô minh chúng ta đâu biết vô minh là sao, còn nói lão tử ai cũng biết do có thân này nên có già chết, cụ thể rõ ràng. Từ cụ thể đó chúng ta mới hiểu, có hiểu mới đủ lòng tin. Nếu đầu tiên mà không hiểu thì mấy thứ sau cũng không thể hiểu. Như pháp Tứ đế, Phật nói Khổ đế trước rồi mới suy tìm nguyên nhân sau. Kinh này cũng vậy, trong Mười hai nhân duyên, Phật nói lão tử trước sau cùng mới tới vô minh.

Này A-nan! Bởi nhân duyên như thế, do vô minh làm duyên có hành, do hành làm duyên có thức, do thức làm duyên danh sắc, do danh sắc làm duyên lục nhập, do lục nhập làm duyên có xúc, do xúc làm duyên có thọ, do thọ làm duyên có ái, do ái làm duyên có thủ, do thủ làm duyên hữu, do hữu làm duyên có sanh, do sanh làm duyên lão tử ưu bị khổ não, tập trung thành một khối đại hoạn. Đó là nhân duyên của cái đại khổ ấm vậy. 

Đoạn này nói từ nhân đi lần tới quả. Do vô minh làm duyên đi lần đến lão tử ưu bi khổ não, góp lại thành khối đại khổ ấm.

Phật gọi thân là đại khổ ấm nghe có bi quan không? Chúng ta thấy thân này là khổ hay lạc? Kiểm lại từ sáng đến chiều, toàn là hiện tượng khổ. Lỗ mũi thở khì khịt không nghỉ, nếu có gì chặn nghẹt một chút thì khó ổn. Miệng thì một lát cho ít hớp nước, để lâu khô chịu không nổi, lại phải kiếm miếng ăn đưa vào, nếu quá giờ mà chưa có ăn thì thấy khổ hiện ra. Như vậy, thân này nào là ăn uống, ngủ nghỉ, tiêu tiểu… đủ thứ, không cho chúng ta yên chút nào. Rồi chạy theo nghiệp chúng sanh, muốn sanh con cháu đông đảo, toàn muốn những thứ làm mình đau khổ. Đó là khổ bên ngoài vào.

Ngay trong thân chúng ta, nó cũng ngầm chống trái lẫn nhau. Nước chống với lửa, đất không ưa gió, nên vài hôm ngã xuống nhờ cạo gió, ít bữa kiếm đồ nóng xoa, tìm đồ mát uống v.v… đòi hỏi chống chọi đủ thứ. Tất cả đều vô thường, không phải đại khổ là gì? Vậy mà chúng ta lầm lẫn cứ hiu hiu tự đắc, hãnh diện, đi đầu này đầu kia nói dóc không chịu tu hành. Mang thân khổ ấm mà không biết thân khổ, cho là sung sướng vui tươi, thật là si mê của con người. Phật nhìn thẳng, thấy thân này là đại khổ ấm, hay nói cách khác là mối đại họa, để chúng ta nghiệm xét thấy được lẽ thật. Đây nói khái lược về Mười hai nhân duyên, từ quả lần đến nhân và ngược lại từ nhân phăng tìm đến quả.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trụ tại bộ lạc Kuru (Câu-lâu), ở ấp Kuru tên là Kammāssadhamma (Kiếm-ma-sắt-đàm). Tôn giả Ananda (A-nan) đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn: 

– Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy, và giáo pháp này đối với con hết sức minh bạch rõ ràng. 

– Này Ananda, chớ có nói vậy! Này Ananda chớ có nói vậy! Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này, mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ muñja và lau sậy babbaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử. 

2. Này Ananda, nếu có ai hỏi: Già và chết do duyên nào không? Hãy đáp: Có. Nếu có hỏi: Già và chết do duyên gì? Hãy đáp: Già và chết do duyên sanh. 

Này Ananda, nếu có ai hỏi: Sanh có duyên nào không? Hãy đáp: Có. Nếu có hỏi: Sanh do duyên gì? Hãy đáp: Sanh do duyên hữu. 

Này Ananda, nếu có ai hỏi: Hữu có do duyên nào không? Hãy đáp: Có. Nếu có hỏi: Hữu do duyên gì? Hãy đáp: Hữu do duyên thủ. 

Này Ananda, nếu có ai hỏi: Thủ có do duyên nào không? Hãy đáp: Có. Nếu có hỏi: Thủ do duyên gì? Hãy đáp: Thủ do duyên ái. 

Này Ananda, nếu có ai hỏi: Ái có do duyên nào không? Hãy đáp: Có. Nếu có hỏi: Ái do duyên gì? Hãy đáp: Ái do duyên thọ. 

Này Ananda, nếu có ai hỏi: Thọ có do duyên nào không? Hãy đáp: Có. Nếu có hỏi: Thọ do duyên gì? Hãy đáp: Thọ do duyên xúc. 

Này Ananda, nếu có ai hỏi: Xúc có do duyên nào không? Hãy đáp: Có. Nếu có hỏi: Xúc do duyên gì? Hãy đáp: Xúc do duyên danh sắc. 

Này Ananda, nếu có ai hỏi: Danh sắc có duyên nào không? Hãy đáp: Có. Nếu có hỏi: Danh sắc do duyên gì? Hãy đáp: Danh sắc do duyên thức. 

Này Ananda, nếu có ai hỏi: Thức có do duyên nào không? Hãy đáp: Có. Nếu có hỏi: Thức do duyên gì? Hãy đáp: Thức do duyên danh sắc. 

3. Này Ananda, như vậy do duyên danh sắc, thức sanh; do duyên thức, danh sắc sanh; do duyên danh sắc, xúc sanh; do duyên xúc, thọ sanh; do duyên thọ; ái sanh; do duyên ái, thủ sanh; do duyên thủ, hữu sanh; do duyên hữu, sanh sanh; do duyên sanh, lão tử sanh, do duyên lão tử, sầu, bi, khổ, ưu não sanh. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi. 

Giảng: 

Phần đầu bên Hán tạng nói: Tôi nghe như vầy: Một thời gian Phật trú tại xứ Kiếp-ma-sa (Kammasadam) thuộc nước Câu-lưu-sa (Kurusu) cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người đông đủ.

Bên Pāli nói: Một thời, Thế Tôn trụ tại bộ lạc Kuru (Câu-lâu), ở ấp Kuru tên là Kammāssadhamma (Kiếm-ma-sắt-đàm). Tôn giả Ānanda (A-nan) đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên… 

Đoạn này có những điểm sai biệt:

Điểm thứ nhất, bên Pāli chỉ nói có đức Phật và tôn giả A-nan thôi, còn bên Hán nói một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, điều này chỉ là nguyên tắc, không có lẽ thật.

Điểm thứ hai, bên Pāli nói: Chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này, mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một kén, rối ren như một ống chỉ… Còn ở Hán tạng nói: Pháp Thập nhị nhân duyên rất sâu xa khó hiểu, khó thấy, khó biết những người chưa thấy nhân duyên, nếu muốn tự lường, quán sát, phân biệt nghĩa của nó đều bị hoang mê không thể thấy nổi. Hai bên khác nhau một chút, nhưng đều cho thấy lý nhân duyên rất cao siêu.

Điểm thứ ba, Hán tạng theo nguyên tắc nói đủ mười hai nhân duyên, từ vô minh, hành… lão tử; còn bên Pāli nói chỉ có mười nhân duyên, bắt đầu từ danh sắc, thức… lão tử. Đó là sự sai biệt của hai bên, đọc đến đoạn sau chúng ta sẽ thấy hợp lý.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Này A-nan! Duyên sanh mà có lão tử là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có sanh chừng có lão tử không? A-nan đáp: Không. Vậy nên A-nan! Ta do lẽ đó, biết lão tử do sanh, duyên sanh có lão tử, nghĩa của ta nói thế đó. 

Lại này A-nan! Duyên hữu mà có sanh là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu chừng có sanh không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết sanh do hữu, duyên hữu có sanh, nghĩa của ta nói là đó. 

Lại này A-nan! Duyên thủ mà có hữu là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có Dục thủ, Kiến thủ, Giới thủ, Ngã thủ, chừng có hữu không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết hữu do thủ, duyên thủ có hữu, nghĩa của ta nói tại đó. 

Lại này A-nan! Duyên ái mà có thủ là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có Dục ái, Hữu ái, Vô hữu ái chừng có thủ không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết thủ do ái, duyên ái có thủ, nghĩa của ta nói tại đó. 

Lại này A-nan! Duyên lãnh thọ mà có ái là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có thọ vui, thọ khổ, thọ không vui không khổ, chừng có ái không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết ái do thọ, duyên thọ có ái, nghĩa của ta nói tại đó. 

Giảng:

Lại này A-nan! Duyên hữu mà sanh là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không Dục hữu, Sắc hữu, sắc hữu chừng có sanh không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết sanh do hữu, duyên hữu có sanh, nghĩa của ta nói là đó.

Đây là nói về tam giới. Dục hữu là cõi dục, Sắc hữu là cõi sắc, Vô sắc hữu là cõi vô sắc. Sở dĩ chúng ta sanh ra là vì có ba cõi làm chỗ nơi nên mới có thân, nếu không thì thân ở chỗ nào? Thí dụ nói tôi ở. Vậy ở đâu? Nếu không có chỗ thì nói tôi ở được không? Sanh ra phải có chỗ nơi, đó là điều kiện thiết yếu.

Bởi do hữu làm nơi chốn mới có sanh, nên nói duyên hữu mà có sanh. Như vậy lý “duyên sanh” và “duyên hữu” liên hệ rất cụ thể. Chữ hữu nghĩa là chỗ nơi, cũng có nghĩa là nghiệp. Vì có nghiệp dẫn nên mới đến cõi đó. Nếu tạo nghiệp cõi sắc thì sanh vào cõi sắc, tạo nghiệp cõi dục thì sanh vào cõi dục. Có nghiệp và có nơi chốn cộng lại thì có sanh, chỉ nghiệp mà không chỗ nơi thì không thể sanh.

Lại này A-nan! Duyên thủ mà hữu là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không Dục thủ, Kiến thủ, Giới thủ, Ngã thủ, chừng có hữu không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết hữu do thủ, duyên thủ hữu, nghĩa của ta nói tại đó. 

Hữu là nơi chốn, là nghiệp để dẫn chúng ta tới, mà muốn tới thì phải có thủ. Thủ là giữ gìn, bám chặt. Nên nói hữu sở dĩ có là từ thủ, vì bám chặt không rời nên mới tìm đến cõi đó.

Nếu chúng sanh không có Dục thủ, Kiến thủ, Giới thủ, Ngã thủ, thì có hữu không? Do thích cõi Dục nên mới sanh về cõi Dục. Đó là Dục thủ.

Kiến thủ là bám chặt, chấp cứng vào cái thấy, cho đó là chỗ mình đến hoặc là chỗ cứu cánh của mình.

Giới thủ là giữ chặt vào giới đó. Thí dụ Phật nói sanh ở cõi người phải giữ tròn ngũ giới, sanh về cõi trời phải đủ thập thiện… Giữ được giới nào thì sanh về cõi đó. Ngoại đạo giữ những giới của họ, để sanh vào chỗ họ muốn.

Ngã thủ là then chốt. Bởi có ngã thủ mới có ngã sanh. Lúc nào cũng chấp ngã cố hữu, nên ai động tới thì nổi sân lên, tay đánh miệng la. Giữ chặt cái ngã nên mất ngã này liền tìm ngã khác. Vì chấp vào ngã nên gọi là Ngã thủ.

Do những điều kiện đó mới tạo nghiệp có cõi để sanh, nên nói duyên thủ có hữu.

Lại này A-nan! Duyên ái thủ là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có Dục ái, Hữu ái, Vô hữu ái chừng thủ không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết thủ do ái, duyên đi thủ, nghĩa của ta nói tại đó.

Duyên ái mà có thủ, nghĩa là do ái ngã nên mới có thủ ngã. Còn ái thì không thể nào buông xả được. Vậy ái là ái cái ? Ái ngũ dục hay ái Dục giới là Dục ái, Hữu ái là ái Sắc giới, Vô hữu ái là ái Vô sắc giới. Vì có tâm yêu thích trong tam giới, nên mới sanh vào đó. Chúng ta sanh ở cõi Dục, thứ mình yêu thích là ngũ dục. Những vị sanh về cõi trời Sắc giới, họ thích các hình thức về sắc, như ngồi thiền mong được tới cõi Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, đó là Hữu sắc. Mong được sanh về cõi trời Vô sắc, gọi là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ… Vậy sanh ra trong tam giới đều là do yêu thích của mỗi người.

Như có người hiện đời thân nghèo thiếu ngũ dục, mong đời sau muốn gì được nấy để hưởng ngũ dục, nên sanh vào cõi ái dục. Người có thân xấu xí, mạng sống quá ngắn, muốn đời sau sanh ra thân xinh đẹp, sống lâu thì sanh vào cõi Sắc. Nếu thích đời sau đừng có thân để thảnh thơi nhẹ nhàng, thì sanh về cõi Vô sắc.

Lại này A-nan! Duyên lãnh thọ mà có ái là nghĩa thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có thọ vui, thọ khổ, thọ không vui không khổ, chừng có ái không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết ái do thọ, duyên thọ ái, nghĩa của ta nói tại đó.

Ái là do có thọ. Thọ có ba thứ: thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui. Do ba thứ lãnh thọ này mà có ái. Thọ vui thì thích, còn thọ khổ sao thích làm gì? Giống như người uống rượu, khi mới uống vào nghe cay là khổ, uống lâu ưa thích thành vui. Ớt mới ăn cay là khổ, ăn riết ghiền thích, nên bữa ăn nào không có ớt thì tìm kiếm. Do tập lâu thành ghiền, ghiền thì ái. Như vậy thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui, rốt cuộc đều do ái. Cái gì cũng ái, cũng thích nên mới có bảo thủ, bảo thủ là khổ.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

4. Trước đã nói: “Do duyên sanh, lão tử sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên sanh, lão tử sanh”? Này Ananda, nếu sanh không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như chư thiên hay thiên giới, càn thát-bà hay càn-thát-bà-giới, dạ-xoa hay dạ-xoa giới. Quỷ thần hay quỷ thần giới, loài người hay nhân giới, loài bốn chân hay tứ túc giới, loài chim hay điểu giới, loài trùng xà hay trùng xà giới. Này Ananda, nếu không có sanh cho tất cả, do sanh diệt thời lão tử có thể hiện hữu không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của lão tử, tức là sanh. 

5. Trước đã nói: “Do duyên hữu, sanh sanh ra”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên hữu, sanh sanh ra”? Này Ananda, nếu hữu không có bất cứ loại nào giới nào, bất cứ chỗ nào xứ nào, như Dục hữu, Sắc hữu hay Vô sắc hữu. Nếu không có hữu cho tất cả, do hữu diệt thời sanh có thể hiện hữu không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của sanh, tức là hữu. 

6. Trước đã nói: “Do duyên thủ, hữu sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên thủ, hữu sanh”? Này Ananda, nếu thủ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ hay ngã chấp thủ. Nếu không có thủ cho tất cả, do thủ diệt thời hữu có thể hiện hữu không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của hữu, tức là thủ. 

7. Trước đã nói: “Do duyên ái, thủ sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên ái, thủ sanh”? Này Ananda, nếu ái không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái hay pháp ái. Nếu không có ái cho tất cả, do ái diệt thời thủ có thể hiện hữu không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của thủ, tức là ái. 

8. Trước đã nói: “Do duyên thọ, ái sanh”. Này Ananda, nếu thọ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như nhãn xúc sở sanh thọ, nhĩ xúc sở sanh thọ, tỹ xúc sở sanh thọ, thiệt xúc sở sanh thọ, thân xúc sở sanh thọ, ý xúc sở sanh thọ. Nếu không có thọ cho tất cả, nếu thọ diệt thời ái có thể hiện hữu không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của ái, tức là thọ. 

Giảng:

Do duyên sanh, lão tử sanh, do có sanh nên có lão tử. Phật nói: Nếu sanh không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như chư thiên hay thiên giới, càn-thát-bà hay càn-thát-bà-giới… đây nói sanh là cũng sanh trong tất cả các loài, còn bên Hán đơn giản, chỉ nói do sanh mà có lão tử, hoặc do hữu mà có sanh, nên ưa thích ở chỗ đó.

Do duyên hữu, sanh sanh ra… Đoạn kinh này hai bên nói giống nhau, đến phần ái và thọ thì bên Pāli nói khác hơn bên Hán tạng.

Do duyên ái, thủ sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên ái, thủ sanh”? Này Ananda, nếu ái không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái hay pháp ái. Nếu không ái cho tất cả, do ái diệt thời thủ có thể hiện hữu không?

Hán tạng nói ái là ái tam giới: Dục ái, Hữu ái, Vô hữu ái. Pāli nói ái là ái sáu thứ: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái và pháp ái. Bên Pāli nói cụ thể, dễ hiểu. Còn nói ái tam giới, như Vô hữu ái tức ái cõi Vô sắc thì nghe khó hiểu hơn.

Linh Sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái và xúc ái thì dễ hiểu rồi, còn pháp ái là sao? Pháp ái là yêu pháp trần, tức yêu vọng tưởng. Người thế gian ngồi lại thì nhớ dài dài, còn người tu khi ngồi thiền vọng tưởng dấy lên, nhớ chuyện gì hay hay tiếc không nỡ bỏ, đó là pháp ái.

Do duyên thọ, ái sanh”. Này Ananda, nếu thọ không bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như nhãn xúc sở sanh thọ, nhĩ xúc sở sanh thọ, tỹ xúc sở sanh thọ, thiệt xúc sở sanh thọ, thân xúc sở sanh thọ, ý xúc sở sanh thọ.

Hán tạng đơn giản, chỉ nói thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui. Pāli nói chi tiết từng phần, đầy đủ rõ ràng. Nhãn xúc sở sanh thọ, nhĩ xúc sở sanh thọ… là chỉ cho khi sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh ra cảm thọ. Hai bên sai biệt chỗ này. Sự thực khi nói thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui, là cũng đã ngầm chỉ cho khi căn trần tiếp xúc sanh cảm thọ rồi. Cách nói khác nhau một chút nhưng ý thì không khác.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

A-nan nên biết! Nhân tham ái mà có tìm cầu, nhân tìm cầu mà có đắc lợi, nhân đắc lợi mà thọ dụng, nhân thọ dụng mà tham muốn, nhân tham muốn mà đắm trước, nhân đắm trước mà tật đố, nhân tật đố mà quản thủ, nhân quản thủ mà bảo hộ. Này A-nan! Do bảo hộ nên mới có ra đạo gậy, tranh tụng, gây vô số điều ác, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Này A-nan! Nghĩa đó thế nào? Giả sử hết thảy chúng sanh không có bảo hộ thì chừng có đao gậy tranh tụng gây ra vô số ác không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết đao gậy tranh tụng là do tâm bảo hộ, nhân tâm bảo hộ mà sanh ra. Nghĩa của ta nói là ở đó. 

Lại này A-nan! Nhân quản thủ mà có bảo hộ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tâm quản thủ thì chừng có bảo hộ không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết có bảo hộ là do muốn quản thủ, nhân quản thủ có sự bảo hộ, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Lại này A-nan! Nhân tật đố mà có quản thủ là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tâm tật đố thì chừng có quản thủ không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết quản thủ do tật đố, nhân tật đố mà có quản thủ, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Lại này A-nan! Nhân đắm trước mà có tật đố là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không đắm trước thì chừng có tật đố không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tật đố do đắm trước, nhân đắm trước mà có tật đố, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Lại này A-nan! Nhân ham muốn mà có đắm trước là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không ham muốn thì chừng có đắm trước không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết đắm trước do ham muốn, nhân ham muốn mà có đắm trước, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Lại này A-nan! Nhân thọ dụng mà có ham muốn là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không thọ dụng thì chừng có ham muốn không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết ham muốn do thọ dụng, nhân thọ dụng mà có ham muốn, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Lại này A-nan! Nhân đắc lợi mà có thọ dụng là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không đắc lợi thì chừng có thọ dụng không? Đáp: Không. Này A-nan Ta do lẽ đó, biết thọ dụng do đắc lợi, nhân đắc lợi mà có thọ dụng, nghĩa của ta nói là đó. 

Lại này A-nan! Nhân tìm cầu mà có đắc lợi là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tìm cầu thì chừng có đắc lợi không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết đắc lợi do tìm cầu, nhân tìm cầu mà có đắc lợi, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Lại này A-nan! Nhân tham ái mà có tìm cầu là nghĩa thế nào? Giả sử chúng sanh không tham ái thì chừng có tìm cầu không? Đáp: Không. Này A-nan! Ta do lẽ đó, biết tìm cầu do tham ái, nhân tham ái mà có tìm cầu, nghĩa của ta nói là ở chỗ đó. 

Lại nữa A-nan! Nhân tham ái mà có tìm cầu cho đến có thủ hộ như thế nào, thì nhân lãnh thọ mà có tìm cầu, cho đến có thủ hộ cũng như thế ấy. 

Giảng:

Trong lý Mười hai nhân duyên này, không chỉ nói qua ái duyên thủ, thủ duyên hữu… mà tới ngay cái ái, Phật nói rộng ra hơn, từ ái sanh ra cái gì, dần dần dẫn đến đâu.. cho chúng ta thấy rõ sự nguy hiểm của nó.

Nhân tham ái mà tìm cầu, nhân tìm cầu mà đắc lợi, nhân đắc lợi mà thọ dụng, nhân thọ dụng mà tham muốn, nhân tham muốn mà đắm trước. Bởi ưa thích mới tìm cầu, tìm cầu nên có đắc lợi, tức được lợi ích; được lợi ích rồi thọ dụng, do thọ dụng sanh ưa thích nên cố ham muốn, rồi đắm trước say mê trong đó.

Nhân đắm trước mà tật đố, nhân tật đố mà quản thủ, nhân quản thủ mà bảo hộ. Nhân tật đố mà quản thủ, tật đố mà sao lại quản thủ? Tật đố là ganh tỵ đố kỵ, quản thủ là coi sóc giữ gìn. Chữ này bên Pāli dịch là hà tiện, còn dịch từ Phạn sang Hán là tật đố, e không được chính xác, nên ý không rõ ràng, theo tôi có thể dịch là keo kiệt. Nghĩa keo kiệt và hà tiện gần nhau, nhưng dịch là keo kiệt nghe sát hơn, còn nói tật đố thì không rõ nghĩa lắm. Bởi hà tiện, keo kiệt mới cố giữ gìn, là quản thủ. Như vậy có vẻ hợp lý hơn.

Này A-nan! Do bảo hộ nên mới có ra đao gậy, tranh tụng, gây vô số điều ác, nghĩa của ta nói là ở đó. Tất cả mọi việc xảy ra là do có bảo hộ, nên mới đi đến đao gậy, tranh tụng, gây vô số điều ác. Bảo hộ là gìn giữ. Thí dụ người làm vườn hoặc làm rẫy, mỗi người lo bảo hộ vườn rẫy của mình, nếu có ai vào hái trái cây hay ngắt rau, nhổ cải mà không xin phép, thì liền xách gậy rượt đuổi ra, đó là đao gậy. Như vậy từ sự bảo hộ sanh ra đao gậy, rồi tranh tụng, thưa kiện… vô số điều ác xảy ra. Chúng ta thấy tất cả những việc này, đều phát xuất từ tham ái mà kéo dài ra, gây vô số khổ đau. Nên đoạn sau Phật nói rộng cho thấy từ tham ái đi tới tranh tụng như thế nào.

Lại nữa A-nan! Nhân tham ái mà có tìm cầu cho đến có thủ hộ như thế nào, thì nhân lãnh thọ mà có tìm cầu, cho đến có thủ hộ cũng như thế ấy.

Phật dạy, từ ái mà có thủ hộ gây đau khổ như thế nào, thì thọ cũng gây ra đau khổ như thế đó. Chữ thủ hộ hay bảo hộ cùng một nghĩa. Tất cả đều do ái dẫn đi lần lần, tìm cho ra cái mình mong muốn, khi tìm được rồi thì gìn giữ, nếu có người khác xâm phạm liền dẫn đến đao gậy, tranh tụng.

Như có hai người làm ruộng, cùng có chung một bờ đê. Người bên này cuốc cái bờ cho mỏng để đất rộng thêm, ông bên kia thấy vậy cự nự, hai bên cãi lẫy một hồi, người bên này lấy cuốc đập ông bên kia bể đầu, chết liền. Đó là do bảo hộ mà có đao gậy, tranh tụng theo đó xảy ra.

Chúng ta thấy trên thế gian này phát sanh mọi đau khổ, đều từ bảo hộ. Bảo hộ cá nhân, gia đình, thân thuộc, của cải… từ đó mà khổ đau không dứt. Tất cả chúng sanh đau khổ từ thọ và ái. Thọ là chấp vào sự thọ nhận, hiểu biết của mình, rồi sanh ra bao nhiêu thứ đau khổ. Ái là chấp vào cái mình thích, rồi ái nhiễm, tìm kiếm, gìn giữ, ai động tới không được. Ái và thọ là hai cái chủ chốt ở thế gian.

Như vậy mới thấy, nói mười hai nhân duyên chỉ kể tên thôi thì dễ, còn nếu đi sâu vào tìm cho thấu đáo, tại sao ái sanh ra khổ, thọ sanh ra khổ, chúng ta mới thấy khó hiểu, tế nhị và sâu xa vô cùng.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

9. Này Ananda, như vậy do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, tìm cầu sanh; do duyên tìm cầu, lợi sanh; do duyên lợi, quyết định (sở dụng của lợi) sanh; do duyên quyết định, tham dục sanh; do duyên tham dục, đam trước sanh; do duyên đam trước, chấp thủ sanh; do duyên chấp thủ, hà tiện sanh; do duyên hà tiện, thủ hộ sanh; do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ. 

10. Trước đã nói: Do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ”. Này Ananda, nếu thủ hộ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có thủ hộ cho tất cả, nếu thủ hộ diệt thời một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ, tức là thủ hộ. 

11. Trước đã nói: Do duyên hà tiện, thủ hộ sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên hà tiện, thủ hộ sanh”? Này Ananda, nếu hà tiện không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có hà tiện, cho tất cả, nếu hà tiện diệt thời thủ hộ có thể hiện hữu không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của thủ hộ, tức là hà tiện. 

12. Trước đã nói: Do duyên chấp thủ, hà tiện sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên chấp thủ, hà tiện sanh” Này Ananda, nếu chấp thủ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không chấp thủ cho tất cả, nếu chấp thủ diệt thời hà tiện có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của hà tiện, tức là chấp thủ. 

13. Trước đã nói: Do duyên đam trước, chấp thủ sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên đam trước, chấp thủ sanh” 

Này Ananda, nếu đam trước không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có đam trước cho tất cả, nếu đam trước diệt thời chấp thủ có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của chấp thủ, tức là đam mê. 

14. Trước đã nói: Do duyên tham dục, đam trước sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên tham dục, đam trước sanh”? Này Ananda, nếu tham dục không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có tham dục cho tất cả, nếu tham dục diệt thời đam trước có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của đắm trước, tức là tham dục. 

15. Trước đã nói: Do duyên quyết định, tham dục sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên quyết định tham dục sanh”? Này Ananda, nếu quyết định không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có quyết định cho tất cả, nếu quyết định diệt thời tham dục có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của tham dục tức là quyết định. 

16. Trước đã nói: Do duyên lợi, quyết định sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên lợi quyết định sanh” Này Ananda, nếu lợi không có không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu lợi không có cho tất cả, nếu lợi diệt thời quyết định có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của quyết định, tức là lợi. 

17. Trước đã nói: “Do duyên tầm cầu, lợi sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên tầm cầu, lợi sanh”? Này Ananda, nếu tầm cầu không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu tầm cầu không có cho tất cả, nếu tầm cầu diệt thời lợi có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của lợi, tức là tầm cầu. 

18. Trước đã nói: Do duyên ái, tầm cầu sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên ái, tầm cầu sanh”? Này Ananda, nếu không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu ái không có cho tất cả, nếu ái diệt thời tầm cầu có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của tầm cầu, tức là ái. 

– Này Ananda, như vậy hai phương diện (của ái), tuy hai nhưng hòa hợp thành một, nhờ thọ (làm duyên sanh). 

Giảng:

Đoạn kinh này hai bên có chút khác. Lý do của bảo hộ, bản Pāli nói chi tiết hơn: Do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ. Đấu khẩu, ác khẩu. cũng vì có thủ hộ mà ra. Hán tạng thì đơn giản, chỉ nói do bảo hộ nên mới có đao gậy, tranh tụng, gây vô số điều ác. Mấu chốt của bảo hộ là từ tham ái.

Do duyên hà tiện, thủ hộ sanh. Chữ hà tiện tôi thấy chưa hài lòng, vì hà tiện không phải hoàn toàn xấu. Thí dụ nói người đó hà tiện, là vì giữ gìn xài cho kỹ lưỡng nên người đó hà tiện. Còn keo kiệt mới xấu, bởi keo kiệt giữ của sợ mất nên mới phải thủ hộ.

Do duyên quyết định, tham dục sanh. Câu này bên Hán dịch là nhân thọ dụng mà có ham muốn. Chữ quyết định không rõ nghĩa bằng thọ dụng. Vì quyết định là quyết định phải quấy, đúng sai, chứ không thể do quyết định mà có tham muốn quản thủ. Nên nói do quyết định mới có tham dục thì không hợp bằng do thọ dụng mà có tham muốn tìm cầu. Bởi thọ dụng rồi sanh ham thích, do thích mới khởi lòng tham. Đối chiếu chúng ta thấy sự sai khác đó, bên Hán tạng hợp lý hơn.

HÁN TẠNG

Chánh văn:

Lại này A-nan! Nhân xúc mà có thọ là nghĩa thế nào? Giả sử không có nhãn căn, sắc trần và nhãn thức thì chừng có xúc không? Không. Giả sử không có nhĩ căn, thanh trần và nhĩ thức. Không có tỹ căn, hương trần và tỹ thức. Không có thiệt căn, vị trần và thiệt thức. Không có thân căn, xúc trần và thân thức. Không có ý căn, pháp trần và ý thức, thì chừng có xúc không? Không. Này A-nan! Giả sử chúng sanh không có xúc thì chừng có thọ không? Không. Ta do lẽ đó, biết thọ do xúc, duyên xúc mà có thọ, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Này A-nan! Duyên danh sắc thế nào? Giả sử chúng sanh không có danh sắc thì chừng có tâm xúc không? Không. Giả sử chúng sanh không có hình sắc, tướng mạo thì chừng có thân xúc không? Không. Nếu không danh sắc thì chừng có xúc không? Không. Ta do lẽ đó biết xúc do danh sắc, duyên sắc mà có xúc, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Này A-nan! Duyên thức mà có danh sắc là nghĩa thế nào? Nếu thức không nhập thai mẹ thì chừng có danh sắc không? Không. Nếu thức nhập thai mẹ rồi không sanh ra, thì chừng có danh sắc không? Không. Nếu thức ra khỏi thai mẹ mà đứa hài nhi hư hỏng thì danh sắc có được tăng trưởng không? Không. Này A-nan! Nếu không thức thì chừng có danh sắc không? Không. Ta do lẽ đó, biết danh sắc do thức, duyên thức mà có danh sắc, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Lại nữa A-nan! Duyên danh sắc mà có thức là nghĩa thế nào? Nếu thức không trụ nơi danh sắc, thời thức không chỗ ở. Như vậy chừng có sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não không? Không. Này Anan Nếu không danh sắc thì chừng có thức không? Không. Ta do lẽ đó, biết thức do danh sắc, duyên danh sắc mà có thức, nghĩa của ta nói là ở đó. 

Vậy nên biết danh sắc làm duyên cho thức, mà thức cũng làm duyên cho danh sắc, rồi danh sắc làm duyên cho lục nhập, lục nhập làm duyên xúc, xúc làm duyên thọ, thọ làm duyên ái, ái làm duyên thủ, thủ làm duyên hữu, hữu làm duyên sanh, sanh làm duyên lão tử, ưu bị khổ não, tập thành một đại khổ ấm. 

Này A-nan! Ngang chừng ấy là đáng nói, ngang chừng ấy là thích ứng, ngang chừng ấy là hạn lượng, ngang chừng ấy là điều diễn nói, ngang chừng ấy là chỗ trí quán, ngang chừng ấy là chúng sanh. 

Này A-nan! Vị Tỳ-kheo nào đối với pháp đó đem tâm chánh quán đúng như thật, thì tâm được vô lậu giải thoát, còn gọi là tuệ giải thoát. Vị Tỳ-kheo giải thoát ấy, Như Lai không kiếp sau họ cũng biết, Như Lai có kiếp sau họ cũng biết, Như Lai vừa không vừa có kiếp sau họ cũng biết, Như Lai chẳng phải không chẳng phải có kiếp sau họ cũng biết. Tại vì sao? Này A-nan! Vì ngang chừng ấy là đáng nói, ngang chừng ấy thích ứng, ngang chừng ấy là hạn lượng, ngang chừng ấy là điều diễn nói, ngang chừng ấy là chỗ trí quán, ngang chừng ấy là chúng sanh. 

Đối với vị Tỳ-kheo đã thấu hiểu trọn vẹn, đã được vô lậu giải thoát, đã giải thoát mọi văn tự, câu chấp, hạn cuộc, đã thoát khỏi các vòng triền phược mà nói rằng vị Tỳ-kheo ấy không biết không thấy được điều đó, thời cái tri kiến như vậy thật là vô lý. 

Giảng:

Nhân xúc mà có thọ… Xúc có là do sáu căn tiếp xúc sáu trần, nếu căn trần không thì xúc cũng không. Nên Phật nói: Này A-nan! Giả sử chúng sanh không có xúc thì chừng có thọ không? Không. Ta do lẽ đó, biết thọ do xúc, duyên xúc mà có thọ, nghĩa của ta nói là ở đó. Tất cả cảm thọ đều từ xúc mà sanh. Do sáu căn tiếp xúc với sáu trần nên mới có thọ. Nếu căn không tiếp xúc với trần thì thọ nương đâu mà có, nên nói duyên xúc mà có thọ.

Duyên danh sắc mà có xúc. Danh sắc là thân, gồm một phần tinh thần và một phần vật chất. Tinh thần là danh, vật chất là sắc. Thân chúng sanh có tinh thần và vật chất, từ đó mới tiếp xúc với sáu trần, thành ra có xúc.

Duyên thức mà có danh sắc là nghĩa thế nào? Nếu thức không nhập thai mẹ thì chừng có danh sắc không? Không. Nếu thức nhập thai mẹ rồi không sanh ra, thì chừng có danh sắc không? Không. Nếu thức ra khỏi thai mẹ mà đứa hài nhi hư hỏng thì danh sắc có được tăng trưởng không? Không.

Đoạn này đức Phật nêu ra mấy câu hỏi, ngài A-nan đều đáp không. Phật kết luận: Ta do lẽ đó, biết danh sắc do thức, duyên thức mà danh sắc, nghĩa của ta nói là ở đó. Như vậy, danh sắc do thức mà có, hay ngược lại duyên thức mà có danh sắc.

Duyên danh sắc mà có thức là nghĩa thế nào? Nếu thức không trụ nơi danh sắc thời thức không chỗ ở, như vậy chừng có sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não không?

Nếu có thức mà không danh sắc thì không có chỗ trụ, không chỗ trụ thì không sanh, không sanh thì không lão tử v.v… Thức và danh sắc hỗ tương nhau, cái này làm duyên cho cái kia, cái kia làm duyên cho cái này.

Này A-nan! Ngang chừng ấy là đáng nói, ngang chừng ấy là thích ứng, ngang chừng ấy là hạn lượng, ngang chừng ấy là điều diễn nói, ngang chừng ấy là chỗ trí quán, ngang chừng ấy là chúng sanh. Ngay đâu mà có chúng sanh? Ngay nơi danh sắc và thức làm duyên cho nhau mà có. Danh sắc là từ tinh cha huyết mẹ phối hợp ở trong bào thai, rồi thức dựa vào đó để tăng trưởng. Nếu không có sắc thì danh không chỗ tựa, vì vậy phải có bào thai và thức hợp lại mới thành hài nhi. Hài nhi đó bệnh hoạn hay hư hỏng thì cũng không tăng trưởng được.

Gần đây có Phật tử hỏi, trong kinh Phật nói, thức nương nơi ánh sáng khi cha mẹ gặp nhau mà vào bào thai. Nhưng bây giờ khoa học cho thụ thai trong ống nghiệm, không có duyên cha mẹ giao hợp, thức làm sao biết mà đến, vậy có thức không? Tinh cha huyết mẹ là hai thứ âm dương, khi âm dương gặp nhau phát ra ánh sáng. Do vậy dù ở chỗ nào, trong bụng mẹ hay trong ống nghiệm, nó cũng phát ánh sáng, thần thức thấy được ánh sáng liền đến, chứ đâu nhất định phải có cha mẹ cụ thể. Cũng như điện âm và điện dương gặp nhau, dù ở trong hư không cũng xẹt lửa. Hiểu như vậy thì không có gì nghi ngờ. Cho nên chúng ta học kinh là phải nghiệm xét, đối chứng cho rõ. Nếu không hiểu thông suốt, bị người hỏi đến thì liền mờ mịt.

Này A-nan! Vị Tỳ-kheo nào đối với pháp đó đem tâm chánh quán đúng như thật, thì tâm được vô lậu giải thoát, còn gọi là tuệ giải thoát. Vị nào y cứ theo đó mà chánh quán thì được tuệ giải thoát. Dễ quá, học thuộc lòng rồi nói tới nói lui là được giải thoát chứ gì? Nghe đơn giản nhưng không phải dễ.

Phật nói ngang chừng đó là đủ cả thức, danh sắc cho đến sanh, lão, tử… trọn một kiếp người. Thấu triệt được kiếp người, từ hiện tại đến vị lai, không chấp, không nghi ngờ, rất khó! Nếu thấy rõ ràng, từ thức duyên danh sắc vào thai mẹ, rồi có lục nhập là sáu căn, sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh ra cảm thọ. Thân chúng ta chỉ là một mớ duyên hợp, do đủ nhân đủ duyên, cái này nương cái kia mà tạm có. Một vòng lẩn quẩn không có cái gì thật, chỉ là một nhóm khổ ấm. Biết nó không thật thì còn nhiễm cái gì, mê cái gì mà không giải thoát!

Nếu chúng ta chỉ học thuộc lòng mà không hiểu đúng lẽ thật, thì khi đụng chuyện thấy ngã còn y nguyên, nên rồi cũng lục đục, cũng giận hờn, cũng sân si, cũng giành ăn giành uống… đủ thứ. Có bao giờ chúng ta nghĩ, tại sao mình có mặt ở đây? Nếu chúng ta biết rõ Mười hai nhân duyên, thấy từng giai đoạn từ thức vào bào thai, dần dần lớn lên rồi tạo nghiệp, dẫn đến đời sau thọ nhận một mớ khổ. Do trí tuệ thấy rõ nên không nhiễm trước, đó là tuệ giải thoát.

Chúng ta học Phật là tìm cho ra manh mối của kiếp người, chứ không phải nói chuyện đâu đâu trên trời trên mây. Tại sao có con người? Phật chỉ rõ do nhân duyên tụ hợp mà thành, chứ không phải đấng tạo hóa nào tạo ra con người. Chúng ta thấy nhiều khi mình ngu si đáo để, thân này rõ ràng do cha mẹ sanh, từ trong bào thai ra, mà thờ thì lại thờ mẹ sanh mẹ độ, thờ cha bổn mạng, thờ tạo hóa bên ngoài. Mẹ sanh, mẹ độ là ai, ở đâu không biết mà vẫn lập trang thờ, mỗi tối đều nhớ đốt nhang không dám quên! Cha mẹ hiện sờ sờ đó thì bỏ bê không chăm sóc, không nghĩ tưởng nhớ ơn. Chỉ toàn làm những chuyện kỳ quặc trên trời trên mây, hết sức vô lý, điên đảo, khờ dại mà vẫn làm!

Này A-nan! Vị Tỳ-kheo nào đối với pháp đó đem tâm chánh quán đúng như thật, thì tâm được vô lậu giải thoát, còn gọi là tuệ giải thoát.

Đối pháp nhân duyên, đem tâm chánh quán đúng như thật thì được vô lậu giải thoát. Thấy rõ từng phần đều do nhân duyên kết hợp lại mà có mang thân khổ ấm này, thì lúc đó còn tham lam giận dữ cái gì nữa. Chúng ta học hiểu lời Phật rồi, biết rõ nguyên nhân con người từ đâu sanh ra, mới thấy rõ sự mê muội của mình. Nên Phật nói: Vị Tỳ-kheo nào đối với pháp đó, đem tâm chánh quán đúng như thật, thì tâm được vô lậu giải thoát, còn gọi là tuệ giải thoát.

Vị Tỳkheo giải thoát ấy, Như Lai không kiếp sau họ cũng biết, Như Lai kiếp sau họ cũng biết, Như Lai vừa không vừa có kiếp sau họ cũng biết, Như Lai chẳng phải không chẳng phải có kiếp sau họ cũng biết.

Vị đã chứng biết về pháp như thật, đã giải thoát thì đối những việc về Phật có kiếp sau hay không kiếp sau, Niết-bàn là có hay không có… vị ấy đều biết rõ không nghi ngờ.

Đối với vị Tỳkheo đã thấu hiểu trọn vẹn, đã được lậu giải thoát, đã giải thoát mọi văn tự, câu chấp, hạn cuộc, đã thoát khỏi các vòng triền phược mà nói rằng vị Tỳ-kheo ấy không biết không thấy được điều đó, thời cái tri kiến như vậy thật là vô lý.

Người đã thấu hiểu trọn vẹn, được vô lậu giải thoát, thoát khỏi các vòng triền phược, không còn câu chấp, hạn cuộc… mà nói vị ấy không giải thoát thì thật là vô lý.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

19. Trước đã nói: Do duyên xúc, thọ sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên xúc, thọ sanh”? Này Ananda, nếu xúc không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như nhãn xúc, nhĩ xúc, tỹ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc, nếu xúc không có cho tất cả, nếu xúc diệt thời thọ có thể hiện hữu không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của thọ, tức là xúc. 

20. Trước đã nói: Do duyên danh sắc, xúc sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên danh sắc, xúc sanh”? Này Ananda, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo, nhờ đó mà danh thân và sắc thân thi thiết; nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời danh mục xúc trong sắc thân có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy nhờ đó mà sắc thân được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời hữu đối xúc trong danh thân có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo nhờ đó mà danh thân và sắc thân được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời danh mục xúc hay hữu đối xúc có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không 

– Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo nhờ đó mà danh sắc được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có thì xúc có thể hiện hữu được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

Do vậy, này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của xúc, tức là danh sắc. 

21. Trước đã nói: Do duyên thức, danh sắc sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên thức, danh sắc sanh” Này Ananda, nếu thức không đi vào trong bụng của người mẹ, thời danh sắc có thể hình thành trong bụng bà mẹ không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

Này Ananda, nếu thức đi vào trong bụng bà mẹ rồi bị tiêu diệt, thời danh sắc có thể hình thành trạng thái này, trạng thái khác không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

Này Ananda, nếu thức bị đoạn trừ trong đứa con nít, hoặc là đồng nam hay đồng nữ, thời danh sắc có thể lớn lên hơn, trưởng thành và thành mãn được không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Do vậy, này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của danh sắc, tức là thức. 

22. Trước đã nói: Do duyên danh sắc, thức sanh. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên sanh sắc thức sanh?” Này Ananda, nếu thức không an trú được trong danh sắc, thời trong tương lai, có thể hiện hữu sự hình thành của sanh, lão, tử, khổ, tập không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Do vậy, này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của thức, tức là danh sắc. 

– Này Ananda, trong giới hạn con người được sanh, con người được già, con người được chết, con người được diệt, hay con người được tái sanh, trong giới hạn ấy là danh mục đạo, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ đạo, trong giới hạn ấy là thi thiết đạo, trong giới hạn ấy là tuệ giới, trong giới hạn ấy là lưu chuyển luân hồi hiện hữu trạng thái này trạng thái khác nghĩa là danh sắc và thức. 

Giảng:

Đoạn cuối bên Hán tạng nói: Ngang chừng ấy là đáng nói, ngang chừng ấy là thích ứng… rất dài, còn Pāli kết luận: Này Ananda, trong giới hạn con người được sanh, con người được già, con người được chết, con người được diệt, hay con người được tái sanh, trong giới hạn ấy là danh mục đạo, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ đạo, trong giới hạn ấy là thi thiết đạo, trong giới hạn ấy là tuệ giới, trong giới hạn ấy là lưu chuyển luân hồi hiện hữu trạng thái này trạng thái khác nghĩa là danh sắc và thức.

Đoạn kinh này Phật nói từ thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức, hai cái hỗ tương mà có bào thai, rồi tới ái, thủ, hữu cho đến sanh, lão tử… Ngang chừng đó Phật đã nói kiếp người trong hiện tại từ đâu mà sanh, vị lai từ đâu mà có. Biết rõ như vậy là thấu triệt rồi. Con người sanh ra đây mà không biết tại sao mình sanh, rồi tại sao mình chết, chết sẽ đi đâu? Còn chúng ta học hiểu lời Phật dạy, thấu tột hiện hữu và vị lai, biết rõ sở dĩ mình có mặt trên thế gian này, đầu tiên là do thức vào bụng mẹ hợp với danh sắc, hai cái hỗ tương nhau mà có thân người. Đời sau có là do nơi chấp thủ hiện tại, nào là dục thủ, ngã thủ, kiến thủ, giới thủ. Ngã thủ là gốc để sanh, bốn cái thủ còn lại là gốc đưa chúng ta đi đến đời sau theo sở thích của mình.

Chúng ta học kinh là phải hiểu được chủ yếu Phật muốn nói, chứ chỉ đọc suông mà không biết áp dụng để tu, cứ chạy lòng vòng không rõ được chỗ cốt tủy thì trong việc tu hành không có lợi ích gì. Học rồi nghiệm kỹ, thấu rõ được nguyên nhân nào sanh ra? Sự hiện hữu của mình là vui hay khổ? Vì sao mình chết? Chết sẽ đi về đâu? Rõ được như vậy rồi, chúng ta không cho lời Phật dạy là khó hiểu, là triết lý cao siêu, đọc rồi ngơ ngác không hiểu.

Lời Phật dạy rất rõ ràng, từ nguyên nhân có cuộc sống hiện tại, lui xa hơn về quá khứ, dẫn đến kiếp sống vị lai. Sanh già bệnh chết ưu bi sầu não đủ thứ, triền miên đau khổ. Thế nên kiếp người là đau khổ, đau khổ trong hiện tại rồi cũng đau khổ ở mai sau. Chúng ta hiểu thấu đáo như vậy thì không còn lầm lẫn. Không lầm lẫn thì không bị danh lợi cột trói, đó là tuệ giải thoát.

HÁN TẠNG

Chánh văn:

Này A-nan! Phàm những người chấp ngã, họ chấp đến ngang đây mà gọi là ngã kiến (chấp ngã). Đối với danh sắc và thọ, họ đều chấp lấy làm ngã. Có người chấp thọ chẳng phải ngã, nhưng ngã là thọ; có người chấp thọ chẳng phải ngã, ngã chẳng phải thọ, nhưng thọ pháp là ngã; có người chấp thọ chẳng phải ngã, ngã chẳng phải thọ, thọ pháp chẳng phải ngã nhưng thọ là ngã. 

Này A-nan! Nếu gặp người chấp thọ là ngã, nên nói với họ: Như Lai dạy có ba thứ lãnh thọ là thọ vui, thọ khổ, thọ không vui không khổ. Trong lúc chỉ có thọ vui hiện ra, thì không có thọ khổ, thọ không vui không khổ. Trong khi chỉ có thọ khổ hiện ra, thì không có thọ vui, thọ không vui không khổ. Trong lúc chỉ có thọ không khổ không vui hiện ra, thì không có thọ vui, thọ khổ. Vì có lạc xúc làm duyên mới sanh ra thọ vui, nếu lạc xúc diệt mất thì cái thọ vui cũng diệt mất. Do có khổ xúc làm duyên mới sanh ra thọ khổ, nếu khổ xúc diệt mất thì cái thọ khổ cũng diệt mất. Do có xúc chạm cảnh không vui không khổ làm duyên, mới có sự lãnh thọ không vui không khổ, nếu cảnh ấy diệt mất thì cái thọ không vui không khổ cũng diệt mất. Ví như hai khúc cây cọ lại với nhau thì lửa bật ra, hai khúc cây rời nhau thì lửa không có. 

Này A-nan! Ba thứ lãnh thọ đó là pháp hữu vi vô thường, do nhân duyên sanh, là pháp phải tận, phải diệt, là pháp hủ hoại, nó chẳng phải từ ngã mà có, ngã chẳng phải từ nó mà có. Đem chánh trí quán sát một cách đúng thật như thế, thì biết người chấp thọ là ngã chỉ là chấp quấy. Vả chăng, nếu thọ vui là ngã, khi thọ vui diệt mất, sẽ có hai cái ngã hay sao? Nếu thọ khổ là ngã, khi thọ khổ diệt mất thì sẽ có hai cái ngã hay sao? Nếu thọ không vui không khổ là ngã, khi cái thọ không vui không khổ diệt mất, thì sẽ có hai cái ngã hay sao? Do đó biết người chấp ngã là thọ chỉ là chấp quấy. 

Lại, nếu gặp người chấp thọ pháp là ngã, nên hỏi họ: Hết thảy không có lãnh thọ, tại sao ông nói có thọ pháp, chính ông là thọ pháp ư? Họ sẽ đáp: Không. Vậy nên biết người chấp thọ pháp là ngã, chỉ là chấp quấy. 

Vả lại, nếu gặp người chấp thọ chẳng phải ngã, ngã chẳng phải thọ, thọ pháp chẳng phải ngã, chỉ thọ là ngã, nên hỏi họ: Hết thảy không có lãnh thọ, tại sao ông nói có thọ? Chính ông là thọ chăng? Họ sẽ đáp: không. Vậy nên biết người chấp thọ là ngã chỉ là chấp quấy. 

Này A-nan! Ngang chừng ấy là đáng nói, ngang chừng ấy là thích ứng, ngang chừng ấy là hạn lượng, ngang chừng ấy là điều diễn nói, ngang chừng ấy là chỗ trí quán, ngang chừng ấy là chúng sanh. Vị Tỳ-kheo nào đối với pháp đó, dùng chánh trí quán sát đúng như thật, thì được tâm vô lậu giải thoát, còn gọi là tuệ giải thoát. 

Vị Tỳ-kheo được giải thoát như thế thì hữu ngã họ cũng biết, vô ngã họ cũng biết, hữu ngã vô ngã họ cũng biết, phi hữu ngã phi vô ngã họ cũng biết. Tại vì sao? Này A-nan! Vì ngang chừng ấy là đáng nói, ngang chừng ấy là thích ứng, ngang chừng ấy là hạn lượng, ngang chừng ấy là điều diễn nói, ngang chừng ấy là chỗ trí quán, ngang chừng ấy là chúng sanh. 

Đối với vị Tỳ-kheo đã thấu hiểu trọn vẹn, đã được vô lậu giải thoát, đã giải thoát mọi văn tự, câu chấp, hạn cuộc, đã thoát khỏi các vòng triền phược mà nói rằng vị Tỳ-kheo ấy không thấy không biết được điều đó, thời cái tri kiến như vậy thật là vô lý. 

Này A-nan! Những người chấp ngã, lấy mình làm giới hạn quyết định, có người chấp một ít sắc chất trong thân thể là ngã; có người chấp số nhiều sắc chất trong thân thể là ngã; có người chấp một ít phần vô sắc chất trong thân thể là ngã; có người chấp đa phần vô sắc chất trong thân thể là ngã. Này A-nan! Người chấp một ít sắc chất làm ngã, họ chỉ cố định lấy một ít sắc chất ấy là ngã, cho thế là phải, ngoài ra là quấy. Người chấp đa phần sắc chất làm ngã, thì chỉ cố định vào đa phần ấy là ngã, cho thế là phải, ngoài ra là quấy. Người chấp thiểu phần vô sắc chất làm ngã, thì chỉ cố định vào thiểu phần ấy là ngã, cho thế là phải, ngoài ra là quấy. Người chấp đa phần vô sắc chất làm ngã, thì chỉ cố định vào đa phần vô sắc chất ấy là ngã, cho thế là phải, ngoài ra là quấy. 

Giảng:

Thông thường sắc rồi mới tới thọ, nhưng ở đây nói thọ trước sắc sau, nghe hơi khó hiểu. Phật chỉ cho thấy, thọ không phải là ngã, sắc không phải là ngã. Tại sao sắc, thọ không phải là ngã? Trước hết nói về thọ.

Nếu gặp người chấp thọ là ngã, nên nói với họ: Như Lai dạy ba thứ lãnh thọ là thọ vui, thọ khổ, thọ không vui không khổ.

Thọ không phải là ngã, vì khi lãnh thọ có ba thứ: thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui. Nếu thọ khổ là ngã, khi thọ khổ diệt rồi thì thọ vui và thọ không khổ không vui là gì? Thọ vui là ngã, thì khi thọ vui diệt rồi, hai thọ kia là gì? Như vậy nếu chấp một cái thọ nào là ngã cũng đều là vô lý, không đúng.

Chúng ta có chấp thọ là ngã không? Thí dụ nói: Tôi khổ quá! Tôi vui quá! Khổ, vui là thọ. Ai khổ? Tôi khổ. Chấp cái khổ, vui cho đó là tôi. Nên nói chấp thọ là ngã. Thọ thì có khi thọ khổ, có khi thọ vui, có khi thọ không khổ không vui, vậy cái nào là ngã? Chấp thọ là ngã là chấp quấy, không đúng, nhưng hầu hết đều chấp như vậy. Cứ nói tôi ăn ngon, tôi nghe nhạc, tôi khổ, tôi vui… Chấp thọ ngon của lưỡi là tôi, thọ vui của tai là tôi. Chấp tất cả thọ là tôi, là bệnh thông dụng nhất của con người.

Như trên nói thọ có ba thứ, vậy cái nào là tôi? Nếu thọ khổ là tôi thì không có quyền nói tôi vui, vì tôi là khổ rồi. Thọ vui là tôi thì không được nói tôi khổ, bởi vì tôi chỉ có một. Như vậy mới thấy chỗ mê lầm của chúng sanh, lệch lạc sai quấy mà không tự biết, nên chấp bậy. Phân tích rồi chúng ta mới thấy lỗi, chỉ đọc suông trong kinh nói chấp thọ là ngã, mà không biết chấp thọ là ngã như thế nào, nên khi mở miệng ra đều lấy thọ làm ngã. Nhận các cảm xúc của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là mình. Phật chỉ cho thấy, nếu chấp thọ là ngã thì khi thọ này diệt, hai thọ kia là ai? Như vậy, chấp thọ là ngã thì không đúng.

Này A-nan! Ba thứ lãnh thọ đó là pháp hữu vi vô thường, do nhân duyên sanh, là pháp phải tận, phải diệt, là pháp hủ hoại, nó chẳng phải từ ngã mà có, ngã chẳng phải từ nó mà có.

Chúng ta phải biết thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui thảy đều là pháp hữu vi, sanh diệt, vô thường… chẳng phải từ ngã mà có, ngã chẳng phải từ nó mà ra.

Đem chánh trí quán sát một cách đúng thật như thế, thì biết người chấp thọ là ngã chỉ là chấp quấy.

Phật cho chúng ta thấy vô ngã từ thọ. Chấp thọ là ngã thì sai rồi. Như khi chúng ta nghe người chê, liền có cảm giác buồn, bèn nói hôm nay tôi buồn quá! Tại sao tôi buồn? Vì nghe tiếng chê, cảm thọ buồn từ lỗ tai cho đó là tôi. Như vậy cảm thọ khi nghe người chê, tiếng chê đó có còn không? Nó tự có lại được không? Có lỗ tai, có tiếng nói, có thức phân biệt ở trong, cả ba thứ hội lại mới nghe, vậy cái thọ buồn khổ đó là do đủ nhân duyên mới có, chứ nó không tự có. Cái gì đợi đủ nhân duyên mới có thì cái đó không thật, là vô thường sanh diệt. Câu nói qua mất rồi, mà từ sáng tới chiều mặt dàu dàu, đó là chấp thọ cố định, chấp thọ là ngã, rồi ôm ấp buồn khổ. Nếu biết thọ không thật, qua rồi mất nên không chấp, nghe qua liền bỏ thì an lạc. Ngược lại cứ ôm giữ ngày này tháng nọ, gặp ai cũng nói tôi buồn, nên khổ hoài. Gặp việc vừa ý vui, trái ý khổ, như vậy khổ vui thuộc về thọ, chứ đâu phải là chúng ta, mà cứ giữ chặt cho là mình, chạy theo tìm kiếm cái thọ vui, ngày ngày quay cuồng theo nó.

Khổ đau của con người là do bị thọ chi phối hoàn toàn. Như khi chúng ta ăn món ngon, ăn rồi kể lại cho người khác nghe còn nuốt nước miếng, cảm giác qua rồi mà vẫn còn nhớ giữ bên mình. Con người cả ngày say mê theo cảm thọ của thân, của xúc. Từ cảm thọ về ăn uống, cho tới cảm thọ xúc chạm của nam nữ… đều là cảm thọ qua rồi mất, không bền lâu. Nó là vô thường, là tiêu diệt, là duyên hợp hư dối, không thật. Vậy mà chúng ta quên mất mình, cứ chạy theo cảm thọ của mắt tai mũi lưỡi, rồi mơ ước tưởng tượng đủ thứ, giành giật với nhau, bị nó quay chạy vù vù. Thật là điên cuồng, ngu si đáo để!

Chúng ta xét kỹ, có phải mình tranh giành nhau chỉ vì cái thọ không? Như ăn là để no, tô mì hay củ khoai cũng đều no bao tử. Nhưng khi ăn chỉ lựa thứ ngon, nếu người khác lựa phần ngon còn mình phần dở thì buồn. Rõ ràng là nô lệ của cảm thọ. Vì chút cảm thọ mà buồn giận nhau, cả đời cứ quay cuồng trong sân si, phiền não không bao giờ hết.

Nếu còn chấp thọ là còn trói buộc, không chấp thì giải thoát. Như mấy đứa bé, chiều chiều nghe dưới chợ sửa soạn chiếu bóng, nó ngồi ở nhà không yên, cái không yên đó là do thọ vui của mắt, của tai dẫn đi. Người lớn không cho thì nó cự nự đủ thứ, vì thiếu cái thọ mà sanh chuyện. Cuộc đời tu hành cũng vậy, biết rồi thì dễ vô cùng. Thí dụ hôm nào Tri khố đem ra hai món, món dở và món ngon, chúng ta chỉ cười thôi, đừng phản đối gì hết, đó là Niết-bàn. Còn người này nhận món ngon, vui; người kia nhận món dở, buồn; là chưa biết đạo. Thọ là pháp vô thường tạm bợ, mà lấy nó làm chủ yếu trong cuộc sống, thì thật là khờ dại. Học đạo biết đem ứng dụng vào cuộc sống thì lợi ích rất nhiều, còn không thì lúc nào cũng phiền não.

Đó là những điều thực tế, chúng ta phải thấu triệt, chứ nghe suông mà không nghiền ngẫm, rồi cho rằng mình hiểu, nhưng thật sự thì không hiểu gì hết. Như ngài A-nan nghe lý nhân duyên thật quá rõ ràng dễ hiểu, mà sao Phật lại nói là thậm thâm quang minh vi diệu khó hiểu? Lý nhân duyên này phải hiểu thật sâu, mới thấy hết sức tế nhị. Nguồn gốc đau khổ của con người là từ ái qua thọ. Ngay ái và thọ mà vượt qua được, là trí tuệ giải thoát vô lậu. Việc tu hết sức đơn giản.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

23. Này Ananda, có bao nhiêu lời tuyên bố về ngã? Này Ānanda, hoặc ngã được tuyên bố là có sắc và hạn lượng trong câu: “Ngã của tôi có sắc và hạn lượng”. Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là có sắc và vô lượng trong câu: “Ngã của tôi có sắc và vô lượng”. Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là không có sắc và có hạn lượng trong câu: “Ngã của tôi không có sắc và có hạn lượng”. Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là không có sắc và vô lượng trong câu: “Ngã của tôi không có sắc và vô lượng”. 

24. Này Ananda, có người tuyên bố ngã có sắc và có hạn lượng trong hiện tại, người này tuyên bố hoặc ngã có sắc và có hạn lượng trong tương lai. Hoặc như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và có hạn lượng như vậy là quá đủ rồi. 

Này Ananda, có người tuyên bố ngã có sắc và vô lượng người này tuyên bố hoặc ngã có sắc và vô lượng trong hiện tại, hoặc ngã có sắc và vô lượng trong tương lai. Hoặc như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi. 

Này Ananda, có người tuyên bố ngã không có sắc và có hạn lượng, người này tuyên bố hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong hiện tại hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong tương lai… hoặc ngã không có sắc và vô lượng trong tương lai. Hoặc như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi. Này Ananda, như vậy là có bấy nhiêu lời tuyên bố về ngã. 

25. Này Ananda, có bao nhiêu lời không tuyên bố về ngã? Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là có sắc và có hạn lượng trong câu: “Ngã của tôi có sắc và có hạn lượng”. Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là có sắc và vô lượng trong câu: “Ngã của tôi có sắc và vô lượng”. Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là không có sắc và có hạn lượng trong câu: “Ngã của tôi không có sắc và có hạn lượng”. Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là không có sắc và vô lượng trong câu: “Ngã của tôi không có sắc và vô lượng”.

26. Này Ananda, có người không tuyên bố ngã có sắc và có hạn lượng, người này không tuyên bố, hoặc ngã có sắc và có hạn lượng trong hiện tại, hoặc ngã có sắc và có hạn lượng trong tương lai. Hoặc không như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời không tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và có hạn lượng như vậy là quá đủ rồi. 

Này Ananda, có người không tuyên bố ngã có sắc và vô lượng, người này không tuyên bố hoặc ngã có sắc và vô lượng trong hiện tại, hoặc ngã có sắc và vô lượng trong tương lai. Hoặc không như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời không tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi. 

Này Ananda, có người không tuyên bố ngã không có sắc và có hạn lượng, người này tuyên bố, hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong hiện tại, hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong tương lai. Hoặc không như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời không tuyên bố về tà kiến ngã không có sắc và có hạn lượng như vậy là quá đủ rồi. 

Này Ananda, có người không tuyên bố ngã không có sắc và vô lượng, người này không tuyên bố ngã không có sắc và vô lượng trong hiện tại, hoặc ngã không có sắc và vô lượng trong tương lai. 

Hoặc không như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời không tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi. 

Này Ananda, như vậy là có bấy nhiêu lời không tuyên bố về ngã. 

27. Này Ananda, dưới bao nhiêu hình thức, ngã được quan niệm? Này Ananda, ngã được quan niệm như thọ trong câu: “Ngã của tôi là thọ”. Hay trái lại: “Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không có cảm thọ”. Này Ananda, hoặc ngã được quan niệm như trong câu: “Ngã của tôi không phải là thọ, cũng không phải là không có cảm thọ; ngã của tôi có cảm thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ”. Như vậy, này Ananda, ngã được quan niệm. 

28. Này Ananda, ai nói: “Ngã của tôi là thọ”. Người ấy cần được trả lời: “Này hiền giả, có ba loại cảm thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Trong ba loại thọ này, loại nào ông xem là ngã?” 

Này Ananda, khi cảm giác một lạc thọ, chúng ta không cảm giác một khổ thọ, không cảm giác một bất khổ bất lạc thọ, khi ấy chỉ cảm giác một lạc thọ thôi. Này Ananda, khi cảm giác một khổ thọ, chúng ta không cảm giác một lạc thọ, không cảm giác một bất khổ bất lạc thọ, khi ấy chỉ cảm giác một khổ thọ thôi. Này Ananda, khi cảm giác một bất khổ bất lạc thọ, chúng ta không cảm giác một lạc thọ, không cảm giác một khổ thọ, khi ấy chỉ cảm giác một bất khổ bất lạc thọ thôi. 

29. Lại nữa, này Ananda, lạc thọ là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, là pháp đoạn hoại, là pháp đoạn diệt, là pháp ly dục, là pháp diệt tận. Này Ananda, khổ thọ là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, là pháp đoạn hoại, là pháp đoạn diệt, là pháp ly dục, là pháp diệt tận. Này Ananda, bất khổ bất lạc thọ là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, là pháp đoạn hoại, là pháp đoạn diệt, là pháp ly dục, là pháp diệt tận. Khi cảm giác một lạc thọ mà nói rằng: “Đó là ngã của tôi”, thời khi lạc thọ ấy diệt mất người ấy cũng nghĩ rằng: “Ngã của tôi cũng diệt”. Khi cảm giác một khổ thọ mà nói rằng: “Đó là ngã của tôi”, thời khi khổ thọ ấy diệt mất người ấy cũng nghĩ rằng: “Ngã của tôi cũng diệt”. Khi cảm giác một bất khổ bất lạc thọ mà nói rằng: “Đó là ngã của tôi”, thời khi bất khổ bất lạc thọ ấy diệt mất, người ấy cũng nghĩ rằng: “Ngã của tôi cũng diệt”. 

Vậy những ai nói rằng: “Ngã của tôi là thọ”, người ấy sẽ xem ngã của mình như một cái gì trong hiện tại, cái gì ấy là vô thường, lạc khổ xen lẫn, là pháp sanh diệt. Do vậy, này Ananda, không thể chấp nhận quan niệm “Ngã của tôi là thọ”. 

30. Này Ananda, ai nói như sau: “Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không có cảm thọ”, người ấy cần được trả lời: “Này hiền giả, chỗ nào không có một cảm thọ gì cả, chỗ ấy có thể xem là “Tôi có” được không?” 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Do vậy, này Ananda, không thể chấp nhận quan niệm “Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không có cảm thọ”. 

31. Này Ananda, ai nói như sau: “Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không phải không có cảm thọ; ngã của tôi có cảm thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ”, người ấy cần được trả lời: “Này hiền giả, nếu tất cả mọi loại cảm thọ đều đoạn diệt hoàn toàn, khi không còn một loại cảm thọ nào cả, khi thọ đã tận diệt, thời ở tại chỗ ấy, có thể nói: Tôi là như vậy chăng? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Do vậy, này Ananda, không thể chấp nhận quan niệm “Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không phải không có cảm thọ; ngã của tôi có cảm thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ”. 

32. Này Ananda, khi có một vị Tỷ-kheo không quan niệm “Ngã là thọ”, không quan niệm “Ngã không phải thọ”, không quan niệm “Ngã của tôi là thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ”, khi ấy vị này sẽ không chấp trước một điều gì ở trên đời, vì không chấp trước nên không sợ hãi; vì không sợ hãi nên hoàn toàn tự mình tịch diệt. Vị ấy biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, sau đời này không còn đời nào khác nữa. 

Này Ananda, với vị Tỷ-kheo có tâm giải thoát như vậy, nếu có ai nói vị Tỷ-kheo ấy có tà kiến như sau: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, thời thật hoàn toàn phi lý. Hoặc có tà kiến như sau: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, thời thật hoàn toàn phi lý. Hoặc có tà kiến như sau: “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết”, thời thật hoàn toàn phi lý. Hoặc có tà kiến như sau: “Như Lai không có tồn tại và không không có tồn tại sau khi chết”, thời thật hoàn toàn phi lý. Tại sao vậy? Này Ananda, ví dầu có bao nhiêu danh mục, bao nhiêu danh mục đạo, dầu có bao nhiêu ngôn ngữ, bao nhiêu ngôn ngữ đạo, dầu có bao nhiêu thi thiết, bao nhiêu thi thiết đạo, dầu có bao nhiêu trí tuệ, bao nhiêu trí tuệ giới, dầu có bao nhiêu luân chuyển, bao nhiêu vận hành, với thắng trí hiểu biết tất cả, vị Tỷ-kheo được giải thoát. Với vị Tỷ-kheo thắng trí giải thoát như vậy mà nói rằng vị Tỷ-kheo ấy không biết, không thấy, thời thật là một sự phi lý. 

Giảng:

Bản kinh Pāli nói về sắc chất trước rồi mới tới thọ. Thông thường chấp ngã căn cứ vào hai phần: chấp ngã về sắc chất, hoặc chấp ngã về cảm thọ. Khi chấp về sắc chất thì luôn vỗ ngực xưng ta. “Tôi đây!” Đó là sắc chất.

Chấp ngã về sắc chất. Phần này rất dài dòng, tóm lược chia ra hai loại: Loại thứ nhất chấp sắc chất, tuyên bố một ít phần hay nhiều phần, hữu hạn hay vô hạn. Loại thứ hai chấp sắc chất, không tuyên bố một ít phần hay nhiều phần, hữu hạn hay vô hạn. Một đoạn rất dài nhưng chỉ gồm hai ý, là tuyên bố hay không tuyên bố mà thôi. Cuối cùng chấp sắc chất là ngã, cái đó là không đúng, không phải như sự thật.

Chấp ngã về cảm thọ. Hán tạng nói chấp thọ là ngã hoặc thọ pháp là ngã v.v… Còn bên Pāli nói: Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không phải không có cảm thọ; ngã của tôi có cảm thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ. Nói theo bốn thứ luận chấp ở Ấn Độ, gom lại chỉ có hai thứ: chấp thọ là ngã, hoặc chấp thọ không phải ngã.

Nếu nói thọ không phải là ngã thì ngoài cảm thọ có ngã không? Không biết khổ, không biết vui, không biết mọi thứ… có chúng ta không? Ngoài cái thọ có ngã, là vô lý.

Nói thọ là ngã cũng không ổn. Tất cả cảm thọ đều từ sáu căn tiếp xúc sáu trần mà có, thọ đó không thật, nó là vô thường, sanh diệt, hư dối. Rõ như vậy nên không chấp ngã, cả ngày nghe khen chê đều biết tiếng đó chỉ là thọ của lỗ tai, theo duyên qua rồi mất, không có dính gì với chúng ta mà vui buồn. Biết như vậy là người trí tuệ, ngay đó vô lậu giải thoát, ngược lại là tà kiến si mê.

Chúng ta ngồi lại toàn bàn tán những chuyện ăn mặc, hay dở, đẹp xấu… Ăn là thọ của lưỡi, mặc là thọ của thân, tiếng hay tiếng dở là thọ của tai, thơm hội là thọ của mũi, đẹp xấu là thọ của mắt. Cả ngày cứ lấy thọ làm mình, rồi hờn giận nhau, đủ thứ chuyện phiền não.

Ngay những cảm thọ chúng ta xem như trò chơi, qua rồi mất thì suốt ngày cười hoài. Thấy người mặc lụa là, không ham. Chúng ta mặc vải thô cũng tốt, cốt ấm thân khỏi bị cảm là được. Ngủ nằm trên đơn bằng gỗ tốt hay gỗ xấu không quan trọng, miễn có chỗ ngủ yên ổn là quý rồi. Hiểu vậy thì không có gì buồn; còn không biết tu, huynh đệ cứ nhìn, so sánh nhau, rồi cho là thiên vị bất công, sanh tâm buồn phiền tự ái không muốn ở nữa. Chỉ vì một chút cảm thọ, mà sanh ra bao chuyện phiền não, không tu được. Người nào biết rõ về thọ, thấy đúng bản chất của nó thì giải thoát, còn chấp vào đó thì trầm luân không có ngày ra khỏi.

Tóm lại, Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy lý nhân duyên, đầu tiên là kiếp người từ đâu mà ra, rồi đi sâu hơn nữa ngài phân tích cho thấy ái và thọ là mấu chốt, nguồn gốc của mọi khổ đau. Nếu ngay ái và thọ đừng chấp là ngã thì giải thoát.

Chúng ta phải ứng dụng điều đó để tu, đừng cho ngồi thiền tăng thêm năm mười phút là tu nhiều, nếu chấp thọ không giảm thì không thể gọi là tu nhiều. Ngồi thiền tăng năm mười phút đau gần chết, xả ra gặp chút xíu việc trái ý, trong lòng buồn liền, qua không nổi, là đã bị cái thọ đánh tan, thì mất công phu rồi. Tu là xả chấp thọ, chứ không phải ngồi là tu. Ngồi thiền chỉ là phương tiện để lập ý chí vững chắc, và an trụ được tâm dao động. Chủ yếu của giải thoát là ở chỗ đó. Nếu còn đa mang chấp trước, nhìn cái gì cũng so sánh, thấy thua người khác một chút liền buồn, thì cả ngày dàu dàu, rồi cả đời đau khổ hoài không bao giờ giải thoát.

Bài kinh Phạm Động và bài kinh này, ý giống nhau không khác. Bài trước không nói về nhân duyên, chỉ dạy đừng chấp thọ. Kinh này thì nói về nhân duyên, từ nhân duyên khai thác lý vô ngã. Phăng tột manh mối của ngã, biết rõ về ngã rồi thì không còn chấp. Chúng ta khéo áp dụng ý nghĩa này trong cuộc sống, đó là tu. Cho nên tôi dạy học không bắt trả bài thuộc lòng, mà bảo phải ứng dụng trong cuộc sống. Nếu không ứng dụng, dù thuộc làu làu cũng chưa phải hiểu đạo, chưa phải người biết tu.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Này A-nan! Có bảy chỗ của thức tâm ở và hai chỗ nhập định mà các Sa-môn, Bà-la-môn đều cho là chỗ an ổn, là chỗ cứu hộ, là nhà cửa, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi quy túc, là không hư vọng, là không phiền não. Những gì là bảy chỗ: 

1. Có thế giới mà chúng sanh trong đó gồm có bao nhiêu thân thì có bao nhiêu tư tưởng, như cõi trời và cõi người. Đó là chỗ thức ở thứ nhất. Nếu vị Tỳ-kheo nào biết chỗ thức ở ấy, biết sự sanh khởi và tiêu diệt của nó, biết sự lôi cuốn và nguy hiểm của nó, cùng biết sự thoát ly của nó một cách như thật thì sẽ bảo rằng nó chẳng phải ngã, ngã chẳng phải nó. 

2. Có thế giới chúng sanh gồm có bao nhiêu thân, mà chỉ cùng một tư tưởng như cõi trời Phạm thiên. 

3. Có thế giới chúng sanh chỉ cùng một loại thân giống nhau, mà lại có bao nhiêu tư tưởng khác nhau, như cõi trời Quang Âm. 

4. Có thế giới chúng sanh chỉ có cùng một loại thân và cùng một loại tư tưởng, như cõi trời Biến Tịnh. 

5. Có chúng sanh ở Không xứ. 

6. Có chúng sanh ở Thức xứ. 

7. Có chúng sanh ở Bất dụng xứ. 

Nếu vị Tỳ-kheo nào biết rõ bảy chỗ thức ở, biết tập nhân sanh khởi và sự tiêu diệt của nó, biết sự lôi cuốn và nguy hiểm của nó, biết sự thoát ly của nó một cách như thật thì sẽ bảo rằng nó chẳng phải ngã, ngã chẳng phải nó. 

Thế nào là hai chỗ nhập định? Là nhập định Vô tưởng và nhập định Phi tưởng phi phi tưởng. Hàng Sa-môn, Bà-la-môn thường cho hai chỗ định đó là chỗ an ổn, là chỗ cứu hộ, là nhà cửa, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi quy túc, là không hư vọng, là không phiền não. Nhưng nếu vị Tỳ-kheo nào biết hai chỗ đó, biết tập nhân sanh khởi và sự tiêu diệt của nó, biết sự lôi cuốn và nguy hiểm của nó, biết sự thoát ly của nó một cách như thật thì sẽ bảo rằng nó chẳng phải ngã, ngã chẳng phải nó. 

Lại nữa A-nan! Có tám thứ giải thoát: 

1. Quán sắc thân mình, giải thoát lòng tham luyến sắc thân. 

2. Quán sắc thân người, giải thoát lòng tham luyến sắc thân người. 

3. Giải thoát được cả hai thứ trên. 

4. Vượt khỏi sắc tưởng, diệt tư tưởng về các hữu đối sắc, không niệm tưởng tạp loạn, được an trụ vào Không xứ. 

5. Vượt khỏi Không xứ, trụ vào Thức xứ. 

6. Vượt khỏi Thức xứ, trụ vào Bất dụng xứ. 

7. Vượt khỏi Bất dụng xứ, trụ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

8. Được Diệt tận định. 

Đối với tám môn giải thoát trên, nếu tu theo chiều thuận từ một đến tám và theo chiều nghịch từ tám đến một, xuất nhập từ môn này qua môn khác một cách tự tại, thì sẽ được câu giải thoát. 

A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Giảng:

Này A-nan! Có bảy chỗ của thức tâm ở và hai chỗ nhập định mà các Sa-môn, Bà-la-môn đều cho là chỗ an ổn, là chỗ cứu hộ, là nhà cửa, là ngọn đèn, là ánh sáng, là nơi quy túc, là không hư vọng, là không phiền não.

Trên đã kể rõ từ lão tử đến danh sắc và thức, tới đây Phật nói về bảy chỗ thức tâm ở và hai chỗ nhập định. Những chỗ này các Sa-môn, Bà-la-môn đều cho là chỗ hoàn toàn an ổn, là chỗ cứu hộ v.v… nên họ có chủ trương tu để về các nơi đó. Trước tiên nói về bảy chỗ thức tâm ở:

1. Có thế giới mà chúng sanh trong đó gồm có bao nhiều thân thì bao nhiêu tưởng, như cõi trời và cõi người.

Cõi người thì chúng ta dễ thấy, thân khác, tư tưởng cũng khác không ai giống ai hết, nên nói có bao nhiêu thân là có bao nhiêu tư tưởng. Cõi trời Dục giới cũng vậy.

Nếu vị Tỳ-kheo nào biết chỗ thức ấy, biết sự sanh khởi và tiêu diệt của nó, biết sự lôi cuốn và nguy hiểm của nó, cùng biết sự thoát ly của một cách như thật thì sẽ bảo rằng nó chẳng phải ngã, ngã chẳng phải nó.

Thức tâm ở cõi người hay cõi trời chúng ta đều biết rõ, tại sao nó có ở chỗ đó. Biết sự sanh khởi và tiêu diệt, sự sanh khởi tức là nguyên nhân. Như chúng ta có mặt ở đây, chúng ta biết rõ thức tâm ở chỗ này là do nhân duyên mà có. Nhân duyên đầy đủ thì thức tâm ở, không đầy đủ thì thức tâm phải tiêu diệt. Biết sự lôi cuốn và nguy hiểm, tức là biết rõ thức tâm này, nếu chạy theo sở thích của nó, nó sẽ dẫn dắt chúng ta tạo nghiệp, phải chịu khổ và nguy hiểm. Biết sự thoát ly, nghĩa là biết thức tâm là vô thường, duyên hợp hư dối, nên không nhiễm, không tạo nghiệp, đó là sự thoát ly. Nếu ở cõi nào trong bảy chỗ này, đều thấy biết rõ như thật, nó chẳng phải ngã, ngã chẳng phải nó, là phá chấp thức tâm này là ngã, cũng không nói chẳng phải ngã.

2. Có thế giới chúng sanh gồm có bao nhiêu thân, mà chỉ cùng một tư tưởng, như cõi trời Phạm thiên.

Chúng sanh ở cõi trời Phạm thiên, thân khác mà tư tưởng không khác.

3. Có thế giới chúng sanh chỉ cùng một loại thân giống nhau, mà lại bao nhiêu tưởng khác nhau, như cõi trời Quang Âm.

Thế giới chúng sanh ở cõi trời Quang Âm, thân giống mà tư tưởng thì khác.

4. Có thế giới chúng sanh chỉ cùng một loại thân và cùng một loại tư tưởng, như cõi trời Biến Tịnh.

Thế giới chúng sanh ở cõi trời Biến Tịnh, cõi này bình đẳng, thân và tư tưởng đều giống hệt nhau.

5. Có chúng sanh ở Không xứ.

6. Có chúng sanh ở Thức xứ. Bedroom

7. Có chúng sanh ở Bất dụng xứ.

Đó là bảy chỗ của thức ở. Trong bảy cõi này chỉ có cõi người là chúng ta biết, các cõi còn lại chúng ta tin qua lời Phật nói, chứ không biết. Ở bảy chỗ này, nếu chúng ta biết rõ tập nhân sanh khởi, sự tiêu diệt, sự lôi cuốn, sự nguy hiểm và sự thoát ly của nó một cách như thật, thì chúng ta sẽ biết rõ ràng nó chẳng phải ngã, ngã chẳng phải nó, vậy là sẽ giải thoát.

Kế là hai chỗ nhập định:

Thế nào hai chỗ nhập định? Là nhập định Vô tưởng và nhập định Phi tưởng phi phi tưởng… Nhập định Vô tưởng tức là tâm không còn tưởng nữa. Định Phi phi tưởng là thấy như không có tưởng, nhưng còn cái tưởng vi tế.

Những người tu theo ngoại đạo, họ tu các loại thiền định sanh lên các cõi trời, cho đến cõi Phi tưởng phi phi tưởng, rồi cho hai chỗ này là cứu cánh Niết-bàn. Nếu xét cho đúng thì đó cũng là do thức tâm duyên hợp, đủ duyên thì sanh, hết duyên liền diệt.

Đối với những chỗ định này, chúng ta biết tập nhân sanh khởi, sự tiêu diệt, sự lôi cuốn, sự nguy hiểm và sự thoát ly của nó như thật, biết nó không phải là ngã, ngã cũng không phải là nó, thì không còn bị chấp ngã ở các chỗ đó nữa.

Lại nữa A-nan! Có tám thứ giải thoát. Tám môn giải thoát, thường gọi là Bát giải thoát.

1. Quán sắc thân mình, giải thoát lòng tham luyến sắc thân. Danh từ chuyên môn nói: Quán nội sắc, nội thân như thân. Thấy sắc thân đúng như thật thì giải thoát được lòng tham luyến. Thế nào là quán sắc thân đúng như thật? Nghĩa là quán thân vô thường, hoặc quán thân duyên hợp, hoặc quán thân bất tịnh. Quán bất tịnh là thấy rõ thân mình là tướng nhớp nhúa, để nhàm chán dứt được lòng tham luyến sắc thân.

2. Quán sắc thân người, giải thoát lòng tham luyến sắc thân người. Chúng ta quán thân mình thấy nhớp nhúa bất tịnh, đến quán thân người cũng thấy như vậy, để giải thoát lòng tham luyến sắc thân người.

3. Giải thoát được cả hai thứ trên. Nghĩa là quán thân mình và thân người, đều nhờm gớm, nhàm chán hết, nên giải thoát được cả hai thứ.

Ba lối quán này, hai lối trước là quán riêng thân mình và thân người, lối sau là tổng hợp quán chung cả hai thứ trên. Quán như thế tường tận là giải thoát do quán thân.

4. Vượt khỏi sắc tưởng, diệt tư tưởng về các hữu đối sắc, không niệm tưởng tạp loạn, được an trụ vào Không xứ.

Đây là chán sợ sắc chất là vô thường, nên quán sát buông bỏ hết những tưởng niệm về sắc chất, an trụ vào Không vô biên xứ.

5. Vượt khỏi Không xứ, trụ vào Thức xứ.

Khi trụ Không vô biên xứ rồi, thấy chỗ không đó cũng chán, nên buông bỏ để trụ vào Thức vô biên xứ.

6. Vượt khỏi Thức xứ, trụ vào Bất dụng xứ.

Đến chỗ này thấy thức cũng là cái xao xuyến, bèn bỏ thức trụ vào Bất dụng xứ, hay còn gọi là Vô sở hữu xứ, tức là chỗ không có gì.

7. Vượt khỏi Bất dụng xứ, trụ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

Bất dụng xứ tuy là chỗ không có gì, nhưng cũng còn có tưởng, nên lại vượt khỏi Bất dụng xứ để trụ vào Phi phi tưởng xứ. Tới đây chỉ còn tưởng tế không còn tưởng thô như trước nữa.

8. Được Diệt tận định.

Diệt tận định còn gọi là Diệt thọ tưởng định, là chỗ cứu cánh của các vị A-la-hán.

Đối với tám môn giải thoát trên, nếu tu theo chiều thuận từ một đến tám và theo chiều nghịch từ tám đến một, xuất nhập từ môn này qua môn khác một cách tự tại, thì sẽ được câu giải thoát.

Phật dạy đối với tám môn giải thoát trên, tu theo chiều thuận từ một đến tám, hoặc tu theo chiều nghịch từ tám đến một. Phần nhiều chúng ta tu theo chiều thuận, từ quán thân mình, quán thân người, quán chung cả hai, quán chán bỏ sắc để trụ không, quán chán bỏ không để trụ thức, quán chán bỏ thức để trụ Vô sở hữu xứ, quán chán bỏ Vô sở hữu xứ trụ Phi phi tưởng xứ, quán chán bỏ Phi phi tưởng xứ để trụ vào Diệt tận định. Lối quán từ thấp đến cao gọi là Bát giải thoát.

Nếu người nào tu được tự tại từ thuận đến nghịch, cũng như từ nghịch đến thuận, thì người đó được hoàn toàn giải thoát.

A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Đến đây kết thúc bài kinh Đại Duyên Phương Tiện bên Hán tạng.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

33. Này Ananda, có bảy trú xứ của thức và hai xứ. Thế nào là bảy? Này Ananda, có những loại hữu tình, thân dị loại và tưởng dị loại, như loài người, một số chư thiên và một số trong địa ngục. Đó là trú xứ thứ nhất của thức. 

Này Ananda, có những loại hữu tình, thân dị loại nhưng tưởng nhất loại, như các vị Phạm Chúng thiên được sanh vào cõi ấy, nhờ Sơ thiền. Đó là trú xứ thứ hai của thức. 

nón Này Ananda, có những loại hữu tình, thân nhất loại nhưng tưởng dị loại, như các vị Quang Âm thiên (Abhassara). Đó là trú xứ thứ ba của thức. 

Này Ananda, có những loại hữu tình, thân nhất loại và tưởng cũng nhất loại, như các vị Biến Tịnh thiên (Subhakinnā). Đó là trú xứ thứ tư của thức. 

Này Ananda, có những loại hữu tình, vượt ra khỏi tất cả sắc tưởng, đoạn trừ tất cả hữu đối tưởng, không suy tư đến mọi dị loại tưởng, chỉ có tưởng Hư không là vô biên, được sanh vào cõi Hư không vô biên xứ. Đó là trú xứ thứ năm của thức. 

Này Ananda, có những loại hữu tình hoàn toàn vượt ra khỏi Không vô biên xứ, chỉ có tưởng Thức là vô biên, được sanh vào cõi Thức vô biên xứ. Đó là trú xứ thứ sáu của thức. 

Này Ananda, có những loại hữu tình, hoàn toàn vượt ra khỏi Thức vô biên xứ, chỉ có tưởng Vô sở hữu, được sanh vào cõi Vô sở hữu xứ. Đó là trú xứ thứ bảy của thức. 

Hai xứ là Vô tưởng hữu tình xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

34. Này Ananda, trong thức trú xứ thứ nhất có thân dị loại và tưởng dị loại này, như loài người, một số chư thiên và một số hữu tình trong địa ngục. Này Ananda nếu có ai hiểu được trú xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một vị như vậy có thể còn hoan hỷ ưa thích trú xứ này không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, trong thức trú xứ thứ hai thứ ba thứ tư thứ năm… thứ sáu… Này Ananda, trong thức trú xứ thứ bảy, hoàn toàn vượt ra khỏi Thức vô biên xứ, chỉ có tưởng Vô sở hữu, được sanh vào cõi Vô sở hữu xứ. Này Ananda nếu có ai hiểu được trú xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một vị như vậy có thể còn hoan hỷ ưa thích trú xứ này không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, với Vô tưởng hữu tình xứ này, này Ananda, nếu có ai hiểu được trú xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một vị như vậy có thể còn hoan hỷ ưa thích trú xứ này không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, với Phi tưởng phi phi tưởng xứ này, này Ananda, nếu có ai hiểu được trú xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một vị như vậy có thể còn hoan hỷ ưa thích trú xứ này không? 

– Bạch Thế Tôn, không! 

– Này Ananda, bởi bảy thức trú xứ và hai xứ này, nếu có vị Tỷ-kheo đã như chân hiểu được tập khởi, đoạn trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm, xuất ly của chúng, nhờ không còn chấp thủ, vị này được giải thoát. Này Ananda, vị Tỷ-kheo như vậy được gọi là Tuệ giải thoát. 

35. Này Ananda, có tám giải thoát. Thế nào là tám? 

Tự mình có sắc, thấy các sắc; đó là sự giải thoát thứ nhất. 

Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc; đó là sự giải thoát thứ hai. 

Quán tưởng (sắc là) tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy; đó là sự giải thoát thứ ba. 

Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không tác ý đến những tưởng khác biệt, với suy tư “hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ; đó là sự giải thoát thứ tư. 

Vượt khỏi hoàn toàn Không vô biên xứ, với suy tư “thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ; đó là giải thoát thứ năm. 

Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư “vô sở hữu”, chứng và trú Vô sở hữu xứ; đó là sự giải thoát thứ sáu. 

Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ; đó là sự giải thoát thứ bảy. 

Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng; đó là sự giải thoát thứ tám. 

Này Ananda, như vậy là tám giải thoát. 

36. Này Ananda, khi một vị Tỷ-kheo thuận thứ thể nhập tám giải thoát này, có thể nhập và có thể xuất khỏi bất cứ giải thoát nào khi nào mình muốn, chỗ nào mình muốn và dài bao lâu mình muốn, và với các lậu hoặc được đoạn trừ, vị Tỷ-kheo chứng và an trú trong tám giải thoát và tuệ giải thoát, không còn lậu hoặc ngay trong thời hiện tại, tự mình thấu đạt và chứng ngộ. Này Ananda, không còn có một câu giải thoát nào khác cao hơn và thù thắng hơn câu giải thoát này. 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn. 

Giảng:

Đối chiếu với bản Pāli chúng ta thấy có những điểm dị biệt:

Phần thứ 34: Này Ānanda, trong thức trú thứ nhất thân dị loại và tưởng loại này, như loài người một số chư thiên và một số hữu tình trong địa ngục. Này Ananda nếu ai hiểu được trú xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một vị như vậy có thể còn hoan hỷ ưa thích trú xử này không?”

Bên Hán tạng nói: Nếu vị Tỳ-kheo nào biết hai chỗ đó, biết tập nhân sanh khởi, biết sự tiêu diệt của nó, biết sự lôi cuốn và nguy hiểm, biết sự thoát ly của nó một cách như thật thì sẽ bảo rằng nó chẳng phải ngã, ngã chẳng phải nó.

Như vậy bên tạng Pāli nói, hiểu được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly… Bên tạng Hán nói, biết tập nhân sanh khởi, sự tiêu diệt, sự lôi cuốn, nguy hiểm, sự thoát ly… Phần này hai bên chỉ là khác nhau về từ ngữ.

Cuối cùng bên Hán nói, nó không phải ngã, ngã không phải nó. Nếu chúng ta thường hiểu như vậy thì tức nhiên không còn chấp giữ vào đó nữa. Bên tạng Pali nói, một vị như vậy không còn hoan hỷ ưa thích trú xứ đó, tức là cũng không chấp, không giữ. Về ý chủ yếu nói giống nhau, nhưng về ngôn ngữ diễn đạt thì hai bên dịch có sai biệt chút ít.

Đoạn nói về Tám giải thoát, ở phần giải thoát thứ ba, bên Hán tạng ghi là giải thoát cả hai thứ, tức là nội thần và ngoại thần. Pali thì nói quán tưởng sắc là tịnh, chú tâm tiểu suy tưởng ấy. Câu này nghe khó hiểu hơn tên Hán tạng những điểm còn lại đều nói giống nhau.

PHẦN TOÁT YẾU

Kinh Đại Duyên Phương Tiện, tức là phương tiện nói về nhân duyên. Toát yếu có năm điểm:

1. Lý do Phật nói kinh là nhân ngài A-nan ở chỗ vắng vẻ, nghiệm lại pháp Mười hai nhân duyên thấy dễ đồng rõ ràng trước mắt, nhưng sao Phật thường tán thân tháo ấy thậm thâm vi diệu, khó hiểu khó biết? Nghĩ vậy nên ngài tìm đến Phật trình bày chỗ nghi. Phật dạy ngài A-nan chớ nói như vậy. Vì pháp nhân duyên rất sâu xa vi diệu thật là khó hiểu. Những người chưa thấy nhân duyên, nếu muốn suy nghĩ, quán sát nghĩa lý của pháp đó, đều mờ mịt không thể thấy nổi. Đó là ý Phật tán thán pháp Mười hai nhân duyên sâu kín, khó hiểu. không phải đơn giản như ngài A-nan nghĩ.

2. Nói tổng quát về Nhân duyên. Hán tạng nổi mười hai nhân duyên, còn bên Pāli nói mười nhân duyên, Mười nhân duyên theo chiều nghịch từ lão tử dần lần đến danh sắc, theo chiều thuận là thức duyên danh sắc. cho tới lão tử. Phần này Phật chỉ mới nói tổng quát về Nhân duyên, theo hai chiều nghịch và thuận, chứ chưa giải thích kỹ.

3. Phật giải thích chi tiết từng phần, để ngài A-nan thấy pháp Mười hai nhân duyên là khó. Phân tích từ lão tử rồi tới ái. Đến ái Phật nói rộng ra, do ái nên có tham muốn, nhân tham muốn nên tìm cầu… cuối cùng là bảo thủ. Do bảo thủ phát sanh cầm gậy, cầm đao, đấu khẩu… bao thứ chuyện tranh đấu giết hại lẫn nhau. Phật chỉ ra cho thấy không đơn giản từ ái duyên thủ, thủ duyên hữu… rồi thôi, mà cái khổ từ ái ra không phải ít. Nó phát sanh nhiều thứ rắc rối, đưa đến bảo thủ, gây vô số khổ sở, phiền não.

Đến thọ cũng vậy. Người mê lầm chấp thọ là ngã, nhưng thọ có ba thứ: thọ khổ, thọ vui và thọ không khổ không vui. Nếu chấp thọ khổ, thọ vui là ngã, khi cảm thọ về khổ vui hết rồi, thì ngã cũng theo đó hết. Trong ba thứ thọ, chấp một thứ cho là ngã, hai thứ kia là gì? Nên chấp thọ là ngã thì không đúng.

Chúng sanh trên thế gian đều chấp thọ làm ngã. Do đó, Phật mới chỉ cho thấy bởi chấp thọ làm ngã nên khi khổ nói tôi khổ, lúc vui nói tôi vui… suốt đời chạy theo cảm thọ, bị thọ chỉ huy. Tất cả ham muốn của sáu căn đều từ thọ mà ra, nó dẫn lôi chúng ta chạy hoài không có ngày cùng, cái gì cũng sợ, cũng run, cũng thích thú, cũng dính mắc, rồi không muốn thấy, không muốn nghe, không muốn cảm xúc… gây ra bao thứ hiểm nguy, lo âu khổ sở. Sợ hãi vì thọ khổ, tham muốn tìm cầu vì thọ vui. Tóm lại, thọ khổ, thọ vui cũng đều là nhân khiến cho chúng ta đau khổ. Bởi chấp thọ là ngã, nên bị thọ dẫn đi tạo bao thứ nghiệp. Nếu biết thọ là vô thường, qua rồi mất, là pháp duyên hợp hư dối, thì liền xả bỏ chấp trước về thọ. Do thoát ly khỏi nó, nên được giải thoát sanh tử.

Chúng ta cứ theo cảm xúc của riêng mình, rồi bắt người khác cũng phải như vậy. Nhưng đã là tập quán thì không ai giống ai, kẻ thích mặn, người thích lạt, kẻ nghe thơm, người nghe hôi.. không có cảm thọ nào là chân lý, là đúng cả. Mấy hôm nay trời hơi lành lạnh, nhìn sang bên kia thấy Phước Hảo đóng hết cửa sổ, còn tôi thì muốn mở ra. Vậy cảm thọ của ai là đúng? Người mập cảm thọ lạnh ít, người ốm cảm thọ lạnh nhiều. Nếu hai người ở chung một phòng, cùng một cửa sổ, người nghe lạnh đóng cửa, người nghe nực mở cửa, cả hai sẽ cãi nhau. Chúng ta hiểu rõ thọ không phải là ngã, thì trong cuộc sống mới thông cảm nhau được. Cảm thọ là do theo thói quen, tùy vào bản chất và sự huân tập của mỗi người mà có khác nhau. Người lạnh đắp mền kỹ một chút, chứ mình lạnh đóng hết cửa thì người kia chịu sao nổi. Người nực thì mở một cánh cửa thôi, mở hết người kia lạnh tội nghiệp. Thông cảm nhau thì đâu có chuyện gì xảy ra, còn chỉ biết có mình thì làm sao sống vui hòa được. Nếu tất cả đều quán xét thọ không phải ngã, thì cuộc sống vui tươi, trên thuận dưới hòa. Mỗi ngày chúng ta tu hành gặp mặt hoan hỷ, cởi mở, thông cảm, đừng phiền não vì những cảm thọ hư giả đó.

Trên đường tu chúng ta phải thâm nhập lý Phật dạy, rồi ứng dụng tu để không phiền não. Gặp gì cũng chấp thì việc tu chỉ là hình thức, không có giá trị, không có tiến bộ. Chúng ta ngày đêm sáu thời tụng niệm đầy đủ, thấy như tu nhiều, nhưng trong lòng phiền muộn, gặp ai cũng hầm hầm, thì cũng như không tu hành gì hết. Người không phiền não thì dù bận rộn, thời khóa tu tập ít mà vẫn an lạc. Tu hành để cầu giải thoát mà chấp cứng không thông, thì không phải cầu giải thoát mà là cầu đi vào ba cửa chìm đắm. Mỗi người phải biết rõ, để cố gắng mà tu tập.

4. Bảy chỗ thức trụ và hai chỗ an định. Từ cõi người cho đến cõi Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ… là bảy chỗ thức trụ. Hai chỗ an định là Vô tưởng định và Phi phi tưởng định. Bảy chỗ thức trụ và hai chỗ an định này, chúng ta biết nó chẳng phải là cứu cánh thì mới có thể vượt qua được. Còn ngoại đạo lầm tưởng là chỗ an ổn, tìm kiếm an trụ trong đó, nên không giải thoát.

5. Sau cùng Phật nói về tám thứ giải thoát: Quán nội thân, thấy thân mình là bất tịnh nhơ nhớp, để dẹp trừ tâm tham luyến thân. Quán ngoại thân, thấy thân người cũng bất tịnh nhơ nhớp, để không luyến ái thân người. Quán cả hai, thân mình và thân người đều nhớp nhúa bất tịnh, không thật, để nhàm chán cả hai. Quán Sắc tưởng, bỏ Sắc tưởng tiến đến Không tưởng, bỏ Không tưởng đi đến Thức tưởng, bỏ Thức tưởng đến Vô sở hữu, bỏ Vô sở hữu đi đến Phi phi tưởng, bỏ Phi phi tưởng đưa đến Diệt tận định. Người tu tiến từ thấp lên, hoặc là từ trên xuống một cách tự tại thì gọi là hoàn toàn giải thoát.

Toát yếu bài kinh này để người học nghiệm xét kỹ, hiểu cho thấu đáo, nắm vững nội dung mà ứng dụng tu hành, và hướng dẫn chỉ dạy người khác hiểu để tu không lầm lẫn.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.