Trích giảng và Đối chiếu Trường A Hàm với Trường Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Bố Tra Bà Lâu (Hán tạng) với Kinh Potthapada (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ngự tại vườn ông Cấp Cô Độc (Anāthapindika) thuộc nước Xá-vệ cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người đông đủ. 

Vào một buổi sáng, đức Thế Tôn mang y cầm bát vào thành khất thực. Vì thấy còn sớm nên ngài nghĩ rằng: Tốt hơn ta đi đến khu rừng ông Phạm chí Bố-tra-bà-lâu (Potthapāda), đợi đúng giờ hãy đi hóa trai. 

Thế Tôn liền vào rừng, ông Phạm chí Bố-tra vừa trông thấy bóng Phật vội đứng dậy nghênh đón, nói: 

– Quý hóa thay, đức Cù-đàm! Lâu nay Ngài không đến, nay Ngài hạ cố chắc có việc gì? Xin mời Ngài ngồi dàng trước. 

Đức Thế Tôn an tọa xong, hỏi ông Bố-tra: Các ông nhóm lại đây làm gì? Bàn luận chuyện chi? 

Bố-tra thưa:

– Ngày qua có nhiều vị Phạm chí họp tại nhà này tuyên bố những điều đối nghịch nhau. Có người thì chủ trương: “Tư tưởng của con người ngẫu nhiên sanh ra, ngẫu nhiên diệt mất, tư tưởng có đi có đến, đi là tư tưởng diệt, đến là tư tưởng sanh”. Có người lại chủ trương: “Tư tưởng do định mạng sanh ra và diệt mất, tư tưởng có đến có đi, đến là tư tưởng sinh, đi là tư tưởng diệt”. Có người lại chê hai thuyết trên là vô lý mà chủ trương: “Có vị thần thiêng liêng oai quyền đem tư tưởng diệt, khi thần đem tư tưởng đến là tư tưởng sanh”. Tôi nghĩ rằng đức Cù-đàm chắc biết rõ lẽ đó, hơn nữa ngài còn biết đến cảnh Diệt định? 

Giảng:

Phật nói kinh này khi ngài đang ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, nước Xá-vệ. Thông thường Phật đi khất thực vào khoảng tám giờ sáng, nhưng hôm nay có lẽ ngài đi sớm hơn nên ghé vào khu rừng của Phạm chí Bố-tra-bà-lâu thăm, đợi đúng giờ mới đi hóa trai.

Khi Phật ghé thăm, các Phạm chí đang bàn luận, thấy Phật đến họ liền dừng lại ra nghênh đón, mời ngồi. Phật hỏi các ông nhóm tại đây làm gì? Bố-tra-bà-lâu trình bày những chủ trương khác nhau của các Phạm chí. Người thì chủ trương: Tư tưởng của con người ngẫu nhiên sanh ra, ngẫu nhiên diệt mất, tức là không nhân không duyên sanh ra, không nhân không duyên diệt mất. Có người lại cho rằng: Tư tưởng do định mạng sanh ra và diệt mất. Hoặc chủ trương: Có vị thần thiêng liêng oai quyền đem tư tưởng diệt, khi thần đem tư tưởng đến là tư tưởng sanh. Có ba nhóm chấp về tư tưởng như vậy, Bố-tra-bà-lâu tin rằng Phật biết chắc lẽ đó và xin Phật giải thích.

PĀLI TẠNG

Chánh văn:

1. Như vậy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Sāvatthi (Xá-vệ), rừng Jetavana (Kỳ viên), vườn Anāthapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ, du sĩ ngoại đạo Potthapāda (Bố-sá-bà-lâu) cùng với đại chúng du sĩ ngoại đạo khoảng ba trăm vị, ở tại vườn của hoàng hậu Mallikā tên là Ekasālaka có hàng rào cây tinduka, một hội thảo trường luận bàn về chánh kiến, tà kiến. 

2. Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y cầm bát vào Sāvatthi khất thực. Rồi Thế Tôn tự nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực tại Sāvatthi, Ta hãy đi đến vườn của hoàng hậu Mallikā tên là Ekasālaka, có hàng rào cây tinduka, một hội thảo trường luận bàn chánh kiến, tà kiến, để gặp du sĩ ngoại đạo Potthapāda”. Và Thế Tôn đi đến vườn của hoàng hậu Mallikā, tên là Ekasālaka, có hàng rào cây tinduka, một hội thảo trường luận về chánh kiến, tà kiến. 

3. Lúc bấy giờ du sĩ ngoại đạo Potthapāda ngồi với đại chúng du sĩ ngoại đạo, đang ồn ào, la lối, lớn tiếng bàn luận những vấn đề phù phiếm như câu chuyện về vua chúa; câu chuyện về ăn trộm; câu chuyện về đại thần; câu chuyện về binh lính; các câu chuyện về hãi hùng; câu chuyện về chiến tranh; câu chuyện về đồ ăn; câu chuyện về đồ uống; câu chuyện về đồ mặc; câu chuyện về giường nằm; câu chuyện về vòng hoa; câu chuyện về hương liệu; câu chuyện về bà con; câu chuyện về xe cộ; câu chuyện về làng xóm; câu chuyện về thị trấn; câu chuyện về thành phố; câu chuyện về quốc độ; câu chuyện về đàn bà; câu chuyện về đàn ông; câu chuyện về vị anh hùng; câu chuyện bên lề đường; câu chuyện tại chỗ lấy nước; câu chuyện về người đã chết; các câu chuyện tạp thoại; câu chuyện về hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương; câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. 

4. Du sĩ ngoại đạo Potthapāda thấy Thế Tôn từ xa đến, liền khuyến cáo chúng của mình: “Các Tôn giả hãy nhỏ tiếng, các Tôn giả hãy đừng làm ồn. Nay Sa-môn Gotama đang đến, ngài ưa mến sự trầm lặng, vị đại đức này tán thán sự trầm lặng. Nếu biết chúng này yên tịnh, ngài có thể ghé đến đây”. Nghe nói vậy, các du sĩ ngoại đạo liền im lặng. 

5. Rồi Thế Tôn đến du sĩ ngoại đạo Potthapāda. Và du sĩ ngoại đạo Potthapāda bạch Thế Tôn: 

– Thiện tại Thế Tôn! Hoan nghênh Thế Tôn! Đã lâu Thế Tôn không quá bộ đến đây. Mời Thế Tôn ngồi. Đây là chỗ ngồi đã soạn sẵn. 

Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Du sĩ ngoại đạo Potthapāda lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với du sĩ Potthapāda đã ngồi một bên: 

– Này Potthapāda, vấn đề gì các vị đang ngồi thảo luận? Vấn đề gì đang nói mà bị gián đoạn? 

6. Khi nghe nói vậy du sĩ ngoại đạo Potthapāda bạch Thế Tôn: 

– Bạch Thế Tôn, hãy gác một bên câu chuyện chúng tôi đang ngồi bàn luận, bạch Thế Tôn, lát nữa Thế Tôn nghe lại cũng không khó khăn gì. Bạch Thế Tôn, thuở xưa, xưa lắm, nhiều vị Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo tụ họp, ngồi hội thảo trong giảng đường nêu lên vấn đề sự diệt tận các tăng thượng tưởng. 

“Này Tôn giả, tăng thượng tưởng diệt tận như thế nào?” Một vài vị trả lời: “Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sanh và diệt! Khi tưởng sanh con người có tưởng, khi tưởng diệt con người không có tưởng”. Như vậy, một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng. 

Về vấn đề này, người khác lại nói như sau: “Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả, tưởng là tự ngã của con người, chính tưởng ấy đến và đi. Khi tưởng ấy đến thì con người có tưởng, khi tưởng ấy đi thì con người không có tưởng”. Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng. 

Vấn đề này, người khác lại nói như sau: “Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả, có những Sa-môn, Bà-la-môn có đại thần thông và đại oai lực. Chính những vị này khiến tưởng nhập vào trong người và cũng kéo tưởng ra ngoài người ấy. Khi các vị này khiến tưởng nhập vào trong người, người ấy có tưởng, khi kéo tưởng ra ngoài, người ấy không có tưởng”. Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng. 

Về vấn đề này, người khác lại nói như sau: “Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả, có những vị thiên thần có đại thần thông, có đại oai lực, chính những vị này khiến tưởng nhập vào trong người và kéo tưởng ra ngoài người ấy. Khi các vị này khiến tưởng nhập vào trong người, người ấy có tưởng, khi kéo tưởng ra ngoài, người ấy không có tưởng”. Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng. 

Bạch Thế Tôn, lúc bấy giờ con tưởng niệm đến Thế Tôn: “Mong Thế Tôn có mặt ở đây! Mong Thiện Thệ có mặt ở đây! Ngài rất tinh thông những pháp này. Chắc chắn Thế Tôn biết rõ sự diệt tận các tăng thượng tưởng”. Bạch Thế Tôn, sự diệt tận các tăng thượng tưởng như thế nào? 

Giảng:

Phần mở đầu có vài điểm khác, từ lý do Phật nói kinh cho đến chỗ Phật đi khất thực, ghé lại thăm các du sĩ ngoại đạo. Theo bản Pāli nói Phật ghé thăm khu vườn của phu nhân Mallikā, tức Mạt-lợi, để gặp các du sĩ ngoại đạo. Khi Phật đến các vị này đang luận bàn đủ thứ chuyện phù phiếm như: Câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần… cho đến các câu chuyện tạp thoại, câu chuyện về hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Đoạn này kể rất nhiều chuyện không lợi ích, làm cho rối thêm. Bên Hán tạng chỉ nói Phật đi khất thực còn sớm nên ghé vào khu rừng của chúng Phạm chí, họ đang luận bàn việc gì đó khi thấy Phật tới thì liền im lặng.

Về các vấn đề Phạm chí đưa ra thảo luận, bên Hán tạng chỉ nói có ba thứ:

1. Tư tưởng của con người ngẫu nhiên sanh ra, ngẫu nhiên diệt mất.

2. Tư tưởng do định mạng sanh ra và diệt mất.

3. vị thần thiêng liêng đem tưởng đến và đem tư tưởng đi,

Pāli thì nói có bốn:

1. Không nhân không duyên, các tưởng của con người sanh và diệt.

2. Tưởng là tự ngã của con người, chính tưởng ấy đến và đi. Hai phần này ý cũng giống như Hán tạng.

3. Có những Samôn, Bà-la-môn có đại thần thông và đại oai lực. Chính những vị này khiến tưởng nhập vào trong người và cũng kéo tưởng ra ngoài người ấy.

Đối chiếu thấy câu thứ ba bên bản Hán không có, mà không có là hợp lý. Bởi vì không ai có thần thông hiện đời đem tư tưởng vào con người, tức là cho có linh hồn rồi khi chết đem linh hồn đi.

4. Những vị thiên thần có đại thần thông, có đại oai lực, khiến tưởng nhập vào trong người và kéo tưởng ra ngoài người ấy.

Vấn đề thứ tư này giống vấn đề thứ ba bên Hán tạng. Hai bên chỉ khác ở phần chi tiết, còn về lý do Phật nói kinh thì giống nhau.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Phật dạy: Chủ trương của các người kia đều sai lầm cả. Này Bố-tra! Do nhân duyên tư tưởng sanh cũng do nhân duyên tư tưởng diệt. Chẳng hạn như khi có đức Như Lai ra đời, có người theo Phật pháp xuất gia hành đạo, diệt được năm điều ngăn che tâm tánh là tham dục, nóng giận, ưa ngủ, dao động hối tiếc và nghi ngờ giáo pháp. Họ lo diệt các điều dữ, đem tâm quán sát tìm tòi nhập định, nhờ đó dứt được ái dục, phát sanh vui mừng mà vào cảnh định Sơ thiền. Như vậy là có nhân duyên mà tư tưởng ái dục diệt và tư tưởng vui mừng sanh ra. 

Họ lại bỏ tư tưởng của Sơ thiền để vào định Nhị thiền, bỏ tư tưởng Nhị thiền để vào định Tam thiền, bỏ tư tưởng Tam thiền để vào định Tứ thiền, bỏ tất cả tư tưởng về sắc chất, diệt sân hận để vào định Không xứ, rồi vào định Thức xứ, vào định Vô sở hữu xứ, vào định Phi phi tưởng xứ, rồi cuối cùng bỏ Phi phi tưởng để vào định Diệt tận. Như thế là có nhân duyên tư tưởng này diệt, tư tưởng kia sanh. Khi tu đến đây, người ta nghĩ rằng: “Hữu niệm là ác, vô niệm là thiện”, ngay khi suy nghĩ đó, thì tư tưởng vi tế vẫn chưa diệt, tư tưởng thô trọng vẫn còn sanh. Tiếp đến họ nghĩ: “Tốt hơn ta không móng lên một niệm nào, không suy nghĩ điều chỉ”, ngay trong khi đó các tư tưởng vi tế diệt, các tư tưởng thô trọng cũng không sanh, mà được vào cảnh định Diệt thọ tưởng (tức là chỉ giữ một tâm linh tri hợp cùng lý vô ngã, không còn tưởng niệm gì). 

Giảng:

Phật dạy: Chủ trương của các người kia đều sai lầm cả. Này Bốtra! Do nhân duyên tư tưởng sanh cũng do nhân duyên tư tưởng diệt. Chủ trương của Phật rõ ràng, do nhân duyên tư tưởng sanh cũng do nhân duyên tư tưởng diệt, hoàn toàn khác với các vấn đề mà Phạm chí đưa ra.

Để chứng minh điều này, Phật nói: Chẳng hạn như khi có đức Như Lai ra đời, có người theo Phật pháp xuất gia hành đạo, diệt được năm điều ngăn che tâm tánh là tham dục, nóng giận, ưa ngủ, dao động, hối tiếc và nghi ngờ giáo pháp.

Khi phát tâm học đạo, trước tiên phải lo diệt trừ năm điều ngăn che tâm tánh, năm điều này gọi là Ngũ cái. Bởi tâm tánh con người vốn sáng suốt, nhưng bị ngũ cái ngăn che làm cho mờ tối, rối loạn. Nếu chúng ta có lòng tham tài tham sắc, nóng giận, ưa ngủ, luôn dao động, cứ hối tiếc nghĩ nhớ việc cũ thì tâm không còn sáng suốt. Nghi ngờ giáo pháp, tức là đối với pháp mình đang tu mà nghi ngờ không biết tu có tới nơi hay không? Nếu nghi thì đâu thể nỗ lực để tu, làm sao có kết quả được. Đây chỉ nói nghi giáo pháp, nếu nói đủ là nghi Phật pháp tăng, tức nghi ngờ Tam bảo. Nghi có thành Phật thật hay không? Pháp có phải do chính Phật nói hay ai nói? Tăng ni dạy chúng ta tu mà họ có làm được hay không? Nghi như vậy là chưa đủ lòng tin đối với Tam bảo. Năm điều này che đậy thì trí tuệ mờ yếu, không thể sáng suốt, nên người tu tập thiền định bước đầu phải diệt trừ năm điều này.

Họ lo diệt các điều dữ, đem tâm quán sát tìm tòi nhập định, nhờ đó dứt được ái dục, phát sanh vui mừng mà vào cảnh định thiền. Sơ thiền là Ly sanh hỷ lạc. Ly là xa lìa, hỷ lạc là vui mừng. Phá trừ ngũ cái rồi, lo quán sát nhập định nên xa lìa ái dục, tâm sanh vui mừng mà vào cảnh định này. Trước kia tư tưởng đắm mê theo ngũ dục là do có nhân duyên nên tư tưởng ấy sanh, giờ đây tư tưởng không còn mê theo ngũ dục là cũng do nhân duyên nên tham đắm diệt. Như vậy tư tưởng ái dục diệt và tư tưởng vui mừng sanh là do duyên mới có.

Họ lại bỏ tư tưởng của thiền để vào định Nhị thiền, bỏ tư tưởng Nhị thiền để vào định Tam thiền, bỏ tưởng Tam thiền để vào định Tứ thiền, bỏ tất cả tưởng về sắc chất, diệt sân hận để vào định Không xứ, rồi vào định Thức xứ, vào định Vô sở hữu xứ, vào định Phi phi tưởng xứ, rồi cuối cùng bỏ Phi phi tưởng để vào định Diệt tận. Tất cả các định trên, từ Nhị thiền cho đến Diệt tận, Phật đều kết luận: Như thế là có nhân duyên tư tưởng này diệt, tư tưởng kia sanh.

Khi tu đến đây, người ta nghĩ rằng: “Hữu niệm là ác, vô niệm là thiện”, ngay khi suy nghĩ đó, thì tư tưởng vi tế vẫn chưa diệt, tư tưởng thô trọng vẫn còn sanh.

Đây nói: Hữu niệm là ác, vô niệm là thiện. Trong Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ cũng nói:

Vô niệm niệm tức chánh,

Hữu niệm niệm thành tà,

Hữu vô câu bất kế,

Trường ngự bạch ngưu xa.

Tổ nói đâu khác kinh, nhưng có người lại cho rằng Thiền tông là quái thai của Phật giáo. Sự thật những lời Tổ dạy đã có sẵn trong kinh rồi.

Tiếp đến họ nghĩ: “Tốt hơn ta không móng lên một niệm nào, không suy nghĩ điều chỉ”, ngay trong khi đó các tư tưởng vi tế diệt, các tư tưởng thô trọng cũng không sanh, mà được vào cảnh định Diệt thọ tưởng. Buông hết tư tưởng không dấy một niệm nào, đó là Diệt thọ tưởng định.

Chỗ này có giống chúng ta đang tu không? Thông thường hay nói tu thiền là đi đường chim. Thí dụ đi tàu lửa từ Sài Gòn ra Huế, thì phải qua Thủ Đức, Biên Hòa, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang v.v… cuối cùng mới đến Huế. Qua nhiều chặng rồi mới đến điểm cuối. Nếu đi bằng phi cơ, tức là đi đường chim, thì chỉ thấy bay lên rồi đáp xuống là đến nơi. Hai phương tiện cùng đi, nhưng đi tàu lửa tới cảnh này cảnh kia, qua tỉnh này phố nọ nên thấy vui. Còn ngồi trên phi cơ bay tít mù trên mây, tới Huế đáp xuống không thấy cảnh nào khác lạ, nhiều khi thiu thiu muốn ngủ nữa. Cũng vậy, khi tu được Ly sanh hỷ lạc, Định sanh hỷ lạc v.v… bỏ định này tiến lên định kia, thấy có cảnh mới lạ nên phấn khởi, vui hơn. Còn thiền tông là đi đường chim, không qua thứ lớp, ngay đó buông sạch là xong. Do cứ lo buông đến chỗ vắng lặng, nên thấy như buồn. Đi đường chim là đi thẳng đến chỗ không còn suy tưởng, cuối cùng là đến Diệt thọ tưởng định. Đó là chỗ tột đỉnh mà đức Phật chỉ dạy.

Chúng ta thường cho rằng, còn nghĩ này nghĩ kia thấy vui vui, không nghĩ gì hết là buồn. Chỗ này thiền sư diễn tả bằng câu thơ Nguyệt hộ vô nhân lãnh tợ thu, tức là mặt trăng rọi qua song cửa phòng vắng không người, buồn lạnh lẽo như mùa thu. Sao nói buồn lạnh lẽo như mùa thu mà không nói buồn như mùa đông? Bởi vì mùa hè nóng bức, mùa đông lạnh rét, còn mùa thu thì se lạnh man mác. Người tu Thiền tông đến đó thấy buồn man mác không có duyên cớ, nên nói buồn như mùa thu. Đường đi xa mà không thấy cảnh gì lạ nên buồn, phải gan dạ, kiên trì lắm mới tới nơi an ổn.

Tuy nói tu thiền không trải qua thứ bậc chứng đắc nào, nhưng trong lúc tu thấy có vui không? Hiện tại dù cho vọng tưởng chưa sạch, tâm chân thật chưa hiện tiền, nhưng biết rõ rằng ngay nơi chúng ta có cái chưa từng sanh diệt, mà mọi người không thấy. Do biết rõ như vậy, nên lúc nào cũng vui. Đó là chỗ vui hằng ngày của người đang tu tập.

Người đời lo sợ chết rồi chẳng biết ra sao? Người tu biết rõ thân này hoại còn cái chân thật không hoại lúc nào cũng hằng hiện hữu, nên không buồn, không lo sợ. Nếu không biết, nghe nói vô chứng vô đắc, buồn quá! Nghe người ta tu năm ba năm đã chứng Sơ thiền, Nhị thiền… cảm thấy phấn khởi, thấy mình tu cũng lâu mà không chứng gì hết, rồi buồn. Trên đường tu nếu không biết rõ thì dễ nản lòng thối chuyển. Học kinh điển để chứng minh đường lối tu hành không phải tự các tổ bịa đặt, mà có gốc rễ rõ ràng.

Đoạn kinh này hai bên tương tự nhau không khác.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

7. Này Potthapāda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: “Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sanh và diệt”. Những vị này đã sai lạc ngay từ ban đầu. Vì sao vậy? Này Potthapāda, chính vì có nhân, có duyên, các tưởng của con người sanh và diệt. Chính do sự học tập, một loại tưởng sanh, chính do sự học tập, một loại tưởng diệt. 

– Sự học tập ấy là gì? Này Potthapāda, nay ở đời Như Lai xuất hiện, là bậc A-la-hán, Chánh biến tri… (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 40-43 trừ đoạn kết của mỗi đoạn) thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh, mạng sống trong sạch, giới hạnh đầy đủ, hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác và biết tri túc. 

Này Potthapāda, thế nào là Tỷ-kheo giới hạnh đầy đủ? Ở đây này Potthapāda, Tỷ-kheo từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật… (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 43-62)… như dùng ảo thuật để yên ổn, để khỏi làm các điều đã hứa… ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên… như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật. 

8. Này Potthapāda, và như vậy Tỷ-kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Này Potthapāda, như một Sát-đế-ly đã làm lễ quán đảnh, đã hàng phục kẻ thù địch, không còn thấy sợ hãi từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch. Cũng vậy, này Potthapāda, Tỷ-kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ nội tâm không lỗi lầm. Như vậy, này Potthapāda, Tỷ-kheo đầy đủ giới luật. 

9. Này Potthapāda, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Này Potthapāda, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái ưu bị, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bị, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không lỗi lầm. Như vậy, này Potthapāda, Tỷ-kheo hộ trì các căn… (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 65-74)… 

10. Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan, nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm, với tứ. Dục tưởng xưa kia của vị ấy được diệt trừ, và khi tưởng hỷ lạc vi diệu chân thật do ly dục sanh khởi lên, vị ấy có tưởng hỷ lạc vi diệu chân thật, do ly dục sanh. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Đó là sự học tập Thế Tôn nói đến”. 

11. Lại nữa, này Potthapāda, Tỷ-kheo diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tử, nội tĩnh nhất tâm. Tưởng hỷ lạc vi diệu chân thật do ly dục sanh xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng hỷ lạc vi diệu chân thật do định sanh khởi lên, vị ấy có tưởng hỷ lạc vi diệu chân thật do định sanh. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Đó là sự học tập Thế Tôn nói đến”. 

12. “Lại nữa này Potthapāda, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và trú thiền thứ ba. Tưởng hỷ lạc chân thật vi diệu do định sanh xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng xả lạc vi diệu chân thật khởi lên, vị ấy có tưởng xả lạc vi diệu chân thật. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên và cũng do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Đó là sự học tập Thế Tôn nói đến”. 

13. Lại nữa này Potthapāda, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ, ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy xả lạc chân thật vi diệu xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng xả lạc, xả khổ vi diệu chân thật khởi lên, vị ấy có tưởng xả lạc, xả khổ vi diệu chân thật. Như vậy do học tập một tưởng khởi lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Đó là sự học tập Thế Tôn nói đến”. 

14. Lại nữa này Potthapāda, với sự vượt thoát mọi sắc tưởng, với sự diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, với sự không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Như vậy sắc tưởng xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng Không vô biên xứ vi diệu chân thật khởi lên, vị ấy có tưởng Không vô biên xứ vi diệu chân thật. Như vậy do sự học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Đó là sự học tập Thế Tôn nói đến”. 15. Lại nữa này Potthapāda, với sự vượt thoát mọi Không vô biên xứ, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Như vậy tưởng Không vô biên xứ vi diệu chân thật xưa kia của vị ấy được diệt trừ, và khi tưởng Thức vô biên xứ vi diệu chân thật khởi lên, vị ấy có tưởng Thức vô biên xứ vi diệu chân thật. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Đó là sự học tập Thế Tôn nói đến”. 

15. Lại nữa này Potthapāda, với sự vượt thoát mọi Thức vô biên xứ, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Như vậy tưởng Thức vô biên xứ vi diệu chân thật xưa kia của vị ấy được diệt trừ. Và khi tưởng Vô sở hữu xứ vi diệu chân thật khởi lên, vị ấy có tưởng Vô sở hữu xứ vi diệu chân thật. Như vậy do học tập, một tưởng khởi lên, cũng do học tập, một tưởng diệt trừ. Và Thế Tôn nói: “Đó là sự học tập Thế Tôn nói đến”. 

16. Lại nữa này Potthapāda, khi Tỷ-kheo ở nơi đây tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này khi đứng tại tưởng tột đỉnh có thể nghĩ: “Tâm còn suy tưởng có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng, khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên, ta hãy đừng có suy tưởng”. Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt tận và các thô tưởng khác không khởi lên, vị ấy cảm thọ sự diệt tận. Như vậy, này Potthapāda, là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng. 

Giảng:

Bên Hán tạng chỉ nói, khi gặp Phật ra đời có người theo Phật pháp xuất gia tu hành, trước phải lo diệt trừ ngũ cái là năm món ngăn che tâm tánh. Pāli nói có ba: Thứ nhất, giới hạnh đầy đủ. Phải từ bỏ sát sanh… không phạm những lỗi về tà mạng. Thứ hai, hộ trì các căn. Giữ gìn mắt tai mũi lưỡi thân ý, không chạy theo sắc thanh hương vị xúc pháp. Thứ ba, xả ly năm triền cái. Do không bị năm món ngăn che nên được tâm hoan hỷ, định tĩnh. Bên Pāli nói kỹ hơn về phần tu tập, còn bên Hán chỉ nói gọn trong năm triền cái. Đó là điểm khác của hai bên, nhưng cuối cùng đều đến Diệt tận định.

Bản Pāli nói khi vị Tỷ-kheo đứng tại tưởng tột đỉnh, tức Phi phi tưởng, vị ấy nghĩ: “Tâm còn suy tưởng hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng, khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên, ta hãy đừng suy tưởng”. Do không suy tưởng, các tưởng kia diệt tận và các thô tưởng khác không khởi lên, vị ấy cảm thọ sự diệt tận. 

Hán tạng nói khi tu đến đây, người ta nghĩ rằng: “Hữu niệm là ác, vô niệm là thiện”. Ngay khi suy nghĩ đó, thì tư tưởng vi tế vẫn chưa diệt, tư tưởng thô trọng vẫn còn sanh. Tiếp đến họ nghĩ: “Tốt hơn ta không móng lên một niệm nào, không suy nghĩ điều chỉ”, ngay trong khi đó các tư tưởng vi tế diệt, các tư tưởng thô trọng cũng không sanh, mà được vào cảnh định Diệt thọ tưởng.

Đến đây là diệt hết các tăng thượng tưởng. Hai bên tuy có khác nhau chi tiết, nhưng chỗ cứu cánh thì đều cho thấy phải buông tư tưởng, từ thô đến tế sạch hết mới được Diệt thọ tưởng định. Cội rễ của sự tu tập phát nguồn từ chỗ này. Đó là chỗ mà hiện nay chúng ta đang ứng dụng.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

– Thế nào Bố-tra? Từ trước đến nay ông từng nghe đến đạo lý nhân duyên tuần tự diệt trừ tư tưởng ấy chưa? 

Bố-tra thưa: 

– Quả thật tôi chưa từng nghe. Bạch Thế Tôn! trong các bậc tư tưởng đó, thứ nào là vô thượng? Thứ nào là vô thượng đệ nhất? 

Phật dạy: 

– Tư tưởng Vô sở hữu xứ là vô thượng; ở giữa một đàng hữu tưởng, một đàng vô tưởng, mà lần lựa vào được định Diệt thọ tưởng là vô thượng đệ nhất. 

Bố-tra lại hỏi: 

– Như vậy là một tưởng hay có nhiều tưởng? 

Phật dạy: 

– Chỉ có một tưởng chứ không có nhiều. 

Bố-tra lại hỏi: 

– Tưởng sanh trước trí sanh sau, hay trí sanh trước tưởng sanh sau, hay cùng sanh một lần? 

Phật dạy: 

– Trước tưởng rồi đến trí, do tưởng rồi mới có trí. 

Giảng: 

Trước đây Phật đã nói về diệt trừ rồi, nên ngài hỏi lại Bố-tra: Ông từng nghe đến đạo lý nhân duyên tuần tự diệt trừ tư tưởng ấy chưa? Bố-tra thưa chưa từng nghe và hỏi lại: Trong các bậc tư tưởng đó, thứ nào là thượng? Thứ nào là thượng đệ nhất? 

Phật dạy: Tư tưởng sở hữu xứ là vô thượng. Tại sao chỗ đó là vô thượng? Vì ở giữa một đàng hữu tưởng, một đàng tưởng. Và thứ nào là vô thượng đệ nhất? Phật xác nhận: Diệt thọ tưởng là vô thượng đệ nhất.

Bố-tra lại hỏi: Như vậy là một tưởng hay có nhiều tưởng? Phật dạy: Chỉ có một tưởng chứ không nhiều. Bỏ tưởng này rồi mới qua tưởng kia, như thế chỉ có một tưởng chứ không phải một lúc có nhiều thứ tưởng.

Bố-tra lại hỏi: Tưởng sanh trước trí sanh sau, hay trí sanh trước tưởng sanh sau, hay cùng sanh một lần? Phật dạy: Trước tưởng rồi đến trí, do tưởng rồi mới có trí. Phật dạy rõ ràng tưởng có trước, trí có sau. Như khi tưởng về Không vô biên xứ, đến được rồi là tưởng thành tựu. Nhưng nếu an trú, hài lòng ở ngay đó thì không phát sanh trí tuệ. Biết chỉ là chỗ tạm dừng, nên khởi trí quán sát xả bỏ để vượt lên trên, đó là trí. Nhờ có trí mới vượt qua, nếu không thì tới bậc nào sẽ vướng kẹt bậc ấy, không thể vượt lên đến chỗ rốt ráo. Nên nói tưởng có trước, trí có sau.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

18. Này Potthapāda, ngươi nghĩ thế nào? Trước đây ngươi đã nghe sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng này không? 

– Bạch Thế Tôn, con không có nghe. Bạch Thế Tôn, nhưng nay con hiểu lời nói của Thế Tôn. 

– Này Potthapāda, khi Tỷ-kheo ở đây tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này, khi đứng lại tưởng tột đỉnh có thể nghĩ: “Tâm còn suy tưởng, có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên. Vậy ta hãy đừng có suy tưởng”. Và vị này không có suy tưởng. Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt tận và các thô tưởng khác cũng không khởi lên. Vị ấy cảm thọ sự diệt tận. Như vậy này Potthapāda là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng. 

– Như vậy là phải, này Potthapāda! 

19. – Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chỉ nói đến một tưởng tuyệt đỉnh hay nhiều tưởng tuyệt đỉnh? 

– Này Potthapāda, ta nói đến một tưởng tuyệt đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh. 

– Bạch Thế Tôn, làm sao Thế Tôn nói đến một tưởng tuyệt đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh? 

– Này Potthapāda, tùy theo vị ấy cảm thọ sự diệt tận (của một tưởng) sau tưởng khác, vị ấy đạt tới nhiều tưởng tuyệt đỉnh sai khác, cái này tiếp theo cái kia cho đến tưởng tuyệt đỉnh cuối cùng mà ta nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh. Này Potthapāda như vậy ta nói đến một tưởng tuyệt đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh. 

20. – Bạch Thế Tôn, tưởng khởi trước, trí khởi sau; hay trí khởi trước tưởng khởi sau; hay tưởng và trí cùng khởi một lần không trước không sau? 

– Này Potthapāda, tưởng khởi trước trí mới khởi sau, do tưởng sanh, trí mới sanh. Vị ấy tuệ tri: “Do duyên tưởng, trí sanh ra nơi ta”. Này Potthapāda, với lời dạy này cần phải hiểu tưởng sanh trước trí sanh sau, tưởng sanh trí mới sanh. 

Giảng: 

Trước khi kết thúc đoạn này Phật còn lặp lại một lần nữa về chỗ tưởng tột đỉnh. So sánh Hán tạng thì phần này Pāli đi sâu vào chi tiết hơn, như đặt câu hỏi về tưởng tột đỉnh là có một tưởng tột đỉnh hay nhiều tưởng tột đỉnh? Phật nói một tưởng tột đỉnh và cũng nói đến nhiều tưởng tột đỉnh. Tại sao nhiều? Bởi vì khi tu tới tột đỉnh của tưởng nào thì cho đó là tuyệt đỉnh, rồi vượt qua lần lần cho tới tưởng cuối cùng là Diệt thọ tưởng định, thì hoàn toàn tuyệt đỉnh.

Này Potthapāda, tưởng khởi trước trí mới khởi sau, do tưởng sanh, trí mới sanh. Vị ấy tuệ tri: “Do duyên tưởng, trí sanh ra nơi ta”. Này Potthapāda, với lời dạy này cần phải hiểu tưởng sanh trước trí sanh sau, tưởng sanh trí mới sanh.

Đây là kết thúc phần tưởng có trước trí có sau. Do có tưởng nên mới khởi trí để diệt trừ, chứ không phải bỗng dưng mà sanh. Lối giải thích tuy nhiều, nhưng không ngoài ý tưởng khởi trước trí khởi sau. Bởi có tưởng tới mức nào thì trí nhận biết mức đó chưa cùng tột, cần phải vươn lên tiến tới Diệt thọ tưởng định.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Bố-tra lại hỏi: 

– Tưởng đó tức là ngã ư? 

Phật dạy: 

– Ông muốn nói người nào là ngã? 

Bố-tra thưa: 

– Tôi không nói người nào là ngã, tôi chỉ muốn nói con người với một sắc thân do bốn đại, sáu giác quan hợp lại và nhờ cha mẹ sanh nuôi khôn lớn, trang sức y phục và biến hoại vô thường là ngã. 

Phật dạy:

– Thôi hãy tạm gác lại cái ngã đó, để nói về tư tưởng sanh và diệt của con người trước. 

Bố-tra nói: 

– Tôi không nói con người là ngã, tôi chỉ muốn nói trời Dục giới là ngã….(cho đến)… trời Vô sắc là ngã. 

Phật dạy: 

– Thôi hãy tạm gác lại cái ngã đó, để nói về tư tưởng sanh và diệt của con người trước.

Bố-tra thưa: 

– Tôi có thể nào biết được tư tưởng sanh và diệt của con người ư? 

Phật dạy: 

– Thật vậy, ông muốn biết được tư tưởng sanh và diệt của con người rất khó. Vì các ông đã mang năm cái kiến thức, tập quán, nhẫn chịu, và nương tựa theo dị giáo. 

Bố-tra thưa: 

– Thật như vậy, vì chúng tôi thường cho rằng, bản ngã và thế gian là thường, vô thường, là cũng thường cũng vô thường, là chẳng phải thường chẳng phải vô thường, là hữu biên, là vô biên, là cũng hữu biên cũng vô biên, là chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên, thần ngã với thân là một, thần ngã với thân là khác, thần ngã với thân chẳng phải khác chẳng phải không khác, hoặc không thân thần ngã, Như Lai sau khi diệt độ chẳng phải có chẳng phải không có. 

Phật dạy: 

– Ta không ấn ký các vấn đề thế gian là thường hay vô thường, cho đến Như Lai sau khi diệt độ chẳng phải có chẳng phải không có. 

Bố-tra thưa: 

– Tại sao đức Thế Tôn lại không ấn ký các điều đó? 

Phật dạy: 

– Vì những điều đó không hợp nghĩa, hợp pháp, chẳng phải Phạm hạnh, chẳng phải vô dục, vô vi, tịch diệt, an ổn, chánh giác, cũng chẳng phải pháp Sa-môn, chẳng đưa đến Niết-bàn, nên ta không ấn ký. 

Bố-tra lại hỏi: 

– Vậy thì pháp gì mới hợp nghĩa, hợp pháp, là pháp Sa-môn, là pháp đưa đến Niết-bàn, được Phật ấn ký? 

– Ta chỉ ấn ký pháp Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Vì nó hợp nghĩa, hợp pháp… và đưa đến Niết-bàn. 

Đức Thế Tôn thuyết pháp chỉ bày điều ích lợi vui mừng cho ông Bố-tra nghe xong, liền rời chỗ ngồi đứng dậy đi. 

Giảng:

Có người cho rằng lối tu của Thiền tông không giống với kinh điển. Đọc qua những đoạn kinh này, chúng ta thấy giống hay không giống? Giống mà không giống, không giống mà giống. Tại sao? Không giống là vì đây Phật chỉ từ thấp lần lần lên, có từng chặng, từng nấc như leo thang lên lầu, khiến người tu theo thấy tiến dễ dàng và có sự hứng thú. Thiền tông không qua từng bậc như thế nên nói không giống. Chỗ nói Diệt thọ tưởng định cùng chỗ buông xả niệm của Thiền tông giống nhau, vì khi buông hết sạch mọi tư tưởng thì lúc đó chính là Diệt tận định.

Đến cứu cánh có điểm không giống. Trong đây nói khi đó được hoàn toàn giải thoát, còn Thiền tông thì nói khi hết vọng tưởng Phật tánh hiển bày, chân tâm lưu xuất hay Bản lai diện mục hiện tiền. Tại sao ở đây đức Phật chỉ nói hoàn toàn giải thoát mà không nói cái gì giải thoát? Thời đức Phật, các vị Bà-la-môn chấp tự ngã hay thần ngã là ta, nếu Phật nói cái gì hơi giống như vậy thì liền bám vào đó cho rằng Phật nói giống họ. Do đó Phật chỉ nói nếu không còn dấy niệm là được hoàn toàn giải thoát, mà không nói cái gì giải thoát. Về sau, Phật giáo truyền bá sâu rộng, nhiều người thâm hiểu được rồi, chư tổ mới nói thẳng ra đó là pháp thân, hay ông chủ… Dứt được vô minh phiền não, trở về Phật tánh hay sống được với pháp thân không còn bị sanh diệt, đó là giải thoát. Thời Phật vì sợ Bà-la-môn lầm chấp, nên ngài không nói thẳng. Về sau các vị không hiểu rõ, cho rằng những giáo lý như Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã… mới là Phật nói, còn kinh điển Đại thừa không phải Phật nói. Hiểu rõ tinh thần này chúng ta mới thấy lời Phật tổ dạy trước sau không khác.

Những vấn đề mà các ngoại đạo chấp bản ngã và thế gian là thường, vô thường, là cũng thường cũng vô thường, cho đến Như Lai sau khi diệt độ chẳng phải có chẳng phải không có v.v… Các câu hỏi thuộc hai bên Như Lai đều không ấn ký, tức là không trả lời một cách dứt khoát. Tại sao?

Vì những điều đó không hợp nghĩa, hợp pháp, chẳng phải Phạm hạnh, chẳng phải vô dục, vô vi, tịch diệt, an ổn, chánh giác, cũng chẳng phải pháp Sa-môn, chẳng đưa đến Niết-bàn, nên ta không ấn ký. Những câu hỏi chỉ nhằm mục đích thỏa mãn tri kiến, các vấn đề bâng quơ không thiết thực, không hợp nghĩa, hợp pháp, không phải phạm hạnh, không đưa đến Niết-bàn thì Phật không trả lời.

Bố-tra lại hỏi vậy pháp gì Phật mới được ấn ký? Phật dạy: Ta chỉ ấn pháp Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Vì nó hợp nghĩa, hợp pháp… và đưa đến Niết-bàn. Phật chỉ trả lời khi nào vấn đề được hỏi có liên quan đến pháp Tứ đế, vì nó có tính cách thực tiễn trong cuộc sống chúng ta. Ngoài ra những việc khác không ích lợi, không liên quan gì đến việc giải thoát thì ngài không trả lời.

Khi Phật nói chuyện tới đây rồi, đã đến giờ khất thực nên ngài đứng dậy từ giã đi.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

21. Bạch Thế Tôn, tưởng có phải là tự ngã của con người hay tưởng khác, tự ngã khác? 

– Này Potthapāda, ngươi hiểu tự ngã như thế nào? 

– Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành, và do đoàn thực nuôi dưỡng. 

– Này Potthapāda, nếu tự ngã là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành và do đoàn thực nuôi dưỡng, như vậy này Potthapāda, tưởng khác và tự ngã khác. Này Potthapāda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu, tưởng khác và tự ngã khác. Này Potthapāda, giả sử tự ngã ấy là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành và do đoàn thực nuôi dưỡng, tuy vậy một vài tưởng khác của người ấy khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapāda, với sự nhận thức này cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. 

22. – Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn. – Này Potthapāda, nếu tự ngã là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn, như vậy này Potthapāda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. Này Potthapāda, giả sử tự ngã ấy là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn, tuy vậy một vài tưởng khác của người ấy khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapāda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. 

– Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành. 

23. – Này Potthapāda, nếu tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành, với sự nhận thức này Potthapāda, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. Này Potthapāda, giả sử tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành, tuy vậy, một vài tưởng khác của người ấy khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapāda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. 

24. – Bạch Thế Tôn, con có thể hiểu được chăng “tưởng là tự ngã của con người” hay “tưởng khác, tự ngã khác”. 

– Này Potthapāda, thật khó cho ngươi biết được “tưởng là tự ngã của con người” hay “tưởng khác, tự ngã khác”, vì ngươi có dị kiến, có tin tưởng khác, có lý tưởng khác, có thiên tư khác, có hạnh nguyện khác. 

25. – Bạch Thế Tôn, nếu thật khó cho con biết được “tưởng là tự ngã của con người” hay “tưởng khác, tự ngã khác” vì con có dị kiến khác, có tin tưởng khác, có lý tưởng khác, có thiên tư khác, có hạnh nguyện khác, thời bạch Thế Tôn, thế giới có phải là thường còn không? Chỉ có quan niệm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Thế giới là thường còn, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

– Bạch Thế Tôn, có phải thế giới là vô thường, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Thế giới là vô thường, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

– Bạch Thế Tôn, có phải thế giới này là hữu biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Thế giới là hữu biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

– Bạch Thế Tôn, có phải thế giới là vô biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Thế giới là vô biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

26. – Bạch Thế Tôn, có phải sanh mạng và thân thể là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Thân thể và sanh mạng là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

– Bạch Thế Tôn, có phải sanh mạng khác, thân thể khác? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Sinh mạng khác, thân thể khác. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

27. – Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai tồn tại sau khi chết? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Như Lai tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

– Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Như Lai không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

– Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

– Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không? 

– Này Potthapāda, ta không trả lời: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội”. 

28. – Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không trả lời? 

– Này Potthapāda, câu hỏi này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về pháp, không thuộc căn bản của Phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn. Vì vậy, ta không trả lời. 

29. – Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn trả lời những gì? 

– Này Potthapāda, ta trả lời: “Đây là khổ”. Ta trả lời: “Đây là khổ tập”. “Ta trả lời: “Đây là khổ diệt”. Ta trả lời: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”. 

30. – Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn trả lời? 

– Này Potthapāda, câu hỏi này thuộc về đích giải thoát, thuộc về pháp, thuộc căn bản của Phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn. Vì vậy ta trả lời. 

– Bạch Thế Tôn, như vậy là phải. Bạch Thiện thệ, như vậy là phải. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời ngài làm gì ngài xem là phải làm. 

Và Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. 

Giảng:

Bên Pāli mỗi đoạn đều giải thích rất chi li, còn Hán tạng thì gom gọn lại nên có chỗ hơi khó hiểu.

Tôi lặp lại đoạn trước, khi Phật hỏi Bố-tra: Trước đây có nghe sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng này không? Bố-tra thưa con không nghe, nhưng nay con hiểu lời nói của Thế Tôn, Phật mới bảo khi Tỳ-kheo tự mình khởi tưởng, tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh… Và vị này khởi nghĩ, tâm còn suy tưởng có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu còn tiếp tục suy tưởng, thì khi suy tưởng này diệt, suy tưởng khác lại khởi lên, vậy nên ta đừng có suy tưởng. Do vị này không có suy tưởng, các tưởng kia diệt và các thô tưởng khác cũng không khởi lên. Vị ấy cảm thọ sự diệt tận. Như vậy là chứng đạt diệt trừ các tăng thượng tưởng.

Đây là phương pháp áp dụng tu từ tư tưởng ban đầu. Trước là tưởng ly dục, do ly dục được sanh hỷ lạc, chứng Sơ thiền. Kế là ly tưởng hỷ lạc được định, do định sanh ra hỷ lạc, tức là từ hỷ lạc thô dần dần tâm an định tiến lên hỷ lạc tế, chứng Nhị thiền. Lìa luôn cả hỷ lạc tế mà được diệu lạc, chứng Tam thiền. Xả hết những niệm hỷ lạc, tâm hoàn toàn thanh tịnh, chứng Tứ thiền. Từ đó tiến đến Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ. Tất cả đều do tưởng mà ra, dù cho tưởng nhỏ nhiệm như Phi phi tưởng xứ, cũng là còn tưởng. Nếu còn tưởng, tưởng thô hay tưởng tế thì cũng đều có hại, nên cuối cùng dừng hết suy tưởng và cảm thọ sự diệt tận.

Từ đoạn 21 đến đoạn 23, Bố-tra chấp tự ngã có ba phần:

1. Tự ngã là thô phù, sắc, do bốn đại hình thành và do đoàn thực nuôi dưỡng.

Chấp cái thô phù do tứ đại, sáu căn hòa hợp thành là tự ngã.

2. Tự ngã là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn.

Chấp này phù hợp với bên Hán tạng nói các cõi trời Dục giới.

3. Tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành.

Tự ngã vô sắc bên Hán tạng chỉ cho các cõi trời Vô sắc giới.

Đối ba lối chấp này bên Hán tạng Phật nói: Thôi hãy tạm gác lại cái ngã đó, để nói về tư tưởng sanh và diệt của con người trước. Bên Pāli đức Phật trả lời rất đơn giản: Tưởng khác, tự ngã khác. Ngã cõi nhân gian tức ngã thô phù, ngã cõi trời Sắc giới là ý sở thành, ngã cõi trời Vô sắc là tưởng sở thành. Như vậy ở ba cõi đó tự ngã và tưởng khác nhau.

Pāli nói tưởng khác tự ngã khác, bên Hán tạng nói tư tưởng sanh tư tưởng diệt mà không dùng chữ tự ngã. Tưởng là gì? Tự ngã là gì? Thông thường chấp tâm tưởng là tự ngã, nên nói tưởng khác tự ngã khác thì nghe khó hiểu, nên bên Hán tạng chỉ nói tưởng sanh tưởng diệt. Chữ không trả lời, bên Hán tạng nói là không ấn ký. Đó là chỗ khác nhau của hai bên.

Từ đoạn 25 đến 27, Bố-tra lại đưa ra nhiều câu hỏi, thế gian là thường, thế gian là vô thường… cho đến Như Lai sau khi Niết-bàn còn hay không còn? Pāli nêu ra từng câu hỏi và mỗi câu Phật đều nói ta không trả lời. Hán tạng nêu ra một số câu hỏi mà không trả lời từng câu, cuối cùng chỉ nói ta không ấn ký. Do bên Pāli chi tiết nên có sai biệt.

Từ đoạn 28 đến đoạn 30 là phần cốt lõi, nói lên tinh ba của bài kinh.

Bố-tra đưa ra ba câu hỏi, câu hỏi thứ nhất: Vì sao Thế Tôn không trả lời? Phật đáp: Này Potthapāda, câu hỏi này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp, không thuộc căn bản của Phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn. Vì vậy, ta không trả lời. Đối một số vấn đề đặt ra hỏi Phật không trả lời, vì những vấn đề đó không nhắm vào mục đích giải thoát, không đưa đến thắng trí, giác ngộ Niết-bàn. Bên Hán tạng cũng nói tương tự như vậy.

Câu hỏi thứ hai: Vậy Thế Tôn trả lời những gì? Phật đáp: Này Potthapāda, ta trả lời: “Đây là khổ. Ta trả lời: “Đây là khổ tập”. “Ta trả lời: “Đây là khổ diệt”. Ta trả lời: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”.

Câu hỏi thứ ba: Vì sao Thế Tôn trả lời? Phật đáp: Này Potthapāda, câu hỏi này thuộc về đích giải thoát, thuộc về pháp, thuộc căn bản của Phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn. Vì vậy ta trả lời.

Như vậy cho thấy Phật chỉ trả lời câu hỏi nào đưa đến ly dục giải thoát mà thôi, còn các vấn đề khác không liên quan đến giác ngộ, Phật không trả lời.

Bên bản kinh Hán nói; Đức Thế Tôn thuyết pháp chỉ bày điều ích lợi vui mừng cho ông Bố-tra nghe xong, liền rời chỗ ngồi đứng dậy đi. Bản Pāli dường như thiếu câu này, chỉ nói khi Phật trả lời xong thì Bố-tra thưa:

Bạch Thế Tôn, như vậy là phải. Bạch Thiện Thệ, như vậy là phải. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời ngài làm gì ngài xem là phải làm”. 

Câu nói này làm giảm lẽ thật, giống như nhắc hay đuổi khéo Phật: Tới giờ khất thực rồi ngài đi đi! Bên Hán tạng hợp lý hơn, khi Phật nói cho ông nghe xong, thấy ông được lợi ích rồi ngài mới đứng dậy đi. Phật tự ý đứng dậy đi, chứ ông nhắc Phật đi thì nghe hơi bất lịch sự.

Đối chiếu hai bản kinh chúng ta thấy được những chỗ ưu khuyết của mỗi bên. Có những đoạn bổ sung giúp sáng tỏ hơn, có những chỗ dài dòng khiến đọc vào rối thêm. Cũng như chữ ấn ký bên Hán, nếu không có bản Pāli nói là không trả lời, thì chúng ta cũng mơ hồ khó hiểu.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Phật vừa đi khỏi thì tiếp có mấy Phạm chí khác đến trách Bố-tra rằng: 

– Sao ngươi nghe Sa-môn Cù-đàm nói như vậy mà cũng chấp nhận? 

Bố-tra trả lời: 

– Thật tình thì tôi không chấp nhận, nhưng Sa-môn Cù-đàm y trụ trong chánh pháp, đem chánh pháp giảng ra, nhờ chánh pháp giải thoát, thì có lý gì cãi lại lời dạy trí tuệ ấy được. Thật tôi không thể cãi lời pháp vi diệu của Cù-đàm được. 

Hôm sau, Bố-tra đến thuật lại cho Phật nghe. Phật dạy: 

– Các Phạm chí đến nói với ông như vậy là không đúng, vì ta thuyết pháp có thứ quyết định ký, có thứ không quyết định ký. Thứ ta không quyết định ký là bản ngã và thế gian thường hay vô thường… dẫu có khi cũng nói đến, còn thứ ta vừa nói vừa quyết định ký là pháp Tứ đế. 

– Này Bố-tra! Có những Sa-môn hoặc Bà-la-môn chỉ định một cõi thế gian và cho ở đó hoàn toàn vui. Ta liền hỏi họ: Ngươi nói có một cõi thế gian hoàn toàn vui phải không? Họ đáp: Phải. Ta lại hỏi: Ngươi đã thấy cõi thế gian hoàn toàn vui đó không? Họ đáp: Không thấy. Ta lại hỏi: Ngươi có thấy chư thiên trong cõi thế gian hoàn toàn vui chưa? Họ đáp: Không thấy. Ta lại hỏi: Ngươi đã từng nói năng, ngồi đứng, tinh cần tu định với hàng chư thiên của một cõi trời nào chưa? Họ đáp: Chưa. Ta lại hỏi: Có vị trời nào ở cõi trời hoàn toàn vui đến nói với ngươi rằng, ngươi tu như thế chắc chắn sẽ được sanh lên cõi trời để cùng ta hưởng lạc không? Họ đáp: Không. Ta lại hỏi: Ngươi có thể chính bản thân mình hóa ra một thân khác cũng đủ các bộ phận, giác quan không? Họ đáp: Không. Này Bố tra nghĩ sao? Các người Sa-môn và Bà-la-môn kia nói có cõi trời hoàn toàn vui, đó là lời nói chân thật đúng pháp ư? 

Bố-tra đáp: 

– Họ nói không chân thật đúng pháp. 

– Này Bố-tra! Ví như có người nói rằng: “Tôi thường thông giao với một người con gái đoan chính, và cứ khen ngợi người con gái đó. Bất chợt có ai hỏi, ngươi có biết mặt người con gái đó không? Hiện nó ở đâu, tại phương Đông hay phương Bắc? Người kia đáp: Tôi không biết. Họ lại hỏi: Ngươi có biết xóm làng quốc độ người con gái đó không? Đáp: Không biết. Họ lại hỏi: Ngươi có biết cha mẹ và tên họ người con gái đó không? Đáp: Không biết. Họ lại hỏi: Ngươi có biết người con gái đó thuộc giai cấp nào không? Đáp: Không biết. Họ lại hỏi: Ngươi có biết dung mạo người con gái đó cao thấp, đen trắng, tốt xấu không? Đáp: Không biết. 

– Này Bố tra nghĩ sao? Thế thì người kia nói “Tôi thường thông giao với một người con gái”, lời nói đó có đúng không? 

Bố-tra đáp: 

– Không đúng. 

– Này Bố-tra! Các Sa-môn và Bà-la-môn cũng như thế, họ nói không chân thật chi cả. 

Ví như có người bắt thang giữa chỗ đất trống, gặp người ta hỏi anh bắc thang làm gì, nó trả lời: Tôi bắc thang lên nhà. Người ta lại hỏi nhà ở đâu? Nó liền trả lời: Không biết. Bố-tra nghĩ sao? Người bắc thang đó có phải đã làm một việc hư ngụy không? 

Đáp: – Hư ngụy. 

– Này Bố-tra! Các Sa-môn và Bà-la-môn cũng thường nói những điều hư ngụy như thế đó. 

Giảng:

Khi Phật vừa đi khỏi thì các Phạm chí khác đến bủa vây và trách Bố-tra: Sao ngươi nghe Sa-môn Cù-đàm nói như vậy mà cũng chấp nhận? Bố-tra trả lời: Thật tình thì tôi không chấp nhận, nhưng Sa-môn Cù-đàm y trụ trong chánh pháp, đem chánh pháp giảng ra, nhờ chánh pháp giải thoát, thì lý gì cãi lại lời dạy trí tuệ ấy được. Phật chỉ giải thích những vấn đề cần thiết thuộc về pháp Tứ đế, ngài đem chánh pháp ra giảng nói, chứ không đề cập đến các việc như thế gian là thường, là vô thường v.v… là pháp không đưa đến giải thoát. Bố-tra xét thấy Phật nói như vậy là đúng, là đầy đủ trí tuệ, nên ông không thể cãi lời Phật dạy được.

Ngày hôm sau Bố-tra đến thuật lại cho Phật nghe. Phật dạy: Các Phạm chí đến nói với ông như vậy là không đúng, vì ta thuyết pháp thứ quyết định ký, có thứ không quyết định ký. Câu này bên Pāli nói có pháp ta nói dứt khoát, có pháp ta nói không dứt khoát. Như vậy quyết định ký là dứt khoát, không quyết định ký là không dứt khoát. Đây chỉ lặp lại ý trên là Phật đối với vấn đề thế gian là thường hay vô thường… thì ngài dứt khoát không trả lời, mà chỉ trả lời dứt khoát về pháp Tứ đế. Chủ yếu đức Phật thuyết pháp là nhắm thẳng vào chỗ chân thật, thiết thực cho cuộc sống hiện tại, đem lại lợi lạc cho mọi người. Những vấn đề không thực tế thì ngài dứt khoát không giải đáp.

Phật chỉ cho thấy chỗ mắc kẹt của các Sa-môn hoặc Bà-la-môn khi họ chỉ định có một cõi thế gian và cho ở đó hoàn toàn vui. Phật hỏi: Có các Sa-môn hoặc Bà-la-môn chỉ định một cõi thế gian và cho ở đó hoàn toàn vui, vậy đã thấy thế gian hoàn toàn vui đó không? Có thấy chư thiên trong cõi đó chưa? Đã từng nói năng, ngồi đứng, tinh cần tu định với hàng chư thiên ở đó chưa? Có vị nào ở cõi hoàn toàn vui đến nói cho biết, người tu như thế chắc chắn sẽ được sanh lên cõi trời để cùng hưởng lạc không? Chính bản thân mình có thể hóa ra một thân khác cũng đủ các bộ phận, giác quan không? Tất cả các câu hỏi đều đáp không. Phật nêu hai thí dụ để làm sáng tỏ vấn đề.

1. Ví như có người thanh niên nói rất thân thiện với một thiếu nữ đoan chánh và khen ngợi mãi. Bất chợt có ai hỏi: Biết mặt cô đó không? Tên gì? Ở đâu? Cha mẹ là ai? Dung mạo ra sao, cao thấp, đen trắng, tốt xấu? Thuộc giai cấp nào? Đều đáp: Không biết. Phật hỏi: Này Bốtra nghĩ sao? Thế thì người kia nói tôi thường thông giao với một người con gái, lời nói đó có đúng không? Bố-tra đáp: Không đúng. Này Bố-tra! Các Samôn và Bà-la-môn cũng như thế, họ nói không chân thật chi cả.

2. Ví như có người bắt thang giữa chỗ đất trống, gặp người hỏi: Anh bắt thang làm gì? Đáp: Tôi bắt thang lên nhà. Hỏi nhà ở đâu? Đáp: Không biết. Phật hỏi: Bố-tra nghĩ sao? Người bắt thang đó có phải đã làm một việc ngụy không? Đáp: Hư ngụy. Này Bốtra! Các Sa-môn và Bà-la-môn cũng thường nói những điều hư ngụy như thế đó.

Đức Phật không chấp nhận những việc mơ hồ thiếu thực tế. Khi nói điều gì cũng phải có căn cứ rõ ràng. Nếu nói có một cõi nào đó hoàn toàn an vui, mà khi người hỏi cõi đó thế nào? Có ai từ cõi đó đến đây không?… Hỏi cái gì về cõi đó chúng ta đều đáp không biết, chỉ nghe qua người khác nói thôi, như vậy là thiếu thực tế.

Trong khi chúng ta đang tu là có lợi ích ngay hiện tại này rồi. Như pháp Tứ đế là pháp đức Phật quyết định nói. Quyết định là sao? Phật nói Khổ đế, chúng ta đang sống trong cảnh khổ nên Phật chỉ là thấy liền, đúng là khổ! Tập đế là nguyên nhân của khổ, chúng ta nghiệm xét biết rõ khổ là do tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến gây ra, nếu bớt các thứ si mê này thì khổ sẽ giảm. Như vậy ngay trong đời này, bớt được tham sân si chừng nào thì bớt khổ chừng nấy, cụ thể rõ ràng không nghi ngờ. Nếu chúng ta không lo tu để trừ dẹp vô minh phiền não, mà chỉ lo chuyện không thực tế đâu đâu thì không phù hợp với tinh thần Phật dạy. Pháp Phật giúp mọi người nhận biết đúng như thật bản chất của khổ, không còn mê lầm nữa, vậy là hết khổ được an vui. Như khi chúng ta suy nghĩ nhiều thì đầu óc rối loạn mờ mịt, lúc nào lòng yên tịnh ít vọng tưởng thì tâm trí tỉnh sáng. Điều này cụ thể không phải mơ màng. Phương tiện Phật dạy tu là để cho tâm an định, khi tâm chúng ta an định rồi thì ngay hiện tại cuộc sống an vui, lúc nhắm mắt lìa đời cũng được thanh tịnh.

Học Phật mà không nắm vững được căn bản của Phật pháp, chỉ theo những điều vụn vặt là có lỗi. Như qua hai thí dụ nêu trên, thấy rõ mục đích Phật muốn chỉ. Chúng ta nắm vững căn bản lời Phật dạy để thực hành cho đúng, nếu sai lầm là sẽ làm sai lầm cả thế hệ. Phật luôn luôn không chấp nhận những điều không thực tế, nên khi tu điều nào phù hợp với lời Phật dạy thì làm, điều nào thiếu thực tế phải hiểu cho rõ. Nhiều người tu ngồi lại hay nói tôi thấy thế này thế kia… đâu đâu. Đạo Phật là đạo giác ngộ, người học Phật là học giác ngộ bằng trí tuệ thực tế, chứ không phải mộng tưởng xa vời. Kinh điển Nguyên thủy hay kinh điển Đại thừa, đều cốt chỉ cho chúng ta xả ly phiền não, đưa đến tâm an lạc giải thoát.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

31. Thế Tôn rời khỏi chưa bao lâu, những du sĩ ngoại đạo ấy liền bao vây xung quanh du sĩ ngoại đạo Potthapāda và tuôn ra những lời nói mỉa mai gay gắt: 

– Potthapāda này là như vậy. Những gì Sa-môn Gotama nói đều được Potthapāda tán thành: “Thế Tôn, như vậy là phải. Bạch Thiện Thệ, như vậy là phải”. Chúng tôi không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường”, hay “Thế giới là hữu biên”, hay “Thế giới là vô biên”, hay “Sinh mạng và thân thể là một”, hay “Sinh mạng khác, thân thể khác”, hay “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai tồn tại và cũng không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết”. 

Khi được nói như vậy, du sĩ ngoại đạo Potthapāda nói với các du sĩ ngoại đạo kia: 

– Này các Tôn giả, tôi cũng không được biết Sa- môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: “Thế giới là thường còn” hay Thế giới là vô thường”, hay “Thế giới là hữu biên”, hay “ Thế giới là vô biên”, hay “Sinh mạng và thân thể là một”, hay “Sinh mạng khác, thân thể khác”, hay “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai có tồn tại và cũng không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không có tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết” Sa-môn Gotama đã tuyên bố một phương pháp như thật, chân chánh, chân thực, dùng Pháp làm căn bản, dùng Pháp làm quy tắc. Và khi một vị tuyên bố một phương pháp như thật, chân chánh, chân thật, dùng Pháp làm căn bản, dùng Pháp làm quy tắc thì làm sao một người hiểu biết như tôi lại không tán thành? 

32. Hai ba ngày sau, Citta Hatthisāriputta và du sĩ ngoại đạo Potthapāda đi đến chỗ Thế Tôn. Khi đi đến nơi, Citta Hatthisāriputta đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên, còn du sĩ ngoại đạo Potthapāda nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi một bên, du sĩ ngoại đạo Potthapāda bạch Thế Tôn: 

– Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn rời khỏi chưa bao lâu, những du sĩ ngoại đạo liền bao vây xung quanh con và tuôn ra những lời nói mỉa maigay gắt:“Potthapāda này là như vậy. Những gì Sa-môn Gotama nói đều được Potthapāda tán thành:“Bạch Thế Tôn, như vậy là phải! Bạch Thiện Thệ như vậy là phải!” Chúng tôi không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: “Thế giới là thường còn” hay Thế giới là vô thường”, hay “Thế giới là hữu biên”, hay “ Thế giới là vô biên”, hay “Sinh mạng và thân thể là một”, hay “Sinh mạng khác, thân thể khác”, hay “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai có tồn tại và cũng không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không có tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết”. Khi được nói như vậy, con nói với các du sĩ ngoại đạo kia: “Này các Tôn giả, tôi cũng không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: “Thế giới là thường còn” hay Thế giới là vô thường”, hay “Thế giới là hữu biên”, hay “ Thế giới là vô biên”, hay “Sinh mạng và thân thể là một”, hay “Sinh mạng khác, thân thể khác”, hay “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai tồn tại và cũng không tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết”. Sa-môn Gotama đã tuyên bố một phương pháp như thật, chân chánh, chân thật, dùng Pháp làm căn bản, dùng Pháp làm quy tắc. Và khi một vị đã tuyên bố một phương pháp như thật, chân chánh, chân thật, dùng Pháp làm căn bản, dùng Pháp làm quy tắc thì làm sao một người hiểu biết như tôi lại có thể không tán thành?” 

33. Này Potthapāda, những du sĩ ngoại đạo ấy là mù, không có mắt, chỉ có ngươi là người có mắt độc nhất giữa chúng. Này Potthapāda, có những pháp được ta tuyên thuyết, trình bày một cách không dứt khoát. Này Potthapāda, có những pháp được ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát. Này Potthapāda, những pháp gì được ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát? “Thế giới là thường còn”, này Potthapāda, đó là pháp được ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát. “Thế giới là vô thường” này Potthapāda, đó là pháp được ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát. “Thế giới là hữu biên”, này Potthapāda… “Thế giới là vô biên”, này Potthapāda… “Sinh mạng và thân thể là một”, này Potthapāda… “Sinh mạng khác, thân thể khác”, này Potthapāda… “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, này Potthapāda… “Như Lai không tồn tại sau khi chết”, này Potthapāda… “Như Lai tồn tại và cũng không tồn tại sau khi chết”, này Potthapāda… “Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết”, này Potthapāda, đó là pháp được ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát. 

Này Potthapāda, vì sao những pháp ấy lại được ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát? Này Potthapāda, những pháp này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp, không thuộc căn bản của Phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly dục, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn. Vì vậy những pháp ấy được ta tuyên thuyết, trình bày một cách không dứt khoát. Này Potthapāda, những pháp gì được ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát? “Đây là khổ”, này Potthapāda, đó là pháp được ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát. “Đây là khổ tập” này Potthapāda, đó là pháp được ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát. “Đây là khổ diệt”, này Potthapāda, đó là pháp được ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát. “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, này Potthapāda, đó là pháp được ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát. 

Này Potthapāda, vì sao những pháp ấy được ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát? Này Potthapāda, những pháp ấy thuộc về đích giải thoát, thuộc về pháp, thuộc căn bản của Phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly dục, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết-bàn. Vì vậy những pháp ấy được ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát. 

34. Này Potthapāda, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh. Ta đến những vị ấy và hỏi: “Có phải quý đại đức có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh. Khi được ta hỏi như vậy, những vị ấy công nhận là phải. Ta nói: “Chư đại đức có sống và đã biết đã thấy thế giới này là hoàn toàn hạnh phúc không?” Khi được hỏi như vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: “Vậy chư đại đức có tự thân cảm biết hoàn toàn hạnh phúc trong một đêm hay trong một ngày, hay trong nửa đêm hay trong nửa ngày không?” Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: “Chư đại đức có biết một con đường nào, một phương pháp nào có thể đưa đến sự chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?” Khi được hỏi vậy các vị ấy trả lời là không. 

Ta nói với các vị ấy: “Chư đại đức có nghe tiếng nói của chư thiên, đã được sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc: Này các vị, hãy cố gắng khéo thực hành. Này các vị, hãy trực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Này các vị, chúng tôi đã thực hành, đã sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?” Khi được hỏi vậy các vị ấy trả lời không. Này Potthapāda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn kia là không chính xác hợp lý? 

35. Như có một người nói: “Tôi yêu và ái luyến một cô gái đẹp trong nước này”. Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp ông yêu và ái luyến ấy, ông có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-ly, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?” Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp ông yêu và ái luyến ấy, ông có biết tên gì, lớn người, thấp người hay người bậc trung? Da đen sẫm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, hay thành phố nào?” Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, như vậy có phải ông đã yêu và ái luyến một người ông không biết, ông không thấy?” Được hỏi vậy vị ấy trả lời phải. Này Potthapāda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của người kia là không chính xác hợp lý? 

– Vâng phải, bạch Thế Tôn! Sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là không chính xác, hợp lý. 

36. Như vậy này Potthapāda, những Sa-môn, Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: “Sau khi chết tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh”, ta đến những vị ấy và hỏi: “Có phải quý đại đức có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: Sau khi chết tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh. Khi được hỏi như vậy, những vị ấy công nhận là phải. Ta nói: “Chư đại đức có sống và đã biết, đã thấy thế giới này là hoàn toàn hạnh phúc không?” Khi được hỏi như vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: “Như vậy chư đại đức có tự tâm cảm biết hoàn toàn hạnh phúc trong một đêm hay trong một ngày, hay trong nửa đêm hay trong nửa ngày không?” Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: “Chư đại đức có biết một con đường nào, một phương pháp nào có thể đưa đến sự chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?” Khi được hỏi vậy các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: “Chư đại đức có nghe tiếng nói của chư thiên đã được sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc: Này các vị, hãy cố gắng khéo thực hành! Này các vị, hãy trực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Này các vị, chúng tôi đã thực hành, đã sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?” Khi được hỏi như vậy, các vị ấy trả lời không. Này Potthapāda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn kia là không chính xác, hợp lý? 

– Vâng phải, bạch Thế Tôn! Sự kiện là như vậy, theo lời nói của người kia là không chính xác, hợp lý. 

37. Này Potthapāda, như một người muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên lầu. Có người hỏi: “Này bạn, ông muốn xây một cái thang để leo lên lầu, vậy ông có biết lầu ấy là về hướng đông, hay là về hướng tây hay là về hướng bắc, hay về hướng nam? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình?” Được hỏi vậy, vị ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, như vậy có phải ông xây một cái thang để leo lên một cái lầu mà ông không biết, không thấy?” Được hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Potthapāda ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy thời có phải lời nói của người kia là không chính xác, hợp lý? 

– Vâng phải, bạch Thế Tôn! Sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là không chính xác, hợp lý. 

38. Như vậy này Potthapāda, những Sa-môn, Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: “Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh”. Ta đến những vị ấy và hỏi: “Có phải quý đại đức có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh. Khi được hỏi vậy, những vị ấy công nhận là phải. Ta nói: “Chư đại đức có sống và đã biết, đã thấy thế giới này là hoàn toàn hạnh phúc không?” Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: “Vậy chư đại đức có tự tâm cảm biết hoàn toàn hạnh phúc trong một đêm hay trong một ngày, hay trong nửa đêm hay trong nửa ngày không?” Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: “Chư đại đức có biết một con đường nào, một phương pháp nào có thể đưa đến sự chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?” Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Ta nói với các vị ấy: “Chư đại đức có nghe tiếng nói của chư thiên đã được sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc: Này các vị, hãy cố gắng thực hành! Này các vị, hãy trực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Này các vị, chúng tôi đã thực hành, đã sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?” Khi được nói như vậy, các vị ấy trả lời là không. 

Này Potthapāda, ngươi nghĩ như thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn kia là không chính xác, hợp lý? 

– Vâng phải, bạch Thế Tôn! Sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là không chính xác hợp lý. 

Giảng:

Sau khi Bố-tra bị các huynh đệ khủng bố, ông đến Phật trình bày, Phật nói: Này Potthapāda, những du sĩ ngoại đạo ấy là mù, không có mắt, chỉ có ngươi là người có mắt độc nhất giữa chúng. Nói như vậy có vẻ chủ quan. Bên Hán tạng nói khi Bố-tra đến thuật lại, nghe xong Phật chỉ nói: Các Phạm chí đến nói với ông như vậy là không đúng.

Đoạn kinh này bên Hán tạng chỉ nói Phật hỏi: Có cõi trời nào mà người sanh về nơi đó được hoàn toàn an vui không? Rồi nêu hai thí dụ để làm sáng tỏ, hợp lý rõ ràng. Bên Pāli nói: Có cái tự ngã sau khi chết hoàn toàn an vui, vô bệnh. Tự ngã đó là cái gì? Ở đâu? Nghe mơ hồ khó hiểu. Mỗi đoạn đưa thí dụ và lặp lại ý trước nên bị trùng lặp dài dòng.

Đối chiếu cho thấy hai bên dẫn đầy đủ những sự kiện chính xác, phần thí dụ hoặc chỗ nói có cõi an vui… đều giống nhau. Những tinh ba của bản kinh Pāli thì bên Hán tạng cũng không thiếu, chỉ lược bớt để khỏi bị trùng lặp.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

– Này Bố-tra-bà-lâu! Ngươi cho cái sắc thân được tạo thành giữa tứ đại lục căn, cha mẹ sanh dưỡng, bú mớm trưởng thành, áo chăn trau tria, vô thường biến diệt là ngã. Nhưng ta thuyết một đạo đưa đến sự diệt ngã; do vậy nếu ngươi hành trì theo đạo ấy, thời các nhiễm ô của ngươi có thể được trừ diệt, các hạnh đưa đến thanh tịnh sẽ được tăng trưởng và mọi người có thể tự chúng ta thấy mặt tận mặt, tự chúng ta chứng ngộ được sự tuyệt đối và cao thượng của trí tuệ. 

Này Bố-tra-bà-lâu! Biết đâu ngươi không nghĩ rằng: “Các nhiễm ô có thể trừ diệt, các hạnh đưa đến thanh tịnh có thể tăng trưởng, có thể tự chúng ta thấy mặt tận mặt, tự chúng ta chứng ngộ được sự tuyệt đối và cao thượng của trí tuệ, nhưng con người vẫn cứ buồn khổ”. Này Bố-tra-bà-lâu! Ngươi chớ nghĩ như vậy, không đúng, vì khi các trường hợp trên thành tựu, thì con người sẽ có hoan hỷ, hạnh phúc, tịnh lạc, chuyên niệm, nhất tâm và an tĩnh. 

Này Bố-tra-bà-lâu! Đối với cõi trời Dục giới, Sắc giới, Không xứ, Bất dụng xứ, Phi phi tưởng xứ, ta cũng thuyết một đạo đưa đến sự diệt ngã; do vậy nếu ngươi hành trì theo đạo ấy, thời các nhiễm ô… (lược)… vì khi các trường hợp trên thành tựu, thì con người sẽ có hoan hỷ, hạnh phúc, tịnh lạc, chuyên niệm, nhất tâm an tĩnh. 

Bố-tra-bà-lâu bạch Phật: 

– Bạch đức Thế Tôn! Đương khi mang thân tứ đại lục căn làm người ở cõi Dục này, có cùng một lúc có cả thân trời cõi Dục, cõi Sắc, cõi Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Phi phi tưởng xứ không? Đương khi mang thân trời cõi Dục, có cùng một lúc có cả thân các cõi kia không? 

Phật dạy: Không! Ví như sữa bò, từ sữa biến thành lạc, từ lạc biến thành sanh tô, từ sanh tô biến thành thục tô, từ thục tô biến thành đề hồ. Đề hồ là phẩm độ cao nhất. Này Bố-tra-bà-lâu! Đang khi chất sữa, thì chỉ gọi là sữa, chứ không gọi là lạc, tô, đề hồ, như vậy cho đến đang khi đề hồ thì chỉ gọi là đề hồ, chứ không gọi là sữa, lạc, tô. Đây cũng như thế. 

– Này Bố-tra-bà-lâu! Ngươi sẽ đáp như thế nào khi có người hỏi rằng: Đang khi thân ở quá khứ có cùng một lúc có cả thân vị lai, hiện tại không? Cho đến đang khi thân ở hiện tại, có cùng một lúc có cả thân quá khứ, vị lai không? 

– Bạch đức Thế Tôn! Tôi sẽ đáp khi thân ở quá khứ thì chỉ là thân quá khứ, không có thân vị lai, hiện tại, cho đến thân ở hiện tại, thì chỉ có thân hiện tại, không có thân quá khứ, vị lai. 

– Này Bố-tra-bà-lâu! Ngươi sẽ đáp thế nào khi có người hỏi rằng: Ngươi từng có thân quá khứ đã diệt, thân vị lại sẽ sinh, thân hiện tại đang có không? 

– Bạch đức Thế Tôn! Tôi sẽ đáp tôi từng có thân quá khứ đã diệt, thân vị lai chưa sinh, thân hiện tại đang có. 

– Này Bố-tra-bà-lâu! Đây cũng như thế khi làm thân người ở cõi Dục thì không thể có thân các cõi kia. 

Bố-tra-bà-lâu đảnh lễ Phật rồi thưa rằng: 

– Bạch đức Thế Tôn! Con nay xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin cho con được làm kẻ Ưu-bà-tắc ở trong chánh pháp, con nguyện suốt đời không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Bạch đức Thế Tôn! Con nay có được phép xuất gia thọ giới tu theo Phật pháp không? 

– Này Phạm chí! Nếu kẻ dị học nào muốn xuất gia hành đạo theo giáo pháp ta, họ phải được xét qua bốn tháng nếu vừa ý chúng tăng mới nhận cho xuất gia. Tuy nhiên có lệ đó, nhưng cũng tùy theo người. 

– Bạch đức Thế Tôn! Con nay xin ở trong Phật pháp bốn năm để chúng tăng xem xét, nếu vừa ý con hãy xin xuất gia thọ giới. 

Phật dạy: 

– Như ta đã nói, tuy có lệ đó, nhưng còn tùy theo người. 

Ngay khi đó, ông Bố-tra-bà-lâu được thọ giới xuất gia, và nhờ tín tâm kiên cố, tịnh tu Phạm hạnh nên không bao lâu ông được hiện tiền chứng ngộ, thành bậc A-la-hán, sanh tử dứt hết, việc làm trọn vẹn, không còn phải thọ thân sau. 

Bố-tra-bà-lâu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. 

Giảng:

Đoạn trước bên Pāli nói về thân ở cõi Sắc, cõi Vô sắc… còn bên bản Hán tạng thì đến đây Phật mới bắt đầu nói cho Bố-tra biết về thân ở những cõi này.

Này Bốtra-bà-lâu! Ngươi cho cái sắc thân được tạo thành giữa tứ đại lục căn, cha mẹ sanh dưỡng, bú mớm trưởng thành, áo chăn trau tria, thường biến diệt là ngã. Nhưng ta thuyết một đạo đưa đến sự diệt ngã. 

Phật phá chấp của thế gian cho thân tứ đại sáu căn là ngã và nói pháp diệt ngã. Đến các cõi trời Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới cho tới Phi phi tưởng xứ, ngài cũng phá chấp ngã và nói pháp diệt ngã. Nếu người dẹp được chấp ngã thì các nhiễm ô diệt trừ, người ấy sẽ có hoan hỷ, hạnh phúc, tĩnh lạc, chuyên niệm và nhất tâm an tĩnh.

Đến đây, Phật sợ Bố-tra sanh nghi nên hỏi: Này Bố-tra-bà-lâu! Biết đâu ngươi không nghĩ rằng: “Các nhiễm ô có thể trừ diệt, các hạnh đưa đến thanh tịnh có thể tăng trưởng, có thể tự chúng ta thấy mặt tận mặt, tự chúng ta chứng ngộ được sự tuyệt đối và cao thượng của trí tuệ, nhưng con người vẫn cứ buồn khổ”. Này Bố-tra-bà-lâu! Ngươi chớ nghĩ như vậy không đúng, vì khi các trường hợp trên thành tựu, thì con người sẽ có hoan hỷ, hạnh phúc, tịnh lạc, chuyên niệm, nhất tâm và an tĩnh.

Khi diệt trừ được chấp ngã rồi thì các nhiễm ô hết và thanh tịnh tăng trưởng, chừng đó chúng ta thấy mặt tận mặt, tự chúng ta chứng ngộ tuyệt đối sự cao thượng của trí tuệ. Thấy mặt tận mặt chứ không phải chuyện mơ màng hay hẹn hò đâu đâu. Như pháp tu biết vọng, khi vọng dấy lên liền buông bỏ, vậy có ích lợi không? Thí dụ như khi chúng ta nghe ai nói trái tai buồn bực, vừa dấy niệm nhớ lại chuyện không vui, liền bỏ qua. Nếu buông được thì rõ ràng mặt tận mặt, hết buồn. Thiết thực, lợi ích ngay trước mắt.

Phật nói Khổ đế, tại sao có khổ? Vì có Tập. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… là nguyên nhân gây ra đau khổ. Nếu bớt tham, bớt nóng giận thì bớt khổ. Khi bị người nói một câu nghe tức, chúng ta nổi giận đùng đùng, đỏ mặt đỏ mày. Lúc đó nhớ lại giận là gốc đau khổ, buông đi. Bỏ được nóng giận liền bớt đau khổ. Nếu khi giận dữ mà người bị bệnh cao huyết áp hay đau tim, thì bị đứt gân máu hoặc ngất xỉu, đưa đến tai họa đau khổ rõ ràng. Ngay đó nếu biết buông xả không giận, thì an ổn nhẹ nhàng, không còn bị khó chịu nữa, là lợi ích hiện tiền, mặt tận mặt chứ gì. Tu như vậy có lợi ích hiện đời và cả mai sau. Bởi không còn kẹt, không còn dính nên dùng chữ mặt tận mặt, tức là giáp mặt thấy nhau chứ không phải chuyện mơ màng. Hẹn hò mai kia mới thấy là chuyện không thực tế.

Việc tu tập là lợi ích thiết thực rõ ràng, ngay cả việc nhỏ nhặt tầm thường thôi. Như các vị chưa lập gia đình đi tu, có thấy khỏe hơn những người ngang tuổi mình mà có năm, ba đứa con không? Nếu không đi tu thì tuổi này ở nhà cũng có vài ba mụn con, phải làm cả ngày để nuôi con, không có thời giờ rảnh. Còn người tu có thời giờ thảnh thơi suy nghĩ đạo lý, đó là lợi ích số một. Từ lợi ích đầu tiên đó dẫn đến lợi ích thứ hai, thứ ba, thứ bốn… vô số kể. Đây chỉ mới nói chuyện phàm tục, còn những việc khác như hàng ngày gặp bạn bè, ngồi nói chuyện với nhau thì phải có trà, thuốc, rượu chè… Càng giao thiệp càng sanh bệnh hoạn, hoặc tính chuyện làm ăn rồi tính luôn chuyện chơi. Người tu mỗi ngày nghe kinh, hiểu được lý cao siêu giải thoát, buông bỏ những tật xấu từ từ, nên càng ngày càng an lạc. Trái lại người thế tục thì cứ bị những việc đau khổ dồn đến, không thể yên ổn. Vừa biết tu thôi là ngay trong đời này đã có lợi ích cụ thể thiết thực rồi, chứ không đợi đến ngày nào mới giải thoát.

Chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ giải thoát, Phật thành đạo là do giác ngộ, khi lậu tận thì ngài giải thoát. Đường đi của Phật rõ ràng như vậy, chúng ta phải xét cho thấu đáo, để thấy được cội gốc. Trong sự tu hành chúng ta cố gắng nỗ lực ngồi thiền, tụng kinh… dẹp trừ phiền não trói buộc. Có như vậy thì khi tụng kinh, đem công đức hồi hướng cầu nguyện cho mọi người, đều được lợi ích. Nếu chỉ tụng kinh suông mà không hành trì, thì có cầu an cầu siêu cho người cũng không ích lợi. Cầu an, cầu siêu là việc làm tùy thuận. Người đời, sống gặp điều bất an, chết lo sợ không siêu… nên nhờ chúng ta tụng kinh hồi hướng giúp họ được an ổn. Đây giống như một lối chúc lành, chúc thì cứ chúc, cầu thì cứ cầu, nhưng đừng lấy đó cho là chuyện tuyệt đối. Nhất định cho rằng cầu là được an, được siêu, không đọa địa ngục… thì không ai dám cam kết. Khi thân có bệnh, chúng ta cũng phải đến nhờ bác sĩ điều trị cho an, chứ tự chúng ta cũng đâu thể cầu cho mình an được. Khi Phật còn tại thế, ngài không làm những việc này, bây giờ chúng ta tùy thuận nhân tình phương tiện mà làm, nên phải hiểu cho thấu đáo.

Đối với việc ma chay, ở Ấn Độ không có những việc này. Đạo Phật truyền sang Trung Quốc, do Trung Hoa là xứ Nho giáo, nghi lễ vô cùng rườm rà. Nho gia cho lễ nghi của người chết rất quan trọng, nên khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc cũng phải tùy thuận như vậy, để an ủi Phật tử cho họ an tâm, rồi sau đó hướng dẫn cho họ tu tập giải thoát. Đến việc cưới hỏi, người theo đạo Thiên Chúa khi cưới gả cho con thì vào nhà thờ làm lễ, Phật tử thấy vậy cũng muốn đến chùa nương nhờ ân đức của Tam bảo để cho con cháu biết phát tâm hướng thiện, nên chúng ta tùy thuận.

Như vậy cho thấy, tất cả việc làm của chúng ta hiện tại chỉ là phương tiện. Đã là phương tiện thì phải biết rõ ràng, điều gì hợp với Phật dạy thì làm, việc nào trái đừng làm. Kinh điển Phật dạy cốt hướng dẫn chúng ta tu tập giải thoát, không có kinh nào dạy chúng ta đem ra cầu cho được thế này thế nọ, Phật nói đến vấn đề gì thì vấn đề đó phải thực tế cụ thể, chứ không phải viển vông xa vời. Do thấy biết đúng như thật, nên gọi là giác ngộ, bởi giác ngộ chúng ta mới buông xả những kiến chấp phiền não mà được giải thoát.

Trở lại vấn đề Phật nói, người nào trừ được chấp ngã ở thế gian cho đến các cõi trời thì có trí tuệ, được lợi ích. Chấp ngã cho rằng có một chủ tể thường nhất là ngu si. Chấp linh hồn là chủ tể của thân này, là chấp thần ngã, giống như thuyết Thần ngã của Ấn Độ giáo. Chấp cho linh hồn là cái hiểu biết, là thường nhất, trong khi nó luôn luôn thay đổi, không phải thường nhất mà lại cho là chủ của cả vật chất lẫn tinh thần, tức là chấp sai. Không có chủ tể, không phải thường nhất mà chấp là ngu si. Phá được chấp này rồi, mới thấy tinh thần là một dòng biến chuyển. Thân thể của chúng ta mà chúng ta cũng không làm chủ được, khi bệnh thì nó cứ bệnh, phải nhờ người điều trị giùm. Đau chỗ nào chỉ biết đau, chứ không biết vì sao nó đau? Tất cả đều không biết thì làm sao là chủ được? Nên chấp linh hồn là chủ tể, thường nhất là không đúng lẽ thật.

Thương ghét của chúng ta do đâu mà có? Thí dụ chúng ta đang gánh nặng, giữa đường có người gánh phụ đến nơi, chúng ta liền cho đó là người tốt, thấy thương. Ngược lại, nếu đang gánh nặng mà có người còn gửi thêm thì phiền tức lắm, liền cho là người xấu, thấy ghét. Nếu người tốt kia có xấu với người khác chúng ta cũng bênh vực, còn người chúng ta cho là xấu, dù việc làm của họ tốt vì lợi ích chung, chúng ta cũng không thích, không cần biết. Hoặc như khi đi đâu gặp người đối xử tử tế nồng hậu, khi về liền khen. Đến chỗ nào mà người ta bận rộn công việc nên lơ là thì chê trách buồn phiền. Tất cả sự thương ghét đó đều từ bản ngã mà ra. Thương nên theo đuổi, ghét sanh thù hận. Theo đuổi thì nhiễm ô, thù hận thì tội lỗi. Từ chấp ngã mà tạo ra biết bao thứ phiền não, khổ đau cho mình lẫn người. Phá được chấp ngã rồi mọi khổ đau không còn, trí tuệ phát sanh. Đó là giác ngộ giải thoát.

Bố-tra bạch Phật đang khi mang thân người ở cõi Dục, cùng một lúc có cả thân các cõi trời khác không? Phật nói như sữa bò biến chế thành lạc, sanh tô, thục tô, đề hồ. Từ sữa bò chúng ta chế biến lần lần thành đề hồ. Như vậy ở chặng nào thì thành thứ ấy, tùy thuộc vào chặng đó, khi thành đề hồ rồi không được gọi là sữa bò nữa. Cũng vậy khi mang thân nào thì chỉ có thân đó chứ không có thân kia.

Phật hỏi lại: Khi mang thân hiện tại có thân quá khứ vị lai không? Khi mang thân vị lai, có thân quá khứ và hiện tại không? Bố-tra đều đáp: Không. Phật kết luận: Này Bốtra-bà-lâu! Đây cũng như thế khi làm thân người ở cõi Dục thì không thể thân các cõi kia. Như vậy, khi mang thân này thì không có thân khác. Thân hiện tại là hiện tại chứ không có thân quá khứ, vị lai. Mang thân vị lai thì không có thân quá khứ và hiện tại.

Khi nghe Phật dạy đến đây, Bố-tra phát tâm hoan hỷ xin quy y, xuất gia. Chỗ này rất đặc biệt. Khi nghe Bố-tra xin như vậy, Phật bảo; Này Phạm chỉ! Nếu kẻ dị học nào muốn xuất gia hành đạo theo giáo pháp ta, họ phải được xét qua bốn tháng nếu vừa ý chúng tăng mới nhận cho xuất gia. Theo nguyên tắc nếu ngoại đạo muốn vào tu thì phải công quả từ ba đến bốn tháng, để cho chư tăng nghiệm xét hạnh kiểm, thấy được mới cho xuất gia.

Bạch đức Thế Tôn! Con nay xin ở trong Phật pháp bốn năm để chúng tăng xem xét, nếu vừa ý con hãy xin xuất gia thọ giới. Bố-tra thưa bao lâu cũng được, vì lòng tin của ông đã vững.

Phật dạy: Như ta đã nói, tuy có lệ đó, nhưng còn tùy theo người. Phật thấy Bố-tra đã thâm nhập được lý đạo, liền cho xuất gia chứ không cần phải đợi đến bốn tháng. Đoạn kinh này cho chúng ta thấy tinh thần tùy cơ tiếp vật trong đạo Phật. Tất cả nguyên tắc của Phật lập ra đều tùy duyên, chứ không chấp cứng. Ngài chế định giới điều, nhưng uyển chuyển hợp với căn cơ cao thấp của từng người, theo đó mà linh động.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

39. Này Potthapāda, có ba loại ngã chấp: thô phù ngã chấp, ý sở thành ngã chấp, vô sắc ngã chấp. Này Potthapāda, thế nào là thô phù ngã chấp? Có sắc do bốn đại hình thành, do đoàn thực nuôi dưỡng là thô phù ngã chấp. Thế nào là ý sở thành ngã chấp? Có sắc, do ý sở thành, đầy đủ chi tiết lớn nhỏ, các căn đầy đủ, là ý sở thành ngã chấp. Thế nào là vô sắc ngã chấp? Không có sắc, do tưởng sở thành là vô sắc ngã chấp. 

40. Này Potthapāda, ta thuyết pháp để diệt thô phù ngã chấp. Nếu các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại, tự chúng ta giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại. Này Potthapāda, rất có thể các người nghĩ: “Các nhiễm pháp sẽ diệt trừ, các tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại tự chúng ta giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại, tuy vậy đau khổ vẫn tồn tại”. Này Potthapāda, chớ có nghĩ như vậy. Khi nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, ngay hiện tại tự chúng ta giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại, thời hân hoan sanh, hoan hỷ, khinh an, chánh niệm, tỉnh giác và lạc trú sanh. 

41. Này Potthapāda, ta thuyết pháp cũng để diệt trừ ý sở thành ngã chấp. Nếu các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ, và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại. Này Potthapāda, rất có thể các người nghĩ: “Các nhiễm pháp sẽ diệt trừ, các tịnh pháp sẽ tăng trưởng, và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại, tuy vậy đau khổ vẫn tồn tại”. Này Potthapāda, chớ có nghĩ như vậy. Khi nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại, thời hân hoan sanh, hoan hỷ, khinh an, chánh niệm, tỉnh giác và lạc trú sanh. 

42. Này Potthapāda, ta thuyết pháp cũng để diệt trừ vô sắc ngã chấp. Nếu các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại. Này Potthapāda, rất có thể các người nghĩ: “Các nhiễm pháp sẽ diệt trừ, các tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại, tuy vậy đau khổ vẫn tồn tại”. Này Potthapāda, chớ có nghĩ như vậy. Khi nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, ngay hiện tại tự chúng ta giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại, thời hân hoan sanh, hoan hỷ, khinh an, chánh niệm, tỉnh giác và lạc trú sanh. 

43. Này Potthapāda, có những người ngoài hỏi chúng tôi: “Này hiền giả, thô phù ngã chấp ấy là gì mà hiền giả thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại”. Khi được chúng hỏi như vậy, chúng tôi trả lời: “Này hiền giả, chính thô phù ngã chấp ấy, chúng tôi thuyết pháp để diệt trữ, khiến các người thực hành theo pháp này, thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại”. 

44. Này Potthapāda, có những người ngoài hỏi: “Này hiền giả, ý sở thành ngã chấp ấy là gì mà hiền giả thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại?” 

Khi được chúng hỏi vậy, chúng tôi trả lời: “Này hiền giả, chính ý sở thành ngã chấp ấy, chúng tôi thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp này, thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại.” 

45. Potthapāda, có những người ngoài hỏi chúng tôi: “Này hiền giả, vô sắc ngã chấp ấy là gì mà hiền giả thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại tự chúng ta giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại?” 

Khi được chúng hỏi vậy, chúng tôi trả lời: “Này hiền giả, chính vô sắc ngã chấp ấy, chúng tôi thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp này, thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại.” 

Này Potthapāda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy thời có phải lời nói của người kia là chính xác, hợp lý chăng? 

46. Này Potthapāda, ví như một người muốn xây một cái thang để leo lên lầu, từ dưới chân lầu ấy. Người ấy được hỏi: “Này bạn, ông xây một cái thang để leo lên lầu, vậy ông có biết lầu ấy về hướng đông, hay là về hướng tây hay là về hướng bắc hay về hướng nam? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình?” Nếu người ấy trả lời: “Này hiền giả, cái lầu mà tôi xây thang để leo lên chính tại dưới chân lầu này”. Này Potthapāda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy thời có phải lời nói ấy là chính xác, hợp lý chăng? 

– Vâng phải, bạch Thế Tôn! Sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là chính xác, hợp lý. 

47. – Như vậy, Này Potthapāda, có những người ngoài hỏi chúng tôi: “Này hiền giả, thô phù ngã chấp là gì? … Này hiền giả, ý sở thành ngã chấp ấy là gì? … Này hiền giả, vô sắc ngã chấp là gì mà hiền giả thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại?” Khi được hỏi vậy, chúng tôi trả lời: “Này hiền giả, chính vô sắc ngã chấp ấy, mà chúng tôi thuyết pháp để diệt trừ, khiến các người thực hành theo pháp này, thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng và ngay hiện tại tự mình giác ngộ, với thắng trí chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn quảng đại.” 

Này Potthapāda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói ấy là chính xác, hợp lý? 

– Vâng phải, bạch Thế Tôn! Sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là chính xác hợp lý. 

48. Khi nghe nói vậy, Citta Hatthisāriputta bạch Thế Tôn: 

– Bạch Thế Tôn, trong khi có thô phù ngã chấp, phải chăng không có ý sở thành ngã chấp, không có vô sắc ngã chấp? Thô phù ngã chấp khi ấy thật có tồn tại. Bạch Thế Tôn, trong khi có ý sở thành ngã chấp, phải chăng không có thô phù ngã chấp, không có vô sắc ngã chấp? Ý sở thành ngã chấp khi ấy thật có tồn tại. Bạch Thế Tôn, trong khi có vô sắc ngã chấp, phải chăng không có thô phù ngã chấp, không có ý sở thành ngã chấp? Vô sắc ngã chấp khi ấy thật có tồn tại. 

49. – Này Citta, trong khi có thô phù ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc ý sở thành ngã chấp, không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc thô phù ngã chấp. Này Citta, trong khi có ý sở thành ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc ý sở thành ngã chấp. Này Citta, trong khi có vô sắc ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô sắc ngã chấp. Này Citta, nếu có người hỏi ngươi: “Ngươi có tồn tại ở quá khứ hay không? Ngươi sẽ tồn tại ở tương lai hay không? Ngươi có tồn tại ở hiện tại không?” Này Citta, được hỏi vậy, ngươi trả lời như thế nào? 

– Bạch Thế Tôn, nếu có người hỏi con: “Ngươi đã có tồn tại ở quá khứ hay không? Ngươi sẽ tồn tại ở tương lai hay không? Ngươi có tồn tại ở hiện tại hay không?” Bạch Thế Tôn được hỏi vậy, con sẽ trả lời: “Tôi đã có tồn tại ở quá khứ, không phải không tồn tại; tôi sẽ tồn tại ở tương lai, không phải không tồn tại; tôi tồn tại ở hiện tại, không phải không tồn tại”. Bạch Thế Tôn, nếu được hỏi như vậy, con sẽ trả lời như vậy. 

50. – Này Citta, nếu có người hỏi lại ngươi: “Quá khứ ngã chấp mà ngươi đã có, có phải ngã chấp ấy đối với ngươi là thật có, ngã chấp tương lai không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Tương lai ngã chấp mà ngươi sẽ có, có phải ngã chấp ấy đối với ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Hiện tại ngã chấp mà ngươi hiện có, có phải ngã chấp ấy đối với ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại?” Này Citta, được hỏi như vậy, ngươi trả lời thế nào? 

– Bạch Thế Tôn, nếu có người hỏi con: “Quá khứ ngã chấp mà ngươi đã có, có phải ngã chấp ấy đối với ngươi là thật có, ngã chấp tương lai không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Tương lai ngã chấp mà ngươi sẽ có, có phải ngã chấp ấy đối với ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Hiện tại ngã chấp mà ngươi hiện có, có phải ngã chấp ấy đối với ngươi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại?” Bạch Thế Tôn! nếu được hỏi vậy, con sẽ trả lời: “Quá khứ ngã chấp mà tôi đã có, ngã chấp ấy đối với tôi là thật có, ngã chấp tương lai không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại? Tương lai ngã chấp mà tôi sẽ có, ngã chấp ấy đối với tôi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp hiện tại không tồn tại. Hiện tại ngã chấp mà tôi hiện có, ngã chấp ấy đối với tôi là thật có, ngã chấp quá khứ không tồn tại, ngã chấp tương lai không tồn tại”. Bạch Thế Tôn, được hỏi như vậy, con sẽ trả lời như vậy. 

51. Như vậy này Citta, trong khi có thô phù ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc ý sở thành ngã chấp, không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc thô phù ngã chấp. Này Citta, trong khi có ý sở thành ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc vô sắc ngã chấp, chính khi ấy thuộc ý sở thành ngã chấp. Này Citta, trong khi có vô sắc ngã chấp, thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô sắc ngã chấp. 

52. Này Citta, ví như từ bò cái sanh ra sữa, từ sữa sanh ra lạc, từ lạc sanh ra sanh tô, từ sanh tô sanh ra thục tô, từ thục tô sanh ra đề hồ. Khi thành sữa thời sữa ấy không thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, không thuộc đề hồ, chính khi ấy thuộc sữa; khi thành lạc… khi thành sanh tô khi thành thục tô… khi thành đề hồ thời đề hồ không thuộc sữa, không thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, chính khi ấy thuộc đề hồ. 

53. Như vậy này Citta, trong khi có thô phù ngã chấp… Này Citta, trong khi có ý sở thành ngã chấp… Này Citta, trong khi có vô sắc ngã chấp thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô sắc ngã chấp. Này Citta, chúng chỉ là danh tự thế gian, ngôn ngữ thế gian, danh xưng thế gian, ký pháp thế gian. Như Lai dùng chúng nhưng không chấp trước chúng. 

54. Được nghe nói vậy du sĩ ngoại đạo Potthapāda bạch Thế Tôn: 

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. 

55. Và Citta Hatthisāriputta cũng bạch Thế Tôn: Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tăng. Mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, mong cho con thọ đại giới. 

56. Citta Hatthisāriputta được xuất gia với Thế Tôn và được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, đại đức Citta Hatthisāriputta ở một mình an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Đó là vô thượng Phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú, sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa. Đại đức Citta Hatthisāriputta hiểu biết như vậy. 

Và đại đức Citta Hatthisāriputta trở thành một vị A-la-hán nữa. 

Giảng: 

Bên Pāli và Hán tạng có những điểm khác nhau. Thứ nhất, Hán tạng chỉ nói thân thế gian cho đến thân ở các cõi trời Sắc, Vô sắc… và Phật nói pháp diệt chấp ngã ở các cõi này. Còn Pāli thì nói thô phù ngã chấp, ý sở thành ngã chấp, sắc ngã chấp, Phật cũng nói pháp diệt trừ những ngã chấp này.

Thứ hai, bên Hán tạng từ thủy đến chung chỉ có Bố-tra thưa hỏi đạo lý với Phật, rồi ông hiểu và phát tâm xin quy y, xuất gia, chứng A-la-hán. Bên Pāli phần sau lại có thêm Citta Hatthisāriputta, trong các kinh khác nói ông là người rất hiểu đạo, vậy đưa thêm ông vào đây là không hợp lý. Phạm chí Bố-tra-bà-lâu, trong hàng ngoại đạo là người đã xuất gia, khi thâm nhập đạo lý của Phật muốn được gần gũi tăng đoàn thì ông phải xuất gia, chứ đâu thể chỉ xin quy y thôi. Nếu quy y với Phật mà còn làm người xuất gia theo ngoại đạo là vô lý. Đối chiếu đoạn này, chúng ta thấy bản kinh bên Hán tạng có lý hơn, còn về câu chuyện đối đáp thì hai bên không khác.

PHẦN TOÁT YẾU

Tựa kinh này lấy tên ngoại đạo Bố-tra-bà-lâu mà đặt tên. Phật đi khất thực còn sớm nên ghé thăm vườn của Phạm chí Bố-tra-bà-lâu. Sau khi nghe Bố-tra trình bày các việc mà nhóm Phạm chí đang tranh luận, Phật giải thích rõ ràng từng vấn đề, giúp ông hiểu thông suốt và phát tâm quy y xuất gia theo Phật,

Những vấn đề các ngoại đạo bàn luận như: Tư tưởng con người ngẫu nhiên sanh ra và ngẫu nhiên diệt mất, tư tưởng do định mệnh sanh ra rồi cũng do định mệnh mà diệt, hoặc chấp có vị thiên thần đầy đủ oai lực đem tư tưởng đến và đem tư tưởng đi.

Tất cả vấn đề trên Phật đều giải thích, do nhân duyên tư tưởng sanh và do nhân duyên tư tưởng diệt. Nên khi tu bỏ tư tưởng này mà sanh tư tưởng kia, từ Sơ thiền tiến dần lên các thứ lớp định cao hơn. Như có người nhân được gặp Phật ra đời, xuất gia tu học, dẹp trừ ngũ cái, lìa tâm tham dục, được hỷ lạc chứng Sơ thiền, gọi là Ly sanh hỷ lạc. Như vậy do nhân duyên mà tư tưởng tham dục diệt trừ, tư tưởng hỷ lạc sanh khởi. Các lớp định tiếp theo cho tới Phi phi tưởng cũng đều như vậy. Do nhân duyên tư tưởng sanh, cũng do nhân duyên tư tưởng diệt.

Chủ yếu Phật nói kinh là vì lợi ích cho con người, những điều ngoại đạo đưa ra có tính cách mơ hồ không thiết thực như: Thế gian là thường hay vô thường, ngã là một hay khác, Như Lai sau khi Niết-bàn là còn hay mất v.v… thì Phật không trả lời. Phật chỉ trả lời vấn đề nào có liên quan đến pháp Tứ đế. Câu đáp này làm sáng tỏ điều cốt yếu Phật muốn nói. Phật dạy những vấn đề cụ thể, thực tế, đem lại lợi ích cho mọi người, chứ không nói đến những việc mơ hồ xa xôi. Như khi ngoại đạo chấp có một cõi trời hoàn toàn an vui hạnh phúc, Phật liền đưa ra thí dụ anh thanh niên quen một cô gái và người bắc thang giữa đường, để chỉ cho thấy chỗ chấp sai lầm của ngoại đạo về một cõi giới hoàn toàn không có thật.

Đó là trọng tâm của bài kinh này.

Trang trước Mục lục

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.